Monday, January 3, 2011

QUÂN ĐỘI LÃNH ĐẠO ĐẢNG hay ĐẢNG ĐÃ BỊ XỎ MŨI ? (Phạm Trần)

Phạm TrầnĐăng ngày 03/01/2011 lúc 00:12:39 EST

Từ hai năm nay phe Quân đội đã thay Ban Tuyên giáo Trung ương làm nhiệm vụ bảo vệ chủ nghĩa cộng sản và quyền cai trị độc tôn cho đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tại sao có hiện tượng này?
Đơn giản vì nếu quân đội tan thì Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng tàn theo, do đó quân đội cần giữ Đảng để được nuôi ăn và ngược lại Đảng phải dựa vào quân đội và lực lượng công an để tồn tại. Ngoài hai thành phần có súng đạn này, Đảng sẽ thua trắng tay trong bất kỳ cuộc bầu cử tự do nào nếu người dân thật sự có quyền làm chủ đất nước và quyền được tự quyết định lấy chế độ chính trị cho mình. Theo báo cáo chính thức thì Đảng có 3 triệu rưỡi đảng viên, so với số quân nhân toàn quốc hơn 1 triệu người. Như vậy ngoài nhiệm vụ giữ nước, mỗi người lính phải bảo vệ 3 đảng viên để được trả lương.

Nếu so sánh sức mạnh kinh tế của đôi bên thì phe Đảng mạnh hơn, mặc dù quân đội được cho nắm nhiều ngành kỹ nghệ nặng như xây dựng bến cảng, sân bay, cầu-đường, đắp đê ngăn nước, khai thác than khoáng sản, đóng tàu, trồng rừng, chế tạo vũ khí v.v. Nhưng tệ tham nhũng trong quân đội chưa bao giờ được nói tới, mặc dù tệ nạn này lúc nào cũng nổ như pháo bông trong Đảng đến mức lãnh đạo phải nói đi nói lại nhiều năm là “vẫn còn nghiêm trọng” nhưng chẳng có mấy kẻ tham nhũng bị bắt hay bị trừng phạt.


Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham Nhũng đã báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Công tác Phòng Chống Tham Nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng do Ban Bí thư tổ chức tại Hà Nội ngày 30/11 (2010):
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng, quyết tâm nhưng đến nay, công tác PCTN chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, tiếp tục diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp. Nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN chậm được khắc phục, tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi… như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra. Tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc và mối quan tâm lớn của toàn xã hội.”
(Báo Điện tử CSVN, 30/11/2010)

Tuy nhiên, không ai biết tình trạng “không chống nổi tham nhũng” trong 5 năm qua của Khóa X - ĐCSVN có chút nào dính dáng tới quân đội không, nhưng lý do chống rất khó đã được một số người có thành tích tham gia chống tham nhũng giải thích tại Đại hội Thi đua Yêu nước Toàn quốc lần VIII khai mạc ngày 27/12 tại Hà Nội. Ông Lê Đạo, cán bộ hưu trí ở Đức Trọng, Lâm Đồng, người đã có 15 năm đấu tranh chống tiêu cực đã than vãn:
“Khi mà “thủ trưởng, giám đốc tham nhũng, những người ở dưới đều biết cả nhưng không ai dám tố cáo, chỉ có mấy ông cựu chiến binh và những người về hưu dám lên tiếng thôi...Phải làm thế nào cho toàn bộ các cơ quan, cán bộ, đảng viên đồng tâm nhất trí chống tham nhũng, đừng để một người đơn độc, bị cô lập”.
(Báo VietNamNet, 27/12/2010)

Báo VietNamNet còn viết:
“Ông Dương Thanh Phúc cũng cho rằng cần có cơ chế bảo vệ những người dám đấu tranh chống tham nhũng mà hiện nay số lượng còn rất ít: Rất nhiều người tốt muốn đến với những người chống tham nhũng nhưng không dám đến, nhiều người chống tham nhũng rất tiêu biểu, tích cực lại phải sống vất vả do cơ chế chưa bảo vệ được họ”.
“Nhà báo Phan Thị Thanh Hương cũng thấy “làm báo chỉ có cái thuận hơn những người chống tham nhũng khác ở hiểu biết về phương pháp, pháp luật, chứ lợi thì chẳng thấy đâu, thậm chí còn mất mát nhiều về sức khỏe, quyền lợi, mưu sinh, chưa kể đến những trù dập, đe dọa”.

Lý do đảng viên và lực lượng cảnh sát dễ ăn tiền của dân, lãng phí của công và tham nhũng nhiều hơn quân đội vì lính có tổ chức chặt chẽ và có kỷ luật. Bên Đảng và Nhà nước ngược lại, có quá nhiều ngõ để tham nhũng lại có thêm nạn cào bằng, nể nang, “cá đối bằng đầu”, dĩ hòa vi quý và tục lệ “nay người mai ta” rất phổ biến nên bất cứ trong hang cùng ngõ hẻm nào của guồng máy hay tổ chức Đảng cũng có tham nhũng.

Hơn nữa, từ khi có “Đổi Mới” năm 1986 để hội nhập làm kinh tế thị trường thì tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam không còn bị coi là tội phạm nữa mà là “người bạn đồng hành” thân thiết của hệ thống cai trị do các đảng viên đẻ ra và bảo vệ. Do đó nếu các phong trào chống tham nhũng cũng tìm ra kẻ tham nhũng như Ban Tuyên giáo Trung ương và các “thợ viết” tư tưởng của phe nhà binh nhìn thấy các con ma trơi “diễn biến hòa bình” bay lượn khắp nơi thì có lẽ tệ tham nhũng đã bớt đi nhiều lắm. Đằng này, dù đã được hưởng nhiều bổng lộc của Đảng như thế mà đội ngũ những người làm công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan tuyên truyền của đảng và của cả những cán bộ, đảng viên tham nhũng đã không theo kịp phe quân đội trong công tác chống những quan điểm được gọi là thù nghịch chống đảng, chống quân đội của các “thế lực thù địch” và của âm mưu “diễn biến hòa bình”. Hay là phe Đảng đã lép vế, đã bị bộ đội lấn sân trong nhiệm vụ bảo vệ Đảng?

Nhưng các thợ viết nhà binh đã làm gì?

Trước hết hãy đọc lập luận của ông Nguyễn Mạnh Hưởng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự Bộ Quốc Phòng phản ứng về đòi hỏi quân đội phải độc lập với đảng:
“Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch ra sức rêu rao quan điểm rằng “quân đội và công an chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào, lực lượng chính trị nào”. Để nhấn mạnh thêm các luận điểm của mình, các thế lực thù địch còn đặt vấn đề quân đội ta cần trung thành với lợi ích của quốc gia dân tộc, đề cao khẩu hiệu “Tổ Quốc trên hết” trong mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của mình. Chúng còn “khuyên nhủ” chúng ta cần phải “chuyên nghiệp hóa” quân đội và công an càng sớm càng tốt”, “cần phải học tập kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang theo mô hình của quân đội tư sản”.(chú thích của người viết: các nước tự do, dân chủ)

Ông Nguyễn Mạnh Hưởng nói thêm:
“Quân đội là của quốc gia, dân tộc”, một giọng điệu tưởng như khách quan, không chính trị, không giai cấp, nhưng lại nằm trong âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch, thực chất là nhằm lái chính trị của quân đội ta sang chính trị tư sản. Bằng quan điểm đó, các thế lực thù địch âm mưu khéo léo loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp của quân đội, tiến tới làm biến chất quân đội ta. Đây mới là âm mưu đích thực của các thế lực thù địch trong mục tiêu chống phá quân đội ta, nhưng lại rất dễ làm cho nhiều người rơi vào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, khó nhận biết thực chất âm mưu, thủ đoạn của chúng”.
(Tạp chí Cộng Sản, số 14 (206) năm 2010)

Nói như thế ông Nguyễn Mạnh Hưởng đã cho mọi người thấy một điều rất rõ: Nếu không có quân đội thì không có Đảng, mặc dù trên nguyên tắc Đảng được “đội cho cái mũ” lãnh đạo quân đội, hay cái mũ “bù nhìn” cũng vậy. Do đó quân đội rất sợ mất “chân lý bảo vệ Đảng” để giữ Đảng và “lèo lái” Đảng từ phía sau. Vì vậy khi ông Nguyễn Mạnh Hưởng chống đòi hòi “phi chính trị hóa quân đội” để trả quân đội về cho dân, vì quân đội từ dân mà ra thì ông Nguyễn Mạnh Hưởng lại lu loa, uốn cong cái lưỡi để tâng bốc Đảng rằng:
“Vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội ta mất phương hướng,"không biết bảo vệ ai", "không biết chống lại ai". Từ đó, biến công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước trở thành lực lượng, công cụ trực tiếp cho hành động chống Đảng và chống Nhà nước ta.”

Ở các nước dân chủ tự do thì quân đội độc lập với Chính phủ nhưng Chính phủ có quyền sử dụng quân đội và quân đội không được quyền bất tuân lệnh Chinh phủ. Ngược lại ở Việt Nam có rất nhiều quân nhân là đảng viên của đảng duy nhất cầm quyền và quân đội cũng có đại diện trong Bộ Chính Trị, Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Như vậy việc các thợ viết mặc đồ nhà binh bênh vực quyền lãnh đạo quân đội tuyệt đối của Đảng và quyền cai trị nước của Đảng thì cũng chính là để bảo vệ quyền lợi cho quân đội, chẳng khác nào câu nói “tuy hai mà một, tuy một mà hai” của các cụ ngày trước.

Tát nước theo mưa
Đến phiên Trung tá, Thạc sỹ Phạm Tuấn Quang, Khoa Công tác Đảng, Công tác Chính trị Trường Sĩ Quan Chính Trị cũng “tát nước theo mưa” với ông Nguyễn Mạnh Hưởng thế này:
“Để chống phá và đi đến xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), từ giữa thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đã tiến hành chiến lược “diễn biến hoà bình” tấn công trên nhiều lĩnh vực, vào nhiều lực lượng, trong đó quân đội được xác định là đối tượng trọng điểm. Thực tế, chúng đã thực hiện thành công âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, góp phần làm sụp đổ chế độ XHCN ở các nước này.”
(Tạp chí Tuyên Giáo, 29/11/2010)

Giống như ông Nguyễn Mạnh Hưởng, ông Phạm Tuấn Quang chống yêu cầu quân đội bỏ làm chính trị với giọng điệu xuyên tạc cố hữu:
“Thực chất của âm mưu “phi chính trị hoá” đối với quân đội ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là nhằm tước bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (QĐNDVN), vô hiệu hóa quân đội, làm cho quân đội ta đứng ngoài chính trị, mất phương hướng chính trị và mục tiêu, lí tưởng chiến đấu. Xa rời bản chất giai cấp công nhân, dẫn đến suy yếu về chính trị, tiến tới “tự diễn biến” và bị “vô hiệu hóa”, từ đó đi đến thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ta. Bởi vì, chúng hiểu rằng QĐNDVN đã từng là lực lượng nòng cốt trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và hiện đang là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nên muốn thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta thì trước hết phải “vô hiệu hóa” quân đội, làm cho quân đội “trung lập”, đứng ngoài chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp, quân đội không còn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.”

Đa đảng để làm gì?

Rồi với câu hỏi: “Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý?” Tác giả Lệ Chi đưa ra luận cứ “xuyên tạc” dân chủ trong báo Quân Đội Nhân Dân ngày 01/06/2010 rằng những ai đòi hỏi đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam là “những người dân chủ giả hiệu”. Lệ Chi viết:
“Sự khác biệt căn bản của những người dân chủ giả hiệu với những người dân chủ hàn lâm là ở ý đồ chính trị. Với những người dân chủ giả hiệu, đây không chỉ là nhằm tuyên truyền học thuyết, mà là tham vọng thay đổi thể chế chính trị Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho các đảng phái chính trị ở hải ngoại “hồi hương” – như “Đảng Việt Tân”, “Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền”, “Đảng Nhân Dân Hành Động”, “Đảng Dân Chủ Việt Nam”… Những đảng này không chỉ là những tổ chức chính trị chống cộng mà còn là những tổ chức mang tính chất khủng bố, hoạt động nhằm lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Điều này hoàn toàn đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc của Luật quốc tế. Đồng thời, việc tuyên truyền cho quan điểm đa đảng của họ còn nhằm tạo cơ hội cho những tổ chức đảng phái đang trong thời kỳ “thai nghén” tại “quốc nội” ra đời như “Đảng Xã Hội Việt Nam”, “Đảng Dân Chủ Việt Nam” do Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định chủ trương…”

Lập luận sặc mùi thù nghịch, sắc máu và chụp mũ của Lệ Chi có làm cho chế độ dân chủ giả hiệu “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” do Đảng dựng lên sáng hơn chút nào không, hay càng mờ nhạt đi?

Lệ Chi còn hô hoán lên rằng:
“Những kẻ đang tuyên truyền cho đa đảng thường cũng là những kẻ đang bôi nhọ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Lập luận của họ theo lô-gích giả dối: Chủ nghĩa Mác–Lênin đã lỗi thời, Chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ (lập luận của họ thường là chép lại quan điểm của những kẻ chống cộng, như Brê-din-xky trong cuốn “Thất bại lớn” hoặc của Phu-ku-y-a-ma trong bài “Điểm tận cùng của lịch sử”) để suy ra: Đảng Cộng Sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm hệ tư tưởng tất nhiên sẽ trở thành một lực lượng chính trị lạc hậu; xã hội XHCN ở Việt Nam sẽ bị sụp đổ. Và do đó Việt Nam cần phải có một đảng chính trị mới dẫn dắt dân tộc đi lên. Điểm khởi đầu là việc chấp nhận chế độ đa đảng!”

Bài viết tuyên truyền của Lệ Chi còn nói:
“Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Văn kiện Đại hội X viết: Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật, không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Bởi vậy không thể nói Đảng Cộng Sản Việt Nam là đảng “độc quyền”. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận trong Đảng hiện nay vẫn còn một số người lạm dụng uy tín của Đảng rơi vào căn bệnh quan liêu, tham nhũng, thoái hóa biến chất vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đang bị thải loại trong cuộc chỉnh đốn đảng.”

Đó là lối nói lập lờ, nước đôi. Nếu “không độc quyền” thì tại sao cần “độc đảng cai trị” làm gì ? Hơn nữa, ngõ ngách nào trong guồng máy Nhà nước, kể cả trong Quốc Hội, nơi được gọi là “cơ quan quyền lực cao nhất” của quốc gia, là “ngôi nhà” của đại biểu nhân dân mà cũng có tới 99,9% đảng viên thì “độc” gì? Vì vậy, nếu Lệ Chi bảo rằng: “Về pháp lý, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được Quốc hội nhất trí và được quy định tại Điều 4, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (1992)”, thì cũng ngụy biện mà thôi, bởi vì Quốc Hội là của Đảng nên có “nhất trí” hay “được quy định tại Điều 4, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (1992)” cũng là chuyện “vẽ hề cho nhau” mà thôi, có vinh dự gì mà phải khoe?

Tuy nhiên Lệ Chi lại rất có lý khi viết rằng:
“Vậy đa đảng, “độc” đảng - đâu là chân lý? Chân lý tồn tại ở thực tiễn, ở lợi ích tốt nhất cho dân tộc. Sự lựa chọn chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo - cầm quyền phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Trước tiên phải đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên hết, phải lấy an ninh quốc gia, ổn định và phát triển bền vững làm tiền đề (cho các yêu cầu khác). Thứ hai, đương nhiên lựa chọn chế độ nào đều phải được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân, thông qua những người đại diện của mình đó là Quốc Hội”.

Chỉ tiếc một điều là có lẽ Lệ Chi đã bị chứng bệnh “quáng gà” nên đã không nhìn thấy những điều dối trá nhảy múa sau mỗi câu chữ ngô nghê của mình vì chúng không phản ảnh sự thật đang diễn ra trước mắt nhân dân. Điều dễ thấy là đảng CSVN chưa hề nhận được “sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân, thông qua những người đại diện của mình đó là Quốc Hội” trong suốt 80 năm qua, kể từ khi Hồ Chí Minh thành lập đảng năm 1930. Bởi lẽ chưa khi nào Đảng dám tổ chức một cuộc bỏ phiếu để hỏi dân muốn chọn chế độ chính trị nào?

Nếu cãi lại rằng Quốc Hội đã có 12 Khóa, sang năm 2011 sẽ có Khóa XIII, tổng cộng là 70 năm người dân được thực hành quyền bỏ phiếu bầu người đại diện cho mình thì cũng nên nhớ kỹ câu “đảng cử dân bầu” để đốt đuốc tìm xem “dân đã làm chủ” chưa?

Trong một bài viết khác trên Tạp chí Cộng Sản, cơ quan lý luận của Đảng CSVN (số 17 - 209), Nguyễn Mạnh Hưởng còn giải thích: “Vì sao Việt Nam không cần đa đảng?”. Ông Hưởng giáo đầu:
“Các thế lực thù địch rêu rao “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” như là “khuôn vàng, thước ngọc” của dân chủ mà chúng ta phải tuân theo. Các thế lực đó cho rằng: Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ. Quan điểm này được khoác cái vỏ “vì dân chủ”, “vì dân, vì nước”, lợi dụng những khó khăn, phức tạp và cả khuyết điểm của chúng ta trong quá trình thực thi dân chủ để chống phá, nên nó càng trở nên nguy hiểm.”

Ông Nguyễn Mạnh Hưởng đưa ra hai luận cứ để bênh vực cho một đảng độc quyền lãnh đạo:
“Thứ nhất, luận điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” là luận điểm mang nặng tính chất mị dân, dễ gây nên sự ngộ nhận mơ hồ, lẫn lộn về nhận thức, sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Nếu không thực hiện được ý đồ thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng, thì cũng dễ gây nên sự chia rẽ trong xã hội và sự thiếu thống nhất về chính trị tư tưởng trong xã hội; sự hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, thực chất luận điểm đó là nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng ta đối với xã hội, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, “lái” nền dân chủ nước ta sang nền dân chủ khác, phi xã hội chủ nghĩa. Dù không trực tiếp nói chúng ta phải thực hiện dân chủ tư sản, nhưng cái cách “khuyên” chúng ta thực hiện đa đảng, đã cho thấy thực chất đó là hướng nền dân chủ nước ta sang dân chủ tư sản.”

Việc dân chủ hóa chế độ, đa nguyên, đa đảng không thể nào lại thiếu dân chủ hay mị dân bằng chế độ độc tài của đảng CSVN mà Nhà nước vẫn tự hào nói hoang là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân. Quan điểm bênh độc tài, chống dân chủ của ông Nguyễn Mạnh Hưởng cũng rất khó thuyết phục khi ông Nguyễn Mạnh Hưởng hù họa rằng đa đảng sẽ đem hỗn loạn cho đất nước, làm xáo trộn cuộc sống của người dân và làm mất đi những gì đã đạt được sau hơn 20 năm đổi mới. Nhưng điều lo âu nhất của ông Nguyễn Mạnh Hưởng là Đảng sẽ bị mất quyền lãnh đạo trong một chế độ đa đảng, hay chính vì thế yếu, mất lòng tin của dân vào Đảng bây giờ đã khiến ông Hưởng lo cho số phận “ngàn cân treo sợi tóc” của đảng cầm quyền?

Hãy nghe ông Nguyễn Mạnh Hưởng nói về vấn đề này:
“Các thế lực thù địch “khuyên” chúng ta thực hiện đa đảng thì sẽ được dân chủ hơn, đất nước sẽ phát triển hơn, đời sống nhân dân sẽ được tốt đẹp hơn. Có một số ít người trong chúng ta ngộ nhận và cũng hy vọng đất nước sẽ phát triển hơn nếu Việt Nam thực hiện đa đảng. Điều chắc chắn rằng sẽ không phải như vậy, không phải như các thế lực thù địch tô vẽ ra và như viễn cảnh hi vọng của một số người. Điều dẫn đến sẽ là: đất nước diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, làm đổ vỡ nền kinh tế, rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước. Thảm họa đó chắc chắn sẽ giáng cả lên đầu nhân dân, nhân dân chỉ là cái cớ cho sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Rốt cuộc, Việt Nam không còn là đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng Sản mất vai trò lãnh đạo xã hội; mọi thành quả cách mạng của nhân dân ta bị tiêu tan”.

Thế rồi ông Nguyễn Mạnh Hưởng cảnh giác mọi người:
“Cần nhớ lại một bài học đau xót và thấm thía về thực thi dân chủ sai nguyên tắc ở Liên-xô trong thời gian cải tổ. Những đơn thuốc “công khai hoá”, “dân chủ hoá”, “đa nguyên chính trị” đưa ra nhằm cải tổ chủ nghĩa xã hội lại tạo “thời cơ”, điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong mưu đồ chống phá và dẫn đến làm tan rã, đổ vỡ chế độ xô-viết.”

Sau cùng ông Nguyễn Mạnh Hưởng bảo:
“Ở Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng không phải vì chúng ta bảo thủ, mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan, là vì sự ổn định và phát triển của đất nước, vì sự phát triển của nền dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam là nhân tố quyết định bảo đảm sự ổn định và phát triển, tiến tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Nghe ông Nguyễn Mạnh Hưởng nói mà có ai thấy phấn khởi, tin tưởng vào Đảng hơn không hay ông Nguyễn Mạnh Hưởng đã đẩy dân chạy xa Đảng hơn mà không biết? Bởi vì người dân đã đọc đến mỏi miệng và nghe đến thủng cả tai những chữ viết màu mè nhưng vô nghĩa: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từ mấy chục năm nay rồi. Bây giờ, sau 35 năm đem cả nước quy về một mối và 24 năm đổi mới, Đảng Cộng Sản đã làm cho dân giàu, nước mạnh chưa, hay quyền làm chủ đất nước của họ đã bị Đảng tước bỏ để tiếp tục bị đối xử bất công và đất nước tiếp tục lạc hậu hơn bao giờ hết ?

Người Cộng Sản nói chung và những cái loa tuyên truyền của quân đội nói riêng hãy sờ lên gáy xem họ có nói với thật lòng mình không, hay chỉ vì quyền lợi của bản thân và của thiểu số có súng đạn mà những người này đã bảo nhau viết ra những điều dối gian để lừa gạt dân?

Những cán bộ tuyên truyền của quân đội cũng nên biết lịch sử của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 21 không còn chỗ trống cho những chiếc bánh vẽ trơ trẽn nữa.

Phạm Trần
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: