Thursday, January 20, 2011

TRUYỀN THÔNG TUNISIA ĐƯỢC GIẢI PHÓNG (VOA)

Lisa Bryant | Tunis  
Thứ Năm, 20 tháng 1 2011

Những cuộc biểu tình lật đổ nhà lãnh đạo độc đoán Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali cũng đã giúp cho truyền thông nước này lâu nay bị bóp nghẹt được nếm mùi tự do đầu tiên. Từ Tunis, thông tín viên Lisa Bryant tường trình cho Đài VOA về bối cảnh mới của truyền

Lúc này là hạn chót tại tòa soạn báo Realites, một tờ tuần báo nhỏ tại trung tâm Tunis. Các nhà báo vội vã đưa bài, gọi những cú điện thoại cuối cùng và kiểm tra lại những sự kiện để tường trình về những câu chuyện. Kể từ số phát hành hàng tuần vừa qua, người Tunisia đã lật đổ nhà lãnh đạo cai trị lâu năm, ông Zine el-Abidine Ben Ali trong một cuộc cách mạng được gọi là cách mạng hoa nhài.

Hiện nay, những nhà báo như ông Azza Turki, 27 tuổi của báo Realites đang làm việc vất vả vì tình hình xáo trộn tiếp theo sau, và vì chính phủ lâm thời còn đang mong manh, các vụ biểu tình và những bất ổn.

Ông Turki nói các nhà báo Tunisia không có khả năng bắt kịp được những biến cố xảy ra nhanh chóng tại nước này. Mỗi lần họ cố đưa tin mới nhất thì tin lại thay đổi.

Đây cũng là một cuộc cách mạng của giới truyền thông nữa. Hôm thứ Hai, Thủ tướng lâm thời Mohammed Ghannouchi loan báo chính phủ bỏ tất cả những hạn chế về truyền thông. Ông cũng giải tán Bộ Thông tin đã bóp nghẹt báo chí trong suốt 23 năm dưới thời ông Ben Ali cầm quyền.

Đối với ông Zyed Krichen, Tổng biên tập của tờ Realites, những tự do mới phát hiện đã đưa tờ tuần báo này trở lại mục tiêu ban đầu-là một tờ báo thực sự độc lập.

Ông Krichen nói dưới chính phủ của Tổng thống Habib Bourguiba, được thành lập sau khi dành được độc lập, tờ Realites có được một số phạm vi hoạt động tự do, ngay cả khi thường bị đình bản lâu hàng tháng trời vì bị kết tội phỉ báng những thành viên chính phủ. Ông nói thêm là đến thời Tổng thống Ben Ali, tự do đó biến mất.

Ông Krichen nói dưới thời Tổng thống Ben Ali có nhiều điều cấm kỵ. Truyền thông không được chỉ trích Tổng thống và gia đình ông. Báo chí cũng không được phép tường trình về những vụ bê bối của chính phủ hay những doanh gia có thế lực hay bầu cử gian lận.

Chính là nhờ thông tin trên mạng nhất là Facebook, Twitter và những trang blog phát tán thông tin giúp thay đổi quyền lực tại Tunisia chứ không phải là truyền thông cổ điển. Báo chí Tunisia ít khi tường thuật những cuộc biểu tình cho đến khi Tổng thống Ben Ali phải ra đi.

Hiện nay, những tin tức buổi tối đầy rẫy những lời chỉ trích chính phủ của người dân Tunisia. Truyền hình nhà nước Tunisia đã chuyển hướng. Một số tờ báo cũng thay đổi theo đài truyền hình, cho các tổng biên tập nghỉ việc.

Những diễn biến tại Tunisia có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho các nước Ả Rập khác nơi việc hạn chế báo chí thường xảy ra. Tổ chức theo dõi truyền thông Phóng viên Không Biên giới cho điểm thấp Trung Đông và Bắc Phi trong chỉ số về tự do truyền thông được công bố mới đây. Tunisia được xếp hạng gần chót. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới gọi sự ra đi của Tổng thống Ben Ali là “Kẻ tiêu diệt quyền tự do báo chí đã đi rồi”.

Tại tòa báo Realités, những phóng viên hiện nay còn một hạn chế. Đó là hạn chót nộp bài. Họ phải phát hành tạp chí trước khi trời tối.
.
.
.

No comments: