Ban nước ngoài - Washington Post - 24/01/ 2011; 12:36 AM
Hiếu Tân dịch
25.1.2011
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=14906&LOAIID=34&LOAIFID=5&TGID=1303
Bạo loạn ởTunisian:Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali bị truất khỏi quyền lực và chạy trốn khỏi đất nước ngày 14 tháng Giêng, sau 23 năm thống trị bằng bàn tay sắt, khi nhân dân phẫn nộ về nạn thất nghiệp và tham nhũng tràn ra đường phố.
TUNIS- Hôm kia công nhân đột chiếm nhà máy đóng tàu quốc doanh. Trong nhiều thập niên, họ sống lặng lẽ trong nghèo khổ trong khi những ông chủ của họ, tất cả đều là đảng viên của đảng cầm quyền, lái những chiếc xe hơi đắt tiền và sở hữu những biệt thự.
Nếu chỉ cách đây mười ngày, cảnh sát chắc sẽ dập tắt cuộc nổi dậy mini này và bắt giam họ. Bây giờ là một trật tự mới. Vung cao những nắm đấm, công nhân buộc tội chủ tịch công ty tham ô và đòi ông ta từ chức.
Khắp cả nước, người Tunisia đang trải qua một thời kỳ tự do nở hoa sau một cuộc nổi dậy của nhân dân đuổi cổ tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali khỏi quyền lực ngày 14, tháng Giêng, kết thúc ách thống trị độc tài của ông ta. Nhiều người đang nói lên những tư tưởng những suy nghĩ của mình sau gần một phần từ thế kỷ sống trong sợ hãi. Những người khác, lần đầu tiên trong đời họ, đang đòi công bằng cho những người bà con của họ bị giết bởi chế độ.
Niềm hạnh phúc lớn bị giảm đi do những băn khoăn lo lắng vì tương lai của họ vẫn chưa chắc chắn. Những cuộc biểu tình vẫn diễn ra hàng ngày ở thủ đô để đòi chính phủ lâm thời thanh trừng tất cả các đảng viên của đảng của Ben Ali. Phe đối lập còn yếu và chia rẽ, một số người sợ các lực lượng vũ trang đã từng ủng hộ tổng thống có thể gây rắc rối.
Trong cuộc trừng trị những đồng minh chủ chốt của Ben Ali, cảnh sát hôm Chủ nhật đã bắt quản thúc hai quan chức cao cấp và bắt giữ người đứng đầu một đài truyền hình tư nhân nổi tiếng bị buộc tội đã làm chậm bước tiến của đất nước đến dân chủ.
Nhưng bây giờ, it nhất thì nhiều người ở đây đang có cái tự do mà họ từng nghĩ họ sẽ chẳng bao giờ có được.
“Chúng đã ăn cắp tiền của đất nước. Chúng nó là mafia. Công ty tôi giống như một ví dụ nhỏ về những gì tồi tệ xảy ra với Tunisia.” Sofiyan Abu Sami, một trong những công nhân đã bỏ việc ngày hôm kia, nói. Một số người mang áp phích ghi “Nói không với tham nhũng.”
“Bây giờ, cuối cùng chúng tôi đã có thể nói điều chúng tôi nghĩ,” anh nói.
Dưới thời Ben Ali, Tunisia được phương Tây coi là một đất nước kiểu mẫu trong thế giới A rập, ôn hòa, tương đối giàu, và thế tục. Lãnh tụ độc tài, kẻ chiếm chính quyền năm 1987, đã dập tắt phong trào Hồi giáo cực đoan; ông ta là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh chống khủng bố trong khu vực, nơi bị bọn al-Qaeda xâm nhập.
Ben Ali ngự trị trên một quang cảnh đàn áp và tham nhũng. Các nhà báo bị kiểm duyệt, bị tấn công và theo dõi bởi cơ quan tình báo của ông ta. Những tiếng nói phê phán bị chặn họng.
Gia đình ông ta sở hữu hơn một nửa số công ty ở Tunisia, bao gồm các ngân hàng, khách sạn, và các công ty bất động sản. Hối lộ và các mối quan hệ tốt với chính phủ là con đường dẫn đến công việc béo bở và thăng quan tiến chức.
Trên đường phố, các cửa hiệu, và các công sở, ảnh Ben Ali treo khắp nơi, và khắp nơi là công an mật vụ.
Trong nhiều năm, Mohamed Nasrallah, người đã từng bị tù vì ủng hộ một nhóm đối lập, bị buộc phải treo một tấm ảnh lớn của Ben Ali trong tiệm ăn của ông gần đại lộ Habib Bourghiba, trung tâm bão tố của các cuộc biểu tình, đại lộ này chạy vòng qua khu thương mại sầm uất của thành phố Tunis. Dỡ tấm ảnh xuống có nghĩa là các thanh tra của thành phố sẽ ghé thăm, sẽ có các khoản phạt nặng, thậm chí bị cảnh sát mật đánh đập.
Nhưng sau khi Ben Ali chạy trốn sang Saudi Arabia, Nasrallah lấy tấm ảnh ra khỏi khung và quẳng nó vào lửa. “Giống như tôi được sinh ra một lần nữa,” anh nói.
Cách đó một khối nhà, Radhiya Mishirsi trước đây lo sợ rằng cảnh sát sẽ mắng chửi cô khi cô đội một chiếc khăn trùm đầu. Hôm thứ Sáu, cô đứng gần một nhóm cảnh sát và tuyên bố rằng cô sẽ trùm kín mặt, chỉ để lộ ra hai con mắt. Những người cảnh sát gật đầu và mỉm cười.
Trong khắp thủ đô, những mẩu chuyện tiếu lâm về Ben Ali trước đây bị cấm thì bây giờ lan
truyền công khai. Có một chuyện thế này: Ben Ali trở về Tunisia và ghé vào một tiệm giày. Người bán hàng đem cho ông ta một đôi: “Sao ông biết cỡ của tôi?” Ben Ali hỏi.
“Chúng tôi đã nằm dưới gót giày của ông 23 năm rồi” người bán giày trả lời. “Nên tất nhiên tôi biết cỡ chân ông.”
Trên Đại lộ Bourghiba, Mohamed Dhakar mang một biểu ngữ nêu một khẩu hiệu mới cho dân tộc: “Trước hết là nhân dân. Tự do. Các quyền con người. Công bằng.”
“Tôi không theo đảng nào cả” Dhakar hét lên. “Tôi vì Tunisia.”
Sự xuất hiện của anh thu hút một đám đông người và gây ra một cuộc tranh luận ngẫu hứng.
“Chúng tôi phản đối công an mật. Tất cả chúng tôi muốn họ mặc đồng phục vào,” một người gào lên.
“Nếu chính phủ đang đóng trò, nhân dân sẽ tống họ đi như đã làm với chính phủ cũ.” Một người khác hét.
Những người cộng sản, những người xã hội chủ nghĩa và những người vô thần đang dàn dựng những cuộc biểu tình ở khu thương mại trong ngày hôm nay. Các nhóm đối lập trước đây bị cấm và bị chính phủ cũ quấy nhiễu. Hôm thứ Sáu, hơn 1000 người Islamist đã biểu tình tuần hành qua đại lộ, kêu gọi thành lập một chính phủ đại nghị. Một nhóm người từ một vùng nông thôn nghèo nàn cằn cỗi ở nam Tunisia đi phân phát những cuốn sách mỏng đòi có nhiều công việc hơn và phát triển ở địa phương họ.
Một số người tung những lời chửi bới vào mặt cảnh sát mà trước đây họ vẫn sợ hãi.
“Đúng là có Trời,” một người đàn ông quát vào mặt mấy người cảnh sát. “Đúng là có Trời để bảo vệ sự thật. Làm sao các người có thể giết chính nhân dân của mình?”
Sueda Guesmi cũng đang hỏi câu hỏi đó. Bà nói con trai bà bị kết tội bán rượu lậu và bị bỏ tù mà không xét xử. Mấy tuần sau, người ta bảo bà rằng anh ấy đã chết trong trại giam.
“Tôi muốn biết vì sao con tôi bị giết,” Guesmi nói, “Tôi đòi công bằng cho nó.”
Viết không sợ hãi
Tại bộ Thanh niên và Thể thao, khoảng hơn 300 nhân viên yêu cầu bộ trưởng, một tay chân của Ben Ali, phải cuốn gói cùng với bộ sậu của ông ta. Ông ta chấp hành. Khi người đứng đầu bộ máy điều hành của ông ta rời khỏi tòa nhà, các nhân viên vỗ tay rầm trời.
“Cách mạng muôn năm! Tunisia muôn năm!” họ hô.
“Chúng tôi đang bác bỏ chính phủ mới này,” Rauda Assel, một nhân viên đứng bên ngoài tòa nhà nói. “Đây không phải là lúc anh ngồi lên chiếc xe bộ trưởng của anh và thi hành trách nhiệm của anh, mà là lúc sát cánh với nhân dân vì sự nghiệp chính nghĩa.”
Các nhân viên chỉ định một ủy ban ba người từ trong hàng ngũ của họ để điều hành bộ cho đến khi, họ nói, hình thành một chính phủ mới thỏa mãn họ.
Tại tòa báo La Presse, tổng biên tập của nó, người được chính phủ cũ bổ nhiệm, cũng phải từ chức. Một ủy ban biên tập tiếp quản. Cách đây mười ngày, họ đăng những tuyên truyền chính thức do hãng thông tấn của nhà nước phát. Trên trang nhất, họ luôn luôn đăng một bức ảnh Ben Ali. Họ viết những bài báo xu nịnh về Besma -Nụ cười - một quỹ từ thiện do vợ ông ta, Leila Trabesi, điều hành.
“Nó là một màn khói che đậy tham nhũng của đệ nhất gia đình này,” Hmida Ben Romdhane, một biên tập viên nằm trong ủy ban hiện đang điều hành tờ báo, nói. Trước cách mạng, chúng tôi không đăng tin tức. Chúng tôi chỉ đăng những tin giả. Chế độ ngăn cấm mọi mưu toan viết sự thật.”
Bây giờ, lần đầu tiên trong đời họ, 50 nhà báo của tờ La Press đang viết mà không sợ hãi.
Ảnh của Ben Ali không còn đăng trên trang nhất nữa - trừ khi nó đi kèm một bài báo chỉ trích về những quá quắt của chế độ. Tuần trước, la Press đăng một câu chuyện về việc Thụy sĩ đóng băng các tài sản của Ben Ali.
Ben Romdhane nói các phóng viên của ông sẽ sớm lập kế hoạch điều tra về tham nhũng và đàn áp của chế độ cũ. “Chúng tôi đã biết thế nào là tự do và làm việc trong không khí tự do này,” ông nói.
Giọng nói của ông đầy cảm xúc khi ông nói về thay đổi sâu xa trong phòng tin tức và trong cuộc đời ông.
“Tôi năm nay 59 tuổi, và tôi đã thấy chỉ một tổng thống duy nhất. Tôi đã trải qua hai nền độc tài,” ông nói. “Tự do mà chúng tôi giành được là một thứ tự do mà nhân dân áp đặt lên hệ thống chính trị. Tự do này, tôi nghĩ, sẽ lâu dài.””
“Đây là một kỷ nguyên mới.”
.
.
.
No comments:
Post a Comment