Bùi Văn Phú (ký sự / tường thuật)
Bài và ảnh: Bùi Văn Phú
16.01.2011
Mùa đông năm nay lạnh quá. Trước Giáng Sinh tuyết đã phủ trắng nhiều tiểu bang đông bộ Hoa Kỳ, có nơi lên đến hơn cả thước như New York, Boston, làm ngưng đọng di chuyển, sinh hoạt trong nhiều ngày. Tin thời tiết tuần này cho biết 49 tiểu bang có tuyết, từ vùng đồng bằng nam bộ sang đến những đỉnh núi Hawaii. Năm nay nước Mỹ lạnh và Cali cũng rét hơn những năm trước nhiều.
Cách đây phần tư thế kỉ tôi cũng đã bị kẹt vì tuyết ở phi trường Thủ đô Washington, nhưng không lâu quá một ngày như nhiều hành khách đi máy bay dịp Giáng Sinh vừa qua. Điều tôi nhớ mãi là khi di chuyển từ nhà người quen ra sân bay bằng xe buýt — vì đường sá còn ngập tuyết và không muốn phiền bạn lái xe đưa đi — có lúc tôi phải lội tuyết ngập qua mắt cá và cái lạnh thấm vào làm đôi bàn chân tê cứng vì tôi không chuẩn bị giầy cho thời tiết buốt giá. Sau trải nghiệm đó tôi không còn bay đến thủ đô vào những ngày đông dù vẫn mơ ước có dịp chụp được ảnh đền đài, danh lam thắng cảnh với tuyết trắng phủ ở đó.
Lần đầu tiên trong đời tôi thấy tuyết rơi là ở ngay vùng vịnh San Francisco. Chính xác là khi đang ngồi trong lớp ở Đại học Cộng đồng Alameda vào một buổi sáng tháng Giêng năm 1976. Ngó ra cửa sổ thấy tuyết rơi xuống thấp, nhưng không nhiều hay lâu, chỉ đủ phủ trên sân cỏ vài phân rồi tan trong ngày. Vì mới từ miền nhiệt đới đến Mỹ nên những ngày đó ra đường tôi cuốn trên người nhiều lớp áo, trước khi khoác lên chiếc áo lạnh nhận được khi đến trại tị nạn mà tôi đã mặc trong nhiều năm, kể cả vào những ngày hè vì chưa quen với khí hậu ôn đới ở đây.
Mùa đông 1976, nước Mỹ cũng bị bão tuyết như mấy tuần qua. Tôi không nhớ năm đó có bang nào ở miền nam Hoa Kỳ bị tuyết giống năm nay không, nhưng những nơi như Connecticut và Thủ đô Washington là nơi tôi có bạn sinh sống, họ đã viết thư tả cho nghe về một mùa đông đầu tiên trong đời trên xứ Mỹ. Băng giá đến độ một bạn kể rằng mở tủ lạnh mà thấy hơi ấm toả ra ngoài nhà.
Sau lần thấy tuyết rơi trong mùa đông đầu tiên trên đất Mỹ, đến nay đã hơn 30 năm, tôi chưa thấy tuyết rơi lại nơi đất thấp của vùng vịnh San Francisco, dù trong những ngày thật lạnh khi dự báo thời tiết cho biết tuyết có thể xuống ở độ cao 1,000 bộ thì cũng chỉ có trên đỉnh núi Diablo, Hamilton hay Tamalpais chứ tuyết không rơi nơi ngang tầm với biển.
Nhưng từ vùng vịnh nếu muốn đi trượt tuyết, muốn thấy tuyết rơi cũng không xa xôi hay là điều khó khăn. Rời San Francisco bằng xe, đi theo xa lộ 80 về hướng đông thì 3 giờ là lên vùng đồi núi Sierra, cao 7,000 bộ với những khu du lịch giải trí mùa đông như Boreal, Heavenly hay Squaw Valley là nơi Thế vận mùa Đông 1960 đã được tổ chức. Những khu rừng mùa đông tuyết ngập bên đường, tuyết trắng đọng trên những hàng thông xanh. Nếu trên đường chẳng may gặp tuyết đang đổ nhiều thì vượt qua được khúc đường đèo dài chừng hơn trăm cây số có thể tốn 8 giờ.
Thỉnh thoảng gia đình tôi cũng lên những nơi này vui chơi mùa đông, trong thích thú lẫn lo sợ, vì đã có lần lái xe vào vùng tuyết đang đổ, chỉ thấy một mầu trắng xoá trước mặt, mà không biết con đường phía trước sẽ dẫn đến đâu. Một lần khác đang thoai thoải xuống đèo thì gặp “black ice” — đá trên mặt đường — khiến xe quay 180 độ. Tim tôi đập mạnh, bà xã hú hồn, còn hai cháu nhỏ tỏ vẻ thích thú vì tưởng bố quay xe chữ U biểu diễn trên xa lộ. Bây giờ đi chơi tuyết tôi theo dõi dự báo thời tiết rất sát trước khi quyết định rời nhà.
Một lần khác, lúc mới qua Mỹ, cũng đã để lại cho tôi ấn tượng mạo hiểm và sợ cho đến ngày nay, nhân một lần vượt núi vào mùa đông. Dịp nghỉ lễ cuối năm 1976, sau khi ăn tiệc tại nhà một người quen ở Sacramento chúng tôi rủ nhau lái hai xe lên Reno đánh bài. Rời nhà khi chiều gần tàn. Hai giờ sau đến nơi. Đường đèo nhưng không có tuyết rơi, chỉ tuyết cũ còn đọng hai bên đường nên không có gì sợ. Đến nơi, người lao vào bàn, người ngồi kéo máy. Tôi bỏ ra hai chục đô thử vận nhưng không may. Sau ít giờ đỏ đen, kiểm điểm lại mỗi người thua vài ba chục, chỉ có một anh họ thắng 80 đô. Đã quá nửa đêm nhưng vẫn rủ nhau về. Ai đã lái xe qua Reno thì biết. Trước khi rời California là một ngọn đèo cao và ngoằn ngèo như một con rắn. Đường đêm vắng xe, không tuyết rơi nhưng mù sương. Một người lái xe, người ngồi bên cạnh và hai người ở băng sau cũng phải mở căng mắt ra ngó phiá trước để báo động cùng tài xế những chỗ cong, những lối ra vì sương mù làm giảm tầm nhìn xuống chỉ còn vài chục mét trong khi một bên đường là vách núi, bên kia là vực thẳm. Về đến nhà, chúng tôi mới như bừng tỉnh biết mình đã qua được vùng núi bình an. Bây giờ hồi tưởng lại thấy lúc đó mới qua Mỹ tiếng Anh còn kém nên chưa hiểu nhiều, chẳng biết “black ice” mùa đông là gì và cứ lái xe qua núi trong đêm lạnh mù sương và đầy hiểm nguy mà không biết.
Cảnh đẹp nơi vùng tuyết còn in đậm trong tôi là trên xa lộ 5 giữa biên giới California và Oregon. Mùa đông 1980 tôi cùng ba sinh viên bạn rủ nhau lên Canada chơi. Rời Berkeley vào buổi sáng, mang theo xôi, nước, trái cây để ăn dọc đường. Gần chiều tối chúng tôi đến biên giới hai tiểu bang là một vùng tuyết phủ trắng. Không như đồi núi Sierra có rừng thông chắn tầm nhìn xa, nơi đây thoai thoải những đồi bát ngát tuyết. Giữa mầu trắng, rải rác vài ngôi nhà toả ánh đèn từ khung cửa sổ. Đó là hình ảnh in trên những tấm thiệp Giáng Sinh tôi đã nhận được. Điều mà trong bao nhiêu năm tôi tưởng chỉ là những giấc mơ mà nay được nhìn thấy bằng đôi mắt của mình.
Tuyết trắng đẹp thật. Nhưng sống với tuyết có lẽ không hợp với nhiều người Việt nên sau cơn bão mùa đông 1976 đã có một cuộc tây tiến về miền Cali, nơi có nắng ấm chan hoà, có biển xanh bát ngát và cũng không xa núi đồi tuyết đổ. Mỗi năm gia đình tôi có dịp đi chơi tuyết. Năm ngoái cùng bạn lên đỉnh Yosemite. Tuần qua lên vùng Sonora với anh em. Vui chơi trong ngày nghỉ thôi chứ tôi chắc không sống với tuyết lạnh được.
Đầu thập niên 1980, lúc còn là sinh viên tôi có tham gia chương trình khảo sát về tình hình Việt Nam và người tị nạn do giáo sư Karl Jackson và Jacqueline Desbarats của Đại học California thực hiện, trong đó có phần tìm hiểu nguyên do đưa đến làn sóng di dân thứ hai của người Việt sau giai đoạn đầu định cư ở Mỹ. Theo đó, nhiều người Việt từ những nơi khác đã đổ về California vì những nguyên do chính: có nhiều việc làm, xin hưởng phúc lợi xã hội dễ, khí hậu ấm và muốn gần đồng hương.
Ba mươi lăm năm sau, với tình hình kinh tế còn xuống, không biết đã có cuộc khảo sát mới nào để tìm xem bao nhiêu người Việt đông tiến — chắng hạn như bỏ Cali qua Texas, Nevada, Louisianna và nguyên do vì đâu. Hay tại sao lại có người tây tiến để trở về nơi chốn đã một lần trối chết bỏ đi?
[ảnh trong bài do tác giả chụp ngày 8.1.2011 tại khu giải trí mùa đông Dogde Ridge, cách San Francisco 145 dặm]
-------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment