Tuesday, January 11, 2011

THĂM HỎI NHÀ THƠ TRẦN PHÙ THẾ (Hai Trầu)

11.01.2011

Nhà thơ Trần Phù Thế tâm tình trong buổi giới thiệu tập thơ Gọi Khan Giọng Tình, tháng 4 năm 2009, tại South Carolina, Hoa K ỳ. (Hình do TPT gởi)

HT:
Mến chào anh Trần Phù Thế,
Được biết anh có quê quán Sốc Trăng, nhưng quê anh thuộc làng nào và có gần Kế Sách hoặc Đại Ngãi không thưa anh ?
TPT :
Mến chào anh Hai,
Quê tôi làng Hậu Thạnh nhưng lúc bốn tuổi gia đình dọn ra Đại Ngãi. Năm 1968 dọn nhà về Cần Thơ. Chúc anh mạnh giỏi.

HT:
Thưa anh,
Anh có thể kể cho nghe một chút về làng Hậu Thạnh và Đại Ngãi nhe! (Năm 1968, tôi cũng đang ở Cần Thơ, gần chùa Cây Bàng; sau Tết Mậu Thân lại dời qua hẻm số 2 đường Nguyễn Trãi; vậy anh ở đường nào?
Lúc bấy giờ anh đã làm thơ chưa hay anh làm thơ từ hồi còn dưới Đại Ngãi (Sốc Trăng), thưa anh?
Ngoài ra, vào những năm trước 1975, theo chỗ tôi biết, ở Cần Thơ có thi văn đoàn Về Nguồn (1964-1975), tạp chí Văn Nghệ Miền Tây do Ngũ Lang làm chủ bút (1967-1968), tạp chí Miền Tây Thăng Hoa do nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế chủ trương (1972-1975, như vậy, vào những ngày anh dọn nhà về Cần Thơ anh còn thấy những tạp chí văn chương nào khác nữa không?
 TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Làng Hậu Thạnh thuộc quận Long Phú, tỉnh Sốc Trăng nằm trên trục lộ từ Sốc Trăng đi Đại Ngãi. Đó là nơi tôi chào đời năm 1943. Ba tôi làm ruộng  và Má tôi buôn hàng xén tại nhà.Khi lớn lên nghe Ba tôi kể lại Năm 1945 người Miên từ xã Văn Cơ " Nổi Dậy ". Họ uống rượu say, mắt đỏ ngầu, tay cầm Mã Tấu gặp người Việt lá chém liền. Họ đi đến đâu là cướp của, đốt nhà. Ba tôi là nạn nhân của chúng. Nhưng may mắn chạy thoát được với vết thương trí mạng trên lưng vai trái. Sau đó Ba Má tôi dọn nhà ra chợ Đại Ngãi ( nằm trên ngã ba sông Bassac và sông Đại Ngãi) cách Hậu Thạnh ba cây số. Thời đó, chợ Đại Ngãi rất trù phú,đông dân, trên bến dưới thuyền, là nơi tụ hội của giới thương hồ từ Long Phú, cù lao Dung lên, Cầu Quan, Trà Ôn qua và Kế Sách xuống.Khi gia đình sinh sống ở Đại Ngãi lúc đó tôi đã chín tuổi mới được đi học. Học xong Tiểu Học tôi vào Sốc Trăng cùng thằng bạn cất cái nhà lá nhỏ ( đường vào mã Quách Sên ) đi học và tự nấu ăn. Năm học Đệ Tam năm 1962 ( học trò gọi là năm ăn chơi). Trần Phù Thế (Mặc Huyền Thương) cùng với Lâm Hảo Dũng (lúc đó bút hiệu Mây Viễn Xứ ), Lưu Vân ( Tăng Quang Duyên), Triệu Ngọc (Trần Hữu Hạnh) thành lập nhóm thơ "Cung Thương Miền Nam". Thời gian sau có thêm Nguyễn Lệ Tuân (Nguyễn Minh Y) và Trần Biên Thùy (La Phước Hùng) . Trước đó Thị xã Khánh Hưng đã có thi đoàn Hoa Hậu Giang của Lệ Trường Giang hoạt đông. Năm sau thi văn đoàn Hồn Trẻ 20 ra đời với Vũ Ngọc Đức, Phù Sa Lộc, Lâm Hảo Khôi ( Trần Tử Lan )…Ngoài ra ở Sốc Trăng còn có  nhà giáo, nhà thơ Trần Như Liên Phượng nổi tiếng từ năm 1960 ( phục vụ SĐ21/BB) đã tử trận năm 1965 tại Chương Thiện. Tôi đi lính K25/TĐ năm 1967. Sau Tết Mậu Thân (1968  gia đình dọn về Cần thơ đưòng Trương Định. Lúc đó tôi đã ra trường TĐ và đơn vị tôi đang bận hành quân. Mãi tới cuối năm 1968 tôi mới được về phép. Tuy mang tiếng nhà ở Cần Thơ nhưng vì phục vụ TK/Gia Định mỗi năm về phép mấy ngày nên tôi như là khách trọ qua đường.

HT:
Thưa anh Trần Phù Thế,
Theo như anh kể, năm 1962, anh với bút hiệu Mặc Huyền Thương cùng với Lâm Hảo Dũng ( lúc đó bút hiệu Mây Viễn Xứ ), Lưu Vân (Tăng Quang Duyên), Triệu Ngọc ( Trần Hữu Hạnh ) thành lập nhóm thơ "Cung Thương Miền Nam". Sao lại là "Cung Thương" và  xin anh có thể nói thêm một chút về sinh hoạt của nhóm thơ "Cung Thương Miền Nam " lúc ấy, thưa anh?
TPT:
Anh Hai à,
Chuyện là như thế nầy. Cung Thương là hai trong ngũ âm của nhạc cổ điển Trung Quốc (Cung, Thương, Chủy, Giốc, Vũ):
cung thương làu bậc ngũ âm
nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
(Kiều)
Sở dĩ chọn hai chữ Cung Thương là vì tất cả thành viên trong nhóm đều tự tin vào tác phẩm của mình sẽ được độc giả chấp nhận. Thời đó những tay viế trẻ đều mong muốn thơ hoặc văn mình được tạp chí VĂN ( thời Trần Phong Giao thơ ký tòa soạn ) đăng một bài ( dù chỉ một bài ) thì lập tức cả giới văn nghệ như tụi tôi đều biết tên. Tạp chí VĂN biểu tượng Đẳng Cấp của những cây viết trẻ thời đó. Chỉ một năm hoạt động đã có ba thành viên có bài đăng trên VĂN: Lâm Hảo Dũng, Lưu Vân và Mặc Huyền Thương. Dù đã bốn mươi bảy năm qua, nhưng khi cầm tạp chí VĂN trên tay. Có đăng bài thơ " Nhạc Trăng" của mình một cách trang trọng. Tôi sung sướng phát khóc. Đứa con yêu quí của tôi nằm phơi phới nguyên một trang. Hình như hai chữ Nhạc Trăng đang mỉm cười với tôi, lại còn nheo mắt, như thầm nói: Đã chưa bạn?
trăng nhập vào trăng lạnh tiếng đàn
nghe giòn sao vỡ thủy tinh tan
chơi  vơi tiếng hát cao trừng vọng
ta gởi hồn qua giấc hỗn mang
rỉ máu lên từng giọt ngón tay
ta thương hồn chết đã bao ngày
trăng mơ chảy mượt từng chân tóc
ta uống trăng vàng giọt giọt say
trăng hát miên man buồn chậm chậm
mây đời che khuất bóng trăng tan
hồn ta treo cổ vầng trăng khuyết
và chết vào đêm bóng nguyệt tàn.
(Nhạc Trăng)

HT:
Anh Trần Phù Thế thân,
Nghe anh kể bài thơ Nhạc Trăng được đăng trên tạp chí Văn vào thời ấy là biết mê rồi. Hồi thời đó ai viết văn làm thơ mà được các tạp chí văn học ở Sài Gòn chọn đăng thì, nói theo cách nói dân miền Tây mình, "dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch". Theo anh có phải vậy không ?
Tôi thấy có cái này nữa, muốn biết mà không biết hỏi ai. Đó là vào những năm 1960-1970, nhiều tác giả hay lấy bút hiệu ba chữ, như anh là Mặc Huyền Thương; Lâm Hảo Dũng có bút hiệu Mây Viễn Xứ; rồì Lê Mai Lĩnh thì Sương Biên Thùy; Lê Cần Thơ thì nào là Kiều Hương Trinh, Trương Yến Linh, Huyền Vân Thanh, Lê Hoàng Viện; ở thị xã Khánh Hưng (Ba Xuyên) còn có Phù Sa Lộc như anh kể. Đặc biệt nhứt là vào những năm ấy sao người ta hay lấy mây, sao, sương, cát làm bút hiệu quá vậy anh Trần Phù Thế? Phải chăng đó là một phong trào chọn tên cho hợp với trời trăng mây nước chăng?
TPT:
Thưa anh Hai,
Thập niên 60-70 tuổi học trò lứa tuổi anh em mình phần lớn đều thích thơ văn. Tôi nhớ, hồi ở trung học. Hôm nào, thầy trả bài luận văn, bài nào hay nhất, thầy cho một bạn có giọng tốt đọc lên cả lớp cùng nghe. Trò nào được tuyên dương là đỏ mặt, tía tai sung sướng. Bạn bè đều hướng mắt nhìn ngưỡng mộ. Huống chi, thị xã Sốc Trăng nhỏ xíu, một học trò có thơ văn đăng báo là niềm hãnh diện chẳng những cho cá nhân mà còn cho cả lớp, cả trường. Cho nên nói theo cách nói dân miền Tây mình: "dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch " là đúng vậy.

Nhiều tác giả, những năm 1960-1970 hay lấy bút hiệu ba chữ thì tôi chịu thua không thể giải thích được. Trừ trường hợp tác giả tự giải nghĩa về bút hiệu của mình. Tuy nhiên giải nghĩa chơi chơi bút hiệu các bạn thơ quen thì tạm  được. Như Mây Viễn Xứ. Từ nhỏ Lâm Hảo Dũng sinh ở Cao Miên rồi gia đình dời nhà về Bố Thảo (Sốc Trăng ), học ở Khánh Hưng, học Nông Lâm Súc  ở Cần Thơ và đi lính lang thang khắp vùng Ba, vùng Bốn chiến thuật. Như vậy thì không "Mây Xa Nhà" là gì. Còn tên Tăng Quang Duyên bút hiệu Lưu Vân cũng là lưu linh thiên địa. Hắn thích uống rượu và như mây bay lang thang. Cuối cùng tôi có thể nghĩ đó cũng là một phong trào đặt bút hiệu cho sướng mà thôi.

HT:
Còn Mặc Huyền Thương là do đâu, thưa anh?
TPT:
Anh Hai Trầu ơi,
Với tôi, Mặc là im lặng không nói (hay không dám nói). Chuyện nầy nói ra thiệt là mắc cở quá chừng. Lúc mà ta mười lăm đã lòng say bậu rồi …. Tôi khoái một cô bé tên Thương Huyền. Gia đình cô bé rất giàu có, nên cô ấy vô cùng kiêu ngạo. Hơn nữa ba cô bé mặt lạnh như tiền. Tôi đành nhốt hình bóng kiều diễm của bé vào trái tim. Tôi bắt đầu làm thơ. Nghĩ tới nghĩ lui cả tháng không tìm được bút hiệu nào vừa ý. Trực nhớ tới Thương Huyền. Tôi đi tới đi lui trong phòng.  Miệng lẩm bẩm đọc tên nàng ngược xuôi, xuôi ngược như lên đồng: Thương Huyền… Huyền Thương…Thương Huyền… Huyền Thương… Cuối cùng tôi quyết định chọn tên Huyền Thương để tránh nàng hiểu lầm là tôi mê nàng. Tôi đọc lần nữa thấy chỉ cần thông minh một chút là khám phá ra ý đồ của tên cà chớn liền. Tôi lại đi tìm cuốn từ điển tiếng Việt, coi đồng nghĩa với im lặng là gì. Bắt gặp chữ" Mặc ". Tôi mừng như bắt được vàng. Tôi đọc to lên: Mặc Huyền Thương… Mặc Huyền Thương nghe cũng êm tai ra phết.
Khi tôi vào lính. Tôi lấy tên thật và họ thật chỉ thay chữ lót để trở thành bút hiệu bây giờ.

HT:
Anh Trần Phù Thế ơi,
Cảm ơn anh đã chia sẻ bút hiệu Mặc Huyền Thương rất lãng mạn. Hồi đó bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” của anh ngoài gởi bài đăng báo, các anh có ra đặc san, bích báo hoặc phổ biến thơ bằng cách nào nữa, thưa anh?
Bút nhóm "Cung Thương Miền Nam" mãi tới năm nào thì ngừng sinh hoạt?
Anh có thể kể sơ qua một chút về tác giả Phù Sa Lộc, ngày nay ông còn làm thơ nữa không hay đã nghỉ hưu rồi ?
TPT:
Thưa Anh Hai Trầu,
Nhóm Thơ " Cung Thưong Miền Nam " bắt đầu hoạt động cuối năm 1962. Anh em trong nhóm chủ trương phổ biến tác phẩm rộng rãi trên Nhật Báo, Tuần Báo, Bán Nguyệt San, Nguyệt San, phát hành ở Sàigòn. Như vậy, sẽ có nhiều đọc giả hơn là Bích báo, Đặc san chỉ hạn chế tại địa phương. Nhóm Thơ “Cung Thương Miền Nam " chỉ hoạt động có ba năm. Đến cuối năm 1965 các thành viên trong nhóm đồng ý  không
sử dụng tên CTMN nữa. Mỗi cá nhân tự mình gởi tác phẩm cho các báo đăng tải. Tuy nhóm CTMN chánh thức hoạt động có ba năm, nhưng cũng gây được chút ít tiếng vang và chú ý của độc giả cả Miền Nam lúc bấy giờ.
Thưa anh,
Trường hợp nhà thơ Phù Sa Lộc, chào đời tại thành phố Cần Thơ. Hiện nay nhà thơ đã về hưu, cũng vẫn còn làm thơ, cùng gia đình sinh sống tại ngôi nhà tại công viên Đồ Chiểu Cần Thơ mà năm mươi năm trước PSL đã ở. Hai tháng trước, nghe tin PSL bị bệnh sơ gan. Một số bạn thơ trước năm bảy lăm : HTS, LHK, LTN,TTT, TPT có chung góp chút tiền gởi về cho PSL tri bệnh. Cũng cần nói thêm một chi tiết đặc biệt. Phù Sa Lộc (trong nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi) chánh hiệu con nai là người Tàu, nhưng hắn làm thơ tiếng Việt rất là hay.

HT:
Anh Trần Phù Thế,
Còn các anh trong nhóm Cung Thương Miền Nam của anh hiện nay thì sao, thưa anh ?
TPT:
Thưa anh,
Lưu Vân hiện sống ở Bình Dương, Hắn vẫn còn viết lai rai kiếm tiền để sống. Trần Biên Thùy bán tạp hóa tại xã Khánh An (biên giới Việt Miên). Triệu Ngọc ở Cần Thơ là thầy giáo. Bây giờ đã về hưu không viết lách gì. Lâm Hảo Dũng định cư tại Canađa (Chủ nhiệm bán nguyệt san Tự Do thành phố Vancouver). Riêng Nguyễn Lệ Tuân đã mất tại Sàigòn.

HT:
Anh Trần Phù Thế ơi,
Phải chăng bài thơ "Bậu về" dưới đây, in trong thi phẩm "Gọi Khan Giọng Tình" là nỗi niềm của cậu bé 15 biết yêu cô gái Huyền Thương ngày ấy?  Bài thơ như một lời ca dao rặt miền Tây Nam Phần với sông nước Hậu Giang ngọt mát bốn mùa. Tài tình nhất là các chữ dùng rặt miền quê mà  ngập tràn thương mến, hình ảnh rất đơn sơ mà làm nên nỗi nhớ cả một đời, nào là "chùm me", "xoài tượng", "nước mắm", “chút đường","mình ên", "kẹp tóc"… Phải chăng Trần Phù Thế làm thơ tình không giống ai và không có ai làm thơ tình giống Trần Phù Thế nổi ? Anh nghĩ sao ? Nếu có thể được, xin anh vui lòng kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời bài thơ này.

Bậu về
 bậu về liếc mắt đong đưa
gió Xuân đầy mặt
như vừa chín cây
bậu về má đỏ hây hây
ta mười lăm đã lòng say bậu rồi

bậu còn
chơi ác nói cười
những câu dí dỏm
chết đời ta chưa
bậu về nhớ nắng thương mưa
hình như cây cỏ cũng ưa bậu về
như là có chút nắng hè
như là có cả
chùm me chua lừng
như là xoài tượng thơm giòn
thêm vào nước mắm chút đường khó quên.

bậu về
Đại Ngãi mình ên
bỏ quên kẹp tóc
bắt đền tội ta
bậu quên là tại bậu mà
tại sao bậu bắt đền ta một đời
tội này không chịu bậu ơi !  

 TPT:
Thưa anh,
Năm 2004. Võ Đức Trung của nhóm Văn Hóa Pháp Việt tại Paris, có mời tôi góp mặt trong tuyển tập thơ Một Phần Tư Thế Kỷ Thi ca Việt Nam Hải Ngoại 3. Sách phát hành một tháng sau. Tôi nhận được một phong thư gởi từ nước Germany trời Âu. Tôi ngỡ ngàng khi hai chữ Thương Huyền nằm trên góc trái bìa thư đập nào mắt tôi. Dễ chừng hơn bốn mươi năm không gặp nàng. Bây giờ bỗng nhiên xuất hiện. Tôi vội vàng xé phong bì với niềm xúc động. Tội đọc ngấu nghiến, những con chữ như nhảy múa dưới mắt tôi. Thì ra con sáo nhỏ của tôi ngày xưa (dù nàng chưa bao giờ biết tôi mê nàng ), bây giờ đã con đàn cháu đống.

Gia đình nàng vượt biên năm 1980 và hiện định cư tại Đức. Nàng cho biết ngày xưa có biết tôi làm thơ và đã từng thích thơ MHT nhưng không biết là bút hiệu của tôi. Trời ạ, trời hại tôi rồi. Nếu lúc đó tôi học thuộc hai chữ "can đảm," bây gìờ có thể nàng là bà Nội, bà Ngoại của đàn cháu tôi rồi . Nàng cho biết đã đọc bài thơ "Tuổi Thơ Đại Ngãi" trong tuyển tập của Nhóm Văn Hóa Pháp Việt và bần thần suốt ngày. Những kỷ niệm thời thơ ấu như sống lại, hiển hiện trước mắt. Nàng bèn liên lạc với Võ Đức Trung xin địa chỉ tôi và đã viết thư cho tôi với lời cám ơn. Anh Hai biết không. Đọc thư xong, niềm cảm khái dâng trào, tôi ngồi vào bàn viết và viết trong bốn mươi lăm phút là hoàn tất bài thơ “Bậu về”. Tối hôm đó, tôi đọc lại bài thơ vừa sáng tác  “Bậu về" cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Thế là tôi viết luôn bài thơ "Tình Bậu Nhẹ Hều," ý trách nàng một chút, để xoa dịu lòng nhát gan của mình:
rất nhẹ nhàng
hình như không lay động
bậu nhẹ về
như hơi thở dòng sông
ta ngây ngất
thèm đôi môi đỏ mộng
bởi mê tình nên nuôi mãi tình không
bậu biết đó
tình nào không mê mệt
những thiết tha
cùng nhịp đập con tim
nên một bữa
dạt dào tình dậy sóng
khi tóc thơm phảng phất một mùi quen
như bữa đó
bậu về trong cơn gió
gió thênh thang
bay khắp nẻo vô chừng
bậu lại nữa lượn lờ không biết mỏi
chỉ riêng ta khan tiếng gọi người dưng
mong đêm nay
bậu về trong giấc ngủ
trong mùi thơm
hoa sứ trước hiên nhà
con bướm nhỏ quạt hoài chùm hoa sứ
cũng như ta đuổi mệt tình càng xa
ta rất nhẹ nâng niu tình hai đứa
cất trong tim
không dám chạm vào tim
ta chỉ sợ một giây hai phút nữa
tình biệt luôn trốn mất biết đâu tìm
bậu coi nhẹ, nhẹ hều tình hai đứa
ta nặng tình, dẫu chết chẳng hề quên.
(tình bậu nhẹ hều)

HT:
Anh Trần Phù Thế,
Xin cảm ơn anh đã kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời của hai bài thơ “Bậu về” và “Tình bậu nhẹ hều” với mối tình lúc mới mười lăm mà mãi tới nay vẫn còn man mác nhớ và trách hờn ấy. Nghe tác giả kể, đọc mấy vần thơ trên càng thấy thấm thía thêm.
Trong các sách vở khi định nghĩa “Bậu”: chữ nôm, nghĩa em, mầy như chữ em bậu, bậu bạn (bạn hữu chung cùng; đi theo nhau, hôm sớm có nhau), qua bậu (Tao mầy (tiếng nói thân thiết) như lớn nói với nhỏ, chồng nói với vợ)(1); Bậu chỉ người nói chuyện với mình khác phái, có ý thương mến, thân mật”(2) hoặc “Bậu chữ được dùng như tiếng “em”, tiếng gọi vợ, hoặc nhân tình, hay em bạn”(3). Bậu (danh từ) (xưa): tiếng thân kêu vợ mình.(4)
Theo tôi, trong cả bốn định nghĩa ấy đều không có trách móc, giận hờn, nhưng sao ca dao mỗi khi nhắc đến “bậu” lại dường như chữ “bậu” được dùng để gọi nhau khi lúc dỗi hờn, lúc cơm không lành canh không ngọt như trong các câu ca dao hoặc trong các bài hát dỗ em, tôi còn nhớ dưới đây:
“Chẳng đánh bậu, để bậu luông tuồng,
Dang tay đánh bậu, thì bu ồn dạ anh.”
….
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra .”
……
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Lỡ duyên tại bậu, trách trời sao nên.”
……
Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào,
Chớ đào đâu bậu bọc, lựu nào bậu cầm tay .”
 Hoặc như trong bài thơ “Bậu về”, “ Tình bậu nhẹ hều” ít nhiều cũng là một lời trách khéo. Anh nghĩ sao?       
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Phần lớn trong ca dao " Bậu " được chiếu cố rất tận tình. Nào là: trách  khéo, giận hờn, ghen tuông… Thậm chí dùng từ rất nặng như: phụ phàng, phản bội…Nhưng theo tôi ngôi thứ nhất xử dụng những từ ấy với " Bậu " cũng chỉ vì yêu mà thôi. Tôi thấy điều đó rất bất công với "Bậu". Như tôi là một tên si tình rất mê " Bậu ". Nên khi "Bậu" của tôi qua đời, tôi đã khóc "Bậu" bằng một bài thơ đấy thống thiết. Đến nỗi hai nhà thơ Hạ Đình Thao và Lê Văn Trung phải thốt lên "không có bài thơ khóc vợ nào tự cổ chí kim mà hay hơn được (*) ":

bậu đi biệt dạng hôm nào
ta trông mút mắt nhớ đau từng hồi
nhớ từ giọng nói tiếng cười
nhớ se tóc bạc cột đời hai ta
bậu đi hình như hôm qua
mà sao ta tưởng như là nhiều năm
bậu đi lạnh gối ta nằm
hình như cái lạnh, lạnh ngầm trong xương
bước qua ngưỡng cửa âm dương
bậu đi mình bậu chẳng vương vấn gì
còn ta ở lại sống lì
một thân , một bóng cu-ky một mình
bậu ơi, sao bậu làm thinh
nén nhang, cơm lạt bóng hình là đây
phất phơ hồn gió theo mây
mỗi đêm giỡn bóng trăng gầy tàn đêm
bậu về ta thấy lòng êm
như trăng thuở nọ bên thềm thanh xuân
như là tiếng hát bậu ngân
xuống câu vọng cổ tình quân phụ phàng
bậu về trăng sáng ngút làng
hương thơm dậy đất bàng hoàng hồn ta
ngất ngây ôm chặt trăng, và
tưởng đâu ôm bậu thịt da vẫn nồng
bậu đi hồn có về không
nhắn tin theo gió cho lòng ta yên
dầu cho bậu ở cõi trên
hay đang cõi dưới trong miền u-minh
một mai ta đã dọn mình
qưyết theo chân bậu lênh đênh cõi nào
dầu cho đất thấp trời cao
tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi
ngày mai bậu trở lại đời
và ta trở lại làm người bậu ưng
giọt mừng nước mắt rưng rưng
hai tay ôm bậu mà rung dậy tình.”
( bậu đi)
(*) Trích bài viết "BẬU Trong Thơ Trần Phù Thế." (Lê văn Trung)
Trong tập san " Thư Quán Bản Thảo" số 38
tháng – 2009. (HK).

HT:
Vâng thưa anh, đúng thế! Dường như trong văn chương truyền khẩu có sự bất công với chữ "bậu" hơi nhiều.  Trong thơ văn ngày nay, tôi nghĩ chưa ai dám dùng chữ "bậu" trong thơ như anh và có lẽ chí có một Trần Phù Thế rất "mê" chữ "bậu" này như anh vừa kể và với những bài thơ trách bậu, thương nhớ bậu quá tha thiết mà anh vừa dẫn đủ để nói lên cái nét đặc thù trong thơ Trần Phù Thế . Và tôi nghĩ chữ "bậu" ngày nay ít người còn dùng nhưng chắc hồn chữ nghĩa của nó sẽ rất vui với tấm lòng ưu ái của anh dành cho "bậu" vậy !
Giờ xin trở lại bài thơ Nhạc Trăng đăng trên báo Văn lần đầu được anh viết vào hoàn cảnh nào và thơ đăng báo có được trả tiền nhuận bút không?
Nếu có, tiền nhuận bút một bài thơ so với tiền nhuận bút một truyện ngắn lúc bấy giờ có bằng nhau không, thưa anh?
TPT:
Thưa anh,
Tôi yêu trăng, tôi say đắm trăng từ thuở nhỏ. Mỗi đêm trăng sáng. Nhất là đêm mười bốn hoặc đêm rằm. Hồi đó (1954), Gia đình tôi từ làng Hậu Thạnh dời ra chợ Đại Ngãi. Ba má mua ngôi nhà sàn nằm trên bờ sông Đại Ngãi, cách chợ khoảng năm chục mét. Trước nhà là con lộ trải đất nung màu gạch tôm chạy dài từ chợ vô nhà máy xay lúa Lợi Dân rồi đi tuốt vô xóm Bầu Mương Điều. Phòng tôi ngủ và học hành ở cuối nhà . Mỗi lần mở cửa sổ là tôi nhìn rõ ngã ba sông Đại Ngãi- Hậu Giang mênh mông sông nước. Mỗi đêm trăng sáng vằng vặc , học bài xong, mở cửa sổ phòng tôi nhìn trăng mà mơ làm thằng Cuội được giỡn với Hằng Nga. Hồi đó, năm tôi mười hai tuổi, Ba tôi làm mấy công ruộng ở làng Phụng Tường cách Đại Ngãi một cây số. Gần Tết, lúa đập xong chưa kịp mang về nhà nên ba tôi và tôi phải ngủ giữ lúa, Không canh giữ lúa, ăn trộm sẽ mượn đở. Coi như năm đó khỏi ăn Tết luôn. Khi được lịnh đi ngủ giữ lúa là tôi khoái lắm. Bởi, thường chiều nào má tôi cũng không nấu chè thì cháo vịt. Hai cha con tôi chỉ có mỗi cái nóp bằng đệm, nên phải ngủ chung nằm tréo trả ngược đầu. Lúc đầu chun vô nóp thật là khó chịu, nhưng khi tôi ôm hai chưn của ba tôi. Mùi đất, mùi phèn trộn lẫn mùi nắng khét tạo nên một mùi thân thương khó tả. Cho mãi đến bây giờ đầu hai thứ tóc. Mỗi khi nhớ lại kỷ niệm đó lòng tôi vẫn còn bồi hồi không nguôi. Nằm trên đống rơm thơm ngát vừa  đập xong phảng phất mùi hương lúa chín. Đầu gối trên hai cánh tay, ngắm trăng tháng chạp treo lơ lững trên bầu trời trong vắt không gợn mây. Muôn ngàn tia sáng xanh dịu mát tỏa khắp không gian cánh đồng lúa vừa gặt xong bao la tận chân trời. Trong khoảng khắc đó cỏ cây cũng xúc động ngẩn ngơ huống chi với tâm hồn đa cảm như tôi, thử hỏi làm sao không động tình. Tôi yêu trăng từ thuở đó.Riêng bài thơ Nhạc Trăng tôi làm rằm tháng tám năm 1962 trong một đêm thưởng thức trăng cùng với Lâm Hảo Dũng, Lưu Vân và Đặng Bá Hộ tại thềm nhà mồ, mã Quách Sên ( thị xã Khánh Hưng, Ba Xuyên ). Về nhà, đêm đó trằn trọc hoài không ngủ được, tôi bật dậy gần sáng thì viết xong bài thơ.
Thưa anh,
Tôi suốt đời làm thơ đăng báo không có cắc nào. Trái lại, trước năm 1975 có thơ đăng báo lại là niềm vui. Riêng các bạn làm thơ cùng thời,bạn nào thơ đăng báo có tiền nhuận bút trước năm bảy lăm xin chia vui ?? Theo tôi biết về truyện ngắn thì có nhuận bút đáng hoàng. Còn bao nhiêu tiền thì tùy theo vật giá thời điểm đó.
 

HT:
Anh Trần Phù Thế,
Như anh kể cảnh đi ngủ giữ lúa vào mùa cắt gặt, mình thấy thương Tía Má mình hoài phải không anh? Tôi cũng đã từng ngủ giữ lúa cùng với Tía tôi dưới ánh trăng sáng vằng vặc như vậy nhiều năm anh à, từ những lúc còn học trường làng. Rồi sau này khi lớn lên, Tía tôi mất, tôi phải về quê làm ruộng một mình và rồi cũng nhiều năm ngủ ngoài đồng dưới những đêm trăng sáng ấy …. Trăng những ngày mùa ấy là trăng vui, vui ngoài trời và vui cả trong lòng nữa. Nhân nhắc đến những đ êm trăng ngủ giữ lúa trên đồng, lớp tuổi anh em mình thời thập niên 1950 dường như ai ai cũng mê bài Trăng Phương Nam của nhạc sĩ Anh Hoa với lời ca êm đềm của những ngày miền Nam thanh bình, sung túc biết bao:
“Đây phương Nam, đây ruộng Cà Mau no lành
Với tiếng hát êm đềm trong suốt đêm thanh
Quê hương anh lúa rợp khắp bờ ruộng xanh
Lúa về báo nhiêu tin lành
Từ khắp quê cùng kinh thành …

Đây phương Nam, đây tỉnh Cần Thơ êm đềm
Có lúa tốt quanh vùng nuôi sức dân thêm
Quê hương em bóng dừa ấp ủ dịu êm
Những chiều trăng rọi bên thềm
Và những tiếng cười vui hiền …

Quê hương đôi ta, đồng xanh xanh bao la
Tình thương như song cả, một niềm… mặn mà …
Quê hương đôi ta, gần nhau đây không xa
Kìa trông bao mái nhà, ở cùng … làng … ta …
(Điệp khúc)
Ai vô Nam, ngơ ngẫn vì muôn câu hò
Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no
Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long
Nước chảy bóng thuyền xuôi dòng
Vọng tiếng khoan hò ấm lòng…
(Điệp khúc)
Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long
Nước chảy bóng thuyền xuôi dòng
Vọng tiếng khoan hò ấm lòng…”
(Hát lại 3 lần)
Thưa anh,
Với bài hát Trăng Phương Nam, trăng rất vui; nhưng sao trong thơ văn từ thời xa xưa như Trương Nhược Hư với bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ (Đêm bên trăng và hoa ven bờ sông Xuân), Lý Bạch với bài Nguyệt Hạ Độc Chước (Uống rượu một mình dưới trăng) và nhiều thi nhân khác nữa kể cả của Việt Nam, mỗi khi nhắc đến trăng thường thường là trăng buồn nhiều hơn vui?
TPT:
Anh Hai Trầu,
Tôi nghĩ, đời sống của con người và nhất là hoàn cảnh chính trị, xã hội thời họ đang sống. Tác động rất nhiều đến nhân sinh quan của họ và còn những tác động cảnh vật thiên nhiên, Núi, rùng sông, biển…. Vì thế, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ đều bị chi phối bởi những nhân tố vừa nói trên. Nhạc sĩ Anh Hoa rất may mắn là khi ông sáng tác bài nhạc Trăng Phương Nam, ông cũng đang sống " những ngày miền Nam thanh bình, sung túc biết bao" như anh đã nói. Riêng mấy ông thi sĩ Trung Hoa như Trương Nhược Hư với bài thơ "Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ" và Lý Bạch với bài thơ "Nguyệt Dạ Độc Chước". Lúc họ viết, tôi cạn nghĩ cũng mang một trời tâm sự buồn, nên nội dung bài thơ làm sao mà vui cho được. Những nhà thơ Việt Nam khi làm thơ về trăng, như Hàn Mặc Tử, Quách Thoại… đều mang trong người bệnh nan y. Lẽ đương nhiên là họ làm sao mà chẳng buồn. Riêng cá nhân tôi thì "Cái vui thì qua thật mau/còn cái buồn thì dai dẳng theo sau chân mình." Cho nên khi buồn, tôi làm thơ dễ dàng hơn khi vui.

HT:
Anh Trần Phù Thế thân,
Được biết vào năm 2003 anh có cho chào đời thi tập Giỡn Bóng Chiêm Bao (5):

Hình bìa tập thơ Giỡn Bóng Chiêm Bao do Thư Ấn Quán tái bản lần thứ nhứt, năm 2008

và năm 2009 lại có thêm tập thơ mới Gọi Khan Giọng Tình (6),

Hình bìa tập thơ Gọi Khan Giọng Tình do Thư Ấn Quán tái bản lần thứ nhứt, năm 2009

vậy trước 1975, anh  có cho in tác phẩm nào không, thưa anh?
TPT:
Thưa anh,
Đầu năm 1967 tôi định in tập thơ" Thầm Yêu Trộm Nhớ", nhưng lần lựa mãi. Tháng tư thì có lệnh gọi nhập ngũ. Vào lính mệt quá nên quên luôn chuyện xuất bản tập thơ. Tám năm cầm súng tôi có viết lai rai cho các tạp chí ở Sàigòn. Sau năm 1975 gia đình đã tự thiêu bản thảo tâp thơ cùng với hơn 200 sách báo của tủ sách gia đình. Khi tôi định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 lo đi cày mờ mắt, đâu có gìờ rảnh mà văn với thơ. Mãi tới năm 1998, tôi mới viết lại và cộng tác với các tạp chí: Khởi Hành, Văn Hóa Việt Nam, Thư Quán Bản Thảo.

HT:
Thưa anh,
Được biết hiện nay anh đang phụ trách trang Thơ của Tuần báo TRẺ trên Dallas (Texas, Hoa Kỳ) do Nhật Hoàng chủ biên. Công việc này có thú vị không anh? Thường thường anh dựa vào những tiêu chuẩn nào cho một bài thơ được chọn?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Thơ đối với tôi là hơi thở, là chổ dựa tinh thần. Mỗi khi gặp giông bão trong cuộc đời. Tôi thường làm thơ để quên đi tất cả những ưu phiền, nhứt là sau năm 1975. Trong lúc thân trong vòng lao lý. Tôi đã coi thơ là người tình chung thủy là người bạn thủy chung, thơ không bao giờ phản bội, vì thế, trong tù CS, sau một ngày lao động khổ sai. Buổi tối vào mùng, trước khi ngủ , tôi nhắm mắt làm bồn câu thơ lục bát và đọc thầm vài lần cho thuộc. Giấc ngủ tự nhiên đến một cách êm đềm. Cuối năm 2008, nhân chuyến đi tham dự đại hội " Cựu Tù Nhân Chính Trị" do bà Khúc Minh Thơ tổ chức tại Dallas, do sự giới thiệu của nhà thơ Phan Xuân Sinh. Tôi quen anh em nhóm chủ trương tuần báo TRẺ. Vài tháng sau Nhật Hoàng gọi điện thoại đề nghị tôi phụ trách trang thơ giới thiệu tác giả và tác phẩm hiện nay chưa có người.Tôi rất vui nhận lời giới phụ trách  trang thơ: "mục đích giới thiệu đến bạn đọc yêu thơ những nhà thơ, những bài thơ hay nhưng chưa được phổ biến….”(LTS). Thật không có niềm hạnh phúc nào bằng khi được làm công việc mà mình say mê. Tôi nghĩ, bây giờ tôi rất hạnh phúc và thú vị vô cùng.
Thưa anh,
Thường thì tôi đọc rất kỹ tác phẩm của những nhà thơ mà tôi sẽ giới thiệu vào số báo tới. Nhiều khi đọc nhiều lần. Xong, tôi chọn số lượng thơ; sáu, bảy, tám, hoặc nhiều hơn nữa sao cho phù hợp hai trang báo ấn định. Đối với tôi, một nhà thơ nổi tiếng hay một tác giả chưa thành danh không quan trọng. Cái cần là bài thơ đó có gây được xúc động, thích thú cho người đọc hay không. Đó mới là điều quan trọng. Vì thế, bất cứ bài thơ nào tôi " cảm " được thì tôi cho là bài thơ hay.

HT:
Anh Trần Phù Thế,
Ngoài chữ "bậu" ra, tôi thấy anh dạo sau này có làm những bài thơ lục bát thật ngắn chỉ vỏn vẹn hai hoặc ba câu, như:

TRÔI
*gởi thiếukhanh
 mênh mông
mênh mông
hồn ta mênh mông
trôi hoài
trôi hoài
hư không
niềm đau thốn tận trong lòng buốt đau!

GIỌT NƯỚC
thử nhìn
giọt nước
chia hai sao đành
hồn chìm vào cõi mong manh
nghe cơn hồng thủy
âm thanh mỏi mòn.


TỚI ĐÂU
 chợt
thèm
hạt muối
cắn đôi
để nghe vị mặn
cuộc đời
tới
đâu …

TẠI VÌ
hình như
cái nhớ nó phiền
bần thần trong dạ
không yên
tại vì…
Trong bài viết về thơ Nguyên Sa trên trang VOA, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có đưa ra nhận xét " Hình như những bài thơ đơn giản nhất bao giờ cũng là những bài thơ khó viết nhất, và kỳ lạ thay đó thường là những bài thơ tới nhất, hay nhất, dễ đi vào trái tim và trí nhớ chúng ta nhất."(7) Anh có thấy khó lắm không khi viết ra những bài thơ lục bát thật ngắn này và xin anh vui lòng chia sẻ thêm một chút về những cách làm mới các câu lục bát vừa dẫn, thưa anh ?
TPT:
Thưa anh Hai Trầu,
Tôi rất mê thơ lục bát, vì vậy trong tập thơ " Gọi Khan Giọng Tình” tái bản năm 2009, tổng số có 68 bài thơ thì thơ lục bát đã chiếm hết 52 bài. Đọc nhiều lục bát và làm nhiều lục bát, tôi đã tìm cách cô đọng lại; một bài chỉ còn hai hoặc ba câu. Như vậy, người đọc dễ dàng nhớ và cảm nhận. Ba năm trở lại đậy, tôi đã thử nghiệm cách làm mới lục bát đó. Anh biết không, cái khó nhất là làm sao, một bài thơ ngắn , khi đọc, người thường thức hiểu tác giả muốn nói gì. Tất cả những nhà thơ đều biết lục bát dễ làm nhưng khó hay, không khéo sẽ thành vè. Xin thưa, đây chỉ là thử nghiệm. Xin mượn lời của nhà thơ Thiếu Khanh viết về sự thử nghiệm này qua bài " Thơ Lục Bát Mới Của Trần Phù Thế" để chia sẻ cùng anh:

“Dường như những thể nghiệm đó cho thấy hình thức sáu chữ, tám chữ không hề là cái khuôn cứng ngắc gò bó trói buộc câu thơ, trái lại, trong giới hạn câu chữ đó tài năng của nhà thơ vẫn có thể làm cho thể thơ càng thêm uyển chuyển và giàu tính biến hóa khiến mỗi bài thơ có vẽ phá vỡ và thóat ra khỏi hình thức câu chữ của nó, hóa giải ranh giới ràng buộc của số câu số chữ, làm tăng thêm sự phong phú của âm điệu, nhạc điệu. Có lẽ thời gian sẽ giúp khẳng định giá trị của sự tìm tòi sáng tạo của anh, ít nhất là về cách xếp đặt mới cho thể thơ truyền thống quen thuộc nầy mà nhiều nhà thơ từng ngậm ngùi nhận xét: thơ lục bát dễ làm mà khó hay!"

HT:
Thưa anh,
Nhớ có lần tôi có nhận xét về chữ dùng trong thơ anh như sau:
"Trong thơ Trần Phù Thế còn một đặc điểm nữa là các chữ dùng rất rặt miền Tây vùng đất Nam Phần và thể thơ lục bát được tác giả dùng nhiều như dòng nước êm đềm trôi man mác, làm người đọc miên man trôi theo cùng tứ thơ của tác giả. Những chữ như “hết hơi”, “hết biết”, “tuốt luốt”, “chín muồi”, “làm sao vậy cà”, “lừng khừng” trong những câu thơ lục bát trích dưới đây được tác giả cho vào thơ rất tự nhiên mà trau chuốt, rất giản dị mà thâm trầm, tôi tin rất khó tìm ở những áng thơ văn của nhiều tác giả khác ngày nay:
“Hai con trống mái giận nhau
Hai con chim sáo làm sao vậy cà.”
….
“Một con đứng hót ngập ngừng
Con kia đứng lẻ lừng khừng bụi tre.”
…..
“Lỡ lầm phủi bụi áo em
Bụi bay đâu mất anh tìm hết hơi.”
….
“Gai đời đâm lủng trái tim
Nỗi đau hết biết nhận chìm lòng tin.”
….
“Mấy lần bước xuống con đò
Mà quên tuốt luốt thăm dò cạn sâu.”
…..
“Một hôm đời bỗng chin muồi
Anh ngồi ngủ gục bên dời vô danh.”
(Lục bát không đề, GKGT, trang 116, 117, 118, 119, 121)"
Anh nghĩ sao về nhận xét này?
TPT:
Thưa anh,
Tiếng địa phưong miền Nam từ trước tới nay có rất nhiều nhà văn sử dụng như Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên … Nhưng về thơ thì tôi biết có cụ Đồ Chiểu. Trong khi đó, sau năm 1975 trong nước không ai thấy bóng dáng những đặc ngữ miền Nam đâu. Nhất là trên báo chí, sách vở, đều sử dụng rặt ròng từ miền Bắc cả  văn lẫn thơ. Sau nhiều năm tôi không cầm bút. Vào năm 1992, tôi và gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1998 tôi bắt đầu viết lại. May quá,  tôi đã bắt gặp hai cây viết đồng hành đưa đặc ngữ miền Nam vào thơ. Đó là hai nhà thơ Đạm Thạch và Phương Triều. Cả hai nhà thơ đều sử dụng một cách tài tình đặc ngữ Phương Nam theo cách riêng của mình. Anh cũng biết, ngôn ngữ miền Nam nhất là những phương ngữ khi đưa vào thơ rất khó. Không khéo sẽ làm hỏng cả bài thơ, mà còn làm trò cười cho người đọc. Có người quan niệm những phương ngữ miền Nam không thể đưa vào thơ được. Tôi muốn chứng minh quan niệm đó không đúng. Bởi lẽ, những phương ngữ miền Nam đã ăn sâu vào máu thịt, vào thói quen nếp sống hàng
ngày của người miền Nam. Khi sử dụng là tự nhiên những từ đặc ngữ Phương Nam tự nó sẽ nhuần nhuyễn như cơm ăn và nước uống vậy.

HT:
Rất cảm ơn anh đã giải thích cặn kẽ về cách dùng rặt các chữ địa phương miền Tây Nam Phần trong thơ của anh, và tôi nghĩ đây cũng là câu giải đáp xin được gởi đến nhà văn Nam Dao, có lần đã hỏi tôi về điểm này, mà tôi đành chịu chết :
“Tui nhân đây hỏi anh Hai một câu nghen: văn phong Nam Bộ rõ là đặc biệt, văn xuôi thiệt hay (nếu hay), nhưng sao hổng thấy ai làm thơ với văn phong đó hà (trừ cụ Đồ Chiểu xa xưa)? Cứ thơ thì rặt giọng Bắc, cả người miền Trung cũng giọng Bắc, nghe hoài bắt ớn, anh Hai à!”(Nam Dao, Thư hồi âm Hai Trầu, tháng 7-2007)
(Ở đây xin được mở một dấu ngoặc đơn là, thưa cùng nhà văn Nam Dao, bấy lâu nay tui có cảm tưởng như mắc ông anh một món nợ mà chưa trả được; và nay nhờ có anh Trần Phù Thế giúp trả lời ông anh câu hỏi khó mà tui chịu trận hơn ba năm qua rồi; vậy là tui với ông anh huề nhe, hổng thiếu đủ gì nữa nhe ông anh !)
Nhơn nhắc đến thơ anh, và một người nữa cũng cùng quê Sốc Trăng với anh, cùng lập ra bút nhóm Cung Thương Miền Nam với anh những năm 1962-1965, đó là nhà thơ Lâm Hảo Dũng, với tập bản thảo “Cho Tôi Hoài Ở Tuổi Năm Mươi” mà tôi đã được anh giới thiệu, tôi có nhận xét về thơ Lâm Hảo Dũng như sau:
“Hồn thơ của Lâm Hảo Dũng chính là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo (Sốc Trăng) mãi hoài mang hương đồng cỏ nội vùng sông nước Hậu Giang thổi mãi tận cuối trời … Chính vì thơ anh là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo ấy nên cái nét đặc sắc của nó là mát và ngọt. Cái mát của gió và cái ngọt của sông nước Hậu Giang, của những mảnh vườn ngào ngạt hương hoa, của những cánh đồng lúa vàng bông trĩu ngọn làm thành những câu thơ chuyên chở được cái hương nội cỏ đồng dù quê mùa đó nhưng êm đềm; dù nghèo khó đó mà thơm tho, thanh bạch; dù giản dị đó mà thâm thuý vô cùng. Cái nét đặc thù ở thơ Lâm Hảo Dũng là do cái tinh chất của gió, của nước, của ruộng rẫy, của vườn quê làm nên những câu thơ mang phong cách rất riêng và rất trữ tình của vùng châu thổ miền Tây Nam nước Việt vậy !”
Và với thơ Trần Phù Thế thì:
“Thơ Trần Phù Thế mang lại cho người đọc cái lâng lâng của hồn thơ giàu chất lãng mạn, trữ tình; cái buồn buồn của nhân tình thế thái; cái cay cay của những dâu bể tang thương và cái thâm thúy của cách nhìn đời qua nhiều bất trắc. Và với riêng tâm hồn nhà quê như tôi, lớn lên cùng thế hệ với anh, tôi nghe như hồn thơ Trần Phù Thế là tiếng kêu thảng thốt của một loài chim kêu chiều của vùng quê Đại Ngãi, Sốc Trăng, Hậu Thạnh, Vàm Tấn, Chùa Dơi, mãi hoài vang vang trên những bến bờ sông nước cũ ngày nào, bất tận …”
Anh nghĩ sao về hai cảm nhận rất chủ qua này?
TPT:
Anh Hai Trầu ơi,
Được biết anh đọc thơ của Lâm Hảo Dũng và tôi, ngoài chữ nghĩa, vầ n điệu, anh còn cảm thơ bằng cả tấm lòng của một người sinh ra và lớn lên từ những làng quê, ruộng lúa bạt ngàn miền Tây Nam Phần, nên hai cảm nhận của anh về thơ Lâm Hảo Dũng và thơ  Trần Phù Thế đối với tôi đó là cả một tấm chân tình của một người nhà quê mà anh đã dành cho những vần thơ ít nhiều mang bóng hình quê hương Sốc Trăng của chúng tôi qua những năm tháng dài xa xứ ….

HT:
Thưa anh Trần Phù Thế,
Được biết anh rất bận vì còn phải vật lộn với công việc hằng ngày và cũng rất bận cho việc chọn thơ của Tuần báo TRẺ, nhưng anh đã nhín chút thi giờ chia sẻ cùng bạn đọc về những năm tháng anh đã vui chơi với thơ có tới gần 50 năm qua và đặc biệt về những năm còn học lớp Đệ Tam tại trường Hoàng Diệu (Sốc Trăng) mà các anh đã thành lập được bút nhóm “Cung Thương Miền Nam” cùng với các bút nhóm khác làm thành nét đặc thù của sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Sốc Trăng lúc bấy giờ; dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi với ba bốn năm ấy, nếu không được nghe anh kể chắc ít người còn nhớ tới một thời kỳ văn thơ ấy. Và đặc biệt, cũng chính nhờ hỏi thăm anh mà tôi có được câu trả lời dành cho nhà văn Nam Dao đã hỏi tôi hơn ba năm về trước với “văn phong Nam Bộ rõ là đặc biệt, văn xuôi thiệt hay (nếu hay), nhưng sao hổng thấy ai làm thơ với văn phong đó hà (trừ cụ Đồ Chiểu xa xưa)?”
Xin chân thành cảm ơn anh và nhân dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới 2011, xin được kính chúc anh nhiều sức khoẻ và mãi hoài vui thú với thơ văn trong những ngày sắp tới .
TPT:
Anh Hai Trầu thân mến,
Cám ơn anh đã tốn nhiều công sức và thời gian để hoàn thành cuộc nói chuyện lý thú trong hai tuần qua.  Nhân mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2011. Kính chúc anh chị và gia đình vui vẻ, nhiều may mắn an lành.
Mùa Giáng Sinh, 24-12-2010

Phụ chú:
1/ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, nhà xuất bản Rey, Curiol&Cie, Sài gòn, 1895; nhà Văn Hữu, Sài gòn, tái bản năm 1974
2/Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà xuất bản Khai Trí, Sài gòn, năm 1970, quyển thượng.
3/Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Việt Nam, năm 2007
4/ Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị, nhà xuất bản Thời Thế, Sài gòn, năm 1951.
5/ Giỡng Bóng Chiêm Bao của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2003; tái bản lần thứ nhứt năm 2008
6/Gọi Khan Giọng Tình của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2007; tái bản lần thứ nhứt năm 2009.
7/Nguyên Sa, Thơ tình không tuổi tác của Nguyễn Xuân Hoàng, trang VOA ngày 04-12-2010
.
.
.

No comments: