Trâm Oanh
VRNs (23.01.2011) – Chỉ còn 3 ngày nữa, các giáo dân oan của Giáo xứ Cồn Dầu sẽ bị đưa ra xét xử phúc thẩm (ngày 26/01/2011) tại Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng. Phóng viên không biên giới Trâm Oanh từ Đức Quốc đã phỏng vấn 4 giáo dân Cồn Dầu đang tại ngoại về việc họ bị công an Đà Nẵng hành xử như thế nào trong quá trình lấy lời khai. http://chuacuuthe.com/images/110123condau.jpg
Liệu Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng có tiếp xúc với những giáo dân này để biết sự thật rằng công an quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng đã vi phạm pháp luật một cách trắng trợn như thế nào không. Nếu có thì với những lời chứng ấy, Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng phải tuyên trắng án cho các giáo dân Cồn Dầu và truy tố những công an nào đã bức cung và tra tấn các nạn nhân, đồng thời truy tố những ai đã chỉ đạo cho công an làm việc đó.
Số phận của 2 giáo dân đang bị giam giữ, ông Nguyễn Hữu Minh và bà Phan Thị Nhẫn, sau án sơ thẩm cũng là một sự bất công và gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Chúng tôi xin chuyển đến quý độc giả toàn văn nội dung phỏng vấn, cả âm thanh lẫn bản văn.
——————
A- Ông Nguyễn Hữu Liêm
Trâm Oanh: Kính Thưa bác Liêm, trong thời gian ông bị tam giam tại nhà giam Họ có bức cung và ép cung bác không?
Ông Liêm: Thưa cô và quý vị. Sự việc này xảy ra đối với tôi hết sức thảm khốc, nhất là trong 7 ngày đêm đầu tiên. Khi tôi bị đưa đến Công An quận Cẩm Lệ, họ bắt đầu tra tấn tôi liên tục, ngày có đêm có. Họ còng tay tôi lại phía sau, họ dùng giày bốt, dùi cui, dép da đánh tôi liên tục từ mặt đến chân. Họ đòi tháo khớp lóng tay tôi, họ dùng giày đạp vào đùi và thân tôi cho đến khi ngất xỉu, họ tạt nước vào để tôi tỉnh lại rồi tiếp tục đánh. Có lần đánh tôi bị chảy máu ở mí mắt, lỗ tai ra máu mủ. Công an buộc tôi phải ‘nhận tội cầm đầu, khai ra tổ chức nào, ăn lương của ai, làm việc gì trong ban đại diện giáo xứ nếu không thì có thả mày về thì cũng không bóc được cơm để ăn và vợ con mày sẽ khổ suốt đời.’
Trâm Oanh: Thưa bác Liêm, theo pháp luật thì Công an chỉ có quyền làm những điều Pháp Luật cho phép, còn những người dân thì có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm. Vậy bác nghĩ gì việc hành bắt giữ bác đánh đập bác thì Công an đã sai phạm không?
Ông Liêm: Tôi thấy, việc chúng tôi đi tham dự đám tang là một cử chỉ hết sức tốt đẹp. Vừa hợp tình, vừa hợp lý. Đồng thời, điều đó không có gì là trái pháp luật. Nhưng, chúng tôi đã bị bắt, bị đánh đập và tù đày. Điều này nói lên việc vi phạm pháp luật của Công an Đà Nẵng trong việc thi hành việc bắt giữ trái phép cũng như đánh đập và bỏ tù chúng tôi. Tôi nghĩ rằng ở một đất nước có pháp luật , nếu có ai đó có vi phạm pháp luật thì pháp luật sẽ xử tội họ theo đúng pháp luật, chứ không thể nào dùng nhục hình để bắt họ nhận tội. Tôi hoàn toàn vô tội
B – Ông Trần Thanh Việt
Trâm Oanh: Thưa ông trong quá trình điều tra xét hỏi, công an họ có khủng bố tinh thần hay đánh đập gì không?
Ông Việt: Thưa cô và quý thính giả. Khi tôi bị bắt công an đánh tôi đến ngất xỉu. Trong quá trình điều tra xét hỏi Công an khủng bố tinh thần, đánh đập tôi, nhất là trong 2-3 ngày đầu thì đánh đập tôi rất nhiều. Trong lúc lấy cung, có 1 người lấy lời khai, còn 2 người đứng 2 bên dùng dùi cui, ba-toong đánh vào đầu và toàn thân tôi, dùng giày bốt đá vào bụng và vào hông tôi. Tôi bị giam trong phòng biệt giam 3 tháng 9 ngày cùng với ông Nguyễn Hữu Liêm, phòng này không có chút ánh sáng mặt trời, ngột ngạt và ít không khí, có nhiều mùi hôi thối.
Họ còn nói là: “mày phải khai và nhận tội đi, nếu không tao đánh mày chết và bắt cả ba mày nữa.” Công An bắt tôi phải nhận tội và khai ra ai đưa tiền để làm việc này. Công An còn bắt tôi phải kí và cam kết không thuê luật sư.
Trâm Oanh: Kính thưa anh Việt, anh có nghĩ rằng tòa án sơ thẩm vừa qua đã kết tội anh bất hợp pháp không? Và nếu có, xin anh cho biết lý do.
Ông Việt: Kính thưa cô Trâm oanh và quí vị thính giả. Tôi hoàn toàn vô tội. Tôi không làm gì gọi là phạm tội gây rối trật tự công cộng hay Chống đối người thi hành Công vụ.
Tôi chỉ là một trong những người dân trong làng xóm của Bà Maria Đặng Thị Tân. Khi Bà chết, thì tôi nghĩ tình làng nghĩa xóm mà đi đưa tiễn bà. Đây là điều mà Giáo lý Công Giáo đã dạy chúng tôi. khi còn bé, tôi đã được học: “Phải có bổn phận chôn xác kẻ chết”.
Đồng thời, nghĩa trang Cồn Dầu là của Giáo xứ Cồn Dầu đã có từ bao đời nay. Nhiều bậc tổ tiên của chúng tôi cũng đang an nghỉ ở đó. Nên việc đi tham dự đám tang cụ Bà là điều chúng tôi phải làm. Còn việc Công An, Cảnh sát cơ động ngang nhiên đến ngăn cản chúng tôi là điều trái pháp luật, trái cả lương tâm và đạo lý làm người. Nên việc Tòa án kết tội cho chúng tôi thì là điều thật bất công.
C- Ông Lê Thanh Lâm
Trâm Oanh: Thưa bác Lâm, xin bác cho bà con trong và ngoài nước biết rõ về những hành xử của công an đối với bác trong thời gian bị tam giam
Ông Lâm: Thưa cô và quý thính giả. Khi tôi bị bắt tại hiện trường Công An đánh tôi vỡ đầu. Sau khi bắt tôi về cơ quan Công An quận Cẩm Lệ, Công An dẫn tôi lên lầu, bắt đầu hỏi cung tôi. Lúc đó, có 1 người hỏi cung còn 2 người đánh. Họ đánh tôi liên tiếp, dùng ba tôn đánh toàn thân, dùng chân đá vào hông, dùng tay móc sườn mông tôi. Có lúc còng tay tôi vào cửa sổ dùng roi điện bấm vào người tôi. Bắt tôi khai và phải nhận tội ném đá và la hét . Họ bắt tôi đi cung khoảng 10 ngày liên tiếp, có lúc đi cung ban đêm. Lúc nào đi cung họ cũng đánh tôi rất nhiều, họ còn nói riêng với tôi là “cho mày sống khoảng 5 năm nữa thôi.” Công An còn bắt tôi kí và cam kết là không thuê luật sư.
Trâm Oanh: Thưa ông, trước phiên tòa Sơ thẩm vừa qua. Ông có được quyền để trình bày hay giải thích sự việc không?
Ông Lâm: Thưa Cô và quý thính giả. Theo pháp luật thì chúng tôi được quyền trình bày sự việc và bác lại những tội danh mà Tòa án nhân dân Quận Cẩm Lệ dành cho chúng tôi. Vì chúng tôi hoàn toàn vô tội.
Nhưng trên thực tế tại phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi đã không có được quyền để giải thích hay trình bày sự việc trước phiên tòa. Chúng tôi chỉ được quyền trả lời theo kiểu “có” hoặc “không” mà thôi. Chính vì thế, đây là cách hết sức bất lợi cho chúng tôi trước phiên tòa. Tôi lo ngại cho phiên tòa Phúc thẩm sắp tới: Liệu rằng, tôi và những anh chị em khác có được quyền để trình bày sự vô tội của mình trước phiên tòa không?
Hay tất cả chỉ là sự áp đặt, như đã áp đặt những tội danh cho chúng tôi tại phiên tòa Sơ Thẩm, mà chúng tôi không có tôi gì hết?
D – Bà Nguyễn Thị Thế
Trâm Oanh: Công an đã đối xử với chị như thế nào khi chị bị tạm giam?
Bà Thế: Thưa cô và quý thính giả. Sau khi bắt tôi về đồn Công An quận Cẩm Lệ, Công An đánh vào mặt tôi và hỏi cung tôi. Trong những lần đi cung sau, Công An có đe dọa, uy hiếp tinh thần tôi. Bắt tôi phải khai gian cho người khác, bắt tôi phải nhận tội. Có những lần đi cung, Công An còng 1 tay tôi vào ghế còn 1 tay viết tường thuật.
Mỗi lần đi cung, tôi lo sợ, hoảng hốt, tinh thần rối loạn, giờ làm cho tôi mắc bệnh tim trước đây không có, bây giờ tôi có mang bệnh tim.
Trâm Oanh: Thưa chị, trong phiên tòa Phúc thẩm sắp tới, chị có đề nghị gì không?
Bà Thế: Thưa Cô và mọi người, sau khi được về với Gia đình. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì cảm nhận được tình yêu của mọi người dành cho tôi và anh chị em. Đặc biệt nhiều lời cầu nguyện để giúp chúng tôi vượt qua những ngày tháng khốn khó. Nhìn những ánh nến được thắp lên trong những buổi cầu nguyện cho tôi và cũng như mọi người. Làm tôi cảm thấy thật vinh dự.
Mặc dù, khi về với gia đình, không bị giam trong lao tù, nhưng chúng tôi vẫn còn mang trên mình những bản án hết sức bất công và còn hai người anh chị em của chúng tôi đang còn phải lao tù đày là: Nguyễn Hữu Minh và Phan Thị Nhẫn. Hai nguời này đều có làm đơn xin phúc thẩm nhưng anh Minh vì 1 lí do nào đó đã phải rút đơn phúc thẩm, còn chị Nhẫn tuy có đơn phúc thẩm nhưng không có luật sư.
Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho tôi và anh chị em trong phiên Phúc Thẩm sắp tới, để chúng tôi được ơn Chúa Thánh Thần mà khôn ngoan hơn, vững mạnh hơn trong việc đòi công lý.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment