Tuesday, January 25, 2011

THÔNG ĐIỆP VỀ TƯƠNG LAI HOA KỲ (Người Việt)

Hà Tường Cát/Người Việt
Monday, January 24, 2011

Tối 25 tháng 1, Tổng Thống Barack Obama sẽ đọc bản Thông điệp Liên bang thứ nhì trong nhiệm kỳ của ông vào lúc sau 9 giờ tối, giờ Ðông bộ Hoa Kỳ tức là 6 giờ chiều giờ California.

Thông điệp Liên bang (State of the Union, viết tắt SOTU, có nghĩa là tình trạng của liên bang) là bài diễn văn các tổng thống đọc hằng năm trước hai viện Quốc Hội, trình bày thành quả năm trước và phác họa chương trình hoạt động của Hành pháp trong năm sắp tới cũng như những đề nghị đưa ra với Lập pháp. Thông thường bản Thông điệp Liên bang bao giờ cũng là dịp để vị tổng thống trình bày những quan điểm lạc quan phấn khởi cho quốc gia và dân chúng.


Những gì sẽ được nói
Nội dung dự thảo của bản thông điệp được gởi đến những giới ủng hộ xem trước hôm Thứ Bảy nói rằng Tổng Thống Obama sẽ đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế, đầu tư cho tương lai và giảm thiếu hụt tài chính. “Hoa Kỳ sẽ thực hiện chương trình để chiến thắng tương lai bằng canh tân, xây dựng, giáo dục, vượt các quốc gia trên thế giới”. Ðể tiến đến những mục tiêu này, “Mục tiêu số một là Hoa Kỳ phải có khả năng cạnh tranh, phải tăng trưởng và phải tạo lập công ăn việc làm không phải chỉ bây giờ mà còn cho mai sau”.

Tài liệu được phổ biến cũng cho biết “Tổng thống sẽ nói về sự cần thiết phải có trách nhiệm đối với tình trạng thiếu hụt ngân sách của chúng ta bằng cách chỉ đầu tư vào những gì làm cho nước Mỹ hùng mạnh hơn và cắt giảm những gì không là thiết yếu, đồng thời cải tổ chính quyền sao cho gọn nhẹ và hiệu quả hơn”.

Chuyển tới lập trường trung dung
Tổng Thống Obama đã tỏ lộ bằng lời cũng như hành động sự chuyển đổi lập trường chính trị đi tới trung phái, đặc biệt là từ sau thất bại của đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử tháng 11 năm ngoái. Một số những phân tích gia chính trị nêu lên thái độ ứng xử linh động khôn ngoan của ông trong việc đã đạt một số đạo luật có được sự chấp thuận lưỡng đảng khi Quốc Hội đang ở tình trạng ngưng trệ vì chuyển đổi hồi tháng 12.

Hậu quả là mức tín nhiệm của Tổng Thống Obama đã tăng lên trở lại cùng lúc với nền kinh tế có những biểu hiện tốt đẹp hơn. Sự tán thành của khối cử tri độc lập đem đến tác động này và là một nhu cầu then chốt cho vận mạng chính trị của ông trong kỳ bầu cử năm 2012.

Nhưng thỏa hiệp với đảng Cộng Hòa về vấn đề gia hạn biện pháp giảm thuế của Tổng Thống Bush cũng làm bất bình giới Dân Chủ cấp tiến vốn là căn bản chính trị của ông. Liệu bây giờ chương trình hoạt động mới sẽ đưa ra trước Quốc Hội và dân chúng Mỹ có làm cho những người Dân Chủ cánh tả thêm phẫn nộ hay không? Thắc mắc ấy giải thích lý do vì sao Tổng Thống Obama đã cho phổ biến nội dung dự thảo Thông điệp Liên bang đến những giới đã ủng hộ ông trong kỳ tranh cử năm 2008.

Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Charles Schumer tiểu bang New York hồi tháng 12 đã không đồng ý với Hành pháp về việc thỏa hiệp với phía Cộng Hòa để triển hạn luật giảm thuế thời Tổng Thống Bush thêm hai năm, qua cuộc phỏng vấn của truyền hình CBS trong chương trình “Face the Nation” hôm Chủ Nhật, thừa nhận rằng lập trường của Tổng Thống Obama là thực dụng. Ông nói rằng những người Dân Chủ cũng coi việc cắt giảm chi tiêu là quan trọng và sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu này.

Thượng Nghị sĩ Schumer nói: “Chúng ta hiểu rằng phải làm điều này, nhưng nên làm một cách khôn ngoan. Chúng ta cần cắt giảm, có rất nhiều chi dụng lãng phí của chính quyền. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng với các đồng viện và tổng thống, nhưng những đầu tư thiết yếu về giáo dục, hạ tầng cơ sở, nghiên cứu khoa học thì cần phải duy trì”. Theo lời ông, dân chúng Hoa Kỳ tán thành đường lối hướng đến tương lai phát triển bằng tinh thần lạc quan. Ông tin rằng “Thông điệp của tổng thống sẽ được các thành viên Dân Chủ ở Quốc Hội đón nhận, nhưng tối hậu quan trọng hơn là dân chúng Hoa Kỳ”.

Thượng nghị sĩ độc lập Joe Lieberman tiểu bang Connecticut đã làm những đồng chí Dân Chủ của ông bất mãn khi ông ủng hộ Thượng Nghị sĩ Cộng Hòa John McCain trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, cũng bày tỏ sự tán thành lập trường hướng về trung dung và cách hành xử với sự hợp tác lưỡng đảng của Tổng Thống Obama. Ông nói: “Tổng thống đã nghe tiếng nói của cử tri qua cuộc bầu cử tháng 11 và đã mở rộng sự tiếp cận đến cánh giữa nghĩa là trung tâm căn bản của chính trị Hoa Kỳ”.

Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Kent Conrad tiểu bang North Dakota, thành viên ủy ban lưỡng đảng nghiên cứu vấn đề thiếu hụt ngân sách và đã lập dự án giảm chi $4,000 tỷ trong 10 năm, đưa ra một lời cảnh giác khác. Ông cho rằng giới lãnh đạo phải làm sao cho dân chúng hiểu nhu cầu cắt giảm những chương trình xã hội. Ông nói: “Dân chúng Mỹ muốn đừng đụng tới An sinh Xã hội, đừng đụng tới Medicare, đừng cắt giảm ngân sách quốc phòng. Những phần này chiếm 84% ngân sách liên bang, như thế nghĩa là chỉ còn 16% để tính toán khi mà chúng ta vay nợ tới 40 cents cho mỗi dollar chi dụng”.

Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain tiểu bang Arizona trên chương trình “Face the Nation” của truyền hình CBS ngày Chủ Nhật, cũng ca ngợi Tổng Thống Obama đã học được bài học của cuộc bầu cử tháng 11 và kinh nghiệm 2 năm đầu nhiệm kỳ để hướng về đường lối trung dung để có sự hợp tác lưỡng đảng. Ông nói: “Tổng Thống Obama là một người rất thông minh và tôi nghĩ rằng ông ta biết làm điều gì là đúng. Ông ta sẽ nói về giảm chi và đó là thông điệp của cuộc bầu cử tháng 11. Sẽ có những điểm chúng tôi không đồng ý nhưng chúng ta có rất nhiều những điểm chung trên nhiều lãnh vực và ít nhất cũng tìm ra những chỗ đó”.

Ðảng Cộng Hòa chắc chắn còn nhiều bất đồng quan điểm với tổng thống và sẽ biểu lộ, trước hết bằng một bài phản biện của một thành viên lập pháp, sẽ được phát trên truyền thanh truyền hình ngay sau Thông điệp Liên bang, nhưng theo truyền thống là từ một nơi khác chứ không phải ngay tại Quốc Hội.

Một vài thủ tục về bản Thông điệp Liên bang
Trung bình bản Thông điệp do tổng thống đọc dài khoảng hơn một giờ. Ðiều II chương 3 Hiến pháp Hoa Kỳ đã quy định tổng thống có nhiệm vụ báo cáo với Quốc Hội về tình trạng của liên bang và những gì cần thiết phải làm. Quy định này không bó buộc báo cáo bằng lời hay bằng văn bản, do đó trong lịch sử đã rất nhiều lần các tổng thống thay đổi phương cách.

Nhưng từ Tổng Thống Woodrow Wilson năm 1913, hình thức đọc trước một phiên họp khoáng đại hai viện Quốc Hội được duy trì thành thông lệ cho đến nay. Tên gọi “Thông điệp Liên bang” do Tổng Thống Franklin D. Roosevelt sử dụng từ năm 1934.

Thông điệp do Tổng Thống Calvin Coolidge đọc năm 1923 được phát qua vô tuyến truyền thanh lần đầu tiên. Tổng Thống Harry S. Truman bắt đầu được truyền hình năm 1947 và ngày nay bản thông điệp được các hệ thống truyền hình lớn phát đi trực tiếp trên toàn quốc. Từ Tổng Thống Bill Clinton năm 1997 bản thông diệp được lên mạng lưới điện toán toàn cầu (World Wide Web).

Bản thông điệp mỗi năm được đọc vào tháng 1 hay tháng 2, không nhất định ngày. Lần duy nhất ngày đọc phải dời lại là năm 1986 do tai nạn phi thuyền con thoi Columbia vừa xảy ra và Tổng Thống Ronald Reagan đã cho hoãn lại một tuần. Tổng Thống Lyndon Johnson năm 1965 là người đầu tiên đọc bản thông điệp vào buổi chiều tối, và ngày nay giờ được định hằng năm là 9 giờ tối.

Từ khoảng 8.30 giờ Ðông bộ, các dân biểu Quốc Hội đã phải tập trung và ngồi vào ghế tại trụ sở Hạ Viện, nơi bản thông điệp được đọc. Các thượng nghị sĩ và Phó Tổng Thống Joe Biden, với tư cách chủ tịch Thượng Viện, lần lượt tới những thành phần khác hiện diện, bao gồm Tối Cao Pháp Viện, hội đồng bộ trưởng, ủy ban tham mưu hỗn hợp quân đội, trưởng ngoại giao đoàn và một số khách đặc biệt. Hạ Viện có 435 dân biểu và Thượng Viện 100 thượng nghị sĩ nhưng hội trường hạ viện chỉ có 448 ghế, do đó phải thay bằng những ghế nhỏ hơn trong buổi này để có đủ chỗ ngồi. Tuy nhiên một số dân biểu và thượng nghị sĩ vì lý do này khác vắng mặt nên không bao giờ thiếu chỗ.
Theo luật, một bộ trưởng được chỉ định, bình thường là ngoại trưởng, không có mặt ở đây với lý do đề phòng nếu xảy ra tai nạn hay một vụ tấn công làm tất cả nhân vật lãnh đạo cao cấp đều tử nạn hay không làm việc được nữa thì hệ thống chính quyền sẵn sàng có người thay thế không bị gián đoạn hoạt động. Một số thượng nghị sĩ và dân biểu cũng được yêu cầu vắng mặt và tạm thời đổi địa chỉ tới một địa điểm bí mật.

Tổng Thống Obama đến sau cùng và được chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch Thượng Viện đón vào hội trường. Màn chào hỏi, vỗ tay và bắt tay một số nhân vật cũng chiếm mất một khoảng thời gian. Bản thông điệp sẽ được ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng pháo tay kéo dài trong đó mọi người đứng dậy. Vì tính cách đối lập giữa hai đảng, nhiều khi chỉ có một phía ủng hộ vỗ tay và phía kia ngồi yên không tán thưởng một câu của tổng thống về vấn đề nào đó. Thượng Nghị Sĩ Mark Udall tiểu bang Colorado đã đề nghị năm nay các nhà lập pháp không phân biệt đảng ngồi lẫn lộn và khi vỗ tay không đứng dậy.

Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama được coi thuộc thành phần khách, đến trước, không đi cùng tổng thống. Năm nay bà sẽ ngồi chung với những khách đặc biệt trong đó có Daniel Hernandez sinh viên đại học Arizona tập sự tại văn phòng bà Dân Biểu Gabrielle Giffodrs. Sinh viên 20 tuổi này đã can đảm chạy tới cấp cứu ngay khi bà bị bắn trúng thương ngã xuống. Gia đình em bé 9 tuổi bị tử nạn trong vụ nổ súng này cũng được mời, nhưng phi hành gia Mark Kelly từ chối đến dự vì muốn ở lại bệnh viện Houston săn sóc cho bà vợ dân biểu đang được chữa trị hồi phục.
.
.
.

No comments: