(Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam phỏng vấn Dân Làm Báo)
Đăng Bởi admin Lúc 14/01/11 6:36 AM
VRNs (14.01.2011) – Anh chị em thân mến, thời gian vừa qua, một trang blog chỉ mới hình thành nhưng đã thu hút hầu hết dân cư mạng quan tâm đến các vấn đề Việt Nam là Danlambao, bởi ở trang này, người ta tìm được hơi thở thật của cuộc sống. Các chú công an mạng (CAM) đánh hơi được và lo sợ tầm ảnh hưởng của blog này, nên đã dùng thủ đoạn tiếm đoạt hộp thư điện tử và chính trang Danlambao. Nhưng chỉ một thời gian ngắn ngay sau đó, trên internet, người ta nhận thấy không chỉ có một “ngôi nhà” mang tên là Danlambao, mà xuất hiện 40 “ngôi nhà” như thế. Chúng tôi gọi là “làng Danlàmbao”, còn Ban biên tập thì gọi Danlambao là một thương hiệu, còn 40 cái đó như 40 cửa hàng bán lẻ.
Thật tuyệt vời ! Để hiểu rõ thêm vấn đề này, phóng viên Thụy Minh, VRNs đã có cuộc phỏng vấn qua email với Ban biên tập Danlambao.
Kính mời anh chị em cùng đón nhận tâm tình của chúng tôi:
—————-
THỤY MINH, VRNs: Xin chúc mừng Dân Làm Báo từ là một “trang” báo điện tử đã trở thành cả một “làng” báo điện tử. Xin Ban biên tập cho chúng tôi biết nhờ đâu quý vị có và thực hiện được sáng kiến độc đáo này?
DÂN LÀM BÁO: Trong thời gian vừa qua rất nhiều trang web/blog lề trái từ ở trong nuớc cho đến ngoài nước đã bị đánh phá liên tục. Từ những trang nhà lớn như Talawas, X-cafevn, DCV-Online, Danchimviet, Danluan, BauxiteViệt Nam… hay cả những cơ quan truyền thông chuyên nghiệp như Nhật báo Người Việt, VietnamNet, cho đến các trang blog cá nhân đều bị tấn công nặng nề dưới nhiều hình thức khác nhau.
Nhìn vào những gì đã xảy ra, Danlambao nhận thấy rằng:
1. Những trang web lớn của các đàn anh, đàn chị có nhiều kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và sinh hoạt ngay ở những nước tự do mà vẫn bị tấn công, thiệt hại thì làm sao những trang blog cá nhân của các blogger Việt Nam, đang sống trong một đất nước với nhiều đe dọa, có khi phải làm việc ẩn danh, kiến thức kỷ thuật và tài chánh giới hạn có thể đối phó một cách hữu hiệu.
Từ nhận định này DLB kết luận: blogger VN khó mà đi vào phương hướng “chạy đua kỹ thuật” với “guồng máy tin tặc”. Việc nâng cấp máy chủ, xây dựng đội ngũ kỹ thuật, gia tăng kiến thức công nghệ thông tin tuy cần thiết nhưng đó không phải là sở trường của blogger. Đi vào hướng này đồng nghĩa chúng ta sử dụng sở đoản của mình để đối đầu với sở trường của tập đoàn tin tặc.
2. Những tấn công vào các trang thông tin lề trái nói chung xảy ra dưới 3 hình thức:
a. Dựng tường lửa để bạn đọc không thể truy cập được.
b. Dùng phương pháp tấn công từ chối dịch vụ DDoS để làm tê liệt và đông lạnh trang web/blog.
c. Cài cắm mã độc để ăn cắp mật khẩu và từ đó cướp quyền sở hữu của trang blog.
Kết luận của Danlambao là chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn vượt qua những nguy cơ này, nhất là khi nó xuất phát từ một hệ thống lắm người nhiều của và đang nắm quyền lực trong tay. Hệ thống đó còn có thể được trợ giúp kỹ thuật hay tham gia trực tiếp từ “tổ sư tin tặc” ở phương Bắc. Phương hướng tốt nhất là GIẢM THIỂU NGUY CƠ và PHỤC HỒI NHANH CHÓNG sau khi bị tấn công. Bỏ nhiều công sức xây dựng một trang Web “ngon lành” không hẳn là một phương hướng hiệu quả cho một blogger Việt Nam.
Từ đó, Danlambao đã thử nghiệm phương thức “du kích” trong cuộc chiến thông tin mạng này. Trong “cuộc chiến” này, chọn lối “chiến tranh quy ước” – người ta có 10 đại pháo mà mình tìm cách có 1 xe tăng thì sẽ vô vàn khó khăn. Một bài viết của các chuyên gia tại Trung tâm Berkman về Internet và Xã hội của Đại học Harvard đã đề nghị theo hướng “chiến tranh quy ước” này nhưng Dân Làm Báo xem đó không khả thi cho hoàn cảnh thực tế của blogger Việt Nam.
Và đó là lý do cho sự ra đời của 40 trang blog Danlambao. Một thương hiệu với nhiều cửa hàng. Mỗi cửa hàng chỉ cần 30 phút là có thể mở cửa chào đón khách hàng nhưng tin tặc phải tốn nhiều công sức hơn để đánh sập. Mất 1 ta mở 10. Mất 10 ta mở 100. Nhân cấp số cho 100, 1000 blogger thì chúng ta sẽ có một rừng nấm blog, một đám mây tung tăng sắc bướm trong đó mỗi con bướm là một chiến sỹ thông tin. Nhìn đâu cũng thấy nấm. Nhìn đâu cũng thấy bướm. Chặn chỗ này sẽ xuất hiện nhiều chỗ kia. Cộng đồng blogger cần là muôn ngàn tia nước xoáy hơn là một giòng thác khi đối diện với cái đê đồ sộ mang hình búa và liềm.
THỤY MINH, VRNs: Khi quyết tâm duy trì ‘”Dân Làm báo” bằng mọi cách, quý vị muốn gởi thông điệp gì đến với quý độc giả?
DÂN LÀM BÁO: Mỗi người chúng ta đều có những khát vọng nào đó. Khát vọng của Danlambao trong phạm vi sinh hoạt blog là tự do thông tin và tự do tiếp cận thông tin. Khi khát vọng đó bị ngăn chận, đe dọa, tấn công thì bất cứ ai cũng phải phản ứng. Phản ứng của Danlambao chỉ thể hiện một số tâm tư, quan điểm của Dân Làm Báo mà trong bài viết “Có Những Thứ Không Thể Chặn” Dân Làm Báo đã chia sẻ như sau:
Có những thứ không thể chặn!!!
Đó là tư tưởng của mỗi con người chúng ta. Những tư tưởng nói lên khát vọng chính đáng về tương lai của con người và đất nước Việt Nam.
Đó là thái độ không chấp nhận tình trạng độc quyền thông tin của bất kỳ ai, tập đoàn nào; thái độ dứt khoát không thể mãi mãi im lặng, cho phép có những kẻ tự cho họ quyền “đóng cổng” luồng tư tưởng của chính chúng ta.
Đó là nhu cầu phơi bày những sự thật, lên án những bất công, vạch trần những sai trái đang từng ngày xảy ra trên đất nước này.
Đó là trách nhiệm công dân đối với vận mạng của đất nước, với tương lai của thế hệ mai sau và tinh thần sống không thể thờ ơ, vô cảm trước những mất mát, khổ đau, hủy diệt mà đất Mẹ đang phải hứng chịu.
Đây là những gì mà không một quyền lực nào có thể chặn đứng. Bởi vì chúng ta không thể và không để nó bị chặn. Bởi vì những khát vọng, thái độ, nhu cầu, trách nhiệm ấy đã tạo nên bản chất chúng ta, cho phép chúng ta sống đúng nghĩa một con người. Mất đi, chúng ta đánh mất chữ người trong cái danh từ con-người đó. Mất đi, chúng ta trở thành những con vật – còn tệ hơn những con vật, vì ít ra Thượng Đế đã ban cho chúng ta một bộ óc. Vì thế, nhất định và dứt khoát, chúng ta không thể bất kỳ ai chận đứng những khát vọng, thái độ, nhu cầu, và trách nhiệm chính đáng của chúng ta.
Chính vì thế mà Dân Làm Báo, đã xin mượn lời của tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson để gửi đến các bạn đọc quý mến cũng như những thế lực đang muốn ngăn chận tiếng nói của các công dân Việt Nam yêu nước: “Tôi đã thề trước án thờ Thượng Đế: một thái độ thù địch vĩnh viễn chống lại mọi hình thức chuyên chế, bạo ngược nào đối với tư tưởng con người !!!”
THỤY MINH, VRNS: Xin Quý vị cho độc giả Truyền thông Chúa Cứu Thế biết cách thức tổ chức và phối hợp hoạt động của mạng lưới thông tin do trong “làng” Dân Làm Báo hiện nay như thế nào?
DÂN LÀM BÁO: Dân Làm Báo hoàn toàn không có một tổ chức và phối hợp hoạt động nào của một mạng lưới thông tin. Theo thời gian, từ ngày Dân Làm Báo được hình thành đến nay chỉ mới có vài tháng, tất cả đều xảy ra một cách tự phát từ các bạn đọc. Tin tức về biểu tình ở Bắc Giang là từ một bạn đọc ở ngay tại địa phương. Việc công an triệu tập quý Cha của Dòng Chúa Cứu Thế cũng từ một bạn đọc tại Sài Gòn cho biết và giới thiệu link. Bài viết về những tranh giành quyền lực trong nội bộ của VTV, hành vi của quan tham Trần Bình Minh là do một đảng viên đang làm việc trong guồng máy gửi cho. Những dữ kiện về các lãnh đạo hủ hóa tại một địa phương là do một bác đang làm việc trong hệ thống thông tin lề phải cung cấp. Tình hình của dân oan trước ngày đại hội đảng là do một chị tại Hà Nội tự tình nguyện làm đặc phái viên cho Danlambao thực hiện. Bài viết về kinh nghiệm Ba Lan là do một đàn anh ở nước ngoài dịch và gửi về hộp thư lienlacdanlambao@gmail.com… (và dĩ nhiên cũng có những bài viết không mời vẫn đến, không hỏi cũng cho, không xin vẫn gửi của các bạn CAM trong đó có cài mã độc made in China).
Các bạn đọc này, người đảng viên kia, bác phóng viên lề phải nọ, chị cộng tác viên Hà Nội mới đây… Dân Làm Báo không biết họ là ai, tên thật là gì, ở đâu… và không có nhu cầu cũng như không muốn biết. Chỉ ngầm hiểu với nhau về một điểm chung là: phải giúp nhau vạch trần những tội ác ngày hôm nay để ngăn chận nó trong tương lai; phải nắm tay nhau cổ xúy điều thiện để thắng cái ác; phải chung vai góp phần thông tin để mỗi ngày có thêm 1 người Việt Nam thực sự hiểu về hiện trạng của đất nước để từ đó tự họ có những khát vọng, hướng đi và hành động cụ thể cho tương lai của dân tộc. Nếu phải gọi nó là một mạng lưới thông tin thì đó là một mạng lưới của những người Việt Nam vô danh nhưng đầy lòng yêu nước.
Dân Làm Báo sẽ không làm được gì nếu không có nhiều bạn đọc hỗ trợ và biến đổi từ vai trò một người đọc sang một “chiến sỹ thông tin”. Từ đó Dân Làm Báo có thể trở thành một mạng lưới thông tin tự phát, lan tràn nhưng không bao giờ có thể trở thành một tổ chức thông tin. Ngay cả trong cái gọi là mạng lưới thông tin thì Dân Làm Báo cũng chỉ là một phần tử nhỏ trong cái mạng lưới thông tin to lớn hơn – đó là cộng đồng thông tin tự do và đa chiều mà chúng ta quen gọi là “lề trái”. Sự tồn tại, phát triển của trang blog Dân Làm Báo sẽ không nghĩa lý gì nếu nó không đồng hành được với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng mạng, của thế giới blogger Việt Nam.
THỤY MINH, VRNS: Quý vị muốn chia sẻ gì thêm với độc giả VRNs ?
DÂN LÀM BÁO: Dân Làm Báo xin được cám ơn anh Thụy Minh cũng như BBT Tin Chúa Cứu Thế Việt Nam đã có những quan tâm, khích lệ và cầu nguyện cho Dân Làm Báo trong thời gian trang blog gặp nhiều thử thách, đồng thời tạo cơ hội cho Dân Làm Báo chia sẻ một số suy nghĩ qua bài phỏng vấn này.
Điều mà Dân Làm Báo muốn tâm sự thêm là: nếu tưởng tượng hình ảnh mơ ước của đất nước thân yêu là một mảnh vườn xinh đẹp thì ngày hôm nay chúng ta, mỗi người trong hoàn cảnh, khả năng giới hạn đang cố gắng với những đóng góp khác nhau. Có người đang loay hoay xới đất. Có người đang miệt mài nhổ cỏ. Có người đang kiên nhẫn ươm mầm một cây hoa hướng dương. Có người đang âm thầm mót sỏi trải lối đi sau này. Có người đang hì hục đào hố để gieo trồng một đại thụ bóng mát năm sau… Và cũng có người đang ồn ào bàn xem việc nào quan trọng hơn việc nào. Theo Dân Làm Báo, mỗi việc đều có giá trị riêng và sự cần thiết của nó. Vấn đề của đất nước chúng ta là có những người đang vừa phá nát mảnh đất đáng lẽ phải là mảnh vườn xinh đẹp đó từ nhiều năm trước, vừa ngăn chận, tấn công, trấn áp những người thiện tâm và có ý hướng xây dựng. Thảm họa của tổ quốc là mảnh đất đó không những đang bị phung phí, khai thác, tàn phá mà còn có nguy cơ bị chiếm đoạt, sang nhượng.
Tất cả những điều đó không phải ai ai trong số hơn 87 triệu người Việt Nam cũng đều biết rõ. Phải biết mới quan tâm. Có quan tâm mới dẫn đến nhận thức trong tư duy. Và cuối cùng hành động thiết thực mới có thể xảy ra ở tầm mức hàng trăm ngàn, hàng triệu người. Tự do thông tin chỉ góp phần vào phần đầu của quy trình đó. Và đó cũng chính là một công việc trong nhiều công việc xây dựng mảnh vườn xinh đẹp tương lai.
Trong khi chờ đợi ngày mảnh vườn xinh đẹp ấy đến với chúng ta, và cũng xem đó là đích đến để đo lường sự thành công tối hậu, chúng ta vẫn có thể mĩm cười về những thành quả của mỗi ngày. Chỉ cần làm một điều gì đó, dù nhỏ, trong một xã hội còn đang trầm mình trong bóng đêm vô cảm, chí ít tự nó đã là một thành quả.
Cuối cùng, sẽ không bao giờ chấm dứt thông tin phản biện, sẽ không bao giờ không còn nữa nhu cầu vạch trần mọi góc cạnh của xã hội. Đảng nào, nhà cầm quyền nào cũng chỉ là tập hợp của những con người bất toàn. Những bất toàn phải được soi rọi. Bất cứ cá nhân, tập thể nào khi dính líu đến quyền lực đều có thể tha hóa. Những tha hóa cần phải được vạch trần. Trong mảnh vườn xinh đẹp ngày mai, có khác thì chỉ ở một điều: thế hệ đàn em của chúng ta sẽ được an nhiên, tự tại làm những việc đó dưới những quy định rõ ràng của Hiến Pháp, được bảo vệ thực sự bởi một nền pháp luật nghiêm minh trong một hệ thống chính trị thực sự dân chủ. Ngày đó có đến hay không, nhanh hay chậm nằm ở câu trả lời cho câu hỏi đối với mỗi người hôm nay: nếu mình không làm thì ai làm?
Thụy Minh, VRNs – Dân Làm Báo
.
.
.
No comments:
Post a Comment