Tuesday, January 25, 2011

TUNISIA, RỒI SAO NỮA ? (L'Express)

Tunisia, rồi sao nữa?
Jacques Attali - Chấn Minh lược dịch
25-01-2011

Cách mạng đang chuyển mình tiến lên trong thế giới Á-Rập? Không có gì lạ cả, theo ông Jacques Attali. Hãy cùng Attali xem lại những điều kiện đưa đến sự thành công của một cuộc cách mạng.

Không có gì được người ta chờ đợi nhiều hơn là cuộc cách mạng hoa nhài. Cũng không có gì khó có thể đoán trước được hơn là ngày nào thì cuộc cách mạng đó sẽ xảy ra. Thật vậy, tối thiểu là từ hai mươi năm nay, ai cũng biết là xu thế dân chủ đã và đang tiến lên khắp nơi trên thế giới. Không phải vì các tác động chính trị, mà vì kinh tế thị truờng. Ít ra là trên mặt lý thuyết: người ta biết rằng, từ các phân tích lịch sử nước Anh mà Marx đã làm, thị trường tạo nên những điều kiện mà từ đó dân chủ có thể xuất hiện. Lý do là thị trường đẻ ra giai cấp tư sản, mà giai cấp này thì cần an toàn pháp định và tự do sáng tạo và đổi mới. Trong đề tài này cũng như trên nhiều lãnh vực khác, lý thuyết của tác giả Tư Bản Luận đã được minh chứng. Trước là ở Âu Châu và Tây Phương, sau đó là ở Đông Phương, rồi Nga, rồi Nam Mỹ, và sau cùng ở từng mảng lớn tại Phi Châu và Á Châu.


Một bộ phận lớn của hai lục địa sau này và hầu như toàn thể thế giới Á-Rập cho đến lúc đó đã không có những nền móng cho dân chủ. Một số chuyên gia rởm, bị chấn động vì cuộc cách mạng bị đổi hướng ở Iran, cuộc thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, những khó khăn ở Miến Điện (Burma), đã nông nổi đề xuất và biện hộ cho quan điểm chế độ độc tài chính là tương lai! Và xu thế dân chủ sẽ sớm thụt lùi ở mọi nơi, nhất là khi đối đầu với chủ nghĩa tôn giáo cơ bản.

Ngược lại, những gì vừa xảy ra tại Tunisia chứng minh được lý thuyết Marx vẫn còn có giá trị: nước Tunisia, sau khi đã chuyển sang kinh tế thị truờng, chỉ có thể trở thành một nước dân chủ. Và sau Tunisia, sẽ là Ai Cập (Egypt), Việt Nam, Trung Quốc, các nước Phi Châu vùng dưới sa mạc Sahara, và, sau một khoảng thời gian thật dài, vì nền kinh tế thị trường ở các nước như Algerie và Syrie vẫn còn chập chững.

Dù thế, Marx đã không thể tiên đoán được thời điểm và chiến thuật. Dù rằng ông đã có suy nghĩ, bắt đầu từ trường hợp Công Xã Paris, về những cách mà một cuộc cách mạng có thể bị dập tan trong trứng nước hay trôi truộc về một chế độ độc tài.

Nước Pháp đặc biệt quan tâm đến cuộc tranh luận này, vì một số lớn những nước chưa định được như đã nêu lên là những thuộc địa cũ nay vẫn còn nói tiếng Pháp.

Trước tiên, người ta phải đánh giá những điều kiện theo đó cách mạng tại các nước kể trên sẽ thành công. Thực tế là, để cho một cuộc cách mạng tự chuyển đổi thành một nền dân chủ thực sự, cuộc cách mạng đó phải hội đủ năm điều kiện: 1/ một giai cấp tư sản đã thành hình và có sức mạnh, 2/một quân đội thế tục, 3/một lớp trẻ không còn có gì để mất nữa, 4/sự thiếu vắng một nhà lãnh đạo được lòng dân và có khả năng thu hút quần chúng, và 5/một môi trường quốc tế thuận lợi.

Cách mạng khi thành công mang lại nhiều đổi thay, và khi cách mạng thành công, nước Pháp phải biết cách đi kèm theo các thay đổi đó. Và, để có thể làm được như thế, nước Pháp phải nói, và nói lớn và mạnh mẽ, rằng chỉ có dân chủ là hệ thống độc nhất có thể chấp nhận được, rằng một lãnh tụ không thể ngồi lỳ cầm quyền liên tục hai mươi năm, và lại càng không thể truyền lại quyền chức cho con trai mình. Nói cho cùng, phải nói nước Pháp là nguời bạn của một quốc gia, chứ không phải là bạn của một Tổng thống, dù rằng khi nói như thế, có thể phưong hại, trong đoản kỳ, đến quyền lợi của các doanh nghiệp của nước Pháp.

Sau cùng, để có thể hiểu được những gì đang vận hành trong từng quốc gia đã kể trên, nước Pháp phải sử dụng những mạng lưới lớn và chằng chịt đại diện cho, ngay trên đất nước Pháp, những cộng đồng di dân (họ biết rất nhiều hơn về những gì đang xảy ra trên quê hương cũ cũa họ so với những nhà ngoại giao Pháp), và những người Pháp sống ở nước ngoài (họ cũng vậy, họ biết nhiều hơn là các nhà ngoại giao Pháp về những gì đang xảy ra tại các quốc gia mà họ đang cư ngụ).

Chúng ta hãy hy vọng là người ta sẽ không quên những bài học trên trước khi cuộc cách mạng sắp tới xảy ra, dù đó là cuộc cách mạng hoa giấy, hay là cuộc cách mạng cây sậy…

© DCVOnline

Nguồn: La Tunisie, et après? Jacques Attali. L’Express, 19 Janvrier 2011.

.
.
.

No comments: