Thursday, January 6, 2011

RỜI BỎ MẠNG XÃ HỘI : DỄ hay KHÓ ?

04/01/2011 - 14:32

Châu Âu và Mỹ hiện đang xem xét việc ban hành các chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng internet một cách mạnh mẽ hơn để giúp họ có thể kiểm soát thông tin cá nhân tốt hơn hoặc xóa bỏ chúng vĩnh viễn.
Danh hiệu Người đàn ông năm 2010 do tạp chí ‘Time’ bình chọn đã thuộc về người sáng lập trang mạng xã hội Facebook, tỉ phú trẻ 26 tuổi Mark Zuckerberg. Chỉ trong vòng 6 năm, chàng trai này đã đưa Facebook từ Đại học Havard ra khắp thế giới với trên 500 triệu người sử dụng và nguồn doanh thu ước tính khoảng 52 tỉ đô-la. Tuy vậy, những người ủng hộ quyền riêng tư cá nhân và các thượng nghị sĩ Mỹ đã nổi giận với Facebook bởi trang mạng xã hội này thiếu các quy định liên quan tới vấn đề đó.
Facebook đã từng được coi là ‘nước’ lớn thứ ba thế giới với dân số trên 500 triệu người nhưng ba tháng trước đây, ít nhất Facebook đã mất đi một ‘công dân’ của mình.
Bà Dian McLeod, một người từng sử dụng Facebook, cho biết bà đã ngừng sử dụng mạng xã hội này vì không có nhiều thời gian. Sau ba năm trở thành thành viên, bà Dian đã tạm biệt 440 người bạn của mình và xóa cả tài khoản cá nhân trên Facebook. Theo ban quản trị Facebook, sau khi xóa tài khoản, mọi thông tin cá nhân của thành viên ngay lập tức chuyển sang trạng thái không thể tiếp cận được và người sử dụng hoàn toàn ‘biến mất’.
Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra với bà Dian. Tài khoản của bà vẫn tồn tại và bạn bè bà cho biết nó đã được kích hoạt lại. Bà đã nói chuyện này với một người bạn vào kỳ nghỉ cuối tuần và người này cho biết điều tương tự cũng xảy ra với một số người bạn khác của ông. Sau khi họ rời bỏ Facebook một thời gian, tài khoản của họ được kích hoạt trở lại mà họ không hề hay biết.
Bà Dian không nhận ra rằng tài khoản của bà chỉ ngừng hoạt động chứ chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Bà cũng không biết rằng nó đã được kích hoạt do một ứng dụng trên IPhone cho phép tự đăng nhập vào một số mạng xã hội đã đăng ký.
Việc Facebook vẫn lưu trữ thông tin của mình khiến bà Dian lo lắng về việc chúng có thể bị tiết lộ mà chưa có sự đồng ý của bà. “Khi đăng ký Facebook, có rất nhiều điều khoản và điều kiện sử dụng. Tuy nhiên, có mấy ai đọc những dòng này?” bà Dian đặt câu hỏi.
Theo ông Alastair Macgibbon, một cố vấn an ninh mạng, Facebook thông báo rằng nếu một người sử dụng xóa bỏ tài khoản thì trong vòng 14 ngày, máy chủ sẽ xóa các dữ liệu và sau 90 ngày, mọi thông tin của người sử dụng sẽ không còn trên mạng. Tuy nhiên, nếu người sử dụng chỉ tạm ngừng tài khoản mà không xóa thì máy chủ sẽ vẫn lưu mọi dữ liệu.
Ông Matthew Newman, người phát ngôn của Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho biết người sử dụng đồng ý cung cấp thông tin cho Facebook và các trang mạng xã hội tương tự. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, nếu họ quyết định không tham gia nữa thì việc xóa bỏ hoàn toàn thông tin khá phức tạp. Vì vậy mới xảy ra trường hợp người sử dụng phát hiện thấy thông tin của họ vẫn được lưu trữ trên internet.
Theo ông, điều những người sử dụng quan tâm hiện nay là việc kiểm soát hiệu quả các tài khoản trên các trang mạng xã hội trước khi chúng được phát tán. Bên cạnh đó, họ cũng phải có quyền xóa bỏ mọi dữ liệu.
Lợi nhuận kếch sù cho nhà cung cấp dịch vụ
Thành công của Facebook và Google phụ thuộc vào khả năng thu hút hàng triệu người sử dụng, và quan trọng hơn là lưu giữ được thông tin của họ vì điều này đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận hơn.
Ông Alastair Macgibbon, cựu giám đốc Trung tâm Tội phạm Công nghệ cao Thuộc Lực lượng Cảnh sát Liên bang Úc, hiện là một cố vấn an ninh mạng, nhận xét: “Điều đáng ngạc nhiên là nhiều công ty cung cấp dịch vụ miễn phí đang kiếm được doanh thu hàng tỉ đô-la. Nguyên nhân là do họ có thể sử dụng thông tin vào nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu là cho quảng cáo. Các công ty càng biết nhiều thông tin về bạn thì họ càng có thể hướng mục tiêu vào bạn một cách hiệu quả hơn”.
Vì lí do này, khi các nhà lập trình Hà Lan thiết lập dịch vụ giúp người sử dụng xóa bỏ mọi thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, MySpace và Twitter thì Facebook đã phản hồi bằng việc đe dọa sẽ kiện họ ra tòa án ở California bởi cho rằng nhóm lập trình viên này đã vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của Facebook.
“Trong trường hợp thông tin tạo ra lợi nhuận thì nhà cung cấp dịch vụ sẽ bảo vệ nguồn thông tin đó ở mức tối đa. Hiện nay có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tuyến, hầu hết đó là các công ty lớn và lưu giữ rất nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng.Vì vậy, người sử dụng cần cân nhắc khi đưa thông tin lên mạng,” ông Alastair Macgibbon nói.
Ông Tim Berners-Lee, người sáng lập ra mạng toàn cầu (world wide web) cho rằng hậu quả của việc này là việc tự do internet bị đe dọa. Theo ông, những trang mạng xã hội lớn thành công nhất hiện nay đang ngăn cản thông tin và các trang web bị phá vỡ thành những ‘hòn đảo nhỏ’ rời rạc tới mức người sử dụng khó có thể tự do kết nối với những trang web họ muốn.
Giải pháp
Châu Âu đang dự kiến ban hành đạo luật nghiêm khắc hơn về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các trang web và gọi đây là một ‘quyền bị lãng quên’. Chính quyền Châu Âu dự kiến sẽ đề ra các điều luật mới cho phép các cá nhân có thể xóa bỏ thông tin trên mạng vĩnh viễn
Ông Brendan O’Connor, Bộ trưởng về vấn đề quyền riêng tư và Tự do Thông tin của Úc, cho rằng cần có một cuộc tranh luận công khai về những quy định bắt buộc và trách nhiệm của các trang mạng xã hội trong việc công bố và xóa bỏ thông tin hoặc cung cấp chúng ngược trở lại cho người sử dụng.
Ông Alastair MacGibbon cũng có quan điểm tương tự: “Đó là vấn đề tôi nghĩ đến. Liệu trong tương lai có nên cho phép các quản trị mạng sở hữu tất cả các thông tin trên trang web của họ hay không? Quản trị mạng có thể sử dụng bản đồ để sàng lọc email của các thành viên và gửi thư quảng cáo cho họ, kể cả thư quảng cáo về chính công ty thuộc cung cấp dịch vụ. Điều đó cũng giúp họ kiếm tiền trong mọi bước hoạt động.”
Tuy nhiên, việc phổ biến của mạng internet trên khắp toàn cầu cũng khiến cho các công ty internet và các chính phủ đau đầu về vấn đề quy định.
“Các chính phủ cần phối hợp và ký kết các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế về quy định chung toàn cầu đối với việc lưu trữ dữ liệu cá nhân,” ông Alastair Macgibbon đề xuất.
Theo ông Brendan O’Connor, do những thay đổi về công nghệ và hành vi ứng xử của con người, cần có một cuộc tranh luận về việc bảo vệ quyền riêng tư tại nước Úc. Chính phủ Liên bang Úc cũng nhấn mạnh các quy định bắt buộc về việc tôn trọng quyền riêng tư đối với các công ty cung cấp dịch vụ mạng để bảo vệ người sử dụng.
Facebook và Google đều được mời phỏng vấn nhưng đều từ chối.
.
.
.

No comments: