Wednesday, January 19, 2011

RA MẮT SÁCH "TUYỂN TẬP VIỆT NAM NGÀY NAY" (Việt Báo)

Việt Báo
(01/19/2011)


Quang cảnh buổi ra mắt "Tuyển Tập Việt Nam Ngày Nay" tại hội trường Nhật Báo Việt Báo.  Trong hình hàng ghế đầu, 3 người ngồi, từ phải, TS Mai Thanh Truyết, Nhà Văn Chu Tất Tiến, và Nhà Báo Lão Thành Huỳnh Văn Lang. (Photo VB)http://www.vietbao.com/images/upload/2011/2011_01_19/Mai_Thanh_Truyet_Chu_Tat_Tien_ra_mat_sach-large-content.jpg 

WESTMINSTER (VB) - Chiều Chủ Nhật, ngày 16 tháng 1 năm 2011, vùng Little Saigon của người Việt tị nạn có nhiều sinh hoạt ý nghĩa, trong số đó có buổi ra mắt "Tuyển Tập Việt Nam Ngày Nay" của 2 đồng soạn giả Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết và Nhà Văn Chu Tất Tiến tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Việt Báo, trên đường Moran, Thành Phố Westminster, với sự tham dự của hàng chục văn thi hữu, cơ quan truyền thông báo chí và đồng hương.

Mở đầu chương trình là phần nghi thức chào quốc kỳ và hát quốc ca Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và phút mặc niệm do Nhà Văn Nguyễn Hữu Của điều hợp. Nhà Văn Nguyễn Hữu Của cũng đã giới thiệu thành phần quan khách, văn thi hữu, bằng hữu, cơ quan truyền thông báo chí và đồng hương tham dự.

Trong lời chào mừng, Nhà Văn Chu Tất Tiến cho biết ông rất cảm kích và vui vẻ vì đã có nhiều văn thi hữu đến tham dự. Ông Chu Tất Tiến nói rằng trong thời gian qua cả thế giới bị khuấy động lên vì những tài liệu mật bị thẩm lậu bởi Wikileaks. Nhưng nhà văn Chu  Tất  Tiến nói tiếp rằng vậy mà trong thời đại chúng ta vẫn có nhà nước coi thường những vụ bí mật của họ bị phanh phui, đó là nhà nước CSVN. CSVN dù bị lột trần những vụ đi đêm với Trung Cộng để bán đất bán nước, vẫn tiếp tục cho TC vào khai thác Bauxite, rừng và biển đảo.

Sau đó là phần phát biểu và giới thiệu "Tuyển Tập Việt Nam Ngày Nay" của các văn thi hữu. Trong đó, người đầu tiên là Nhà Văn Phan Nhật Nam.

Trong phần phát biểu, Nhà Văn Phan Nhật Nam đã đưa ra 2 vấn đề giáo dục và xã hội của 2 chính thể Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Việt Nam để so sánh. Qua đó cử tọa thấy rằng chế độ Cộng Sản Việt Nam đã làm hoen ố nền giáo dục và gây hỗn loạn xã hội. Nhà Văn Phan Nhật Nam nêu ví dụ cụ thể như, về giáo dục, Việt Nam Cộng Hòa rất xem trọng việc giáo dục con em, trong suốt mười mấy năm nền giáo dục VNCH được ổn định và không có những xáo trộn. Ngược lại, dưới chế độ CSVN, mấy chục năm qua nền giáo dục lâm vào tình trạng khủng hoảng, học sinh phải trả tiền để được học ở cấp trung học, bằng cấp bị gian lận, thầy cô giáo xâm phạm tình dục học sinh mà không bị hình phạt nào.

Trong phần phát biểu, Nhà Báo Lão Thành Huỳnh Văn Lang, cũng là Nguyên Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái, Chủ Tịch Đại Á Ngân Hàng, Chủ Nhiệm và Sáng Lập Tạp Chí Bách Khoa, và Giáo Sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, trước hết, cho biết ông không phải là người khởi xướng Phong Trào Bình Dân Học Vụ như trong "Tuyển Tập Việt Nam Ngày Nay" đã ghi mà đó là phong trào của ông Ngyuyễn Văn Tố ở ngoài Bắc. Ông Huỳnh Văn Lang nói rằng ông là người khởi xướng Hội Văn Hóa Bình Dân tại miền Nam từ năm 1954 để dạy nghề giúp người dân có nghề nghiệp dễ tìm việc làm. Nhà Báo Huỳnh  Văn Lang cho rằng "Cách mạng của Cộng Sản là lấy cái xấu thay vào cái tốt." Cho nên, sau cách mạng của CS xã hội Việt Nam bị tiêm nhiễm nhiều cái xấu. Ông Huỳnh Văn Lang kể chuyện ở ngoài Bắc sau cách mạng CS một cậu bé mới 4 tuổi mà đã biết chửi thề.

Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, trong phần phát biểu, nói rằng ông và Nhà Văn Chu Tất Tiến chỉ là 2 người đại diện cho tuyển tập, còn tác giả chính là các vị đại diện tôn giáo, các nhà văn, nhà báo, nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền trong và ngoài nước có mặt trong tác phẩm. Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết cũng nhấn mạnh rằng tác phẩm này, dĩ nhiên, không thể nói lên hết tất cả các tên tuổi đấu tranh trong nước được. Ông bày tỏ niềm biết ơn đến Nhà Văn Phan Nhật Nam, Nhà Báo Huỳnh Văn Lang đã nêu ra thực trạng của Việt Nam ngày nay. Ông Truyết nói rằng, "Năm nay là năm bản lề của Việt Nam, vì có nhiều biến động." Ông lưu ý về sự thay đổi nhanh chóng trong mấy ngày qua của Tunisia nhằm lật đổ chế độ độc tài, mà trong đó  quân đội Tunisia đã đồng tình với nhân dân. Ông nói rằng tại Việt Nam, trước và trong đại hội lần thứ 11 của Đảng CSVN, nhiều cuộc biểu tình tuy nhỏ nhưng đều khắp từ Bắc vào Nam, cho thấy nỗi bất bình của người dân đối với chế độ. Cuối cùng TS Mai Thanh Truyết đã cám ơn sự hiện diện của tất cả mọi người.

Xen kẽ trong chương trình ra mắt "Tuyển Tập Việt Nam Ngày Nay" là phần văn nghệ với phần đóng góp của Nhạc Sĩ Ngô Tín, Ca Sĩ Lê Nguyên Thảo, Ca Sĩ Phi Loan, tiếng sáo Ngọc Nôi.

Phần trao đổi giữa cử tọa và 2 đồng soạn giả đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, thân mật và xây dựng với nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều góp ý, nhiều nhận định rất hữu ích.

Quan khách tham dự gồm có Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Linh Mục Nguyên Thanh, Ông Bà Cao Minh Hưng, Nhà Văn Phan Nhật Nam, Nhà Báo Huỳnh Văn Lang, Ông Đỗ Tiến Đức, GS Nguyễn Chính Kết, Nhà Văn Trịnh Thanh Thủy, Ông Hà Huyền Thanh của Tổng Hội Võ Thuật Thế Giới, Ông Phạm Trần Anh, Ông Trần Văn Minh, Nhà Thơ Lê Thị Việt Nam, Nhà Thơ Quỳnh Giao, v.v..

Tác phẩm "Tuyển Tập Việt Nam Ngày Nay" dày 386 trang, bì màu, do Nhà Xuất Bản Enviro-Viêt và tác giả xuất bản, tại Hoa Kỳ năm 2010.  Tuyển Tập gồm những bài viết, những tài liệu của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Nhà Báo Huỳnh Văn Lang, Linh Mục Phan Văn Lợi, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Nhà Báo Tạ Phong Tần, Nhà Văn Chu Tất Tiến, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết và Tu Sĩ Lê Minh Triết.

--------------------

.
.
.

No comments: