Friday, February 4, 2011

ĐẢNG và XUÂN (Hòa Vân, Diễn Đàn)

Hoà Vân
Cập nhật : 02/02/2011 08:51

Ngày mồng một Tết năm nay rơi trúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 81 thành lập ĐCSVN, hai tuần sau khi đại hội lần thứ 11 của đảng này vừa chấm dứt. Báo chí chính thống trong nước sẽ tràn ngập những bài « mừng Đảng, mừng Xuân » đầy những ngôn từ hoa mỹ, « có cánh ». Những bài viết với lượng thông tin thực chất tỉ lệ nghịch với các lời ngợi ca, sẽ chẳng thấm vào được tim óc của một người dân bình thường nào, đó là điều không khó để thấy trước.

Cũng như, không khó thắng nếu ai đó muốn đặt cược : các bài diễn văn, nghị quyết tại đại hội, dài dằng dặc và đầy những ngôn ngữ hình thức1, cứng ngắc, sẽ chẳng được mấy người nhớ tới (may ra, một phần vạn số đảng viên ? – không nói tới tỷ lệ trong toàn dân). Nhớ mà làm chi ? Những bản dự thảo các văn kiện được đưa ra « lấy ý kiến của nhân dân » trong thời gian một tháng rưỡi (15.9-31.10.2010) nhận được những tiếng vang yếu ớt ngay trên mặt báo chí chính thống. Ít hơn nhiều so với hồi chuẩn bị đại hội X năm năm trước. Và chắc chắn là ít hơn nhiều nhiều những bài viết về cuộc thi âm nhạc Vietnam Idol chẳng hạn. Người ta có chú ý phần nào tới các nhân vật được đại hội cử ra để lãnh đạo ĐCS và nhà nước2 trong 5 năm tới, nhưng chắc chắn cũng chẳng ai được nhiều người quan tâm như cô ca sĩ « thần tượng » Uyên Linh !

Trên trang blog của tờ báo mạng có trụ sở tại Tokyo The Diplomat, chuyên về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, một nhà báo đã giật tít « Một đại hội khá tẻ nhạt » (A rather dull congress) cho bài viết của mình về đại hội XI. Theo bài này, có vẻ như sự kiện đáng chú ý nhất là sau đại hội các trang mạng xã hội Facebook không còn bị chặn ngặt nghèo như trong những ngày đầu năm.

Dễ hiểu. Những người theo dõi tình hình chính trị Việt Nam đã thấy từ nhiều tháng trước những bước đi hội tụ của hàng loạt biện pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn mọi tiếng nói phê phán, mọi thảo luận đi sâu vào những vấn đề nhức nhối của đất nước. 

Một chính quyền tham nhũng tới xương tuỷ, bất lực nếu không phải chính là thủ phạm gây ra những tệ nạn xã hội qua các chính sách của mình. Giáo dục xuống cấp trầm trọng, quan chức mang đầy bằng cấp giả nhiều hơn thật, một chức hiệu trưởng, giáo viên ở nhiều nơi cũng phải trả giá. Pháp luật thì lỏng lẻo với đảng viên có chức có quyền và nghiệt ngã với những ai không chịu nhắm mắt làm ngơ trước bạo tàn, áp bức. Có gì lạ khi bạo lực tràn lan từ học đường ra xã hội ? Trong khi lạm phát phi mã hai con số đang làm điêu đứng đời sống của người dân, các chính sách lớn vẫn lấy « tốc độ tăng trưởng » làm ưu tiên, chẳng cần tính đến hiệu quả của những đồng vốn đầu tư – trừ « hiệu quả » đút túi các quan chức. Vinashin chỉ là một ví dụ nổi lên vì không thể che đậy, nhưng « đường sắt cao tốc » vẫn là giấc mơ chưa từ bỏ của ai đó, dù đã một lần thất bại ở Quốc hội. Và ngoại giao thì thoả hiệp với nước ngoài tới mức làm nhục quốc thể, tới mức gây nguy hiểm cho an ninh của đất nước (Bauxite Tây Nguyên và những vụ cho thuê đất rừng đầu nguồn), hay của người dân (những người đánh cá không được bảo vệ khi bị tàu nước ngoài tấn công trên vùng biển của đất nước). Vân vân và vân vân.

Đại hội của đảng cầm quyền là gì, nếu không phải là dịp mang những u nhọt rất cụ thể đó ra mổ xẻ, tìm các phương án cứu chữa, và loại ra khỏi guồng máy lãnh đạo những người đã chứng tỏ sự bất lực, sự ngu dốt và/hoặc tính tham lam của mình ?

Những cuộc thảo luận trong chiều hướng đó, nếu được đưa ra nghị trường, được công khai hoá, chắc chắn sẽ thu hút sự theo dõi của xã hội, làm cho không khí đại hội « nóng » lên, khởi sắc lên. Song, ban lãnh đạo của đảng đã chọn những ưu tiên khác, chẳng liên quan gì lắm tới các mối quan tâm nói trên của người dân. « Vấn đề nhân sự » không được thảo luận dưới khía cạnh ai đã làm gì, có những chủ kiến nào trước các vấn đề lớn của đất nước, đã đưa ra những chính sách đúng, sai thế nào..., mà chủ yếu chỉ dính tới sự phân chia, tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng – nói cho đúng là giữa các nhóm lợi ích và các cát cứ địa phương trong đảng. Dĩ nhiên, điều đó chỉ có thể diễn ra trong « nội bộ », trong bóng tối.

Trước hết người ta đã cẩn trọng « giải quyết » trước ngày khai mạc các tranh chấp quyền lực ấy, và không cho phép ai chất vấn ê-kíp cầm quyền trong việc quản lý đất nước (vì ai biết trước được các ý kiến đưa ra sẽ dẫn tới đâu !). Báo chí cũng tuyệt đối chỉ nhận được những thông tin « chọn lọc » trước. Nguy cơ một số đại biểu có thể tiết lộ một số thông tin về cuộc thảo luận tới các phương tiện truyền thông (trong hay ngoài lề) cũng được ngăn chặn rất kỹ. Tại đại hội với lệnh bắt các đại biểu để điện thoại di động ngoài phòng họp, và từ trước, với sự răn đe không che đậy qua những vụ bắt bớ, xét xử diễn ra trong năm3, những vụ tấn công các trang mạng như Bauxite Việt Nam, VietnamNet (báo « lề phải » nhưng có tội đã đưa nhiều vấn đề gai góc ra trước dư luận), chưa kể các trang blog, trang Facebook... Song song, những ngòi bút « tuyên huấn » của đảng không ngừng đánh động dư luận về các chủ đề « đa nguyên, đa đảng », « diễn biến hoà bình » hay tệ hại hơn nữa, « tự diễn biến »4 – làm như đó là đe doạ chính đối với chế độ, trong khi chính việc công khai và thẳng thắn thảo luận về những nhức nhối cụ thể như nói trên, về các nguyên nhân và hậu quả của chúng, mới là điều mà đảng muốn trốn tránh.

Nhà báo Margie Mason, trên tờ báo mạng Canadianbusiness.com chắc cũng chia sẻ đánh giá của tờ The Diplomat khi bà viết bài : « Đại hội của ĐCSVN không phải là hội hè5 cho một nước đang sa lầy trong những khó khăn kinh tế ». Đại hội « buồn tẻ », không phải là ngày hội, là vì thế. Vì chuyện quyền lực đã chia xong, chuyện quốc kế dân sinh chỉ là thứ yếu. Còn lại một vở diễn buồn chán trong những ngày đông lạnh giá, với những đào kép già nua, biết gánh hát của mình chẳng còn thu hút được ai nhưng vẫn cố bám vào những đặc quyền nó đã giành được…
Vở diễn rồi cũng đã xong. Cụ trùm 81 tuổi đầy quyền uy, cùng cỡ với những Zine el-Abidine Ben Ali của Tunisia, Hosni Mubarak của Ai Cập, tiếp tục lầm bầm lệnh cho đàn em nắm chặt các mối dây quyền lực, kiểm soát những nguồn thu còn béo bở. Tương lai gần nhiều bất định (và càng bất định hơn khi người dân bị tước đoạt quyền tổ chức thành những lực lượng chính trị đại diện cho mình),  song mấy ai đã dự đoán trước được các cuộc cách mạng ở Tunisia hay Ai Cập? 
« Cuộc sống vẫn lừng lững đi tới », như mùa Xuân tiếp nối mùa đông, có thể nào khác ?


Hoà Vân


1 Vài con số: « Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa » gồm 6715 từ, dài 9 trang A4 (kiểu chữ Times New Roma, co 12) ; Báo cáo chính trị do ông Tổng Nông Đức Mạnh đọc tại đại học : 29.269 từ, 39 trang ; trước đó, trong buổi khai mạc, ông Mạnh đã đọc một “diễn văn quan trọng”, báo các trước đại hội về các văn kiện sẽ đưa ra thảo luận (gồm Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩaChiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, Báo cáo chính trị », Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X). Bài nói này dài 12380 từ, chiếm 16 trang giấy.
2 Những chức danh lãnh đạo của Nhà nước còn phải đợi đến sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 tới mới được chính thức hoá.
3 Ngoài các vụ xét xử và bỏ tù các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên và bà Trần Khải Thanh Thủy hồi đầu năm, gần đây chính quyền đã bắt giữ các ông Phan Thanh Hải (blogger Anhbasg), Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi (vừa mới bị xử 8 năm tù), và không chịu trả tự do cho ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) dù đã thi hành xong án tù hai năm rưỡi.
4 Bản thân cụm từ này cũng nhắc lại tính chất đấu đá “nội bộ” của đại hội đảng, trùm lên những lo toan quốc kế dân sinh..
5 “Vietnam's Communist Congress is no party for country mired in economic problems”. Tác giả chơi chữ : “party” vừa là đảng chính trị, vừa là một buổi hội hè.
.
.
.

No comments: