Nguyễn Trung
25/01/2011
Tuy không gây nhiều phản cảm như vụ con tàu ma Vinashin, nhưng dự án ĐSCT cũng khiến người Việt Nam trong và ngoài nước đứng ngồi không yên. Vì sao tất cả mọi người lại “đứng ngồi không yên” trước dự án ĐSCT này? Mọi người “đứng ngồi không yên” vì tại sao Việt Nam phải cố làm dự án ĐSCT với số vốn cả trăm tỉ đô la mà hiệu quả kinh tế thì rất èo uột, rất mơ hồ.
Xin được điểm qua một số tin tức liên quan, những lời phát biểu “ấn tượng” của những quan chức cấp cao của Chính phủ về dự án ĐSCT này.
Ngày 25 tháng 5 năm 2010, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời báo chí như sau […Làm đường sắt cao tốc vì “muốn đi ngay vào hiện đại”…..Chúng tôi kiến nghị phương án 4 vì muốn đi ngay vào hiện đại. Có thể ban đầu gặp khó khăn, tốn kém, nhưng giải quyết được tầm nhìn cho mai sau. Phương án 4 đắt hơn 15 - 20% nhưng giải quyết vận tải Bắc - Nam bền vững….] (1).
Ngày 10 tháng 6 năm 2010, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lại trả lời tiếp báo chí như sau […Bộ trưởng GTVT quả quyết: "Không một nhà đầu tư nào nhận làm đường cao tốc theo hình thức BOT. Chỉ làm BOT với các tuyến quy mô nhỏ kèm điều kiện nhà nước phải giải phóng mặt bằng. Không có chuyện làm dự án quy mô lớn".
Ông Dũng cho hay, Bộ GTVT từng kêu gọi BOT cho đường sắt cao tốc song chẳng ai mặn mà vì "không khả thi"….] (2).
Có nghĩa là dự án ĐSCT nắm chắc phần lỗ. Cũng theo bài báo trên thì […Tiếp tục trăn trở với đường sắt cao tốc, ông Thuyết đặt giả thiết, cứ cho là QH đồng ý chủ trương, Nhật Bản và WB không cho vay tiền nhưng có nước khác sẵn sàng cho vay với giá rẻ hơn thì Chính phủ có sẵn sàng chọn đối tác khác?
Ông Dũng giải thích: "Ta chưa chọn đối tác, phải đợi QH đồng ý chủ trương. Phía Nhật giúp ta chuẩn bị dự án. Ta từng trao đổi với họ về vốn, công nghệ nhưng chưa thỏa thuận cụ thể".
Theo Bộ trưởng, vẫn đang bỏ ngỏ cho bất kỳ nước nào có vốn tương thích, công nghệ hợp lý…].
Ngày 10 tháng 6 năm 2010 là ngày Quốc hội chất vấn dự án ĐSCT chứ chưa phải ngày Quốc hội bỏ phiếu. Do vậy, ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã đưa đẩy hàng hai hàng ba bằng câu trả lời “…vẫn đang bỏ ngỏ cho bất kỳ nước nào có vốn tương thích, công nghệ hợp lý..”! Có nghĩa, những quốc gia có công nghệ ĐSCT như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Trung Quốc đều có thể trúng thầu.
Thế nhưng, đến ngày 18 tháng 6 năm 2010, một ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu dự án ĐSCT thì gió bắt đầu đổi chiều. Báo Pháp luật mạng điện tử đã ghi lại những lời của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng như sau […..Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Không loại trừ Trung Quốc tham gia. “Đến bây giờ tôi chưa có trao đổi với nhà chức trách nào của Trung Quốc về dự án ĐSCT”.
Nếu được QH đồng ý cho xây dựng thì Chính phủ sẽ hướng đến nước nào, tổ chức nào để vay vốn?
- Bây giờ thì ta đang trao đổi với đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tác vẫn còn bỏ ngỏ. Sau khi có báo cáo đầu tư rồi, chúng ta sẽ xem xét quốc gia nào, doanh nghiệp nào, nhà thầu nào đáp ứng tốt nhất điều kiện mình đề ra sẽ lựa chọn. Dự án này rất lớn, một quốc gia chưa chắc đã có thể hợp tác để làm hết. Thế thì phải nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu. Còn bây giờ Nhật đang giúp mình trong việc chuẩn bị dự án.
- Bộ trưởng nói đối tác thực hiện dự án vẫn bỏ ngỏ, vậy Trung Quốc có thể tham gia không?
- Trung Quốc cũng không loại trừ. Vì trong đấy có nhiều dự án lắm, có thể nhiều nhà thầu của nhiều quốc gia cùng tham gia. Nhưng đến bây giờ tôi có thể khẳng định là tôi chưa có trao đổi với nhà chức trách nào của Trung Quốc về dự án trên….] (3).
Cái bóng ma của người hàng xóm “16 chữ vàng (giả)” đã bắt đầu lộ diện rõ ràng hơn. Ngày 12 tháng 6 năm 2010, ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giải trình dự án ĐSCT trước Quốc hội như sau [….."Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm cùng Chính phủ xin Quốc hội chủ trương để làm. Yên tâm là Quốc hội và Chính phủ tính được bài để làm", Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng không ngại ngần nêu thẳng quan điểm cá nhân về chủ đề nhạy cảm này. Ông đưa ra nhiều lý do giải thích tại sao cần làm dự án, tại sao đường sắt cao tốc của Việt Nam dài đến vậy.
Và, bằng hiểu biết, kinh nghiệm của người từng đảm đương chức vụ Bộ trưởng Tài chính, ông trình bày cặn kẽ bài toán vay mượn, cân đối ngân sách để trả nợ cho dự án. Theo số liệu Phó thủ tướng công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay ước đạt 106 tỷ USD. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức hơn 1.000 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ mà vẫn an toàn….] (4).
Theo những lời “chắc nịch” trên đây của ông PTT Nguyễn Sinh Hùng thì dự án ĐSCT “không thể không làm”!
Ngày 03 tháng 1 năm 2011, ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời báo SGGP như sau: [….Nếu làm ĐSCT, có nối mạng với đường sắt cao tốc trong khu vực không thưa Bộ trưởng?
Có chứ. Sẽ nối mạng ASEAN, nối đường sắt Singapore, Côn Minh (Trung Quốc). Mạng ĐSCT của Việt Nam nằm trong dự án ĐSCT ASEAN, Côn Minh. Nói chung là phải làm, còn làm thế nào, thời điểm nào, cân nhắc nguồn lực ra sao thì sẽ tùy điều kiện thực tế để thực hiện. 130 năm trước đây, người Pháp đã làm đường sắt như bây giờ. Chúng ta làm ĐSCT không phải cho 5 - 10 năm mà làm cho 100 - 200 - 300 năm sau. Tôi khẳng định, đây mới là bước nghiên cứu, còn thời điểm làm, làm như thế nào Chính phủ phải tính, nhưng không thể không làm…..] (5).
Dự án ĐSCT của Việt Nam do người Việt Nam trả nợ. Vậy thì xin được hiểu như thế nào với những lời “Mạng ĐSCT của Việt Nam nằm trong dự án ĐSCT ASEAN, Côn Minh” của ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa trên đây?
Hơn nữa, dự án ĐSCT ASEAN được bàn thảo khi nào? Những quốc gia nào trong ASEAN đã đồng ý dự án ĐSCT ASEAN mà ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trình bày trên đây? Chính phủ Việt Nam vẫn thường tung hô cái câu “Không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác”! Ấy vậy tại sao các quốc gia trong ASEAN chưa bàn thảo, đồng ý dự án ĐSCT ASEAN mà ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng lại mạnh miệng đến như vậy? Như vậy há chẳng tự vả vào mặt mình vì đã “can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác” hay sao?
Ngoài ra, cái khẩu khí ““Dứt khoát là phải làm…. Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” ĐSCT này rất phù hợp với khẩu khí của ông PTT Nguyễn Sinh Hùng trong kỳ họp Quốc hội trong ngày 12 tháng 6 năm 2010. Những gì trên đây đều xảy ra trước đại hội đảng lần thứ XI. Nay đại hội đảng lần thứ XI đã xong. Ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư.
Với những người Việt Nam quan tâm đến các sự kiện quan trọng sống còn của đất nước thì chắc không ai quên những lời phát biểu gần như đã là sự định hình tính cách của ông Nguyễn Phú Trọng. Với các dự án khai thác bauxite, ông Trọng đã từng nói “các ý kiến đều đồng thuận”!
Với lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của nước nhà trước nạn “tàu lạ” đâm chìm tàu cá ngư dân miền Trung, hải quân Trung Cộng bắt giết ngư dân miền Trung thì dưới tầm nhìn chiến lược của ông Nguyễn Phú Trọng, đấy chỉ là “Biển Đông không có gì mới”! Do vậy, đối với ông tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nay, ta có thể dự đoán – mà vẫn còn một ít phần trăm mong rằng không chuẩn – chuyện ĐSCT với ông là chuyện “rất nên làm”!
Theo nguồn tin hành lang thì ông PTT Nguyễn Sinh Hùng sẽ lên nắm chức Chủ tịch Quốc hội vào tháng 7 năm 2011. Điều này rất hữu ích cho dự án ĐSCT bởi ông PTT Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ dự án ĐSCT rất là quyết liệt.
Cũng theo nguồn tin hành lang thì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ngồi thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng. Ông TT Nguyễn Tấn Dũng là người ủng hộ dự án ĐSCT hết sức nhiệt tình. Là đương kim TT, nhưng ông TT Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép trình Quốc hội dự án giá trị cả trăm tỉ đô la khi mà báo cáo được làm rất cẩu thả và nghèo nàn. Do đó, nếu ông TT Nguyễn Tấn Dũng ngồi thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa thì dự án ĐSCT lại sẽ được trình Quốc hội và… sẽ được thông qua một cách gọn gàng, có phải thế không nhỉ?
Với bộ ba lãnh đạo trên đây, có thể khẳng định rằng “bài tẩy đã lật” trong dự án ĐSCT. Có thể khẳng định rằng “Việt Nam sẽ làm ĐSCT và Trung Quốc sẽ trúng thầu dự án ĐSCT của Việt Nam”. Và “dự án ĐSCT của Việt Nam sẽ là một dự án làm cho 100 –200 –300 năm” như lời của ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Đó là dự án ĐSCT sẽ “gây nợ cho Việt Nam 100 –200 –300 năm” cũng như khiến “Việt Nam lệ thuộc vào Trung Cộng 100 –200 –300 năm”, chứ không phải người dân Việt Nam được hưởng lợi, giao thông đường bộ sẽ vawnminh hơn nhiều, với dự án ĐSCT trong thời gian “100 –200 –300 năm”!
Và trên mạng điện tử của báo Đường sắt Việt Nam đã đưa tin ngày 21 tháng 01 năm 2011 thì Trung Cộng làm đường sắt cao tốc với Singapore đi xuyên qua Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia độc lập, là một nhà nước có chủ quyền. Nhưng cứ theo cách đưa tin của báo điện tử Đường sắt Việt Nam thì Việt Nam không có chút quyết định gì trong vấn đề này. Chờ xem vì sao người ta quyết phải làm cho được ĐSCT. Vì sao và vì ai? Nhưng dứt khoát là không vì 85 triệu người Việt Nam là điều chắc chắn.
NT.
(1) http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Lam-duong-sat-cao-toc-vi-muon-di-ngay-vao-hien-dai-912240/
(2) http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Bo-truong-Duong-sat-cao-toc-lam-BOT-chang-ai-man-ma-915361/
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
------------------------------------
TIN LIÊN QUAN :
.
.
.
No comments:
Post a Comment