Monday, January 24, 2011

SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI (Foreign Affairs)

Nguồn: Clay Shirky, Foreign Affairs số Tháng Giêng/Hai 2011

neofob, X-Cafe chuyển ngữ
Mon, 01/24/2011 - 13:35

Kỹ thuật, không gian công cộng, và thay đổi chính trị

Vào ngày 17 tháng Giêng, 2001, trong phiên đàn hặc Tổng thống Philippine Joseph Estrada, những chính trị gia trung thành của Quốc hội Philippine bỏ phiếu để hủy bỏ bằng chứng trọng yếu chống lại ông. Trong vòng chưa đầy hai giờ sau khi quyết định được công bố, hàng ngàn người Phi giận dữ vì tổng thống tham nhũng của họ có thể thoát tội đổ dồn về Đại lộ Epifanio de los Santos, một giao lộ chính ở Manila. Cuộc biểu tình được tổ chức một phần là nhờ các tin nhắn được chuyền đi, "Go 2 EDSA. Wear blk." Đám đông lớn rộng nhanh chóng và trên một triệu người kéo đến trong vài ngày tiếp theo, bóp nghẹt giao thông trung tâm Manila.
Khả năng của công chúng có thể điều phối một phản ứng ồ ạt và tức thì -- gần bảy triệu tin nhắn được gởi đi trong tuần đó -- đánh động các nhà lập pháp đến nỗi họ đảo ngược quyết định và cho phép trưng bằng chứng. Số phận của Estrada được định đoạt; đến 20 tháng Giêng, ông ta bị truất phế.(*) Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên truyền thông xã hội góp phần truất phế một lãnh đạo quốc gia. Estrada đổ lỗi "thế hệ tin nhắn" cho sự sụp đổ của mình.
Kể từ lúc Internet phổ biến từ đầu những năm 1990, dân số thế giới nối mạng tăng từ vài triệu lên vài tỷ. Cùng thời gian, truyền thông xã hội đã trở thành một phần của đời sống đối với xã hội toàn cầu. Nó bao gồm nhiều yếu tố như dân thường, các nhà hoạt động, các tổ chức phi chính phủ, các công ty viễn thông, những nhà cung cấp phần mềm, chính phủ. Điều này đặt ra câu hỏi hiển nhiên đối với chính phủ Hoa Kỳ: Sự phổ biến truyền thông xã hội ảnh hưởng đến lợi ích của Hoa Kỳ như thế nào và chính sách của Hoa Kỳ nên phản ứng ra sao?
Một khi bối cảnh truyền thông trở nên đông đúc hơn, phức tạp hơn, và có nhiều người tham gia hơn thì công chúng được nối mạng có thêm nhiều truy cập đến thông tin, có thêm nhiều cơ hội để tham gia nói chuyện trước công chúng, và có thêm khả năng hợp tác tập thể. Trên vũ đài chính trị, như những cuộc biểu tình ở Manila cho thấy, những tự do mới mẻ này có thể góp phần phối hợp phần lớn công chúng đang đòi hỏi thay đổi.
Chiến lược Philippine được áp dụng nhiều lần kể từ đó. Trong một số trường hợp, những người biểu tình rút cục thành công. Như ở Tây Ban Nha vào năm 2004, những cuộc biểu tình được tổ chức bởi tin nhắn dẫn đến việc trục xuất Thủ tướng Tây Ban Nha José María Aznar người đã sai lầm đổ lỗi những vụ đánh bom Marid cho ly khai Basque. Đảng Cộng sản đánh mất quyền lực ở Moldova vào năm 2009 khi những cuộc biểu tình được tổ chức một phần bởi tin nhắn, Facebook, và Twitter bùng nổ sau một cuộc bầu cử gian trá hiển nhiên. Trên khắp thế giới, Nhà thờ Công giáo phải đối diện với những vụ kiện về chứa chấp những kẻ lạm dụng trẻ em. Vụ việc khởi đầu khi tờ Boston Globe năm 2002 khui ra việc lạm dụng tình dục trong nhà thờ được đăng tải online trong vòng vài giờ.
Tuy vậy có nhiều ví dụ về những thất bại của những nhà hoạt động như ở Belarus tháng Ba 2006 khi những cuộc xuống đường (được tổ chức một phần bởi email) chống lại tố cáo dàn xếp bầu cử của Tổng thống Aleksandr Lukashenko. Nó bùng nổ rồi lại xẹp xuống làm cho Lukashenko quyết tâm kiểm soát truyền thông xã hội. Suốt cuộc nổi dậy của Phong trào Xanh ở Iran vào tháng Sáu 2009, những nhà hoạt động dùng tất cả mọi phương tiện kỹ thuật điều phối để phản đối việc đếm phiếu sai cho Mir Hossein Mousavi. Thế nhưng họ rút cục bị đánh gục bởi một đàn áp bạo lực. Cuộc nổi dậy Áo Đỏ ở Thái Lan vào năm 2010 theo một lối đi tương tự nhưng nhanh hơn: những người biểu tình thạo truyền thông xã hội chiếm giữ Bangkok cho đến khi chính quyền Thái Lan giải tán họ, giết chết vài chục người.
Việc sử dụng những tiện ích truyền thông xã hội -- tin nhắn, email, chia sẻ hình ảnh, mạng xã hội, và những thuộc loại như vậy -- không có duy nhất một kết quả định trước. Vì thế những nỗ lực phác họa những ảnh hưởng của chúng đến diễn biến chính trị thường dẫn đến những chuyện cãi vã. Nếu bạn cho rằng sự thất bại của những cuộc biểu tình Belarus để truất phế Lukashenko là kiểu mẫu, bạn sẽ cho rằng kinh nghiệm Moldova là ngoại lệ và ngược lại. Thật khó mà kiếm được công trình thực nghiệm về đề tài này. Một phần là bởi vì những tiện ích này quá mới và một phần là bởi vì những tiền lệ liên quan quá hiếm. Điều mô tả thận trọng nhất của những nỗ lực định lượng để trả lời câu hỏi "Liệu những tiện ích số có làm tăng dân chủ" (như trong số câu hỏi Jacob Groshek và Philip Howard đặt ra) là những tiện ích có lẽ không gây hại gì về trước mắt và có thể hữu ích về lâu dài. Hơn nữa chúng có những hiệu quả kịch tính ở những quốc gia mà không gian công cộng đã kiềm chế những hành động của chính phủ.
Mặc dù vấn đề này là không đồng nhất, truyền thông xã hội đã trở thành công cụ điều phối gần như cho tất cả các phong trào chính trị của thế giới. Đồng thời hầu hết các chính quyền độc tài trên thế giới (và điều đáng báo động là số lượng các nước dân chủ trong đó ngày càng tăng) đang cố gắng giới hạn truy cập đến nó. Phản ứng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là đưa "Tự do Internet" thành một mục tiêu chính sách riêng. Biện hộ cho nhân dân quyền dùng Internet tự do là một chính sách đúng đắn cho Hoa Kỳ. Nó đúng vì cùng mục tiêu chiến lược của gia tăng xã hội dân sự toàn cầu cũng như nó đồng điệu với những quan điểm của Hoa Kỳ về tự do ngôn luận. Thế nhưng những toan tính nối ý tưởng tự do Internet vào những mục tiêu trước mắt -- đặc biệt là những ý tưởng dành riêng cho những nước riêng biệt hay có chủ đích giúp đỡ những nhóm bất đồng chính kiến hay khuyến khích thay đổi chế độ -- có lẽ là nói chung không hiệu quả. Một khi chúng thất bại thì những hậu quả không thể coi thường được.
Mặc dù chuyện truất phế Estrada và những sự kiện tương tự khiến cho những nhà quan sát tập trung vào sức mạnh của những cuộc biểu tình lật đổ chính quyền, khả năng của truyền thông xã hội chủ yếu nằm ở sự giúp đỡ xã hội dân sự và không gian công cộng -- thay đổi được đo bằng năm và thập niên hơn là tuần hay tháng. Chính phủ Hoa Kỳ nên duy trì tự do Internet như là một mục đích để theo đuổi về mặt nguyên tắc và trung lập về chính phủ, không nên là một công cụ để ảnh hưởng tức thì các mục tiêu chính trị từng quốc gia một. Chúng ta cũng nên giả định rằng sự tiến bộ sẽ là từng bước một và, vẫn như cũ, chậm nhất ở những chính quyền độc tài nhất.

NHỮNG HIỂM HỌA CỦA TỰ DO INTERNET

Vào tháng Giêng 2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton phác thảo Hoa Kỳ sẽ làm thế nào để khuyến khích tự do Internet ở hải ngoại. Bà nhấn mạnh vài thể tự do khác nhau bao gồm tự do truy cập thông tin, tự do của công dân được xuất bản bằng phương tiện đại chúng riêng (như quyền của những nhà hoạt động Miến Điện được blog), và tự do của công dân được đối thoại với nhau (như quyền của công chúng được dùng instant messaging mà không bị gây trở ngại).
Đáng chú ý nhất là Clinton tuyên bố tài trợ cho việc phát triển những tiện ích được thiết kế để mở lại truy cập Inernet ở những quốc gia giới hạn điều đó. Cách tiếp cận theo tính phương tiện này đối với tự do Internet tập trung vào việc cản trở những quốc gia kiểm duyệt những website hải ngoại như Google, YouTube, hay New York Times. Nó tập trung thứ yếu vào về ngôn luận công cộng của những công dân và ít nhất về những sử dụng tư hay xã hội của truyền thông số hóa. Theo sức tưởng tượng này thì Washington có thể và nên có những phản ứng nhanh chóng và rõ ràng đối với sự kiểm duyệt của những thể chế độc tài.
Quan điểm mang tính phương tiện là hấp dẫn về mặt chính trị, có hướng hành động, và gần như chắc chắn là sai. Nó đánh giá quá cao giá trị của phương tiện truyền thông trong khi đánh giá thấp giá trị của những phương tiện mà chúng cho phép công dân liên lạc riêng tư với nhau. Nó đánh giá quá mức giá trị của truy cập thông tin, đặc biệt là thông tin được lưu trữ ở phương Tây, trong khi đó đánh giá thấp giá trị của những tiện ích để điều phối ở mức địa phương. Và nó đánh giá quá mức sự quan trọng của computer trong khi đánh giá thấp sự quan trọng của những tiện ích đơn giản hơn như điện thoại di động.
Cách tiếp cận theo lối phương tiện cũng có thể là nguy hiểm. Hãy xét đến sự thất bại liên quan đến phần mềm Haystack được đề xuất để qua mặt kiểm duyệt. Nó được dự định là một phần mềm để "đánh tay đôi với sự kiểm duyệt của chính quyền Iran". Tiện ích được khen ngợi rộng rãi ở Washington; chính quyền Hoa Kỳ còn cấp giấy phép xuất khẩu cho nó. Thế nhưng chương trình không bao giờ được xem xét kỹ lưỡng, và khi chuyên gia bảo mật xem xét nó thì hóa ra nó thất bại không chỉ về mục tiêu che dấu thông điệp khỏi chính quyền mà còn gây ra (theo lời một phân tích gia) "khả năng đối phương xác định từng cá nhân sử dụng". Tương phản với điều này, một trong những phần mềm thành công nhất về chống kiểm duyệt là Freegate. Phần mềm này chẳng nhận được ủng hộ gì nhiều từ Hoa Kỳ, một phần là vì những trễ nãi thủ tục hành chính và một phần là vì chính phủ Hoa Kỳ lo sẽ làm tổn hại đến bang giao Hoa-Trung: tiện ích nguyên thủy được viết bởi Pháp Luân Công, phong trào tâm linh mà chính quyền Trung Quốc gọi là "giáo phái xấu xa". Những thách thức của Freegate và Haystack cho thấy nó thật khó khăn ra sao để vũ trang truyền thông xã hội để theo đuổi những mục đích riêng cho từng quốc gia và chính sách ngắn hạn.
Tân truyền thông có lợi cho việc dung dưỡng sự tham gia mà có thể sẽ gia tăng thật sự những tự do Clinton vạch ra như ấn bản, hệ thống bưu điện, điện tín, và điện thoại đã làm trước đó. Một phàn nàn về ý tưởng tân truyền thông như là một lực lượng chính trị là hầu hết dân chúng đơn thuần dùng những tiện ích này cho thương mại, đời sống xã hội, hay giải trí riêng. Thế nhưng điều này phổ biến đối với tất cả dạng thức của truyền thông. Nhiều người vào thời 1500 đọc những tiểu thuyết gợi tình hơn là "95 Luận Đề" của Martin Luther. Và nhiều người đọc Niên giám của Richard Bé Bỏng hơn là công trình của Committees of Correspondence. Thế nhưng những công trình chính trị này vẫn có một ảnh hưởng to lớn.
Cũng như Luther đã chọn phương thức ấn bản mới mẻ để phản đối Nhà thờ Công giáo, và những nhà cách mạng Hoa Kỳ cập nhật chia sẻ những ý tưởng của họ bằng cách sử dụng hệ thống bưu điện mà Benjamin Franklin thiết kế. Những phong trào bất đồng chính kiến ngày nay sẽ dùng bất cứ phương tiện nào sẵn có để trình bày những quan điểm của họ và điều phối hoạt động của họ. Thật không thể nào mô tả sự thất bại của Đảng Cộng sản Moldova ở Nghị viện sau cuộc bầu cử 2009 mà không đề cập đến việc sử dụng điện thoại di động và những tiện ích trực tuyến để động viên bởi những những nhà đối lập. Những chính phủ độc tài bóp nghẹt sự liên lạc giữa các công dân với nhau vì họ sợ, một cách chính xác, rằng một dân chúng với khả năng điều phối tốt hơn sẽ kiềm chế khả năng của chính phủ hành động mà không có giám sát.
Mặc dù cơ bản thực tế là vậy -- rằng là tự do liên lạc là tốt cho tự do chính trị -- phương thức phương tiện của chính trị Internet vẫn là không ổn. Thật khó cho người ngoài cuộc có thể hiểu được tình trạng của người bất đồng chính kiến. Ủng hộ từ bên ngoài mang nguy cơ vẩn đục ngay cả đối kháng ôn hòa như thể là được chỉ đạo bởi những yếu tố nước ngoài. Những nhà bất đồng chính kiến có thể bị lộ bởi những tác dụng phụ của những tiện ích mới mẻ. Những đòi hỏi của chính phủ về tự do Internet ở hải ngoại có thể biến thiên theo từng quốc gia một, tùy theo mức độ quan trọng của mối bang giao, dẫn đến sự hoài nghi về những động cơ của nó.
Cách nhìn hứa hẹn hơn về truyền thông xã hội là những tiện ích lâu dài sẽ củng cố xã hội dân sự và không gian công cộng. Tương phản với quan điểm tiện ích của tự do Internet là quan điểm "hoàn cảnh". Theo quan niệm này, những thay đổi tích cực ở đời sống của một quốc gia, kể cả thay đổi chính quyền thiên dân chủ, theo sau, hơn là đi trước sự phát triển của một không gian công cộng vững chắc. Đây không phải nói rằng những phong trào quần chúng sẽ không sử dụng những tiện ích này thành công để kiểm soát hay ngay cả lật đổ chính quyền. Thay vì vậy những nỗ lực của Hoa Kỳ chỉ đạo những sử dụng như vậy là có hại hơn có lợi. Hãy xem vấn đề theo chiều hướng này, tự do Internet là một cuộc chơi trường kỳ. Nó được thai nghén và ủng hộ không phải là một nghị trình riêng rẽ mà đơn thuần là một đóng góp quan trọng cho những tự do chính trị căn bản hơn.

BỐI CẢNH CỦA SỤP ĐỔ

Bất cứ cuộc thảo luận nào về hoạt động chính trị ở những chính quyền đàn áp phải tính đến sự sụp đổ kinh hoàng của cộng sản vào năm 1989 ở Đông Âu và sự sụp đổ tiếp theo của Liên Bang Sô Viết vào năm 1991. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đầu tư vào nhiều công cụ truyền thông khác nhau như đài radio Tiếng Nói Hoa Kỳ, chủ trì một rạp hát Mỹ ở Moscow (là chỗ của cuộc "tranh luận nhà bếp" nổi tiếng của Nixon-Khrushchev), tuồn lậu máy Xerox vào đằng sau Bức Màn Sắt để giúp đỡ báo chí chui, hay còn gọi là samizdat. Dẫu cho có tầm quan trọng của truyền thông, hồi kết của Chiến Tranh Lạnh được dẫn đến không phải do một cuộc nổi dậy ngang ngược của những thính giả của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ mà bởi do thay đổi kinh tế. Do giá dầu giảm trong khi giá lúa mì tăng, mô hình của Sô Viết bán dầu giá mắc để mua lúa mì giá rẻ ngưng hoạt động. Kết quả là điện Kremlin bị buộc phải vay mượn từ phương Tây. Những món nợ này bị cho là có rủi ro khi chính quyền can thiệp quân sự vào nội tình của những bang không phải Nga. Vào năm 1989, người ta có thể cho rằng khả năng của công dân có thể liên lạc với nhau, xét đến bối cảnh của những tác động kinh tế vĩ mô, là phần lớn không thích hợp.
Thế nhưng tại sao vào lúc đó những quốc gia đằng sau Bức Màn Sắt không để công dân chết đói? Dù gì đi nữa, cổ nhân có câu là quốc gia nào cũng chỉ ba bữa đói là có cách mạng hoá ra là sai thê thảm vào thế kỷ hai mươi; thật có thể có những nhà lãnh đạo tồn tại được ngay cả hàng triệu người chết đói. Stalin làm điều đó vào thập niên 1930, Mao làm điều đó vào thập niên 1960, và Kim Jong Il đã làm điều đó hơn một lần vào hai thập niên vừa qua. Thế nhưng sự khác biệt giữa những trường hợp đó và những cuộc cách mạng 1980 là những nhà lãnh đạo của Đông Đức, Czechoslovakia, và những nước còn lại đối mặt với những xã hội dân sự đủ vững chắc để chống cự lại. Những cuộc biểu tình hàng tuần ở Đông Đức, phong trào dân sự Hiến chương 77 ở Czechoslovakia, và phong trào Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan đều có những chính phủ rõ ràng đang sẵn sàng.
Khả năng sáng tạo và phát tán văn học lẫn tài liệu chính trị của những nhóm này, kể cả với những máy photocopier đơn giản, đã cho thấy một lựa chọn hiển nhiên so với những chính quyền cộng sản. Đối với những nhóm công dân đông đúc ở những quốc gia này, sự đổ vỡ chính trị và quan trọng hơn cả là kinh tế của chính phủ không còn là một bí mật không che dấu mà là một sự thật công khai. Điều này gây khó khăn và tiếp theo là bất khả cho chính quyền cho ra lệnh cho cho binh lính đàn áp những nhóm đông người như vậy.
Vì vậy, đó là một chuyển biến về cân bằng quyền lực giữa nhà nước và xã hội dân sự làm dẫn đến sự sụp đổ của sự nắm quyền của cộng sản phần lớn trong hòa bình. Khả năng của nhà nước dùng bạo lực đã bị suy yếu và xã hội dân sự đã chịu đựng gánh nặng bạo lực cũng lớn mạnh hơn. Khi xã hội dân sự giành chiến thắng thì nhiều người đối lập với chính quyền cộng sản trở thành những nhà lãnh đạo chính trị của những quốc gia này như Tadeusz Mazowieki ở Ba Lan và Václav Havel ở Czechoslovakia. Những công cụ truyền thông trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đã không làm chính phủ sụp đổ nhưng chúng giúp dân chúng lấy lại quyền lực của nhà nước khi nó suy yếu.
Ý kiến cho rằng truyền thông, từ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cho đến samizdat, đóng một vai trò yểm trợ trong thay đổi xã hội bằng cách củng cố không gian công cộng lập lại vai trò lịch sử của ấn bản báo chí. Như triết gia Đức Jürgen Habermas chỉ ra trong quyển sách của ông năm 1962, The Structural Transformation of the Public Sphere, ấn bản báo chí góp phần dân chủ hóa Châu Âu bằng cách tạo không gian cho thảo luận và đồng thuận giữa những công dân tham gia chính trị. Điều này thường xảy ra trước khi cả nhà nước dân chủ hóa hoàn toàn. Luận điểm này được khai triển sau này bởi những học giả như Asa Briggs, Elizabeth Eisenstein, và Paul Starr.
Tự do chính trị phải được đi kèm bởi một xã hội dân sự hiểu biết và liên kết chặt chẽ đủ để thảo luận những vấn đề được đưa ra công chúng. Trong một công trình nghiên cứu nổi tiếng về quan điểm chính trị sau kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 1948, nhà xã hội học Elihu Katz và Paul Lazarsfeld khám phá rằng truyền thông đại chúng nói riêng không làm thay đổi suy nghĩ của dân chúng; thay vì vậy, đó là một quá trình có hai bước. Những quan điểm đầu tiên được truyền tải bởi truyền thông và sau đó chúng được lập lại bởi bạn bè, thành viên gia đình, và đồng nghiệp. Ở bước xã hội thứ hai này mà quan điểm chính trị được hình thành. Ở bước này, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, có thể làm nên thay đổi. Cũng như đối với ấn bản báo chí, Internet phát tán không chỉ truyền thông tiêu thụ mà còn truyền thông xuất bản nữa -- nó cho phép dân chúng phát biểu và tranh luận những quan điểm đối nghịch trong hỗn độn ở chốn riêng tư và công cộng.
Một không gian công cộng phát triển từ từ, nơi mà dư luận quần chúng dựa vào cả truyền thông và đối thoại, là cốt lõi của quan điểm hoàn cảnh của tự do Internet. Đối nghịch với quan điểm tự phóng đại rằng phương Tây có trong tay mã nguồn cho dân chủ -- và nếu như nó có thể truy cập được thì những quốc gia độc tài còn lại sẽ đỗ vỡ -- quan điểm hoàn cảnh giả định rằng ít có thay đổi chính trị mà không có sự phát tán và chấp nhận ý tưởng và quan điểm trong không gian công cộng. Có thông tin thì ít quan trọng hơn là có đối thoại về mặt chính trị. Hơn thế nữa, một không gian công cộng có cơ may nảy sinh ra từ một xã hội do dân chúng bất mãn với những vấn đề kinh tế hay sự cai trị hàng ngày hơn là do họ đi theo những ý tưởng chính trị trừu tượng.
Lấy một ví dụ đương thời, chính phủ Trung Quốc ngày nay có nguy cơ bị buộc phải chấp thuận những quy tắc dân chủ bởi những thành viên trung lưu chủng tộc Hán đa số đòi hỏi chính quyền địa phương ít tham nhũng hơn hơn là bởi những người Uighur hay Tibet đòi tự trị. Tương tự, Chiến dịch Một Triệu Chữ ký, một phong trào nữ quyền của Iran, tập trung vào gỡ bỏ những luật không thân thiện đối với phụ nữ hóa ra thành công hơn trong việc mở rộng tự do hóa cách cư xử của chính quyền Iran hơn là Phong trào Xanh mang tính cách đối đầu hơn.
Đối với những nhà quan sát biểu tình lạc quan, đây là chuyện nhỏ nhưng cả công trình thực nghiệm và lý thuyết đưa ra giả thiết rằng những cuộc những cuộc biểu tình là đích đến của một quá trình lâu dài (nếu có hiệu quả) hơn là một sự thay thế cho nó. Bất cứ một cam kết rõ ràng nào của Hoa Kỳ đối với việc tăng cường tự do chính trị toàn cầu đều nên tập trung vào quá trình đó. Điều này chỉ có thể diễn ra một khi có một không gian công cộng vững chắc.

BẢO TOÀN TÌNH TRẠNG TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Những nhóm có rèn luyện và có liên kết, cho dù là thương mại hay chính phủ, luôn có lợi thế hơn những nhóm vô kỷ luật; họ tham gia những hoạt động chung dễ dàng hơn bởi vì họ có cách điều phối hoạt động của các thành viên một cách có lớp lang. Truyền thông xã hội có thể bù đắp cho những bất lợi của những nhóm vô kỷ luật bằng cách giảmi phí của việc điều phối. Phong trào chống Estrada ở Philippines đã sử dụng việc gởi và chuyển tiếp tin nhắn dễ dàng để thiết lập một nhóm to lớn mà không cần (và chẳng có đủ thì giờ) đến người quản lý theo lệ thường. Điều này dẫn đến việc những nhóm lớn hơn và lỏng lẻo hơn bây giờ có thể thi hành những chuyện điều phối như các phong trào biểu tình và các chiến dịch truyền thông công cộng mà trước đây chỉ dành cho những tổ chức chính qui. Đối với những phong trào chính trị, một trong những hình thức chủ yếu của việc điều phối là cái mà phía quân sự gọi là "phòng bị chung", khả năng của mỗi thành viên của nhóm không chỉ nhận thức được tình hình mà còn hiểu rằng mọi người cũng biết như vậy. Truyền thông xã hội gia tăng sự phòng bị chung bằng cách phát tán các tin nhắn qua mạng xã hội. Những cuộc biểu tình chống Aznar ở Tây Ban Nha có sức xung kích nhanh chóng đúng vì hàng triệu người phát tán tin nhắn không nằm trong một tổ chức qui củ.
Những cuộc biểu tình chống tham nhũng của người Trung Hoa nổ ra sau vụ động đất kinh hoàng hồi tháng Năm 2008 ở Tứ Xuyên là một minh chứng khác cho loại tổ chức ngẫu nhiên như vậy. Những người biểu tình là cha mẹ, đặc biệt là những bà mẹ, bị mất đứa con duy nhất trong những ngôi trường xây dựng gian dối từ sự thông đồng giữa những công ty xây dựng và chính quyền địa phương. Trước khi có động đất, sự tham nhũng ở ngành xây dựng là một bí mật ai cũng biết. Thế nhưng khi những ngôi trường sụp đổ, các công dân bắt đầu chia sẻ tài liệu của sự thiệt hại và những vụ biểu tình qua các tiện ích của mạng xã hội. Những hệ quả của chính quyền tham nhũng được cho thấy công khai và nó chuyển từ bí mật ai cũng biết cho đến sự thật công khai.
Chính quyền Trung Quốc lúc đầu cho phép tường thuật về những cuộc biểu tình sau động đất nhưng đột ngột xoay ngược quyết định vào tháng Sáu. Các lực lượng an ninh bắt đầu bắt giam những người biểu tình và đe dọa những nhà báo khi tình hình trở nên rõ ràng là những người biểu tình đòi hỏi địa phương cải cách thật sự và không chỉ đơn thuần những đền bù của chính quyền. Theo cái nhìn của chính quyền, mối đe dọa không hẳn là những công dân biết chuyện tham nhũng điều mà nhà nước chẳng có thể làm gì được trước mắt. Bắc Kinh e sợ rằng những hiệu ứng có thể của sự hiểu biết này được chia sẻ: họ sẽ phải thi hành cải tổ hoặc phải đối phó theo một cách mà sẽ đánh động dân chúng. Dù gì đi nữa, sự phổ thông của điện thoại với máy chụp hình làm cho việc tiến hành một cuộc đàn áp rộng lớn nhưng không chứng tích là khó khăn.
Đây là trạng thái của sự phòng bị -- điều mà càng ngày càng rõ rệt ở những quốc gia hiện đại -- tạo cái thường được gọi là "sự tiến thoái lưỡng nan của nhà độc tài" nhưng có thể được miêu tả chính xác hơn bằng thành ngữ mà lý thuyết gia về thông tin Briggs đặt ra: "sự bảo toàn tình trạng tiến thoái lưỡng nan". Nó được gọi như vậy vì nó đúng không chỉ cho những nhà độc tài mà còn cho những chính phủ dân chủ và những nhà lãnh đạo tôn giáo và kinh doanh. Sự tiến thoái lưỡng nan được tạo ra bởi phương tiện truyền thông mới mà nó gia tăng khả năng của công chúng được [tự do] ngôn luận hay lập hội; với sự phổ cập của truyền thông, cho dù đó là máy photocopier hay trình duyệt Web, một nhà nước đã quen với với độc quyền ngôn luận công cộng nhận ra rằng họ cần giải thích những sự khác biệt giữa quan điểm của họ và của công luận. Có hai phản ứng cho sự bảo toàn tình trạng tiến thoái lưỡng nan là sự kiểm duyệt và tuyên truyền. Thế nhưng chẳng điều nào trong số này hiệu quả để kiểm soát nguồn tin bằng sự bắt ép im lặng đối với công dân. Nhà nước sẽ kiểm duyệt những chỉ trích hay cho ra tuyên truyền nếu họ cần nhưng cả hai hành động này trả giá cao hơn là đơn giản không bịt miệng chỉ trích hay đáp trả trước hết. Thế nhưng một chính phủ mà sẽ đóng cửa truy cập Internet hay cấm điện thoại di động thì họ sẽ gặp nguy cơ cực đoan hóa những công dân vốn ủng hộ chính quyền hoặc gây thiệt hại cho kinh tế.
Sự bảo toàn tình trạng tiến thoái lưỡng nan tồn tại một phần là vì phát ngôn chính trị và phi chính trị không loại trừ lẫn nhau. Nhiều thiếu nữ Nam Hàn có mặt ở Công viên Cheonggyecheon vào năm 2008 để phản đối thịt bò nhập từ Hoa Kỳ bị cực đoan hóa ở mục thảo luận ở một diễn đàn về Dong Bang Shin Ki (một ban nhạc toàn con trai) trên mạng. DBSK không phải là một nhóm chính trị và những người biểu tình không phải những nhà chính trị thuần túy. Thế nhưng cộng đồng trực tuyến với khoảng 800 000 ngàn thành viên tích cực đã khuyếch đại bước thứ nhì của quá trình hai bước của Katz và Lazarsfeld bằng cách cho phép các thành viên định hình ý kiến chính trị qua đối thoại.
Văn hóa đại chúng cũng làm nổi lên sự duy trì tình trạng tiến thoái lưỡng nan bằng cách cung cấp vỏ bọc cho những toan tính chính trị của truyền thông xã hội. Những tiện ích được thiết kế đặc biệt cho người bất đồng chính kiến thì dễ dàng cho chính quyền ngăn chặn về mặt chính trị. Trong khi đó những tiện ích có sử dụng khái quát trở nên khó hơn để kiểm duyệt mà không có nguy cơ chính trị hóa những nhóm lớn mà vốn dĩ là thành phần phi chính trị. Ethan Zuckerman của Trung tâm vì Internet và Xã hội ở Havard gọi đây là "lý thuyết con mèo dễ thương của hoạt động tuyên truyền số hóa". Những tiện ích được thiết kế chuyên để qua mặt sự kiểm duyệt của nhà nước (những proxy server chẳng hạn) có thể bị đóng cửa mà không có thiệt hại chính trị gì. Thế nhưng những tiện ích chung chung hơn mà đa số dân chúng sử dụng, chia sẻ hình ảnh những con mèo dễ thương chẳng hạn, thì khó đóng cửa hơn.
Vì những lý do này, thật có lý hơn để đầu tư vào truyền thông xã hội như là những tiện ích chung chung để khuyến khích tự quản hơn là những tiện ích chính trị riêng biệt. Tự do ngôn luận nói chung là vốn dĩ mang tính chính trị và mang tính phổ quát sâu đậm. Đến nỗi Hoa Kỳ lấy tự do ngôn luận là mục tiêu hàng đầu, ta nên cho rằng mục tiêu đạt được tương đối dễ dàng ở những quốc gia dân chủ, ít dễ dàng hơn ở những quốc gia phi dân chủ là đồng minh, và ít nhất ở những quốc gia phi dân chủ không phải là đồng minh. Thế nhưng gần như mọi quốc gia trên thế giới mong muốn phát triển kinh tế. Vì các chính phủ làm tổn hại sự phát triển khi họ nghiêm cấm những kỹ thuật mà có thể dùng cho cả điều phối chính trị và kinh tế. Hoa Kỳ nên dựa vào những lợi ích kinh tế của các quốc gia mà cho phép phổ biến việc sử dụng truyền thông [xã hội]. Nói cách khác, chính phủ Hoa Kỳ nên hành động vì những điều kiện mà sẽ gia tăng sự bảo tồn tình trạng tiến thoái lưỡng nan, hấp dẫn đối với lợi ích riêng của các quốc gia hơn là tư cách sinh sự của tự do, như là một cách để phát triển hay củng cố không gian công cộng ở những quốc gia này.

SỰ HOÀI NGHI VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Nói chung có hai luận điểm phản bác lại ý kiến cho rằng truyền thông xã hội sẽ thay đổi chính trị quốc gia. Điểm thứ nhất là những tiện ích tự thân chúng là vô dụng và điểm thứ nhì là chúng có hại lẫn tốt cho việc dân chủ hóa bởi vì những chính phủ độc đoán đang trở nên thành thạo hơn về việc sử dụng những tiện ích này để đàn áp bất đồng chính kiến.
Gần đây nhất Malcolm Gladwell viết trên The New Yorker phê bình về sự vô dụng, tập trung vào những ví dụ mà được gọi là "chủ nghĩa chểnh mảng". Nhờ vậy mà những người tham dự theo đuổi thay đổi xã hội qua những hành động chi phí thấp như gia nhập nhóm "Cứu Dafur" của Facebook. Những người này có tinh thần lâu dài của những người dán đề can trên xe hơi nhưng lại thiếu hành động thiết thực trước mắt. Sự phê bình quả là đúng nhưng không đi vào cốt lõi sức mạnh của truyền thông xã hội; thực tế là những người tham gia hời hợt không màng cất bước đi ra một thế giới tốt hơn không có nghĩa những người tham gia không thể sử dụng truyền thông xã hội có hiệu quả. Những cuộc biểu tình gần đây -- bao gồm phong trào chống những người bảo vệ chủ nghĩa giáo điều ở Ấn Độ năm 2009, những cuộc biểu tình phản đối thịt bò ở Nam Hàn năm 2008, và những cuộc biểu tình phản đối luật giáo dục ở Chile năm 2006 -- đã dùng truyền thông xã hội không phải để thay thế hành động ngoài đời mà dùng chúng để điều phối hành động thực tế. Hậu quả là tất cả những cuộc biểu tình đưa những người tham gia đối mặt với hiểm nguy của bạo lực và trong một số trường hợp nó đã diễn ra. Dĩ nhiên việc áp dụng những tiện ích này (đặc biệt là điện thoại di động) như là một cách để điều phối và thu thập tin tức những hoạt động ngoài đời quả là phổ biến đến nỗi chúng sẽ là một phần của tất cả những phong trào chính trị trong tương lai.
Đây rõ ràng không có nghĩa là cứ phong trào chính trị nào dùng những tiện ích này sẽ thành công bởi vì nhà nước vẫn chưa mất khả năng đối phó. Điều này dẫn đến luận điểm thứ hai, và nó mang tính nghiêm trọng hơn, đó là sự chỉ trích rằng truyền thông xã hội là tiện ích để cải thiện chính trị -- nói rõ ra là nhà nước càng ngày càng có những phương tiện tinh vi để giám sát, ngăn chặn, hay kết nạp những tiện ích này. Việc sử dụng truyền thông xã hội, học giả Rebecca MacKinnon của New America Foundation và Evgeny Morozov của Open Society Institute biện luận rằng, là có thể củng cố những chính quyền độc tài cũng như làm suy yếu chúng đi. Chính quyền Trung Quốc đã bỏ ra nhiều công sức để hoàn thiện những hệ thống để kiểm soát những đe dọa chính trị từ truyền thông xã hội. Điểm ít quan trọng nhất của những hệ thống này là kiểm duyệt và chương trình theo dõi. Theo thời gian chính quyền nhận ra rằng những đe dọa đến tính chính danh của họ đến từ bên trong quốc gia và rằng ngăn chặn trang web như The New York Times chẳng ngăn cản nổi những bà mẹ đau khổ phát tán những than phiền về tham nhũng.
Hệ thống của Trung Quốc đã chuyển biến từ chỉ là đơn giản lọc thông tin từ Internet vào Trung Quốc từ giữa thập niên 1990 đến thành hoạt động tinh vi mà không chỉ giới hạn thông tin bên ngoài mà còn sử dụng những lý luận theo chủ nghĩa dân tộc và đạo đức chung để khuyến khích những nhà điều hành các dịch vụ mạng của Trung Quốc kiểm duyệt thành viên và thành viên tự kiểm duyệt. Bởi vì mục tiêu của họ là tránh thông tin trở thành có hiệu ứng đồng bộ về chính trị, nhà nước không cần kiểm duyệt Internet một cách toàn diện; thay vì vậy họ chỉ cần tối giản truy cập đến thông tin.
Những quốc gia độc tài càng ngày càng đóng cửa những hệ thống truyền tin của họ để khước từ khả năng điều phối trực tiếp và tường thuật sự kiện của những người bất đồng chính kiến. Chiến lược này cũng kích hoạt sự bảo toàn tình trạng tiến thoái lưỡng nan tạo ra một hiểm họa ngắn hạn về sự đánh động phần lớn dân chúng về mâu thuẫn chính trị. Khi chính phủ Bahrain cấm Google Earth vì một ghi chú trên bản đồ về sự sát nhập đất công của hoàng gia bắt đầu lưu truyền, kết quả là nó đánh động nhiều người Bahrain xem tấm bản đồ xúc phạm đó hơn là đã biết nó trước đó. Tin tức lan tràn đến nỗi chính phủ đấu dịu và mở lại truy cập bốn ngày sau đó.
Những việc đóng cửa như vậy trở nên mơ hồ hơn cho chính quyền nếu họ sống dai như vậy. Khi những người biểu tình chống chính phủ chiếm giữ Bangkok vào mùa hè 2010, sự hiện diện của họ làm gián đoạn khu phố buôn bán ở Bangkok, thế nhưng hành động của chính phủ, cắt đứt những phần trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông Thái Lan, đã gây ảnh hưởng đến mọi người không chỉ ở thủ đô. Cách tiếp cận tạo thêm sự duy trì tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho chính phủ -- sẽ không có kinh tế hiện đại nếu không có điện thoại hoạt động -- và vì thế họ bị giới hạn khả năng đóng cửa hệ thống thông tin trong vùng rộng lớn và trong thời gian dài.
Trong những trường hợp cực đoan nhất, việc sử dụng những tiện ích truyền thông xã hội là vấn đề sống chết, như trong việc đề nghị án tử hình cho blogger Hossein Derakhshan ở Iran (sau đó bị kết án 19 năm rưỡi tù giam) hay việc treo cổ ám muội Oleg Bebenin, sáng lập viên người Belarusia của trang mạng phong trào đối lập Hiến chương 97. Tất nhiên, lý do thiết thực nhất để cho rằng tiện ích truyền thông xã hội có thể mang lại thay đổi chính trị là do cả những người bất đồng chính kiến và chính phủ nghĩ là chúng có thể. Trên khắp thế giới, những nhà hoạt động tin tưởng sự ích lợi của những tiện ích này và có những bước thích đáng để sử dụng chúng. Và đối lại những chính quyền mà họ đương đầu cho rằng những tiện ích truyền thông xã hội là mạnh mẽ và sẵn sàng quấy rối, bắt giữ, lưu đày, hay giết hại những người dùng. Một cách mà Hoa Kỳ có thể gia tăng tình trạng bảo toàn tiến thoái lưỡng nan mà không đâm bổ vào những phiền toái chính trị là yêu cầu trao trả tự do cho những công dân sử dụng truyền thông xã hội. Bất cứ điều gì mà ngăn cản hiểm họa sử dụng bạo lực của đối với công dân sử dụng những tiện ích này từ chính quyền đồng thời cũng gia tăng tình trạng bảo toàn tiến thoái lưỡng nan.

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Ở mức độ mà Hoa Kỳ theo đuổi tự do Internet như là một công cụ của hành chính công, họ nên bớt chú trọng vào những tiện ích chống kiểm duyệt, đặc biệt là những cái nhắm đến các chính quyền chuyên biệt, và tăng cường yểm trợ cho ngôn luận công cộng địa phương và lập hội nói chung. Dĩ nhiên là truy cập đến thông tin không phải là không quan trọng nhưng đó không phải là điều chính yếu truyền thông xã hội chế ngự những những nhà lãnh đạo độc tài hay giúp ích những công dân của xã hội dân chủ. Một cách trực tiếp, Hoa Kỳ đỡ đầu cho những tiện ích hay chiến dịch nhắm đến những chính phủ riêng biệt có nguy cơ tạo nên phản ứng dữ dội hơn là cách áp dụng những nguyên tắc một cách kiên nhẫn và toàn cầu.
Điều này đòi hỏi việc tái sắp xếp những mục tiêu tự do Internet của Bộ Ngoại Giao. Bảo đảm tự do liên lạc cá nhân và xã hội giữa dân chúng của một quốc gia nên là ưu tiên hàng đầu, sát theo sau là bảo đảm quyền công dân phát biểu nơi công cộng. Sự tái sắp xếp này sẽ phản ánh thực tế là đó là một xã hội dân sự vững chắc -- một xã hội mà công dân có tự do lập hội -- hơn là truy cập đến Google hay YouTube, điều đó sẽ buộc các chính phủ phục vụ công dân của họ hơn cả.
Một ví dụ thực tế của điều này, Hoa Kỳ nên ít ra quan ngại về những kiểm soát gần đây của chính phủ Ai Cập về việc bắt buộc đăng ký những dịch vụ tin nhắn cho nhóm như là Ai Cập sẽ nỗ lực gia tăng những giới hạn tự do báo chí. [Quyền] Tự do lập hội mà những dịch vụ tin nhắn như vậy yểm trợ là cốt lõi của những lý tưởng dân chủ của Hoa Kỳ như thể tự do báo chí. Tương tự, đòi hởi của chính quyền Nam Hàn rằng công dân đăng ký một số dịch vụ Internet với tên thật là một nỗ lực nhằm giới hạn khả năng của họ gây ngạc nhiên cho nhà nước như hành động phối hợp vào năm 2008 trong cuộc biểu tình ở Seoul. Nếu Hoa Kỳ không than phiền thẳn thắn về chính sách này như họ làm với sự kiểm duyệt của Trung Quốc, họ có nguy cơ làm hại khả năng biện luận cho tự do Internet như là một lý tưởng toàn cầu.
Khó khăn hơn, nhưng cũng là trọng yếu, cho chính phủ Hoa Kỳ để sẽ đưa ra một chính sách cam kết với những công ty tư và tổ chức mà họ chứa chấp không gian công nối mạng. Những dịch vụ hoạt động ở Hoa Kỳ như Facebook, Twitter, Wikipedia, và YouTube, và những dịch vụ hoạt động ở hải ngoại như QQ (một dịch vụ instant-messaging Trung Quốc), WikiLeaks (một kho chứa những tài liệu bị lộ ở Thụy Điển), Tueni (một mạng xã hội ở Tây Ban Nha), và Naver (một mạng xã hội ở Nam Hàn) là những trang web được dùng hầu hết cho phát ngôn chính trị, đối thoại, và điều phối. Và những hãng truyền thông vô tuyến toàn cầu chuyển tiếp tin nhắn, hình ảnh, và video từ điện thoại di động qua những trang web đó. Chúng ta có thể trông mong những đối tượng này yểm trợ tự do ngôn luận và lập hội cho những thành viên được bao nhiêu?
Vấn đề ở đây tương tự như những câu hỏi về tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ về cá nhân nhưng ở môi trường thương mại. Ví dụ như những chuyện như những cuộc biểu tình nào là có thể ở khu thương mại. Cho dù tốt hay xấu, những nền tảng yểm trợ không gian công nối mạng được nắm giữ và điều hành bởi tư nhân; Clinton cam kết Hoa Kỳ sẽ làm việc với những công ty đó. Thế nhưng không chắc rằng không có một khung pháp lý nào đó, như cái cho ngôn luận và hoạt động của thế giới thực, sự thuyết phục đạo đức sẽ là đủ để làm cho những thành phần thương mại tin để yểm trợ tự do ngôn luận và lập hội.
Thật là hay nếu có một bộ những chiến thuật ngắn hạn uyển chuyển mà có thể được dùng nhằm đối phó những chính quyền khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Thế nhưng những đòi hỏi của hành chính công ở thực tế có nghĩa là những gì mong muốn nhất có lẽ không thể. Những nhà hoạt động ở cả chính quyền áp chế và dân chủ sẽ dùng Internet và những tiện ích liên quan nhằm gây ảnh hưởng đến thay đổi ở quốc gia của họ. Thế nhưng khả năng của Washington để định hướng hay nhắm đến những thay đổi này là có giới hạn. Thay vì vậy Washington nên chấp nhận một tiếp cận toàn thể hơn, khuyến khích tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do hội họp bất cứ nơi đâu. Và họ nên hiểu cho rằng sự tiến triển sẽ diễn ra chậm chạp. Chỉ bằng cách chuyển từ quan điểm phương tiện sang quan điểm hoàn cảnh về ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến không gian công cộng thì Hoa Kỳ sẽ có thể tận dụng những lợi ích lâu dài mà những tiện ích này hứa hẹn -- cho dù điều này có nghĩa là chấp nhận thất vọng trước mắt.
== === ==
Nguồn: The Political Power of Social Media, Clay Shirky, Foreign Affairs, Jan/Feb 2011.
== === ==
(*): Vào ngày 19 tháng Giêng, 2001, Tham mưu trưởng Quân đội Philippine là Angelo Reynes không ủng hộ Estrada và chuyển sang ủng hộ phó tổng thống bà Gloria Macapagal-Arroyo. ND.
tin nhắn: được dùng trong bài để chỉ text message, hay còn gọi là SMS, thay vì từng được dùng với nghĩa tin nhắn của beeper, pager. ND.
.
.
.

No comments: