Sunday, January 9, 2011

TỪ BỨC TRANH GIÁO DỤC ĐẾN PHẬN ĐỜI NÔNG DÂN (Song Chi)

Song Chi
Saturday, January 08, 2011

Từ câu nhận xét của Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak

Báo Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 6 tháng 1, 20110 có bài: “Đại sứ Mỹ Michael Michalak : Thách thức lớn nhất của Việt Nam là giáo dục" .
Bài báo viết: “Trong buổi gặp gỡ chia tay với báo giới chiều 6 tháng 1 tại Hà Nội, nhân kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak nhấn mạnh, nếu phải chọn một thách thức được coi là ưu tiên nhất cần phải khắc phục của Việt Nam thì ông cho rằng đó chính là giáo dục.”

Ðại sứ Mỹ tin rằng, để có một hệ thống giáo dục đạt đẳng cấp thế giới là thách thức lớn nhất của Việt Nam. Ông nói, cho dù bạn nêu ra bất cứ thách thức gì về kinh tế, hạ tầng, hệ thống phát triển chính trị thì đều cần những người có năng lực trí tuệ, cần có các công cụ để phân tích, nêu ra giải pháp. “Thực sự là chúng ta đang đi vào kỷ nguyên của kinh tế tri thức và vì vậy chúng ta cần một nền giáo dục tốt.”

Là một người nước ngoài, song nhận xét của ông đại sứ Mỹ quả là xác đáng. Muốn làm bất cứ điều gì, cũng cần phải có con người. Muốn cho đất nước phát triển, những người lãnh đạo phải nghĩ đến nhiệm vụ hàng đầu là ưu tiên cải cách, phát triển về giáo dục và chiến lược đầu tư đào tạo con người. Thế nhưng, thực trạng giáo dục ở Việt Nam trong bao nhiêu năm qua ra sao?

Nếu một người đang sống ở nước khác, chỉ tìm hiểu qua báo chí, cũng có thể tìm thấy vô số bài viết về thực trạng giáo dục Việt Nam trong suốt những thập niên qua, từ chính các nhà giáo, những người có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cho đến những người ngoài cuộc... Còn đối với các thế hệ học sinh trực tiếp mài đũng quần trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ bậc tiểu học, trung học, đại học, và sau đại học... và những bậc phụ huynh, thì họ rất hiểu nỗi khổ của “sự nghiệp đi học và có con, em đi học ở Việt Nam” là như thế nào.

Ðó là một nền giáo dục lạc hậu, nặng về ghi chép và học thuộc lòng mà không tạo điều kiện cho học sinh, kể cả ở bậc đại học, được phát huy những quan điểm cá nhân cũng như sự độc lập trong tư duy. Suốt những năm tiểu học và trung học, học sinh phải học khá nặng về những môn khoa học tự nhiên, nhưng phần nhiều là lý thuyết, ít thực hành; trong khi những môn khoa học xã hội nhân văn thì giáo trình lại khô khan, kém hấp dẫn, chưa kể lại bị chính trị hóa, khiến học sinh không cảm thấy hứng thú. Một nền giáo dục vừa thừa lại vừa rất thiếu. Thừa những kiến thức chết, vô bổ, nhưng lại thiếu những kiến thức về triết học là nền tảng của các bộ môn (ngoại trừ triết học Mác Lênin phải học đi học lại từ trung học lên đến đại học, sau đại học...), hay tâm lý học, phương pháp luận tư duy, các môn đào tạo về kỹ năng sống cho các em... Một nền giáo dục trọng về điểm số, chạy theo thành tích thi đua, danh hiệu “trường điểm, trường chuyên, lớp chuyên...” gây áp lực nặng nề lên bản thân học sinh và các bậc phụ huynh, khiến các em phải học ngày học đêm, học ở trường rồi lại học thêm, thậm chí “quay cóp” để được điểm cao, được lọt qua các kỳ thi cử... Sau này lớn lên ra ngoài đời, lại bắt gặp một môi trường xã hội chỉ chạy theo bằng cấp, xét con người qua bằng cấp, học hàm, học vị... hơn là năng lực thật sự. Chả trách gì những vấn nạn như chạy bằng, mua bằng, bằng dỏm, bằng giả... mới tràn lan như vậy. Ðạo đức nhà trường thì ngày càng xuống cấp. Cô giáo xúc phạm học sinh bằng những lời lẽ khó nghe, thầy đánh trò, trò đánh thầy rồi trò đánh trò quay thành video clip tung lên mạng. Rồi nạn “gạ tình lấy điểm,” nạn cưỡng dâm, mua dâm học trò mà điển hình là vụ án mua dâm học trò ở tỉnh Hà Giang vừa qua...

Từ nhiều năm nay, những người có lòng đều đã gióng lên những tiếng chuông báo động về việc cần phải thay đổi triệt để nền giáo dục Việt Nam, bởi, sự sai lầm, lạc hậu trong lĩnh vực giáo dục sẽ ảnh hưởng đến hàng thế hệ, hàng triệu con người và sự phát triển của đất nước. Thực tế xã hội Việt Nam bao năm qua là minh chứng cho điều này.

Trong khi đó, để đối phó với một nền giáo dục và một môi trường giáo dục có quá nhiều vấn đề như vậy, từ lâu người Việt Nam đã chọn giải pháp đi du học. Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ cho con đi du học ở các nước khác nhau và càng ngày số tuổi đi học cũng càng sớm hơn, trước kia thường đến tuổi vào đại học, bây giờ thì ngay ở bậc trung học, cha mẹ đã chấp nhận cho con cái rời vòng tay mình đi xa rồi. Người ta nói nhiều đến nạn “chảy máu chất xám” của Việt Nam vì trong số hàng ngàn học sinh VN đi du học mỗi năm, bao nhiêu phần trăm trong số đó sẽ quay về lại đất nước?
Hậu quả nhiều mặt này cho thấy, rõ ràng chúng ta gieo cây gì thì gặt cây nấy thôi.

Nông dân bị bóc lột ngay trên đất nước mình

Trang Bauxite Vietnam ngày 7 tháng 1, 2011 có đăng bài “Mua bán lúa gạo năm 2011: nông dân đang làm tôi mọi cho doanh nghiệp, nông dân đang bị bóc lột thậm tệ.” Bài viết mở đầu bằng hai thông tin: “Năm 2010 này, mua bán lúa gạo có hai kỷ lục:
1) Tổng công ty Lương Thực Miền Nam đạt lợi nhuận kỷ lục từ mua bán lúa gạo: lợi nhuận vượt kế hoạch 68%, tăng 63% so với cùng kỳ.
2) Nông dân bán lúa Ðông Xuân với giá rẻ kỷ lục.” Và cho biết: “Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) thu mua lúa của nông dân năm 2010 với giá tối đa 4,000 đồng/ký. Cùng thu lợi nhuận từ lúa gạo: nông dân lời 1,000 đồng/kg lúa, VFA lời 1,368 đồng/kg lúa.

Nông dân thu nhập 500,000 đồng/tháng - rớt xuống diện cận nghèo; doanh nhân thu nhập 101,355,000 đồng/ tháng - leo lên hàng tỷ phú.”
Nghịch lý này cho thấy, “nông dân đang làm tôi mọi cho các công ty xuất khẩu,” như nhận định của GS-TS Võ Tòng Xuân.
Nghịch lý này thể hiện sự bóc lột của VFA đối với nông dân, mà Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam là đại diện. “Một sự bóc lột thậm tệ.”

Từ trước đó một số bài trên báo Người Lao Ðộng, Tiền Phong, Thanh Niên... cũng đã nói đến nghịch lý trong việc các công ty lương thực do thế độc quyền xuất khẩu gạo, đã tìm mọi cách dìm giá thu mua lúa của nông dân trong lúc bán lại rất cao, lời đậm, còn bản thân người nông dân một nắng hai sương làm quần quật quanh năm thì vẫn... trắng tay.

Ai cũng biết đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất nước, nhờ có người nông dân mà sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam từ một nước đang trong tình trạng không đủ lương thực, người dân phải ăn độn thêm sắn, bột mì, cao lương, bo bo... hàng tháng, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới trong những năm gần đây. Nhưng bản thân người nông dân thì hơn hai mươi năm sau ngày đổi mới, vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Ðời sống vật chất đã vậy, đời sống văn hóa, tinh thần càng nghèo nàn hơn. Có dịp đi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì hiểu tại sao người nông dân ở đây hay nhậu, hay đánh bài, chơi đề... bởi ngoài ăn nhậu ra, họ có thứ gì khác để tiêu khiển, giải trí? Thư viện tỉnh sách lèo tèo, rạp chiếu phim thì ít ỏi, cũ kỹ.

Cũng vì nghèo, tình trạng trẻ em bỏ học ở khu vực này đã làm đau đầu những người có trách nhiệm trong những năm qua. Mới đây, ngày 11 tháng 12, 2010, tại TP Cao Lãnh tỉnh Ðồng Tháp, Bộ GD-ÐT tổ chức hội nghị giao ban lần thứ I, năm học 2010-2011 Sở GD-ÐT các tỉnh ÐBSCL, “Tại hội nghị, vấn đề được đại diện Sở GD-ÐT các tỉnh, thành ÐBSCL bàn luận nhiều nhất là tình trạng học sinh bỏ học và các giải pháp khắc phục. Năm học 2010-2011, số học sinh bỏ học sau Hè và đầu năm ở ÐBSCL vẫn ở mức cao so với cả nước. Trong đó, tiểu học là 0.34%, THCS 2.28%, THPT 3.53%. Những tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều nhất là Sóc Trăng, An Giang, Ðồng Tháp, Bạc Liêu và Long An. (báo SGGP ngày 12 tháng 12, 2010). Tỷ lệ người có bằng đại học, sau đại học rất hiếm. Cái nghèo và sự thất học cũng lý giải vì sao rất nhiều cô gái ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi lấy chồng Ðài Loan, Hàn Quốc... hòng mong một sự đổi đời cho mình và để giúp đỡ tài chính cho gia đình.

Hóa ra bọn “thực dân, đế quốc” đã rút về nước từ lâu lắm rồi, mà người nông dân vẫn tiếp tục bị bóc lột ngay trên đất nước mình!

----------------------------------

xuất khẩu gạo

Hoàng Kim (Đồng Tháp)   -  27/11/2010

Chủ tịch Hội nông dân VN Nguyễn Quốc Cường  -  Thứ Sáu, 20/11/2009, 07:55 (GMT+7)

Tuổi Trẻ  -  Thứ Ba, 07/03/2006, 06:12 (GMT+7)

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  -  Đăng bởi bvnpost on 04/10/2010

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  -  23/09/2010

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  -  -   22/09/2010 

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  - 18/09/2010 

.
.
.

No comments: