Friday, January 14, 2011

TÂM THỨC CHÍNH TRỊ CỦA NGƯỜI VIỆT (Phan Châu Thành)

 Phan Châu Thành
Thứ Sáu, 14/01/2011

Bài viết này để xin góp thêm vào với hai bài trên Dân Luận về cùng chủ đề mà tôi rất quan tâm: bài Chính trị là gì?của cô sinh viên 25 tuổi Thục Vy, và bài “Tâm thức chính trị của tác giả Hồng Lạc. Cảm ơn hai tác giả Thục Vy và Hồng Lạc đã nói đến và nói rất đúng về điều tôi cho là quan trọng nhất đối với dân Việt ta hiện nay: Tâm thức chính trị của người Việt là gì?

Tôi nhất trí, rằng chính trị là quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản nhất, thiết thực nhất, gắn kết với cuộc sống nhất của mọi cá nhân trong xã hội, hiện diện trực tiếp hay gián tiếp mọi lúc mọi nơi trong mọi dạng hoạt động của mọi cá nhân trong xã hội với nhau, như quyền được thở khí lành hay quyền được yêu hay ghét vậy, bởi vì chúng là CƠ SỞ để hình thành và quyết định, ảnh hưởng lên mọi quyền lợi và nghĩa vụ khác trong cuộc sống tinh thần, tình cảm, văn hoá và kinh tế của mọi cá nhân.

Nói cách khác, quyền lợi và nghĩa vụ chính trị chính là nền tảng của xã hội, là tài sản giá trị nhất, là mỏ vàng của mỗi người và cả xã hội để chúng ta có thể sống hạnh phúc và thành công. Không ai có thể sống thành công hạnh phúc trọn vẹn mà không có cuộc sống chính trị thành công.

Ví dụ: Enstein được công nhận là cá nhân vĩ đại nhất của Loài người thế kỷ 20 sẽ không thể được là con người như thế nếu ông đã không lựa chọn thái độ chính trị của mình là chống đối chế độ phát xít Đức, bỏ sang Tây Âu rồi sang Mỹ sống và làm việc, mặc dù những cống hiến lớn nhất của ông cho loài người như thuyết tương đối có vẻ như chẳng liên quan gì và không ai ràng buộc chúng với tâm thức chính trị của ông cả.

Loài người đã và đang chứng kiến biết bao tài năng, trí tuệ của nhân loại xuất thân trong các nước có nền chính trị độc tài phải chạy sang sống và làm việc trong các xã hội dân chủ để những tài năng đó thăng hoa được và cống hiến cho toàn nhân loại. Tương tự, Gs.Ngô Bảo Châu dù tài năng như thế sẽ không thể có vinh quang đạt giải Fields - “Nobel Toán học” nếu không được đào tạo trong môi trường giáo dục (mà bản chất là môi trường chính trị) ngoài môi trường XHCN, như chính Ngô Bảo Châu đã xác nhận.

Tuần trước, tôi gặp một cháu bé nhà nghèo là Lan Nhung, tự đạt được học bổng sang Mỹ (cha mẹ cháu không phải quan chức nên không thể lo được việc này) và sau hai năm học do có thái độ và kết quả học xuất sắc cháu được có tên trong danh sách sinh viên Mỹ sẽ được gặp tổng thống Obama. Tôi hỏi: Cháu sẽ làm gì khi gặp TT Obama? Cô gái 19 tuổi nói: “Cháu sẽ được hỏi TT và phát biểu về bất cứ điều gì cháu quan tâm nhất”. Tôi thầm nghĩ: cô bé tài năng và yêu nước sục sôi này rồi sẽ ở lại trời Mỹ “xấu xa” đó mất thôi… (Tôi phải đổi tên cháu gái này ở đây vì không muốn cháu lỡ dịp gặp ông Obama). Công dân Việt nam nào có quyền được hỏi và nói với chính quyền XHCN “của dân, vì dân, do dân” về bất cứ điều gì mình quan tâm nhất?

Nói vậy chỉ để thấy, dù muốn hay không, ý thức được hay vô ý thức, mọi cá nhân trong một xã hội đều đã, đang và vẫn sẽ có cuộc sống chính trị của mình, hành động, thái độ và cảm xúc chính trị của mình xuất phát từ tâm thức và môi trường chính trị của mình. Môi trường là bối cảnh, tâm thức là nội dung, bối cảnh nào, nội dung đó, bình sao nước vậy.

Vấn đề chỉ là, đó là cuộc sống chính trị có ý thức hay sự sống chính trị vô thức. Có ý thức là tự lựa chọn quyền lợi và nghĩa vụ của mình vì mình và người khác mình quan tâm, là tâm thức chính trị tích cực. Vô thức là không tự lựa chọn tức là vô tình để người khác lựa chọn quyền lợi và nghĩa vụ chính trị của mình cho… lợi ích của họ, là tâm thức chính trị bị động tiêu cực.

Đại đa số dân Việt hiện nay (trên 80%?) không có ý thức rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ chính trị của mình, vô thức để cho người khác lựa chọn cách sống chính trị cho mình, để cho người khác tước đoạt quyền lợi chính trị của mình, nên có những thái độ và hành vi thực tế trong cuộc sống chính trị rất tiêu cực, có hại cho chính họ và tiêu diệt dần cuộc sống của chính họ và người thân, đó là: thờ ơ, coi thường, sợ hãi, nhu nhược, hoài nghi, đầu hàng, cầu an, chạy trốn, chán ghét, căm thù, khinh bỉ, tránh xa, từ bỏ… chính trị;

Tuyệt đại đa số người Việt đã vô thức dâng tài sản giá trị nhất của mình – quyền lợi chính trị của mình, cho người khác, cho chính quyền cai trị. Đó là do đa số chúng ta đang có tâm thức chính trị bị động, ngộ nhận xấu và sai về chính trị, đầu hàng hay vô thức tránh xa, bỏ trốn chính trị. Tâm thức đó của đa số người Việt không ngẫu nhiên mà có, nó được thừa kế từ văn hoá tiểu nông và lịch sử chiến tranh liên miên của dân tộc Việt - coi chính trị là sự đàn áp của kẻ mạnh, là chiến tranh cướp phá và chết chóc, rồi lại bị chế độ cộng sản hiện nay nhồi nhét ý thức chính trị bằng bạo lực cách mạng, củng cố thêm ác cảm về chính trị bằng chuyên chính vô sản suốt hơn 60 năm qua, mọi lúc mọi nơi với mọi tầng lớp từ các cháu nhi đồng đến các cụ tổ hưu trí... Đa số người thân của tôi thuộc số này – với tâm thức chính trị nô lệ cam chịu theo bản năng để tồn tại trong thời XHCN.

Một số rất rất ít người Việt trong nước (dưới xa 1% dân số?) có ý thức về cuộc sống chính trị của mình như nó vốn là thì lại phải giấu kín và chấp nhận vô hình (“người quân tử không sợ chết mà chỉ sợ làm nguy hại người thân” – tôi đang thuộc số tự nguỵ biện này), hay dũng cảm thể hiện công khai ý thức và đòi hỏi quyền lợi chính trị của mình và mọi người (những anh hùng, những con người chân chính – ước gì tôi được thế!)…

Nhóm thứ ba: vô thức có thái độ chính chính trị cộng sản, vô thức tham gia hay ủng hộ bộ máy quyền lực nhà nước cộng sản hiện hành… Số này khá đông, có lẽ đến khoảng 10% dân số, gồm cả các đảng viên cộng sản trung thành hay cơ hội, chân thành hay và ăn theo, lẫn số “quần chúng tích cực” của đảng, họ theo cộng sản bằng vô thức bản năng - chân thành và nhiệt tình hy sinh tất cả để bị lừa dối và bị lợi dụng, chỉ nhận ra sự thật khi đã quá muộn như cha, ông tôi, như bao vị cách mạng lão thành chân chính khác…

Nhóm thứ tư là những kẻ có ý thức lựa chọn chính trị cộng sản (dù họ có thực sự tin hay không – “không quan trọng”) và đó là những người đang cầm mọi quyền lực và quyền lợi từ nhà nước, họ chiếm có lẽ chưa đến 1% dân số. Ý thức cộng sản đó khiến họ tước đoạt toàn bộ quyền lợi chính trị của số đông (hai nhóm đầu tiên) cho mình bằng bạo lực, lừa dối, đe doạ và quyền lực, và của nhóm thứ ba (các đồng chí ngây thơ của họ) bằng hứa hẹn và dụ dỗ, lừa bịp và cuối cùng là lật lọng, chà đạp… Hồi trẻ tôi được đào tạo để trở thành một trong số họ! Nhưng nhìn kỹ những gì xảy ra trong nước, trên thế giới XHCN và cho chính người thân và gia đình mình tôi đã từ chối vào đảng trước tuổi 30.

Chúng ta cần hiểu đúng vai trò của môi trường chính trị (cái bình - bối cảnh) và tâm thức chính trị phổ biến nhất của người Việt (nước trong bình – nội dung) để hiểu đúng cuộc sống chính trị của người dân trong nước. Thực ra thì tâm thức chính trị dân chủ hay tâm thức chính trị quân chủ hay tâm thức chính trị cộng sản (một biến thái ngược và quái dị của chính trị tư sản) hiện nay đều đã có sẵn trong mỗi người Việt mà đại đa số chưa ý thức được thôi. Ngô Bảo Châu và cô bé Lan Nhung là hai hạt giống chính trị cộng sản nòi được gieo sang bối cảnh dân chủ - và ở đó họ được quyền chọn tâm thức chính trị tốt nhất cho mình – dân chủ, nên họ đã phát huy được cao nhất tài năng cá nhân...

Để chọn được tâm thức chính trị nào thì trước hết dân ta phải ý thức được mình đang có sẵn những cái gì để lựa chọn và ý thức mình có quyền lựa chọn vì lợi ích của mình và người thân. Hai điều đó là quyết định. Việc lựa chọn tâm thức dân chủ hay không và sau đó là thái độ, hành động chính trị của mỗi người sẽ tự động diễn ra khi và trong bối cảnh chính trị xã hội bên ngoài phù hợp với tâm thức chính trị bên trong.

Để có nền chính trị dân chủ cho dân tộc hình thành, hai điều về ý thức trên cần sẵn sàng trong mỗi người và một điều thứ ba cần hiển hiện (từ từ đến) trong bối cảnh chính trị: phong trào dân chủ xuất hiện khắp mọi nơi. Ba nhân tố đó cùng xẩy ra và cộng hưởng nhau sẽ tạo thành làn sóng mạnh mẽ thay đổi bối cảnh chính trị xã hội mà không ai có thể ngăn cản được vì đó là quá trình hợp qui luật phát triển của xã hội và tự nhiên.

Cộng sản thì đã và đang ráo riết, quyết liệt làm ba việc ngược lại qui luật đó suốt hơn 60 năm qua: một là, ngu dân, mị dân, ru ngủ dân, lừa dối hay đàn áp dân để dân không biết đến sự tồn tại các quyền lợi chính trị của công dân, để chỉ cho riêng họ - cộng sản có mọi quyền lợi; hai là, họ xây dựng hệ thống khổng lồ để kiểm soát xã hội, để khống chế cuộc sống tinh thần của dân, dồn dân vô thức và ý thức (vì an toàn và sinh tồn) phải tự từ bỏ các quyền lợi chính trị công dân của mình …; và ba là, họ dùng chuyên chính vô sản tàn khốc và quyết liệt tạo nên môi trường chính trị cộng sản, khống chế/tiêu diệt mọi yếu tố khác cộng sản từ gốc rễ đó là trong thông tin, văn hoá hay kinh tế xã hội, ngăn ngừa và tiêu diệt mọi nhân tố khác cộng sản từ bên ngoài vào… Họ sợ hãi và diệt trừ tất cả!

Chỉ có điều, cộng sản đã cố quên rằng cả ba nhân tố sẽ làm chế độ chính trị thiếu tính người của họ sụp đổ trên đều đã bắt đầu từ trong tim trong óc từng con người Việt Nam, có nghĩa là trong cả tim óc của chính họ nữa. Cả nhân tố thứ ba là luồng gió dân chủ có thể được tự thổi bùng lên từ bên trong nước do chính các hành động phi dân chủ của họ, hay bắt nguồn từ hơi thở dân chủ tận bên kia đại dương hay các châu lục tiến bộ khác rồi góp gió thành bão mà về Việt nam theo hiệu ứng cái vỗ cánh của con bươm bướm…

Điều gì hợp qui luật thì tất yếu sẽ xảy ra, và thường là nó xảy ra nhanh hơn người ta tưởng, nhất là khi đó là quá trình thuận theo các qui luật nhân quả và nghiệp quả mạnh mẽ vô biên của tự nhiên.

Phan Châu Thành
.
.
.

No comments: