Tuesday, January 18, 2011

TRUNG QUỐC ĐÓNG QUÂN TẠI TRIỀU TIÊN (Người Buôn Gió)

Người Buôn Gió
Jan 18, '11 4:48 AM

Cho biết

Trung Quốc đang bàn bạc với Triều Tiên về việc binh sĩ nước này sẽ đóng ở quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 1994.

Một quan chức ở văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, gần đây, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã thảo luận chi tiết về việc lính Trung Quốc sẽ đóng ở thành phố Rason, phía đông bắc Triều Tiên.
Theo quan chức này, các binh sĩ sẽ bảo vệ các trụ sở của Trung Quốc tại đây song địa điểm này cũng cho phép Trung Quốc tới được biển Nhật Bản. Trong khi đó, một quan chức Hàn cấp cao khác lại nói, việc đóng quân cho phép Bắc Kinh can thiệp nếu Triều Tiên có bất ổn.
Một phát ngôn viên Dinh Tổng thống Hàn nói, bà không có thông tin gì về vấn đề này. "Triều Tiên và Trung Quốc đã thảo luận việc sẽ duy trì một nhóm nhỏ binh sĩ để bảo vệ các cơ sở mà Trung Quốc đầu tư tại cảng này. Sự hiện diện của Trung Quốc dường như để bảo vệ lợi ích và công dân của họ".
Năm 2008, Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng một bến tàu ở Rason, đảm bảo đường đi tới Biển Nhật Bản trong bối cảnh Triều Tiên phải tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc khi đang đối đầu về hạt nhân với Mỹ và các đồng minh của nước này.
__________________________________________________________________

 Lý do mà Trung Quốc đưa ra là sự hiện diện của họ để bảo vệ lợi ích đầu tư và công dân của họ. Việt Nam nghĩ gì về điều này, khi mà những vùng đất trọng yếu trên Tây Nguyên, Đà Nẵng, Thanh Hóa , Quảng Ninh... có rất nhiều sự hiện diện và tài sản đầu tư của người Trung Quốc. Liệu những thông tin này có giúp được cho Việt Nam bài học gì trước lượng đầu tư của Trung Quốc mà chủ yếu là dành lấy đất đai chứ không chú trọng đến phát triển công nghệ chất lượng cao tại Việt Nam. Dễ thấy những đầu tư của Trung Quốc nhằm vào bất động sản như chuỗi nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng, trồng rừng tại các tỉnh biên giới, khai thác bau xít tại Việt Nam...những dự án không mấy có sức kích thích hay tác động tốt tới nền kinh tế Việt Nam nhưng lại rất tốt đất đai rơi vào tay quản lý của người Trung Quốc. Nhiều nơi trong dự án này Trung Quốc đổ người của họ vào và khoanh rào cấm dân Việt Nam lai vãng ý hệt như lãnh địa của họ. Năm 2010 năm cuối cùng của đại hội Đảng CSVN khóa 10, chuẩn bị sang nhiệm kỳ đại hội mới, Trung Quốc  đầu tư vào Việt Nam đột ngột gia tăng với mức độ chóng mặt là 74%,  trong năm 2010 bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam cũng đã cấp 84 giấy phép đầu tư cho Trung Quốc, đến nay đã có 749 dự án Trung Quốc đã được khởi động trên đất Việt Nam.

Giả sử Việt Nam có chuyện gì, liệu người Trung Quốc có nhân danh bảo vệ tài sản và công nhân của họ mang quân đội và vũ khí sang đóng tại Việt Nam như đóng ở Triều Tiên không ? Câu chuyện này chưa ai có thể biết rõ. Nhưng nếu những dự án kinh tế đơn thuần của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam cần phải được minh bạch rõ ràng cho nhân dân biết, không thể gói gọn thông tin trong một vài bộ chủ quản.

Đất nước Việt Nam cùng với sự tiến bộ của thế giới ngày nay, tuyệt nhiên không thể là nước chư hầu cho bất cứ cường quốc nào mưa toan trục lợi. Lúc ban đầu của nhà nước Việt Nam, chủ tịch HCM đã phải mất nhiều toan tính để gạt bỏ sự lợi dụng đục nước béo cò của bọn quân Tầu Lư Hán. Có thể là võ đoán của cá nhân khi cho rằng chủ tịch HCM trong hai lựa chọn giữa quân Tàu và quân Pháp chiếm đóng, HCM đã  chọn quân Pháp khi ký hiệp định cho Pháp vào cảng Hải Phòng, đồng thời tiễn đưa khéo léo, quà cáp cho Lư Hán về nước. Một quyết sách thà để kẻ thù từng xâm lược vào còn hơn để ông bạn Tầu ở lại, phải chăng là cách đối xử để truyền hậu thế của vị chủ tịch huyền thoại này. Nhưng dù thế nào đi nữa thì trong các đối sách với các nước trên thế giới ngày nay, không thể không rút những bài học ứng xử mà chủ tịch HCM đã làm với các cường quốc thù địch cũng như bạn bè trước kia.

Bản tin về Triều Tiên cho thấy, đất nước này đã hoàn toàn mất chủ quyền khi phụ thuộc vào Trung Quốc để đối đầu với Mỹ. Trong khi nhân dân Triều Tiên lo chạy miếng ăn từng bữa dồn sức vào quân sự lăm le đối đầu với Mỹ, còn nước Mỹ lo ngại về phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tìm mọi cách ve vãn, áp lực để hạn chế Triều Tiên. Thì người bạn chiến lược , đối tác tin cậy của Triều Tiên là Trung Quốc+ điềm nhiên đục nước béo cò, nẫng mất cảng Rason để ngõ hầu tính chuyện cướp biển của Nhật Bản.

Thực tế cho thấy, những nước là đối tác chiến lược của Trung Quốc luôn luôn bị những khó khăn, mất mát, thậm chí là sự phát triển kinh tế, quân sự bị hạn chế vì nhiều lý do khác nhau.

.
.
.

No comments: