Friday, January 14, 2011

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KẾT NẠP GIỚI DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Nguồn: Bloomberg

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Sat, 01/15/2011 - 07:50

Lần đầu tiên, Việt Nam có thể chính thức cho phép các chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia Đảng Cộng sản, một hành động có thể giúp nâng cao hình ảnh của quốc gia trước các nhà đầu tư nước ngoài, việc này xảy ra một thập niên sau khi Trung Quốc từng đưa ra chính sách tương tự.
Đảng sẽ biểu quyết và thông qua điều lệ này vào ngày 18 tháng Giêng, ba đại biểu đã nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề Đại hội Đảng tại Hà Nội. Sự thay đổi này sẽ được dựa trên một chính sách đã được thông qua tại Đại hội Đảng lần trước vào năm 2006, cho phép các đảng viên hiện tại được quyền kinh doanh riêng.
"Việc này đã được hầu như toàn bộ các đại biểu ủng hộ và chúng tôi chắc chắn sẽ thông qua trong vài ngày tới," Huỳnh Văn Tới, một đại biểu từ Đồng Nai, một khu vực công nghiệp gần Thành phố Hồ Chí Minh nói. "Nó sẽ giúp tăng cường sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vì họ sẽ thấy rằng chúng tôi xem trọng lĩnh vực tư nhân."
Cho phép doanh nhân gia nhập đảng sẽ đề cao ảnh hưởng ngày càng nhiều của họ trong đất nước mà hiến pháp bắt buộc chính quyền phải đóng "vai trò chủ đạo" trong kinh tế. Các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân chiếm 81,5% tổng sản lượng công nghiệp trong năm 2008, tăng từ 50,4% trong năm 1996, theo số liệu mới nhất của nhà nước.
Có khoảng 1.400 đại biểu đang tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, một sự kiện được tổ chức năm năm một lần để bầu ra uỷ ban chấp hành nhằm đề xuất các vị trí trong Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh ông Tới, các đại biểu Nguyễn Đức Kiên và Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói rằng việc biểu quyết sẽ được tiến hành vào ngày 18 tháng Giêng và nó sẽ được thông qua.

Các nhà đầu tư hài lòng hơn
"Mọi người sẽ xem đây là một điều tích cực," Tony Foster, đồng quản trị viên tại Freshfields Bruckhaus Deringer ở Hà Nội đã nói qua điện thoại hôm nay. "Đảng càng theo hướng kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài càng hài lòng hơn."
Để gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện đang có 3,6 triệu đảng viên, các ứng cử viên cần phải có sự đề cử của hai đảng viên từng làm việc với mình ít nhất là một năm và phải trải qua một thời hạn thử thách dài một năm, căn cứ theo thông tin trên trang mạng của đảng. Việt Nam có khoảng 90 triệu dân, dữ kiện do Bloomberg thu thập cho biết.
"Mỗi đảng viên là một chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam," trang mạng của đảng nói.
Cho phép doanh nhân vào đảng sẽ đánh dấu sự thay đổi về quan điểm về lao động và bóc lột, Vũ Duy Hải, chủ tịch và tổng giám đốc của Vinacam Joint-Stock Co. tại Tp Hồ Chí Minh, chuyên mua bán phân bón và sản phẩm nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng đời sống
Người dân "không nghĩ rằng thuê mướn lao động để tạo công ăn việc làm cho xã hội," Hải, một đảng viên có 20 tuổi đảng, nói qua điện thoại. "Gọi đấy là bóc lột thì không chính xác. Khi họ làm việc cho chúng tôi, đời sống của họ khá hơn."
Trong năm 2002, cựu Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Giang Trạch Dân đã thay đổi học thuyết của Đảng Cộng sản và khuyến khích các chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia đảng. Hành động này đã đưa vào đảng những tỉ phủ vốn đang có ý định thay đổi chính sách, bao gồm một đề xuất vào năm ngoái nhằm xóa bỏ những dự định về thuế tài sản.
Đảng Cộng sản Việt Nam "không nhất thiết chỉ dành cho giai cấp lao động mà thôi," Nguyễn Đức Kiên, một quan chức của đảng tại Sóc Trăng, một tỉnh nằm ở phía nam, nói với phóng viên tại Hà Nội. "Chúng ta cần trân trọng doanh nhân tốt, kiếm tiền hợp pháp và cùng lúc đó tạo ra công ăn việc làm cho người dân."
Trong những năm 1950, có đến hai phần ba đảng viên Đảng Cộng sản là những người giàu có từng tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập từ người Pháp trước khi giới lãnh đạo thanh trừng họ và đưa những người bần nông vào đảng, Vũ Tường, một giảng viên tại Đại học Oregon nói.
Ba thập niên sau, các nhà lãnh đạo đảng đưa ra chính sách tư nhân hoá có giới hạn các công ty như là một phần của sự chuyển đổi hướng về kinh tế thị trường, còn gọi là đổi mới.

Thân thiện hơn
"Về sau, bất chấp sự lưỡng lự của đảng, chính sách sẽ trở nên thân thiện hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân, đơn giản là giờ đây họ là trụ cột của nền kinh tế," Vũ nói trong một email. "Tuy nhiên, mục tiêu chính của đảng vẫn là nhằm phát triển lĩnh vực nhà nước, và qua nó, đảng kiểm soát nền kinh tế."
Các công ty nhà nước Việt Nam chiếm 40% tổng sản lượng nội địa, theo thông tin của chính quyền.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu giám đốc ngân hàng nhà nước có thể sẽ giữ nguyên chức vụ thêm năm năm nếu ông được 15 thành viên Bộ Chính trị tái đề bạt vào tuần này, ông đã bị chỉ trích trước khi Đại hội bắt đầu vì sự quản lý của mình đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Vinashin vốn đang nợ ngập đầu.
Đảng Cộng sản muốn có tỉ lệ tăng trưởng từ 7 đến 8% cho đến năm 2020 và muốn tăng gần gấp ba thu nhập bình quân đầu người lên 3.000 đô la trong cùng thời kỳ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói vào ngày 12 tháng Giêng. Tỉ lệ vay mượn tăng 28% vào năm ngoái đã làm tăng thêm quan ngại về giá cả tăng và tương lai vỡ nợ chắc chắn được phản ánh qua mức giảm 2% của Chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn của sàn Việt Nam, đứng gần cuối bảng xếp hạng ở châu Á, chỉ sau sàn Thượng Hải.
Cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân vào đảng "là một phần của quá trình lớn hơn trong việc làm nhoà đi khoảng cách giữa khu vực nhà nước và tư nhân," Jonathan Pincus, một kinh tế gia ở Harvard Kennedy School tại Thành phố Hồ Chí Minh nói. "Đây không phải là con đường một chiều. Nó còn là phương cách để đảng truyền đạt nguyện vọng và chiến lược của mình đến cộng đồng kinh doanh."

K. Oanh Ha ở Hà Nội và Daniel Ten Kate ở Bangkok.

--------------------



.
.
.

No comments: