Hồng Lạc
Thứ Ba, 18/01/2011
Đây là một bài viết nằm trong một loạt bài về “lộ trình nào đi tới một nền dân chủ”. Lẽ ra, nó được đăng tải sau một số bài khác của chúng tôi. Tuy nhiên, khi các nhà độc tài đang nhóm họp để bầu chọn những lãnh đạo tối cao để “gửi vàng” thì chúng tôi quyết định đăng tải bài này để nhắn gửi tới những ai đang kỳ vọng vào một gương mặt sáng giá sẽ được bầu chọn. Có nhiều người có lẽ đang chờ mong một nhóm nhà “độc tài sáng suốt”, tôi thì chỉ mong một nhà độc tài sáng suốt thật sự để thấy được sự bế tắc mà nếu không dám làm như một Gorbachev thì không bao giờ có thể gỡ được sự bế tắc đó. Nếu làm được như vậy, thì chẳng những gột rửa được những lỗi lầm trong quá khứ mà còn để lại tiếng thơm cho con cháu sau này.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần “độc tài sáng suốt” là có thể đưa đất nước cất cánh, tương tự như những gì Park Chung Hee đã làm cho Hàn Quốc, Lý Quang Diệu (LQD) làm cho Singapore hay Đặng Tiểu Bình làm cho Trung Quốc.
Trong ba nhà độc tài đó thì có hai là độc tài đơn trị (1), còn lại nhà độc tài họ Đặng là một đầu tàu của hệ thống độc tài hay còn gọi là độc tài toàn trị (2).
Những điều mà ông Lý Quang Diệu làm ở Singapore trong thời kỳ ông cầm quyền gần giống với những gì mà một thể chế dân chủ đã làm, đó là một chính phủ trong sạch, một môi trường đầu tư tốt và một đất nước – hòn đảo xanh tươi, thanh bình. Bằng việc trả lương khu vực công tương đương với những chuyên gia giỏi ở khu vực tư đồng thời ông mạnh tay với nạn tham nhũng và không miễn trừ ai đã giúp cho đảo quốc này cất cánh rất nhanh trong khoảng vài thập niên. Lý Quang Diệu tin rằng các bộ trưởng nên được trả lương cao để duy trì một chính quyền sạch và chân thật. Năm 1994, ông đề nghị nối kết mức lương của bộ trưởng, thẩm phán và viên chức công quyền cao cấp với mức lương của giới chuyên nghiệp hàng đầu trong khu vực tư, vì ông cho rằng như thế sẽ giúp tuyển mộ và duy trì nhiều tài năng phục vụ trong khu vực công.
Mặc dù như vậy thì bản thân ông Lý Quang Diệu cũng bị chỉ trích vì đã áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm đàn áp phe đối lập và quyền tự do ngôn luận, cấm biểu tình nơi công cộng mà không có giấy phép của cảnh sát, hạn chế các ấn phẩm và sử dụng các luật lệ về tội phỉ báng để đẩy những đối thủ chính trị của ông vào tình trạng phá sản. Suốt trong thời gian đảm nhiệm chức thủ tướng từ 1965 đến 1990, Lý Quang Diệu đã bỏ tù Tạ Thái Bảo (Chia Thye Poh), một cựu dân biểu quốc hội thuộc đảng đối lập Barisan Socialis, trong 22 năm mà không xét xử.
Chúng ta thường nghe các ý kiến lấy hình ảnh Singapore để nói rằng, độc tài cũng có thể phát triển tốt. Đây là một sự so sánh khập khiễng vì rằng, đất nước Singapore nhỏ bé – đảo quốc – thành phố (diện tích = 1/3 TPHCM, dân số = 2/3 TPHCM) có nhiều điểm khác biệt với Việt Nam. Mặt khác, nhờ chính sách đúng đắn và phù hợp nên đất nước này không bị nạn tham nhũng hoành hành, các mặt kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế… đều phát triển tốt. Chính sách thu hút nhân tài có hiệu quả và quyết tâm của chính phủ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5% đã thực hiện trong vòng chưa tới 10 năm từ khi có nền độc lập là một điều thần kỳ khó có nước nào sánh kịp.
Đối với kẻ độc tài sáng suốt Park Chung Hee cũng đã thực hiện một “kỳ tích sông Hàn” rất ngoạn mục mặc dù ông được coi là một nhà độc tài khét tiếng. Trong thời gian 18 năm làm tổng thống, với một chính sách đúng đắn nhằm tranh thủ “kẻ cựu thù” Nhật Bản bằng các khoản tiền tài trợ, chính sách thắt chặt quan hệ với Mỹ và một chính sách mạnh tay với tham nhũng, ông đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng gấp 20 lần. Cho dù là một kẻ độc tài từng tham gia một nhóm cộng sản trong quân đội và thích lối cai trị độc tài của Stalin (thực ra Park ghét cộng sản và đã giúp Mỹ đánh Việt Nam) nhưng ông được đánh giá là một người yêu nước nhiệt thành, một Tổng thống thanh liêm và can đảm.
Ngày nay, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn còn biết ơn ông, một kẻ độc tài đã bị ám sát bởi Giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc KCIA trước một cuộc biểu tình lớn của người dân.
Qua hai chế độ độc tài nói trên, chúng ta đều thấy ở họ có một điểm chung, đó là coi trọng sự thanh liêm, thẳng tay với nạn tham nhũng và đều có những chính sách phát triển đất nước phù hợp.
Với một Hàn Quốc phát triển vượt bậc trong chế độ độc tài, sẽ là bài học về một chính sách phát triển dựa trên lòng yêu nước, sự nhiệt thành, sự trong sạch và một nhà nước pháp trị. Bên cạnh đó, cho dù một kẻ độc tài có công cho một sự trỗi dậy mạnh mẽ của quốc gia thì sự cai trị độc tài phản dân chủ sẽ có một kết cục khó tránh khỏi. Đó chính là cơ sở để so sánh việc coi độc tài sáng suốt là một hình mẫu cho sự trì hoãn việc định hình về một nền dân chủ trong tương lai ở Việt Nam, một quốc gia có những nét tương đồng với Hàn Quốc xét về những yếu tố như địa lý, dân số, lịch sử và đặc điểm xã hội.
Với một đảo quốc – thành phố nhỏ bé, Lý Quang Diệu được coi như một Thị trưởng tài ba, đức độ và thanh liêm. Chính quyền và đảng của ông tồn tại cùng với những kỳ tích mà Singapore ngày nay có được, sẽ chỉ là một bài học về một chính phủ trong sạch và năng động hơn là một chế độ độc tài được chính quyền hiện nay ở Việt Nam lấy làm thước đo cho sự tồn tại độc đảng của mình.
Đối với Trung Quốc, một quốc gia khổng lồ với những lợi thế về dân số, tài nguyên và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Về mặt lịch sử thì TQ cũng không xảy ra cuộc chiến lâu dài như VN, cộng đồng Hoa Kiều phát triển sớm và không có quá nhiều sự tư thù đối với chính quốc như Việt Nam. Chính vì vậy, Trung Quốc đã tranh thủ được nguồn đầu tư to lớn từ Hoa Kiều giúp họ có nguồn tài chính dồi dào để phát triển. Bên cạnh đó, TQ có sự trợ giúp từ những quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ với đông người Hoa sinh sống đã phát triển cao như Singapore, Đài Loan hay các lãnh thổ phát triển năng động mới thu về từ thuộc địa của Anh và Bồ Đào Nha như Hồng Kông, Macao.
Về kết cấu quyền lực và nguyên tắc chọn lãnh đạo với những tiêu chí cao cùng với những thành công khi được thử thách qua nhiều vị trí tại những khu vực trọng yếu của quốc gia và để lại ít hoặc không có tì vết chính là con đường giúp Trung Quốc có được một kết cấu chính trị mạnh hơn Việt Nam. Nhìn vào tầng lớp lãnh đạo từ thời Đặng Tiểu Bình trở về sau sẽ thấy được cho dù có những hạn chế, tạo nên bởi thế chế độc đảng sẽ bỏ qua nhiều người tài giỏi do họ không phải là đảng viên nhưng ở một phạm vi nào đó thì những người lãnh đạo của TQ đều được đánh giá là có tầm.
Có một điều đáng chú ý nữa là TQ mạnh tay hơn VN đối với nạn tham nhũng và nhờ những vị đứng đầu thể hiện được quyết tâm và khá thanh liêm nên TQ có những phương hướng phát triển phù hợp như đầu tư lớn và khá phù hợp cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tránh được một thảm hoạ ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các siêu đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải…mặc dù TQ có sự bùng nổ về xe hơi cá nhân vốn là trở ngại lớn nhất để phát triển công nghiệp ở VN (vấn đề này sẽ nói rõ ở các bài sau).
Mặc dù được coi là một sự thần kỳ mới ở châu Á khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng TQ đang đứng trước những vấn đề nan giải do ảnh hưởng của sự thay đổi kinh tế nhanh mà không có sự thay đổi chính trị đáng kể và điều này chỉ có thể được nhìn nhận bởi những chính trị gia am tường về chính trị và kinh tế. Điều này được minh chứng với những phát biểu gần đây của một vị tướng không quân đã từng học ở Mỹ, tướng Lưu Á Châu và đặc biệt là phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về sự cần thiết đổi mới chính trị nếu không muốn bị chựng lại sau một thời gian phát triển theo chiều rộng và tập trung vào các sản phẩm giá rẻ. Mặt khác, thế chế độc đảng đã tạo ra môi trường cho các hoạt động kinh tế phi pháp núp bóng nhà nước, những phe nhóm làm ăn móc xích với nhau từ các tập đoàn và công ty nhà nước. Một bộ máy hành chính cồng kềnh, thiếu năng động cũng như khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng (theo Forbes, số lượng tỷ phú USD của TQ đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, lên tới 64 người vào năm 2010 mặc dù thu nhập theo đầu người của TQ chưa bằng 1/10 của Mỹ) và môi trường không được chú trọng sẽ đe doạ sự phát triển của Trung Quốc trong lâu dài.
Cho dù đạt được một sự thành công đáng kể về phát triển kinh tế và một dự trữ ngoại tệ dồi dào nhờ vào việc xuất siêu nhưng để có được điều đó, TQ đã phải hy sinh những lợi ích của người dân bởi chính sách hạ giá đồng tiền của họ để có lợi cho xuất khẩu. Điều này cũng đã được VN áp dụng nhưng VN lại chỉ luôn là một nước nhập siêu. Đây là điều khiến cho cả hai mặt phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân ở VN đã đi vào ngõ cụt. Những phân tích và nhận định phần cuối sẽ cho ta thấy điều này.
Từ hình ảnh một đất nước có những nét khá tương đồng với VN về nhiều mặt. Đặc biệt là việc duy trì một thể chế độc đảng và hạn chế tự do của người dân. Đây chính là hạn chế lớn nhất mà TQ phải đối mặt vì một quốc gia chỉ có được một sự nới rộng các quyền tự do cần thiết mới giúp tiếp cận với những yêu cầu của kỹ thuật, công nghệ và đời sống văn hoá ngày càng cao. Điều này cũng không nằm ngoài những nhu cầu tương tự ở VN.
Từ những sự so sánh với các nước ở trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không phải là so sánh với phương Tây như một số quan chức chính quyền của VN thường lấy cớ để né tránh) đã cho ta những nhận định sau:
1) Một chương trình phát triển phù hợp, người đứng đầu bên cạnh tài năng phải là người có đức tính thanh liêm cho dù là độc tài hay dân chủ đã giúp các quốc đó phát triển nhanh. Chúng ta không thể nói là Park Chung Hee chỉ vì nhờ độc tài mà lãnh đạo Hàn Quốc phát triển nhanh vì nếu một Park Chung Hee bên cạnh tài năng lại có đường lối dân chủ thì Hàn Quốc chẳng những phát triển nhanh mà còn biết coi trọng lợi ích của người dân hơn để không phải đón nhận một lần ám sát hụt 5 năm trước khi nhận lấy cái chết trong lần ám sát của kẻ thuộc hạ khi dân chúng biểu tình buộc ông từ chức. Còn một điều để khẳng định nữa là sau khi Park Chung Hee chết, Hàn Quốc bắt đầu thực thi một nền dân chủ đầy đủ cũng như vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế ở mức rất cao. Nếu từ 1961-1979, nền kinh tế Hàn Quốc tăng mức thu nhập GDP đầu người từ khoảng 80USD lên khoảng gần 2.000USD thì từ 1979 đến năm 2005 thu nhập GDP theo đầu người tăng lên tới trên 16.000USD (nguồn WB).
2) Mặc dù có thể thành công trong phát triển kinh tế ở thời kỳ đầu nhưng các quốc gia theo thể chế toàn trị khó lòng duy trì được sự tăng trưởng nhanh nếu không có sự cải cách chính trị triệt để theo hướng dân chủ. Để chuyển sang thể chế dân chủ đối với một thể chế toàn trị khó hơn nhiều lần việc chuyển từ một thể chế độc tài sang vì những lý do sẽ được đề cập ở các bài sau.
3) Nhìn sang một quốc gia dân chủ khác là Nhật Bản. Sau thế chiến 2, Nhật Bản trở nên kiệt quệ, tài nguyên nghèo nàn, động đất liên miên và dân số quá đông nhưng nhờ những chính sách phù hợp, đặc biệt là chuyển sang thể chế dân chủ vào năm 1946 khi Nhật thay đổi hiến pháp theo hướng dân chủ, xoá bỏ chủ nghĩa quân phiệt, trừng trị tội ác chiến tranh, ban hành các quyền tự do dân chủ. Từ 1945 đến 1954 là giai đoạn phục hồi kinh tế với tăng trưởng gần 10% năm. Từ 1955 đến 1973 là giai đoạn tăng trưởng cao trên 10% năm tạo nên “sự thần kỳ Nhật Bản”.
Việt Nam trước hết không phải là một thể chế độc tài sáng suốt vì thực tế thì những nhân vật chủ chốt trong bộ máy đảng và nhà nước không được chọn lựa theo một chu trình đã giúp TQ chọn được lãnh đạo có độ tin cậy cao nắm cả bộ máy đảng và nhà nước. Các nhân vật đứng đầu đảng và nhà nước ở VN thường có lý lịch không rõ ràng, không được đào tạo bài bản, con đường quan lộ thăng tiến nhanh nhưng không gặp những thử thách bắt buộc, ảnh hưởng của quan hệ quen biết và dòng tộc vẫn tồn tại khi chọn lãnh đạo cao cấp đã tạo nên nhiều thế hệ lãnh đạo thực sự thiếu tâm và chưa xứng tầm, thậm chí đã khiến dư luận băn khoăn về nguồn gốc xuất thân, bằng cấp, tài năng và bản lĩnh.v.v… Đây là một điều rất dễ nhận thấy, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị cho đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào đầu năm 2011 và người dân cũng không còn xa lạ gì về sự mặc cả, chia chác sau hậu trường của những người chưa thể hiện được vai trò của mình nhưng lại chuẩn bị lên làm bá chủ thiên hạ vào đầu năm nay.
Đối với thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay nếu phát triển theo mô hình TQ để rồi dần chuyển sang một nền dân chủ có thể nói là điều không tưởng vì rằng chỉ riêng việc phát triển kinh tế không thôi thì VN cũng khó lòng giữ được ở một mức tương đối cao do áp lực của lạm phát, nhập siêu và bội chi ngân sách liên tục chưa có dấu hiệu chấm dứt, nợ công đã chạm ngưỡng 60% GDP. Trong điều kiện lạm phát cao đã đẩy lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với khu vực sản xuất luôn ở mức rất cao, hiện tại là trên 16% năm, điều này tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng, kinh tế VN trong các năm tới khó bứt phá được do những nguyên nhân cơ bản trên. Khi tăng trưởng GDP từ mức 6-7% năm thì lạm phát đã ở mức hai con số và chỉ cần nhích lên một ít sẽ tác động rất mạnh vào chỉ số lạm phát vốn đã rất cao. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sau khi phân tích những số liệu liên quan đến các yếu tố như ngoại hối gửi về 8 tỷ USD năm 2010 và đầu tư xã hội chiếm 42% GDP, cho rằng tăng trưởng GDP 6,78 % là con số ảo.
Thực tế, nếu tính đến ảnh hưởng về môi trường đang xuống cấp nghiêm trọng, đầu tư kém hiệu quả vào khu vực kinh tế quốc doanh và sự đầu tư vào những công trình do quy hoạch thiếu đồng bộ và kém chất lượng (ví dụ, đường giao thông mới làm đã bị đào lên lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, cáp điện, viễn thông hay các công trình có tuổi thọ thực tế nhỏ hơn dự kiến khi thiết kế và lập dự toán do bị rút ruột,v.v..) sẽ cho thấy chỉ số tăng trưởng GDP thực tế nhỏ hơn con số mà chính phủ công bố trước khi kết thúc năm rất nhiều và ý kiến của ông Nguyễn Xuân Nghĩa là hoàn toàn có cơ sở.
Theo đánh giá của chúng tôi thì những dự báo mà nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra về một trạng thái rơi vào bẫy thu nhập trung bình của VN là điều khó tránh khỏi. Cho dù chỉ số tham khảo về mức độ lạc quan của dân chúng được đưa ra là cao nhất thế giới thì nó cũng chỉ phản ánh một trình độ dân trí thấp kém và một bộ máy tuyên truyền biết khuếch trương thành tích mà thôi. Những thông tin sau nói lên phần nào nhận định trên: Theo kết quả một cuộc thăm dò mang tên “Tiếng nói của người dân”, do Viện thăm dò BVA của Pháp thực hiện cuối năm 2010 tại 53 quốc gia và được báo Le Parisien đăng tải vào ngày 3-1 thì người Việt Nam lạc quan trong năm 2011 nhất với 70% ý kiến, cao hơn cả những nước có tốc độ tăng trưởng lớn hơn nhiều trong năm 2010 và đều có chỉ số tín nhiệm về tín dụng cao hơn VN như Ấn Độ (9.7%), Braxin (trên 9%), Trung Quốc (10%), Singapore (14%).vv... Trong khi tổ chức S&P hạ mức tín nhiệm về tín dụng của Việt Nam từ BB xuống còn BB- so với mức AA của TQ. Điểm tín nhiệm nợ nội tệ dài hạn giảm xuống BB từ BB+.
Sự cải thiện về mức độ tín nhiệm về tín dụng của S & P đối với VN trong các năm tiếp theo có thể xuống thấp hơn nữa do các chỉ tiêu về tài chính và tín dụng có thể xấu đi khi nợ công tiếp tục chiều hướng tăng lên, lạm phát chưa thể kéo xuống dưới 10% để đạt một chỉ tiêu tăng trưởng khá cao và VN có thể sẽ phải phá giá tiếp tiền Đồng vào 2011 vốn đã bị phá giá tới 2 lần trong năm 2010. Theo nhận xét của ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê thì Việt Nam lạm phát cao do in thêm tiền để để bù vào sự thiếu hụt trong thu chi ngân sách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà còn làm cho đời sống của phần đông người dân bị sụt giảm đáng kể do việc tốc độ tăng giá lớn hơn tăng lương. Nói một cách dễ hiểu là Chính phủ đang móc hầu bao của dân thông qua việc in thêm tiền (mà không được đảm bảo bằng hàng hoá) để chi tiêu và ném vào các Tập đoàn và TCT nhà nước.
Như trên đã nói, nền kinh tế của VN tăng trưởng ở mức khá cao đang nhờ nguồn tiền đầu tư quá lớn đã nói lên sự điều hành kinh tế của Chính phủ có chủ đích là chỉ để tăng GDP bất kể những tác động xấu của nó cho thấy sự tiềm ẩn rủi ro cao và làm cho mức sống của người dân ngày càng khó khăn hơn. Điều này cũng cho thấy sự kém cỏi trong việc điều hành nền kinh tế hay nói cách khác là việc điều hành một nền kinh tế chuyển đổi thực sự là quá tầm đối với các nhà lãnh đạo của VN vốn chưa được trang bị các kiến thức về quản lý kinh tế cơ bản thời hội nhập. Trong những ngày qua, khi đại hội đảng đang diễn ra thì chúng ta thấy được cho tới giờ mà cái tư duy ấu trĩ dốt nát vẫn còn tồn tại khi một số ý kiến nêu lên vấn đề sở hữu về tư liệu sản xuất, có lẽ họ đang muốn quốc hữu hoá toàn bộ tài sản trên đất VN chăng?. Chúng ta cũng thường thấy ông Nguyễn Tấn Dũng nói nhiều về kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội nhưng thực tế thì ông chẳng có đủ hiểu biết về những vấn đề quá tầm này.
Từ những điều trên cho thấy, việc duy trì một chế độ độc tài toàn trị để cho rằng đó là sự ổn định chính trị là một nhận định sai lầm chỉ để nhằm củng cố địa vị độc tôn chứ không phải vì lợi ích của đất nước.
Một chế độ toàn trị độc tài khá sáng suốt có thể dùng cho trường hợp TQ. Đối với VN thì cách tốt nhất lúc này là không nên là đi theo một “dạng thức Trung Quốc” nữa mà hãy quyết tâm phá bỏ hoàn toàn cái thể chế chính trị độc tài cũ kỹ đã thực sự thối nát, đó thực sự mới là một quyết định sáng suốt cần có trong lúc này.
Bài sau: Ổn định chính trị hay là chính trị độc tôn chai lỳ?
Chú thích:
(1) Độc tài đơn trị (một nhà độc tài) là cách dùng từ của TG để so sánh với độc tài hệ thống một đảng hay còn gọi là độc tài toàn trị.
(2) Theo Wikipedia: Chủ nghĩa toàn trị là một thuật ngữ được sử dụng bởi những nhà khoa học chính trị, đặc biệt là những người trong lĩnh vực chính trị so sánh, để mô tả một chính thể trong đó nhà nước áp đặt Chế độ chuyên chế (totalitarianism), hầu như qui định tất cả mọi hành vi cá nhân và công cộng trên mọi khía cạnh.
Những học giả có ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa toàn trị, như Karl Popper, Hannah Arendt, Carl Friedrich, Zbigniew Brzezinski, và Juan Linz đều mô tả mỗi người một cách hơi khác nhau. Điểm chung của tất cả các định nghĩa là sự cố gắng động viên toàn thể dân chúng trong việc hỗ trợ hệ tư tưởng của nhà nước và sự không khoan nhượng đối với những hoạt động không hướng về mục tiêu của nhà nước, trấn áp kèm theo, hoặc là sự điều khiển của nhà nước đối với công đoàn lao động, nhà thờ hoặc là các đảng phái chính trị. Các chế độ toàn trị duy trì quyền lực chính trị bằng các công cụ như cảnh sát mật, các biện pháp tuyên truyền được gieo rắc qua các phương tiện truyền thông, các quy định và các hạn chế về tự do ngôn luận, việc sử dụng sự giám sát bằng truyền thông và việc sử dụng phổ biến các chiến thuật khủng bố. Các quốc gia cộng sản, các chế độ độc tài quân sự, quân chủ đều là các thể chế chuyên chế theo cách định nghĩa này.
.
.
.
No comments:
Post a Comment