Friday, February 4, 2011

CẢM NGHĨ TỪ THÁP RÙA (Đà Huyên, Diễn Đàn)

Đà Huyên
Cập nhật : 02/02/2011 10:00

Cũng là Tháp, nhưng giai thoại về sử tích Tháp Babel, từ thưở hồng hoang của loài người thì có nhiều, và ly kỳ. Sau cơn Đại hồng thủy, con người lo ngại Thượng đế vô tình, sẵn sàng mở van nước nhà trời, nhấn chìm họ bất cứ lúc nào, và họ đã quyết khởi sự xây lên một ngôi tháp vĩ đại, tại một xứ sở có tên Shinéar ( Trung Đông). Dưới sự chỉ huy của Nemrod, vị « tổng công trình sư » có thần cảm, có tài duy trì lâu dài những ám ảnh sợ hãi, toàn công trường xây dựng làm việc với tinh thần khẩn trương, không chỉ muốn đỉnh tháp cao vượt cả ngọn núi Ararat, mà phải xuyên thủng các tầng trời, và qua nhiều năm, bóng đen ngôi tháp đã rợp cả phương Đông… Nhưng rốt cuộc, 7 tầng ngôi tháp đồ sộ này, không dẫn được lối lên trời, như lời người ta hứa. Ngược lại số phận của những người xây tháp, lại nằm trong hố sâu chân tháp… Họ đã dừng việc xây tháp, và ngôi tháp đã đổ sập xuống. Tất nhiên, có ý kiến là giống người say sưa ái kỷ, không biết tôn thờ đến bậc Toàn tri, tự coi ngang bằng Thượng đế , nên bị trừng phạt. Dễ hiểu hơn, thì cho là tỉ lệ kết cấu tòa tháp của con người, sai với tính toán của Thượng đế. Nhưng dù gì, di hại của việc này, cho đến nay loài người vẫn đang gánh chịu, hiệu ứng Babel, như một «  lỗi tổ tông ». Câu chuyện này sẽ được trần tình vào dịp khác.

Dẫu vậy, sử tích trên, ít nhiều có liên hệ đến Tháp Rùa, nhưng không dính dáng đến chuyện kiến trúc, mà thực ra, chỉ qua đôi dòng suy gẫm nảy sinh từ hoạt động lập pháp của Quốc hội tại địa danh có Tháp Rùa. Một ví dụ : vụ biểu quyết thông qua nội dung về luật doanh nghiệp và quản lý các Tập đoàn kinh tế nhà nước, tại kỳ họp khóa trước, việc trao cho các Tập đoàn kinh tế một quyền hạn “không giới hạn”, trong khi Luật doanh nghiệp nhà nước 2003 còn nhiều lỗ hổng, nhất là đối với vấn đề “ thí điểm” mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước. Nói cách khác, chưa đủ cơ sở pháp lý để trình ra Quốc hội. Rất nhiều điều khoản của Luật chưa tường minh, trong đó sự chế tài, giống như bộ “phanh” chưa kịp lắp, các bộ ngành chính phủ không thực hiện được đầy đủ chức năng quản lý nhà nước, chuyên môn của mình... Và khi những “chiến xa” Tập đoàn hừng hực, rồi chầm chậm, rồi ì ạch leo dốc (chứ không phải cái bình địa thời bao cấp mà thủng thẳng), đến khi không leo nổi nữa, nó đã tuột trôi, càng cồng kềnh to nặng, thì tốc độ trôi càng kinh hoàng- đó là trường hợp Vinashin, nay mỗi mảnh văng mỗi nơi. Tiếp tục tái cấu trúc!
Còn Tập đoàn nào nữa: Điện Lực, Khoáng sản, Dầu khí, Hàng không, các Tổng 90-911, hệ thống Ngân hàng Nhà nước – Thương mại, các Dịch vụ bảo hiểm... đều đang bò trên những con dốc cao thấp khác nhau, đang tiềm ẩn hoặc bộc lộ những trắc trở đáng quan ngại .Trong khi kinh tế vĩ mô chưa đảm bảo về tính bền vững?

Nỗi lo lắng ngày một lớn trong xã hội. Lạm phát đã 2 con số, tỉ giá, ngoại tệ, vàng, bất động sản, chứng khoán... nhảy múa, như diễu cợt trước quyết tâm thực hiện xóa đói, giảm nghèo của chương trình 135, như bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội quốc hội đã nêu : giảm nghèo cũng nhanh, tái nghèo cũng nhanh! Nhiệm kỳ vừa qua, giai đoạn 2006-2010, 8/11 mục tiêu của chương trình chưa đạt, đáng lưu ý có tỉ lệ hộ nghèo, tỉ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu vnđ/năm (khoảng 170 usd/người/năm), tỉ lệ kiên cố hóa trường học không đạt... Chỉ đơn cử rất ít số liệu đã được nêu trong báo cáo (chứ chưa phải những số liệu đã được bạch hóa), nhớ lời Cụ Hồ, sao mà khó thực hiện đến thế, dù đã lùi xa cái cột mốc 1975 đến 35 năm 9 tháng : Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành ?

Trở lại chuyện lập pháp, khi hàng trăm đại biểu quốc hội (mà đa số là quan chức đầu ngành, đầu tỉnh thành, lãnh đạo các cơ quan công quyền của đảng, nhà nước, mặt trận, quốc phòng, an ninh...) bấm nút thông qua Luật doanh nghiệp nhà nước 2003, thì ông Lê Huy Ngọ (nguyên bộ trưởng Bộ Nông ngiệp và PTNT) đã giật mình, ngoái đầu sang, nói với ông Phúc (bộ trưởng Bộ Kế hoạch-đầu tư) : Chúng ta là Đười ươi giữ ống rồi! (VTV truyền hình trực tiếp lời ông Phúc). Một trong những sự thú nhận thật kinh hoàng, trước cuộc họp Quốc hội vừa qua. Bởi ông Phúc, còn được coi là một trong những “ kiến trúc sư” của nền kinh tế vừa qua, không kinh hoàng sao được? Tôi bỗng nhớ lại tuyệt tác “Anh em nhà Karamadôp ”, trong đó Ivan, là người anh thứ 2, một trí thức, trong gia đình Karamadôp, có ý định giết cha, một người cha đầy những tật xấu, “tội lỗi”. Ivan đã “thành công” trong việc ám thị Smecdiacôp (đứa con hoang, bị khinh miệt ruồng rẫy, cùng cha với 3 anh em Ivan, trong gia đình Karamadôp), ra tay giết cha. Và trớ trêu, người ra tòa lại là Mitia, người anh cả tốt bụng, thương người và cứng cỏi, nhưng lại có những hành vi cấu thành tội phạm.
Xin ngả mũ trước văn hào Nga F.M.Doxtoiepxki (1821-1881)!

*

Rất nhiều cụm từ thuật ngữ mới, thời gian qua đã đi vào cuộc sống, như những mảnh vụn của bức thông điệp lớn : Nhóm Lợi ích, Nền kinh tế cánh hẩu, Lỗi hệ thống, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bô-xít Tây Nguyên, Tư bản đỏ, Thời kỳ dã man tiền tư bản, Bầy đàn, Bản đồ hình lưỡi bò, Nhà đỏ nhà trắng,... Còn Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, Nền Văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Sống chung với lũ, Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân, Diễn biến hòa bình, Đất đai là sở hữu toàn dân, 16 chữ vàng, Vấn đề nhạy cảm, Chệch hướng XHCN, Đồng chí bin Laden... thì có từ thời kỳ trước. Nhiều thuật ngữ đang còn những ý kiến tranh luận, mà Hội đồng lý luận Trung ương cũng chưa kết luận rốt ráo (hoặc chưa đưa vào kế hoạch), nhất là những thuật ngữ ảo. Hàng ngày những từ ngữ mạnh mẽ vẫn rổn rảng bên tai mọi người. Trộm nghĩ, chỉ khi nào người ta không quá mê muội các hư ngữ, những cụm từ, thuật ngữ nghe rất kêu, gạt cái vỏ che lấp ấy đi, có thể chăng sẽ đối diện được với hiện thực cuộc sống. Có thể trần tình một cách thô mộc: khi Đảng còn đứng trên luật pháp, sẽ còn nhiều hệ lụy nảy sinh, vẫn sẽ kéo dài đại nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, không loại trừ dung dưỡng cho nhiều loại tội phạm... Chuyện dân gian hiện đại thì có nhiều, đơn cử về chuyện “ quán triệt” trong bỏ phiếu sinh hoạt ở chi bộ nọ, khi lãnh đạo đã nhất trí thì đồng chí Lê Nin chắc chắn có quê hương gốc gác ở Quảng Trị, nơi đồng chí Lê Duẩn sinh ra, và chắc tới 99,99 % số phiếu hợp lệ, đảng sẽ ra nghị quyết. Có câu hỏi tại sao làm được điều đó? Trả lời : thế mới tài tình, đó là bí quyết! Chúng ta đã có độ lùi cần thiết để nhận rõ tệ nạn xã hội thâm nhập, len lỏi vào từng tế bào xã hội, ngõ xóm, gia đình... người dân bình thường thật khó sống yên ổn, và day dứt hơn, khi họ đã quen với cuộc sống không hề yên ổn đó. Rất có thể đó là nét văn hóa “đậm đà bản sắc nhược tiểu” cố hữu. Một thứ “numéro de carte d’identité” (số chứng minh thư) không đổi2.
Đài Loan, 40 năm trở thành một hiện tượng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ; Nhật Bản 30 năm, vươn dậy từ “đống hoang tàn”, một cách phi thường đã trở nên một cường quốc, ngay cả trong nội khối ASEAN, nhiều nước đã bứt xa chúng ta hàng thập niên... trong khi rất nhiều chỉ báo, số liệu, bài viết, thông tin, hình ảnh... trên tất cả các lĩnh vực ở ta, đủ khiến mọi người nghi ngại (xin không cần liệt kê). Hàng ngày các tệ nạn vẫn tái diễn trên dải đất hình chữ S, thậm chí tàn nhẫn, trắng trợn. Nên đức tính cần có khi nhận sắc phong “ mũ cánh chuồn” lúc này, đầu tiên là cần biết xấu hổ.
Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng, đã lo lắng cho vấn đề “quan trí” (riêng việc không đọc sách là có thật, làm việc, nghe ngóng đều qua tham mưu, một đội ngũ rất sành hội họa!)3. Ông Nguyễn Văn An nói “Lỗi hệ thống”, tức là toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay. Mà trong đó có cả công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán... thật nhiều lỗ hổng, hạn chế (có thể tham khảo thêm Văn kiện trình ĐH Đảng XI). Là một cán bộ cao cấp nhất của Đảng (Chủ tịch Quốc hội), đứng hàng “ tứ trụ”, nguyên là Trưởng ban Tổ chức TW, lại có thời gian chấp chính đủ dài để chiêm nghiệm, khi đã phát biểu, ông An cũng đã trở trăn, nghĩ suy thấu đáo: “ Cần có luật cho Đảng”. Ông đã chỉ ra một điểm chí tử của chế độ.

*

Tất nhiên bức tranh đất nước thời gian qua có nhiều màu. Có những mặt tích cực, điểm nhấn nổi lên, cần khích lệ, có thể kể ra không ít. Nhưng không thể khỏa lấp nhiều nỗi lo rất thực, bởi các thế hệ hôm nay không còn sống trong ảo giác của những sự bịa đặt được tạc dựng, của “ bệnh thành tích”, người dân lo chính cái mạng của mình, gia đình mình, nơi ở cái ăn cái uống, gia súc gia cầm... trước thiên tai, bão lũ theo chu kỳ còn chưa nổi, các cháu nhỏ vẫn phải nghỉ học khi mùa mưa bão đến; người dân khi đóng thuế đã cảm nhận được sức đè ngày càng nặng của bộ máy công chức cồng kềnh, thiếu hiệu quả, hiệu lực. Bộ máy ấy, còn buộc người dân chạy loanh quanh, còn được hiểu là “song trùng lãnh đạo”, nhà trắng (bên chính quyền) như bản photocopy khổ lớn được (đảng) tự “công chứng” từ bản nguyên nhà đỏ (bên đảng). Rồi cứ thế, Trung ương copy xuống các địa phương, đến tận làng xã, bản nóc, miệt vườn... nhưng vẫn chưa thấy rõ bóng dáng Xã hội công dân4, một dấu ấn, thành tựu vào hàng đầu của nhân loại hàng trăm năm nay, mà nền móng đã được xây từ thời kỳ Trung cổ, thậm chí xa hơn qua giấc mơ của Platon, cùng nhiều nỗ lực của các Nhà Nhân loại học. Còn Quyền con người, nội dung cốt lõi, một chuẩn mực nhân loại tính, được trang trọng để trên những dòng đầu của bản Tuyên ngôn độc lập, mà Hồ Chủ tịch đã đọc tại Vườn hoa Ba Đình, ngày 2/9/1945, đến nay gần 70 năm, lại trở nên mơ hồ và xa vời với đa phần người dân Việt Nam : Quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc! Có phải họ vẫn đang ở dưới hố móng công trình vĩ đại, một “Tháp Babel” thứ 2 của loài người ,trong một guồng quay thật khó bề thoát ra? Sự suy giảm lòng tin đã và đang diễn ra, khả năng khó vãn hồi là có thực ! Phải chăng “Đổi mới là cuộc nhốn nháo vĩ đại”!, câu nói bất thần của GS. Hoàng Ngọc Hiến cách nay đã lâu, trở thành sấm ký hiện đại?

Đảng CSVN vẫn kiên định trên nền tảng chủ nghĩa Mác –Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng còn nhiều băn khoăn lo lắng, nỗi băn khoăn lo lắng có điểm gần giống ông Lê Huy Ngọ nói ở trên : Không biết các Cụ lãnh tụ đáng kính, ở bên kia thế giới, đã đưa “thẻ tre” để các thế hệ con cháu cầm chạy tiếp sức một mạch đến CNXH ? Hay các Cụ phải đưa tay “ nắm ống giang” cho nhóm người láu cá?
Vĩ thanh

Gần đây, người dân Thủ đô và nhiều nơi lo Cụ Rùa Hồ Gươm không thọ lâu nữa, vậy Tháp Rùa sẽ lạnh lẽo, lại căm giận cái lũ rùa tai đỏ. Lũ này tranh chỗ đứng, chỗ ăn của Cụ, rồi còn hùa nhau cắn nát dung nhan Cụ. Có cháu nhỏ đã khóc nấc lên, khi nhìn thấy những thương tích trên cổ, trên mai và khắp mình Cụ Rùa. Cụ là “ vật linh”, hiếm hoi, thuộc phả hệ gần tuyệt chủng. Lũ rùa tai đỏ, theo dự báo sẽ tiếp tục triển nở nhiều trong thời gian tới.

Hà Nội, Ngày 15/1/2011
Đà Huyên

Ghi chú
1 Gọi chung các tổng công ty thành lập theo Nghị định số 90, 91 của Chính phủ. Trong đó, tổng công ty 90 thuộc Bộ chủ quản quản lý, tổng công ty 91 trực tiếp trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, do Thủ tướng chỉ định chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc. Có khoảng 17 tổng công ty dạng này khi mới thành lập, sau đó có những tổng công ty trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước.
2 Lấy ý, từ cuộc đàm đạo của Gs. Francois Jullien tại Hà Nội, 2009. “La culture n’est pas le numéro de carte d’identité”.
3 Về mặt này, rất nên lấy gương ông Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Đảng CSVN để các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng học tập. Trên 90 tuổi, hàng ngày ông Đỗ Mười vẫn giữ thói quen đọc sách.
4 Xem bài “ Xã hội dân sự...” của Nguyễn Ngọc Giao, Diễn Đàn Forum, ngày 24.8.2009.
.
.
.

No comments: