Friday, January 28, 2011

VỀ BÀI VIẾT "CÁI BÁNH DÂN CHỦ" (Trần Quang Ninh)

Trần Quang Ninh
Thứ Sáu, 28/01/2011

Tin liên quan:

Gần đây, các vấn đề PHẢN BIỆN XÃ HỘI, TỰ DO, DÂN CHỦ, DÂN TRÍ được đề cập đến khá nhiều. Cả những người đang giữ trọng trách, những người đã từng giữ trọng trách trong hệ thống chính trị cho đến giới trí thức, những người không giữ chức quyền đều bàn luận về các vấn đề này trên các “phương tiện thông tin chính thống” và cả các “phương tiện thông tin không chính thống”. Điều đó chứng tỏ rằng đây là các vấn đề ngày càng trở nên bức thiết.

Tác giả Trần Huy Thuận trong bài viết CÁI BÁNH DÂN CHỦ (http://boxitvn.wordpress.com/2011/01/27/ci-bnh-dn-ch%E1%BB%A7/) đã đề cập đến những vấn đề nói trên một cách khá lôi cuốn, hấp dẫn.

Có lẽ nhiều người đồng tình với các luận cứ của tác giả “dân trí thấp, dân thiếu hiểu biết là trở ngại lớn nhất, trực tiếp nhất và nguy hại nhất đối với việc thực thi tự do và dân chủ”“chỉ hô hào dân chủ mà không chú trọng việc nâng cao dân trí, là mị dân!”.
Tuy nhiên, không hẳn tất cả đều đồng ý với việc tác giả cho rằng “ Dân muốn thật sự tự do, thật sự dân chủ trước hết phải nâng cao dân trí”.

Dân trí không phải là trình độ học vấn mà là ở chỗ người dân biết mình có quyền gì? có thể làm gì? được phép làm gì để mưu cầu hạnh phúc cá nhân và góp sức đưa đất nước tiến lên. Theo nghĩa đó thì trong các xã hội phi dân chủ, cho dù trình độ khoa học – kỹ thuật có thể vẫn phát triển, nhưng dân trí vẫn không cao. Chỉ có thực hiện dân chủ hóa xã hội mới có thể phát huy dân trí một cách đầy đủ.
Như vậy thì dân chủ hoá xã hội và nâng cao dân trí luôn đi cùng nhau, không thể đợi có điều này mới làm điều kia. Người nắm quyền thường ngụy biện rằng khi mà dân trí còn thấp thì chưa nên dân chủ hóa, tùy theo trình độ dân trí đến đâu mới trao quyền dân chủ đến đó.
Hơn nữa, nói rằng dân trí ta hiện tại vẫn còn thấp thì e rằng đánh giá thấp thực trạng. Vả lại, một chế độ đã được xây dựng hơn 60 năm mà vẫn thấy rằng dân trí còn thấp thì lỗi này trách nhiệm thuộc ai?

Nhiều phản biện, chất vấn trên cơ sở các luận cứ khoa học và đúng quy định của pháp luật của các nhân sỹ, trí thức trong thời gian gần đây chứng tỏ dân trí không hề thấp mà chỉ là chưa được phát huy, coi trọng đúng mức. Sự coi trọng chưa đúng mức có lẽ phản ánh xã hội chưa có dân chủ thực sự.

Có phản biện xã hội chưa hẳn đã có nền dân chủ trong xã hội đó. Nếu như mọi phản biện xã hội đều bị quy kết, chụp mũ thì xã hội đó chưa có nền dân chủ. Nếu chỉ những phản biện “đi bên lề phải” mới được chấp nhận thì nền dân chủ đó chỉ là dân chủ nửa vời, dân chủ cho những người biết “lựa lời mà nói”. Nếu cho phép phản biện nhưng mọi phản biện (dù đúng đắn) cũng chỉ là . . . phản biện, không làm thay đổi chủ kiến của người nắm quyền thì đó chỉ là dân chủ giả hiệu, dân chủ cho có vẻ dân chủ mà thôi. Nếu chỉ những phản biện về những gì là “bệnh ngoài da” mới được lưu ý, còn những phản biện về những căn bệnh trầm kha đều bị coi là những ý kiến “khó nghe” thì đất nước khó có thể tiến lên mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng sức mạnh của mình.

Việc nâng cao dân trí tất nhiên không thể không dựa trên một nền giáo dục tự do, đại chúng. Sự tự chủ, tính độc lập về mặt khoa học của hệ thống giáo dục, sự tự do về mặt tư tưởng, tinh thần phản biện là những vấn đề lớn lao cần đặt ra cho hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng tại nước ta hiện nay.

Thái Nguyên Bồi (người từng là Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc, Hiệu trưởng Trường ĐH Bắc Kinh) gần 100 năm trước từng nói “Chúng ta phải được tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, không để cho một trường phái triết học hay bất kỳ một loại hình tôn giáo nào giam hãm tư tưởng của chúng ta. Trái lại, chúng ta phải luôn hướng tới những tư tưởng cao cả mang tinh thần nhân loại, những tư tưởng sẽ tồn tại mãi mãi, bất kể không gian và thời gian. Đó là nền giáo dục xứng đáng với tên gọi là nền giáo dục toàn cầu”.

Hiệu trưởng Drew Gilpin Faust của Đại học Havard trong Lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2009, cũng phát biểu “các trường đại học phục vụ như những nhà phê bình và là lương tâm của xã hội. Chúng ta tạo ra không chỉ tri thức mà còn tạo ra những câu hỏi, tạo ra những hiểu biết bắt nguồn từ chủ nghĩa hoài nghi, từ sự không ngừng đặt câu hỏi chứ không phải từ sự thống trị của những tri thức thông thái được chấp nhận không cần thử thách. Hơn bất cứ một tổ chức nào khác trong xã hội, cốt lõi của các trường đại học là tầm nhìn dài hạn và những quan điểm phản biện, và những điều này có được chính là vì đại học không phải là sở hữu của riêng hiện tại”.

Quan điểm tương đồng của 2 nhà giáo dục ở các quốc gia khác nhau, tại các thời điểm khác nhau phần nào cho thấy vai trò của giáo dục trong việc phát huy dân trí, đề cao tự do và dân chủ.
.
.
.

No comments: