Thursday, January 27, 2011

ĂN TẾT VIỆT NAM TẠI HẢI NGOẠI (Phan Tú Khuynh)

Phan Tú Khuynh
Tuesday, January 25, 2011

Những gì phụ nữ bên biết
“Ăn Tết” là một phong tục, tập quá lâu đời của người Việt Nam có từ thuở vua Hùng dựng nước và tồn tại cho tới khi hằng triệu người Việt bỏ nước ra đi sống tha hương tại các quốc gia khác xa cách tổ quốc có khi tới nửa vòng trái đất. Dù ở bất cứ nơi đâu và dù có bận bịu như thế nào, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, gần như nhà nào cũng phải sửa soạn sao đó để có thể đón Tết và ăn Tết giống như những ngày còn ở lại quê nhà trong ý hướng “chúng ta ra đi mang theo quê hương.”
Nếu người phụ nữ là một yếu tố không thể thiếu của gia đình thì vai trò của người phụ nữ cũng không thể thiếu được trong sinh hoạt ăn Tết của các gia đình Việt Nam tại hải ngoại, bởi vì chính sự “chịu thương, chịu khó” của các bà mẹ, bà chị, người vợ và thậm chí của các bà nội, bà ngoại trong mỗi gia đình đã giúp làm nên cái Tết Việt Nam. Từ việc sắm sửa, chuẩn bị thức ăn ngày Tết cho tới việc trang hoàng nhà cửa và đãi đằng khách khứa, thậm chí cho tới chuyện “lì xì” cho con cháu ngày Tết theo đúng phong tục cổ truyền cũng không thể nào thực hiện được nếu thiếu vắng bàn tay của người phụ nữ Việt Nam.

“Ðón Xuân này, nhớ lại những Xuân xưa,” dịp Tết Tân Mão 2011 này, chị em phụ nữ chúng ta hãy cùng nhau xem thử người Việt hải ngoại ăn Tết ra sao, hay nói cách khác, cái hương vị Tết Việt Nam bên ngoài quê hương Việt Nam như thế nào.

- Giữ ngày giờ là chuyện đầu tiên. Dù ở cách xa Việt Nam bao nhiêu múi giờ cũng vậy, người Việt hải ngoại vẫn phải canh cho đúng ngày giờ diễn ra cái Tết ở Việt Nam, tức là lấy giờ phút Giao Thừa ngày Mồng Một Tháng Giêng Âm lịch tại Việt Nam làm chuẩn, để rồi từ đó, tùy múi giờ nơi mình ở xê xích ra sao, mà tính ra ngày Dương lịch của cái Tết Việt Nam tại hải ngoại, bất luận đó là ở Pháp hay ở Úc, ở Ðan Mạch hay ở Mỹ. Nói cho chính xác thì không thể được vì nơi xứ người không ai được phép nghỉ lễ cho đúng với ngày giờ diễn ra cái Tết, nhưng ly lai đôi chút, có khi cả mấy ngày hoặc cả tuần cũng không sao.

- Chuẩn bị thức ăn ngày Tết là cái chính, bởi vì văn hóa Việt Nam hay có cái “ăn” làm đầu trong nhiều dịp lễ lạt, và mọi lễ hội hầu như đều có “khâu” ẩm thực không trước thì sau. Là ngày Tết thì phải sắm sửa sẵn sàng cho gia đình bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, mứt dừa, xôi, chè, mâm ngũ quả, thịt kho, giò thủ, thịt đông, dưa giá... thậm chí có nhà còn nấu sẵn một nồi canh khổ qua nhồi thịt để ăn dần trong mấy ngày Tết nữa. Các thức ăn này nếu giỏi thì mình tự làm lấy, còn nếu chẳng mấy giỏi giang thì phải chịu khó ra chợ Tết mua về. Tại những nơi có quá ít người Việt sinh sống, khâu này chiếm khá nhiều thì giờ để truy tìm, có khi lại phải lặn lội xuống tận phố Tàu, phố Ðại Hàn tạm mua hàng của người Hoa, người Hàn... thế vào, vì họ cũng có tục ăn Tết ta như người Việt mình. Ngay cả người Việt ở tại Nhật, là nước từ mấy thập niên nay đã thôi không ăn Tết Nguyên Ðán theo Âm lịch, mình cũng có thể mua sắm thức ăn ngày Tết ngoài chợ, bởi vì bên này cũng có các cộng đồng người gốc Hoa, Hàn và Việt sinh sống.

- Trang hoàng nhà cửa. Chuyện này không mấy khó ở hải ngoại vì dù sao tại các nước ngoài, nhà cửa mình ở vào ngày thường vẫn không đến nỗi nào, dù là nhà thuê hay nhà mua, tức là khỏi phải sơn phết lại (hay có khi phải sửa sang lại) như ở quê nhà. Nhưng ít ra cũng phải trang hoàng nhà cửa cho đẹp mắt hoặc khác với ngày thường một tí để cho ra cá vẻ ngày Tết, như bên trong thì tô điểm lại cái bàn thờ - chùi lại bộ lư hoặc giàn đèn, bên ngoài thì thêm một chậu mai hoặc một cây đào cùng mấy chậu cúc, hoặc, có khi sang hơn, là một chậu kim quất. Có nhà còn chơi đẹp mua mấy câu đối đỏ ngày Tết về dán trong nhà nữa.

- Lo cúng Giao Thừa, hoặc nếu kỹ lưỡng hơn thì còn lo cúng cả ông Táo và rước ông bà nữa. Bởi vì phong tục ngày Tết của Việt Nam hay nặng về cúng kiến và tưởng nhớ tổ tiên cho nên mục này coi như không thể thiếu, dù cách thực hiện có đơn giản đến bao nhiêu đi nữa. Như đã nói ở trên, phải canh giờ giấc sao cho dịp cúng kiến này rơi đúng vào 12 giờ đêm mồng Một (Giao Thừa) hoặc 23 Tháng Chạp (ông Táo) hoặc trưa hôm 30 (ông bà) theo Âm lịch. Có những người, thay vì đón Giao Thừa trong gia đình, lại chọn đến các chùa trong vùng để mừng năm mới, vì tại đây rất đông vui, vừa có lễ đếm ngược cho tới giây phút Giao Thừa lại vừa có pháo nổ vang đón mừng năm mới cùng với các chương trình văn nghệ Tết giúp vui tưng bừng, rôm rả. Rồi khi Tết tàn, phải lo cúng đưa ông bà vào mồng Ba hay mồng Bốn và rước cả ông Táo từ trời trở về nhà nữa.

- Chuẩn bị phong bì lì-xì cho các con cháu hoặc em út trong nhà, bởi vì chưa thấy có tục lệ nào trong ngày Tết nào mà lại gây hớn hở cho người nhận bằng tục lệ này. Cả con Lân đến múa mừng trước nhà, nếu có được, cũng thích nhận tiền lì-xì ngày Tết nữa huống hồ con người! Tục lì-xì này thường được trải rộng ra qua việc người Việt hải ngoại, vào những ngày trước Tết, dành chút ít tiền bạc gởi về quê hương cho gia đình, thân thuộc đang thiếu thốn để họ ăn Tết và vui Tết với người ta.

- Có khi còn phải tính toán giờ giấc đi “xông đất” người ta hoặc để cho người ta xông đất nhà mình lấy hên. Nhiều người may mắn sinh sống tại các cộng đồng Việt Nam lớn, như Bắc và Nam California, Houston hay Dallas ở Texas... còn có thể đến chùa xin xăm, hái lộc nữa, chẳng thua gì lúc còn ở Việt Nam.

- Thời gian trước Tết tại các cộng đồng Việt Nam lớn ở hải ngoại phải nói là thời gian mà không khí ngày Tết hiện về rõ nét nhất. Ðó là sự xuất hiện của các chợ Tết tại các trung tâm thương mại Việt Nam hay Á Châu với gần như đầy đủ các mặt hàng Tết để cho bà con tha hồ mua sắm, nhất là từ chín, mười năm trở lại đây tại Mỹ khi việc giao thương giữa hai bên được bình thường hóa. Có thể nói không ngoa rằng khách hàng muốn tìm bất cứ món ăn chơi ngày Tết nào tại “chợ Tết Phước Lộc Thọ” (đã khai mạc rồi) ở Little Saigon thuộc thành phố Westminster của quận Cam tại miền Nam California cũng đều có cả. Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của các băng, đĩa nhạc Xuân và Tết của các trung tâm âm nhạc giải trí lớn cùng các sô ca nhạc sống kéo dài từ trước Tết cho tới sau Tết, được tổ chức tại các nhà hát lớn hoặc các sòng bài (casino), chỉ sợ mình không có đủ tiền mà tham dự thôi.

- Rồi còn có các hội chợ Tết nữa, hoặc trước, hoặc sau, hoặc trùng vào dịp Tết Nguyên Ðán tùy nơi. Ðây chính là “điểm hẹn” của biết bao người Việt tha hương mà lòng vẫn còn hoài vọng về “cố quốc” để tím lại chút “hương xưa” không hẳn là vì những “old days” nào cũng “good” cả, nhưng có lẽ vì, “dù ai nói ngã, nói nghiêng,” Tết Nguyên Ðán vẫn là một phong tục truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt chứ không phải là phong, tục, tập quán lấy của nước nào cả.

Có lẽ cái hay nhất trong vô số ý nghĩa ngày Tết có thể là cái “tính cộng đồng” của lễ hội này, bởi vì cái Tết Việt Nam - dù trong cốt lõi vẫn là ngày của đoàn tụ gia đình sau một năm trời cha mẹ, con cái tất bật, bận bịu làm ăn - vẫn là niềm vui chung của cộng đồng người Việt quần tụ lại với nhau từ thuở vua Hùng dựng nước và tồn tại cho tới khi hằng triệu người Việt bỏ nước ra đi sống tha hương tại các quốc gia khác như đã nói ở trên.

Trong một bài phóng sự ngày Tết trên đài Á Châu Tự Do (RFA) hồi năm ngoái, phóng viên Việt Hà nhận xét rằng: “Ðối với người Việt Nam tại Mỹ, thì Tết của người Việt giờ đây đã nhộn nhịp hơn cách đây khoảng vài chục năm rất nhiều. Lúc đó, những người Việt đầu tiên mới chân ướt, chân ráo đến Mỹ để định cư.” Rồi phóng viên này trích dẫn lời tâm sự sau đây của bà Ngô Quý Linh ở Houston, Texas, về đặc điểm cái Tết cũng như về cách thức ăn tết của người Việt Nam hải ngoại bây giờ:
“Sự thực ra từ khi bắt đầu sang Mỹ đến nay thì việc ăn Tết, đón Tết của người Việt Nam mình càng ngày càng thay đổi nhiều hơn, càng vui hơn, vì những ngày mới sang Mỹ thì cái gì cũng thiếu, món ăn Việt Nam là không bao giờ có, và Tết thường chỉ làm trong gia đình. Nhưng đến bây giờ chúng tôi không chỉ ăn Tết trong gia đình đầy đủ mà trong cộng đồng cũng có nhiều sinh hoạt đón Tết.”
(Việt Hà, “Người Việt ở Mỹ đón Tết Canh Dần,” RFA, 9/2/201
.
.
.

No comments: