Tuesday, January 4, 2011

XÓA VĨNH VIỄN HÌNH ẢNH MỘT THẦN TƯỢNG CỘNG SẢN (Nghiêm Huấn Từ)

Nghiêm Huấn Từ
Thứ Tư, 05/01/2011


Gorbachov - Eltsin – Putin – Medvedev và chủ nghĩa Cộng Sản
Đó là 4 vị tổng thống kế nhiệm nhau, tuy thuộc 3 thế hệ liên tiếp nhưng lại có thái độ khá giống nhau đối với chủ nghĩa Cộng Sản và chế độ Xô Viết của Stalin, chỉ khác nhau về mức độ “ngày càng gay gắt”.

Gorbachov và Eltsin từng giữ địa vị số 1 và 2 trong đảng CS Liên Xô. Với tư cách đó, một người được đặt vào cương vị tổng thống Liên Xô, người thứ hai là tổng thống Nga. Từ vị trí tối thượng, họ nhìn ra sự tha hoá không thể cứu vãn của đảng, họ đã có những câu nhận định và kết luận “để đời” sau khi họ ra khỏi đảng. Hơn thế, Eltsin còn ra lệnh cấm đảng Cộng Sản Liên Xô hoạt động trên lãnh thổ Nga.

Putin, rồi Medvedev, là thế hệ tiếp theo. Điều khác biệt nổi bật với thế hệ trước là họ đã “phi Cộng Sản” rất lâu trước khi là thổng thống. Putin năm nay đã ở lứa tuổi xấp xỉ 60; còn Medvedev khi làm phó thủ tướng mới có 40 tuổi, khá gần gũi với thế hệ trưởng thành hiện nay.

Như những bộc bạch của Medvedev thì các bậc ông-bà nội-ngoại của ông thuộc thế hệ tự thấy vinh dự được là công dân Xô Viết, do vậy tuyệt đối sùng bái Stalin, từng tự hào lao động quên mình và chiến đấu chí chết dưới sự chỉ huy trực tiếp của Stalin. Chuyện gột tẩy hình ảnh vĩ nhân Stalin khỏi đầu óc thế hệ này là điều không thể.

Thần tượng được dựng lên như thế nào?
Phải nói rằng trong thời gian cầm quyền dài tới 29 năm, Stalin đã tạo cho mình hình ảnh một siêu nhân, một thánh nhân, thật sự được người dân Liên Xô tôn thờ và bái vọng lâu bền giống như cha truyền con nối. Stalin là kiến trúc sư toàn năng và toàn quyền của chế độ Xô Viết. Nên nhớ rằng hôm nay chúng ta nhìn chế độ Xô Viết với nhãn quan khác hẳn so với người dân Liên Xô trước đây nhìn nó.
Chẳng gì, Stalin cũng đã biến được nước Nga nói riêng và Liên Xô nói chung từ lạc hậu trở thành một siêu cường quân sự ngang ngửa với Mỹ khiến người dân rất đỗi tự hào. Đúng là Stalin có cây đũa thần huy động được tối đa lòng tin và sức mạnh của dân Liên Xô trong công nghiệp hoá đất nước và trong chiến tranh vệ quốc. Từ khi vệ tinh nhân tạo được phóng lên không gian (1957), người dân Liên Xô càng khấp khởi chờ đến ngày phe xã hội chủ nghĩa sẽ lan cả sang Phi, Mỹ…

Cây đũa thần của Stalin được chế tác từ lý tưởng Cộng Sản (hứa hẹn hưởng theo nhu cầu) và chủ nghĩa dân tộc cực đoan (lòng tự hào được làm công dân Xô Viết), với hai tác dụng đối nghịch:
- Ai tiếp thu và tiêu hoá được hai thứ trên sẽ hãnh diện thành tín đồ của vị thánh sống. Số này bao gồm 90% dân số, có trình độ thấp, thiếu thông tin… nhưng giỏi ca ngợi.
- Ai không chấp nhận sẽ vĩnh viễn câm miệng. Đó là “những người bị thảm sát, khủng bố, tù đày, cũng là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ cao nhất và là những người can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó” – như Putin nhận định.

Hàng trăm đảng Cộng Sản từng lấy Liên Xô làm tấm gương hoạt động cách mạng. Hàng trăm dân tộc bị áp bức từng hướng về Liên Xô, có khát vọng bén gót dân Liên Xô. Nếu tìm một con người làm biểu tượng cho nước Nga và Liên Xô thì duy nhất chỉ có Stalin. Do vậy, một thời gian dài, việc xoá bỏ hình ảnh Stalin trong đầu người dân, để ông này hiện nguyên hình là một ác quỷ, quả thật không dễ.

Để đa số nhân dân Nga chấp nhận từ bỏ chế độ Xô Viết là một bước; nhưng để phần lớn những người cộng sản Nga hết luyến tiếc nó lại là một bước khác. Tất cả 4 vị tổng thống nói trên đã theo gương Khrushchyov, đều bắt đầu bằng dần dần vạch ra bộ mặt thật của Stalin – nhà kiến tạo chế độ Xô Viết. Hôm nay, đủ cơ sở để tin rằng Medvedev là người kết thúc hoàn hảo quá trình này.

Khrushchyov
Khrushchyov - cách viết chính thức trong từ điển Wikipedia (dân ta quen đọc là “Khơ-rut-shop”) - vị tổng bí thư đảng CS Liên Xô, tại đại hội năm 1956 đã đặt vấn đề chống sùng bái cá nhân Stalin. Mục tiêu chỉ khiêm tốn có vậy. Nghĩa là, Liên Xô vẫn coi Stalin là một lãnh tụ lỗi lạc, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một chiến sĩ gang thép, công lao dẫu vĩ đại… nhưng không phải vị thánh không bao giờ sai lầm. Giới trí thức tỏ vẻ tán đồng, có sự hồ hởi; nhưng hình tượng Stalin vẫn rất ít suy suyển trong đầu đa số dân chúng. Chính nhờ vậy, phái bảo thủ trong đảng đã làm đảo chính thành công, hạ bệ Khrushchyov (1964). Phải trải thêm gần 30 năm trì trệ nữa, chế độ Xô Viết mới sụp đổ, kéo theo sự tan rã của Liên Xô.

Tuy nhiên, sự lột xác để thành một cơ thể có sức sống mới đã gây những đau đớn. Kinh tế suy sụp khiến đời sống đa số người còn lao đao hơn cả thời Xô Viết. Do vậy, sự lưu luyến di sản cũ chưa thể gột rửa ngay. Đề cao Stalin là biện pháp quan trọng của đảng CS Nga trong chiến lược trở lại cầm quyền.

Gorbachov và Eltsin
Gorbachov thật sự là nhà cải cách, với mục tiêu là thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, cả chính trị lẫn kinh tế (Perestroika) theo hướng tự do; còn biện pháp là minh bạch, dân chủ (glasnost). Tuy thất bại trên những mục tiêu cụ thể, nhưng thành công lớn nhất là biến chế độ đảng quyền thành pháp quyền (từ tổng bí thư, ông trở thành tổng thống toàn Liên Xô). Còn Eltsin cũng thành tổng thống Nga. Vị trí vĩnh viễn của ông trong lịch sử là người xoá bỏ chế độ toàn trị hiện đại ở nước Nga và Liên Xô, thành trì XHCN thế giới.

Giống như thời Khrushchyov, phái thủ cựu trong đảng đã tiến hành đảo chính. Nhưng thời thế đã khác hẳn so với gần 30 năm trước. Người dân, chủ yếu lớp trẻ, đã xuống đường phản đối đảo chính, khiến nó thất bại.
Tổng thống Eltsin, dựa vào hiến pháp Nga, đã ra lệnh cấm đảng Cộng Sản Liên Xô hoạt động trên đất Nga (vì vi hiến). Ngay sau đó, khi Liên Xô giải thể, đáng này hết đất sống. Những mảnh vỡ của nó được ông Ziuganov tập hợp lại, trở thành một đảng mới toanh (không có lịch sử hay quá khứ) gọi là đảng Cộng Sản Liên Bang Nga, đương nhiên nó phải chấp nhận tranh cử theo quy định của hiến pháp.

Putin
Được Eltsin thu xếp cho trúng cử tổng thống, Putin rất biết rằng đảng Cộng Sản Nga là đảng đối lập mạnh nhất và do vậy khả năng gây bất ổn xã hội của đảng này cũng lớn nhất. Đây là đảng luyến tiếc nhất chế độ cũ, trong đó các cựu sĩ quan (được coi là có công lớn trong chiến tranh vệ quốc) đều là đảng viên cộng sản. Không nên để họ (và nói chung là lớp già trong xã hội) trở thành bất mãn về chính trị do bị xúc phạm về danh dự và niềm tin. Điều thuận lợi cho Putin là trong 8 năm ông cầm quyền, số lão thành này còn lại rất ít.
Mặt khác, chính Putin cũng xuất thân sĩ quan KBG, khiến lớp già hiểu rằng mấy đời gia đình ông từng trung thành với chế độ cũ. Ông đã lợi dụng điều này mỗi khi đối thoại với đảng Cộng Sản. Câu tuyên bố của ông trước quốc hội Nga “tôi chưa bao giờ viết đơn xin ra khỏi đảng Cộng Sản” là rất khôn, mặc dù khi đó ông đang đứng đầu một đảng khác (đảng Nước Nga Thống Nhất).
Nhưng ông cũng biết tranh thủ cảm tình của một khối không nhỏ dân Nga, gồm trí thức, thành phần tiên tiến và lớp trẻ bằng cách lên án tội ác của Stalin. Quan trọng nhất là dịp kỷ niệm 60 năm lễ chiến thắng (9-5-2005),lẽ ra theo thông lệ cần ca ngợi Stalin, thì trước mặt đông đảo khách quốc tế và lực lượng truyền thông khổng lồ, ông đã bước đầu phê phán Stalin.

Medvedev
Từ phó thủ tướng, chưa nổi tiếng, được Putin đưa ra ứng cử tổng thống năm 2008, luật sư Medvedev được bàn dân thiên hạ hiểu rằng ông chỉ là bước đệm để sau một nhiệm kỳ Putin sẽ trở lại cương vị cũ mà vẫn hoàn toàn phù hợp với quy định của hiến pháp.
Đã có những hình biếm hoạ coi ông như con búp bê, thậm chí con rối trong tay Putin. Nhưng không phải thế, mới tuyên thệ nhậm chức ngày 7 tháng 5 năm 2008, thì tháng 9 ông đã vinh danh nạn nhân của chế độ cũ và năm sau (2009) ông đã nêu đích danh thủ phạm là Stalin. Năm nay, cũng trong dịp lễ chiến thắng, ông tuyên bố đầy đủ nhất về tội các Stalin, được hàng ngàn hãng tin và tờ báo lớn trên thế giới đăng tải, bàn luận, trừ các báo ở 5 nước XHCN.
Còn hai năm nữa mới hết nhiệm kỳ, nhưng với cách làm như hiện nay có thể góp phần khiến ông sẽ có nhiệm kỳ II.

Trực tiếp xoá bỏ một thần tượng là những nhân vật quyền lực, nhưng họ phải dựa trên căn bản là lòng dân thay đổi; mà sự thay đổi này là do lớp trí thức tiên tiến kiên nhẫn giác ngộ cho.
Tháng 9 năm 2008

Hình 1: Medvedev, tổng thống Nga đầu tiên đặt hoa tưởng niệm nạn nhân chế độ cũ

Thế hệ CS già không còn nhiều tự tin khi rước ảnh Stalin

Năm 2009 (ngày 31-10)

Khánh thành một đài tưởng niệm nạn nhân Xô Viết (các viên đá lấy từ trại giam cũ)

Biếm hoạ: Medvedev là con rối hoặc cái mặt nạ của Putin

1- Tổng Thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố: Chế độ Cộng sản không thể sửa chữa được mà phải quẳng nó đi, thiết lập một chế độ mới.
2- Tổng Thống Nga Gorbachev nói: Chủ nghĩa Cộng sản sai lầm ngay khi nó "còn trên giấy". Nó như con quái vật càng ngày càng phình to, không còn cách gì khác là sớm vứt nó đi.
3- Nữ Thủ tướng Angela Merkel, lãnh tụ cũ của CS Đông Đức phát biểu: Chủ nghĩa Cộng sản sản xuất ra những con người dối trá.

-------------------------

.
.
.

No comments: