Saturday, January 22, 2011

NHỮNG CUỘC VẬT LỘN Ở VIỆT NAM (The American Spectator)

Đăng bởi anhbasam on 23/01/2011

Ngày 21-1-2011

Có vẻ như Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) – vừa bế mạc – chứng tỏ hành động chuyển hướng sang khu vực kinh tế tư nhân của đất nước để nâng cao năng lực quản trị kinh doanh và những kỹ năng quản lý cho nền kinh tế. 1377 đại biểu (theo báo cáo chính thức) đã nhóm họp tại trung tâm hội nghị khổng lồ ở Hà Nội, trong những bộ đồng phục complet đen phù hợp với màu đỏ của lớp da bọc ghế trên hội trường. Cuộc tụ họp đã phê chuẩn cái mà Ban Chấp hành Trung ương của họ – hay nói cho đúng hơn là Bộ Chính trị gồm 12 con người – đã thống nhất vào dịp cuối năm vừa rồi.

Tất nhiên sẽ chưa có gì thật sự ổn định cho tới tháng 5, khi Quốc hội khóa mới được bầu lên. Điều thú vị là, gần đây, cái quốc hội đáng ra phải đại diện cho toàn thể công dân nói chung hơn là trên thực chất cho các đảng viên ĐCSVN, đã trở nên năng nổ hơn khi nêu ra các ý kiến của họ. Động thái đưa thêm doanh nhân trong khối tư nhân vào Đảng Cộng sản dường như là một chuyển biến cả về kinh tế lẫn logic chính trị. Theo các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg, khoảng 81,5% sản lượng công nghiệp của Việt Nam xuất phát từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền trung ương ở Hà Nội vẫn khăng khăng là 40% GDP do các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước làm ra. Mặc dù các con số thống kê này có thể được điều chỉnh để không quá mâu thuẫn như cảm tưởng chúng gây ra lúc đầu, nhưng để làm được như thế cũng mất một khối lượng sản lượng phi công nghiệp rất lớn. Cho dù thống kê chính xác thế nào đi chăng nữa, thì hình như bộ máy đảng cầm quyền cũng quan liêu nghĩ là đã tới lúc phải đưa một vài bộ não trong khối doanh nghiệp tư nhân vào “câu lạc bộ” để cài số cho nền kinh tế tiến lên mức cao hơn.

Cũng phải mất một thời gian, nhưng lời khuyên đến từ Bắc Kinh rằng cần tận dụng các kỹ năng kinh doanh của khối tư nhân ở Việt Nam quả thật có lợi cho nền kinh tế của “tiểu đệ”. Chẳng người Việt nào thích nghe những chỉ thị từ người láng giềng Hán khổng lồ ở phía bắc. Nhưng thành công rõ ràng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc sử dụng, tuy vẫn kiểm soát, những “phần tử tư bản cơ hội” là không thể bỏ qua được nữa. Điều này đặc biệt đúng sau các thảm họa mà Việt Nam phải nếm trải với hãng đóng tàu quốc doanh Vinashin và tập đoàn PetroVietnam. Hà Nội không còn có thể hỗ trợ những tập đoàn có quyền hành không giới hạn mà ngập trong nợ nần như thế nữa, những tập đoàn vốn đã khiến cả Moody’s lẫn S&P đều hạ tín nhiệm của Việt Nam.

Nhìn chung có sự thừa nhận rằng các quan chức điều hành doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thiếu năng lực lập kế hoạch kinh doanh cần thiết trong những lĩnh vực hoạt động như vậy. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ chồng chất của Vinashin là sự bành trướng một cách phi lý và quản lý tồi các nguồn vốn. Tuy Hà Nội không muốn thừa nhận, nhưng đại dịch tham nhũng và bộ máy quan liêu phình to đã đặt một chiếc thòng lọng vào sự tiến triển của kinh tế.

Đời sống người dân thường ở Việt Nam bị ảnh hưởng hàng ngày bởi giá lương thực tăng cao và lạm phát hai con số. Những khoản tiền chi cho các quan chức đã trở thành chuyện thường tình và quả là một điều gây bối rối cho Đảng tới mức họ phải đề cập tới chúng trong bài diễn văn khai mạc trước các đại biểu tham dự Đại hội. Dù vẫn nghe nói đi nói lại về nạn tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn dân sự tương tự, nhưng những nhà quan sát về tình hình kinh doanh mong đợi thay đổi thực sự rất ít trong thời gian trước mắt.

Cân bằng lại với sự tự phê bình chính thống này là lối buộc tội đã thành truyền thống, đổ vào đầu Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cho những thiếu vắng các nỗ lực “ái quốc”, nhằm gia cố cho trật tự và sự ráng sức của người Cộng sản. Những lời kêu gọi không ngớt từ bên ngoài, đòi có cải cách dân chủ, đều chỉ lọt vào những cái tai điếc của các quan chức, hoặc là bị coi như một luồng ý kiến bất mãn mà rõ ràng sẽ tăng mạnh trong bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam.

Có thể thấy những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong hai chuyến thăm của bà tới Việt Nam năm 2010 nhằm tạo quan hệ tốt với các lãnh đạo của Hà Nội đã chỉ đạt được kết quả bề mặt. Tưởng nhầm thái độ lịch sự theo truyền thống của những người Việt bà gặp là tình hữu nghị đang phát triển, Ngoại trưởng Clinton quả thật đã tin rằng bà đang tạo được nhiều bước tiến trong mối bang giao giữa hai nước. Điều này xảy ra mặc dù đã có lời cảnh báo là không nên đánh giá quá cao vẻ cởi mở bề ngoài của các nhà ngoại giao Hà Nội. Mãi cho đến vụ một quan chức Đại sứ quán Mỹ bị tấn công trong chuyến đi thăm Huế, thông điệp thực sự mới lên được tầng bảy của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington.

Một quan chức chính trị, ông Christian Marchat, đã cố gắng đến thăm linh mục Công giáo bất đồng chính kiến, ông Nguyễn Văn Lý, và công an ngăn cản nhà ngoại giao Mỹ này bước khỏi ô-tô bằng cách đập cánh cửa xe vào chân ông ta. May cho Marchant là ông không bị gãy xương, mặc dù vài chỗ dập và trầy da khiến ông đi lại khó khăn mất vài ngày. Đáp lại khiếu nại chính thức của Washington về vụ tấn công một nhà ngoại giao được chính thức công nhận, Hà Nội nói rằng linh mục Lý đang bị quản thúc tại gia do các hành động chống đối chính quyền và vị quan chức người Mỹ thì đã không thông báo rõ về chuyến đi của ông với nhà chức trách.

Người Việt Nam đáng yêu thế nào thì chính quyền của họ luôn cục sút và đáng ngờ đến như thế. Trong đầu các nhà lãnh đạo, cuộc cách mạng vẫn còn tiếp tục, và khái niệm cách mạng được sử dụng để biện minh cho những cuộc đàn áp liên tiếp dưới chiêu bài gìn giữ trật tự kỷ cương của đất nước. Hà Nội còn phải đi một quãng đường rất dài để có thể cân bằng các mục tiêu chính trị, kinh tế và xã hội. Việc phấn đấu trở thành một nước tiểu Trung Hoa cộng sản, cùng sự kiểm soát mang tính toàn trị trong nước, cộng với những nỗ lực khuyến khích phát triển các doanh nghiệp theo kiểu Tây phương, là mô hình không thể thực thi ở Việt Nam.

Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: