Friday, January 7, 2011

PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI SỨ MICHALAK TẠI CUỘC HỌP BÁO CHIA TAY Ở HÀ NỘI

Người Việt
Thursday, January 06, 2011

LTS. Trước ngày mãn nhiệm kỳ đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ÐS Michael Michalak có một buổi họp báo cuối cùng, tại Trung Tâm Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 6 tháng 1. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu, theo bản dịch đăng trên trang web Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Ðón đọc bài phỏng vấn đặc biệt của báo Người Việt với ông Michalak, sẽ đăng trên báo ngày mai.

***

Xin chào và cảm ơn các bạn đã đến. Như các bạn đã biết, tôi sẽ kết thúc nhiệm kỳ và rời Việt Nam cuối tháng này sau khi kết thúc ba năm làm việc thành công mãn nguyện ở đây, nơi tôi đã làm việc với chính phủ Việt Nam và những người khác để làm sâu sắc thêm lòng tin và tình hữu nghị, và mở rộng quan hệ.

Trước khi đọc bài phát biểu, tôi muốn nói đến một sự cố mà chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc đã xảy ra ở Huế ngày hôm qua.
Như các bạn có thể đã biết qua báo chí, một sự cố đáng tiếc liên quan đến một nhà ngoại giao làm việc ở Ðại Sứ Quán ở Hà Nội đã xảy ra ở Huế ngày hôm qua trong khi ông ấy thực hiện các công việc chính thức bình thường của mình.
Chính phủ Hoa Kỳ, cả ở Hà Nội lẫn Washington, đã chính thức phản đối mạnh mẽ với chính phủ Việt Nam về việc đối xử với một nhà ngoại giao của chúng tôi. Chúng tôi đang đợi hồi đáp chính thức của chính phủ Việt Nam.
Công Ước Viên nêu rõ: các chính phủ có trách nhiệm tuân thủ hoàn toàn Công Ước Viên về quan hệ ngoại giao, trong đó có việc bảo đảm an toàn và an ninh cho nhân viên ngoại giao.

Tôi đến Hà Nội vào tháng 8, 2007. Trong gần ba năm rưỡi qua, chúng ta đã cùng chứng kiến nhiều dấu mốc.
Trong hợp tác thương mại, giáo dục và an ninh, chúng ta đã đạt được tiến bộ to lớn.

Năm ngoái, chúng ta đã kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhìn lại 15 năm qua, thật bất ngờ về chặng đường dài chúng ta đã đi trong khoảng thời gian ngắn đó. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã biến chuyển thành quan hệ đối tác sống động dựa trên tôn trọng lẫn nhau và hợp tác, mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước.

Cách đây 15 năm, hầu như không có đầu tư của Hoa Kỳ ở Việt Nam, và thương mại song phương ở mức tối thiểu. Năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam và đối tác thương mại lớn thứ 3. Hai nước chúng ta hiện tham gia đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương, giúp chúng ta tiến tới mối quan hệ kinh tế to lớn hơn nữa.

Nhưng quan hệ của chúng ta còn rộng lớn hơn, không chỉ có thương mại và đầu tư. Hàng năm, ngày càng nhiều công dân và quan chức chính phủ của Hoa Kỳ và Việt Nam qua lại Thái Bình Dương để thảo luận các biện pháp đối với các vấn đề cùng quan tâm, từ giáo dục và y tế, đến an ninh và quốc phòng, đến trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Các chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam luôn trao đổi kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành về các vấn đề như chống ma túy, thương mại hàng hải, và không phổ biến vũ khí hạt nhân để thế giới an toàn và an ninh hơn.

Chúng ta trao đổi như những người bạn thực sự cả về những bất đồng: chúng tôi tiếp tục lưu ý về mối quan hệ giữa nền báo chí tự do và các chương trình chống tham nhũng thành công, giữa minh bạch với trách nhiệm giải trình và quản trị tốt, và giữa những vấn đề như tự do ngôn luận với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tăng trưởng kinh tế sôi động.

Chỉ trong năm ngoái, chúng tôi đã ký biên bản Ghi Nhớ với Bộ Khoa Học và Công Nghệ để hợp tác về năng lượng hạt nhân, và các tổ kỹ thuật đã đến Việt Nam để thảo luận về an toàn lò phản ứng hạt nhân. Chúng ta cũng đã tiến hành Ðối thoại Thường niên lần thứ ba về Chính trị, An ninh và Quốc phòng ở Hà Nội, Ðối thoại lần thứ nhất về Chính sách Quốc phòng, và Ðối thoại Thường niên Nhân quyền Mỹ-Việt. Sau hơn hai thập kỷ làm việc cùng nhau về tìm kiếm người Mỹ mất tích, trong tháng trước, chúng ta đã ký hiệp định hai năm, trị giá 1 triệu đô-la để trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam tìm kiếm người mất tích của mình. Trong những ngày cuối năm 2010, chúng tôi đã ký biên bản dự định với Cục Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường thuộc Bộ Quốc Phòng - bộ chịu trách nhiệm về khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin - khẳng định mong muốn của cả hai chính phủ về hợp tác với hy vọng sẽ bắt đầu tẩy độc dioxin quanh sân bay Ðà Nẵng vào tháng 7, 2011 và kết thúc tháng 10, 2013.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates cũng có chuyến thăm lịch sử, và Bộ Trưởng Ngoại Giao Clinton đến Việt Nam hai lần trong vòng bốn tháng để tiếp tục đối thoại với các nước ASEAN về phát triển quan hệ trong khu vực.

Tôi đặc biệt tự hào về trao đổi giáo dục giữa hai nước. Năm 1995, có chưa đến 800 người Việt Nam học tập ở Hoa Kỳ. Tôi vui mừng thông báo rằng hiện nay có hơn 13,000 sinh viên Việt Nam đang học ở Hoa Kỳ! Họ không chỉ hưởng nền giáo dục tuyệt vời, mà họ còn đang dạy bạn cùng lớp và các giáo viên về Việt Nam, tăng cường quan hệ song phương và thực sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế và chính trị của Việt Nam. Cam kết không lay chuyển của chúng tôi đối với sự trung thực học thuật và tự do ngôn luận đã giúp Hoa Kỳ phát triển được hệ thống giáo dục mà theo tôi là không gì sánh được. Tôi mong thấy ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam nắm bắt được nhiều cơ hội của hệ thống này, và tôi cam kết làm việc với chính phủ Việt Nam để củng cố hệ thống giáo dục Việt Nam.

Tôi muốn nêu bật những thành tựu chúng ta đã đạt được trong 15 năm qua vì nhìn lại những gì đã đạt được trong khoảng thời gian ngắn đó làm chúng ta lạc quan về những gì có thể đạt được trong tương lai. Và tôi rất lạc quan về tương lai của mối quan hệ. Xin mời các bạn đặt câu hỏi.
.
.
.

No comments: