Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-01-22
Sau khi cùng ký tên với linh mục Nguyễn Văn Lý cùng các nhà dân chủ khác, vào đơn tố cáo Bộ Chính Trị, đảng Cộng sản Việt Nam về tội “bán nước” theo lời LM Lý đã nói với RFA, luật sư Lê Trần Luật, một nhà đấu tranh cho dân chủ, thường lên tiếng cho dân oan, trong suốt tuần qua đã bị công an gọi tới trụ sở hạch hỏi, đồng thời buộc ông phải từ bỏ ý định chống đối đó.
Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với luật sư Lê Trần Luật, do Đỗ Hiếu ghi nhận vào tối thứ sáu 21 tháng giêng vừa qua.
Yêu cầu rút tên khỏi đơn tố cáo Bộ Chính trị
Đỗ Hiếu: Thưa luật sư, qua trao đổi với các nhà dân chủ, đồng thời cũng là thính giả của RFA tại Việt Nam, chúng tôi được biết ông đang gặp khó khăn với công an, xin ông cho biết thêm chi tiết về việc này?
LS Lê Trần Luật: Nhà báo Dustin Rosa của tờ Guardian, báo đăng mấy vụ Wikileaks, mình với anh Quang (Nguyễn Ngọc Quang) đến gặp nhà báo đó, bỏ anh Quang xuống xe, rồi chạy về nhà. Sau đó cơ quan an ninh mời tôi đến làm việc, với nội dung là gặp nhà báo làm gì? Ngoài ra, họ tập trung chủ yếu vào công việc khác là yêu cầu mình rút tên ra khỏi đơn tố cáo Bộ Chính trị, vì cho rằng tôi là một trong những người làm đơn tố cáo đó. Mình nói với họ là trong vòng một tuần mà tôi không có hành động cải chính thì xem như tôi đã ký tên vào đơn đó. Mấy ngày sau, họ triệu tập mình miết, tôi vẫn không đến gặp họ.
Hôm nay, (thứ sáu 21) họ đưa mình lên cơ quan, mới đầu tôi nói với họ là ngay trước mặt các anh, tôi sẽ ký vào đơn tố cáo Bộ Chính trị và xác nhận là tôi đồng ý ký tên vào đơn đó. Họ đã in đơn tố cáo và tôi nói là tôi nhất định ký tên, chừng 2 tiếng đông hồ sau, theo chỉ đạo từ cấp trên, họ bảo tôi, thôi đừng ký tên vào đơn tố cáo nữa, và hai bên cùng ký vào biên bản về việc này.
Tóm lại là lúc đầu họ yêu cầu tôi rút tên, tôi không đồng ý, họ lại yêu cầu tôi cải chính, tôi cũng không cải chính. Tôi cũng khẳng định là hôm nay tôi ký tên vào đơn tố cáo trước mặt các anh. Một tiếng đồng hồ nữa, họ lại khuyên tôi đừng ký và cố gắng cải chính đi. Ngày mai tôi lại phải tới công an làm việc và giải thích vì sao tôi nhất định ký vào đơn tố cáo Bộ Chính trị.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, trước thái độ cương quyết không làm theo yêu cầu của các nhân viên công an thẩm vấn, họ có cho ông tự do ra về kèm theo những điều kiện gì khác không?
LS Lê Trần Luật: Sau lần gặp mình, họ cho trinh sát theo dõi 24/24, họ liên tục gọi điện và yêu cầu khi lên cơ quan là phải có hành động xác nhận không ký tên đơn tố cáo, nhưng mình không chịu chuyện đó. Trong hai ngày làm việc tiếp theo, họ vẫn yêu cầu tôi phải rút tên khỏi đơn tố cáo Bộ Chính trị, hai là phải đăng trên mạng thông tin cho biết là tôi không ký vào đơn đó.
Đúng 7 ngày sau, sáng nay (thứ sáu), tại cơ quan, tôi nói với họ là đồng ý ký tên ngay vào đơn đó, cùng với Cha Lý và những người khác. Họ bảo tôi xóa đi đừng ký vào đơn này và lập ngay biên bản, tôi vẫn nhất định không làm theo ý họ. Họ nói đưa tôi về nhà, suy nghĩ một đêm rồi ngày mai tiếp tục lên làm việc nữa để cho biết về quyết định có rút tên khỏi đơn tố cáo hay không. Công an vẫn giám sát tôi 24/24.
Đỗ Hiếu: Không riêng gì ông, thường xuyên gặp rắc rối với công an, theo giới truyền thông quốc tế thì trong vòng trên một năm qua, đã có trên dưới 40 nhà dân chủ, nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt bớ, sách nhiễu, tù tội.
Theo ông, các biện pháp đó có gây cản trở gì cho các tiếng nói đòi dân chủ, nhân quyền trong nước không, thưa ông?
LS Lê Trần Luật: Trước kỳ đại hội đảng, bao giờ họ cũng có động thái trấn áp các nhà hoạt động dân chủ, nhằm bảo vệ cho kỳ đại hội đảng thành công. Sự trấn áp đó cũng chuyển một thông điệp đến các nhà dân chủ rằng, chế độ này vẫn là một chế độ độc tài toàn trị, tất nhiên nó có ảnh hưởng ít nhiều đến phong trào dân chủ, trong một giai đoạn căng thẳng trước kỳ đại hội đảng, tuy nhiên tôi luôn tin rằng phong trào này tiếp tục đi lên. Nhờ những phương tiện và công cụ truyền thông, người ta đã bớt sợ hãi và dám nói lên sự thật, nói lên được chính kiến của mình, đó là sự tác động, thúc đẩy chung cho tiến trình xây dựng dân chủ tại Việt Nam.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, cách đây 2 hôm, ngày 19 tháng giêng năm 2011, là ngày cách đây đúng 36 năm, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, trong một trận hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, và hôm thứ tư 19 tháng giêng vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng có mặt tại thủ đô Washington, có biểu tình đòi dân chủ, tự do cho Hoa Lục, dư luận tại Việt Nam có theo dõi được những diễn biến thời sự đó không?
LS Lê Trần Luật: Tôi biết được những thông tin này, biết về chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào, đến Washington và một trong những chủ đề của cuộc hội đàm Mỹ Trung là vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, tôi cũng được biết tin là có một số Việt Kiều ở Mỹ tổ chức biểu tình, phản đối chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào, cá nhân tôi thì nghe được các thông tin như vậy, không biết chính xác là những người dân còn lại có nghe được thông tin này hay không?
Tôi cho rằng hành động biểu tình để phản kháng chuyến thăm của ông Cẩm Đào bên Mỹ thì đó là một hành động đáng hoan nghênh, đáng khích lệ, đối với tinh thần chung của những anh em đấu tranh trong nước, đặc biệt là vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Khuynh hướng gia đình trị của ĐCSVN
Đỗ Hiếu: Là một người mạnh dạn lên tiếng cho dân oan, những người “thấp cổ, bé miệng” trong xã hội, những người không thể cất cao tiếng nói của mình, ông có nhận định gì về đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, được báo chí nhà nước cho đó là một thắng lợi, mang lại niềm tin và kỳ vọng cho đất nước Việt Nam, thưa ông?
LS Lê Trần Luật: Tôi có theo dõi đại hội đảng và thực sự phải nói với RFA rằng, người dân trong nước, chúng tôi chỉ có thông tin một chiều, nói như báo chí nhà nước, cũng như các cơ quan truyền thông của Việt Nam, là kỳ đại hội đảng này thành công tốt đẹp.
Tôi không tin điều đó, vì sao? Bởi vì bầu cử theo cách thức như thế, thì có rất nhiều nhân vật mà không một người dân nào biết cả, ngay cả những người tìm hiểu nhiều về lịch sử Việt Nam cũng không biết đó là nhân vật nào? Họ đùng đùng vào trung ương đảng, vào Bộ Chính trị, ví dụ như con ông Nguyễn Tấn Dũng, con ông Nông Đức Mạnh.
Người dân thì không biết nhiều về chuyện này, chỉ nghe họ tuyên truyền một chiều, nên người dân không có điều kiện để phân tích, đánh giá về đại hội đảng vừa rồi.
Riêng cá nhân tôi, thì thấy vấn đề nhân sự vẫn như cũ, tuy nhiên tôi cũng cho rằng những người khác có một sự quan tâm là hiện có khuynh hướng gia đình trị, có nghĩa là rất nhiều nhân vật thuộc về con cái những người có công với đất nước, tạm gọi là cấp lãnh đạo đất nước hiện tại thì họ đã cấy những mầm móng là con cái mình vào trong Bộ Chính trị, trong cơ cấu của trung ương, về mặt nhân sự thì tôi không thấy có triển vọng nào tốt đẹp cho Việt Nam, nếu cứ tiếp tục cho những người đó cầm quyền.
Họ từng lập luận rằng, chỉ có đảng cộng sản Việt Nam mới lãnh đạo toàn dân qua hai cuộc chiến, đi đến chiến thắng. Những nhân vật vào hàng ngũ lãnh đạo mới, được cài cấm vào nhân kỳ đại hội đảng vừa rồi, không phải là thế hệ từng giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Nói về cương lĩnh chung của đảng cộng sản, thì họ kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa , theo tôi đây là một giáo điều lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, lịch sử đã chứng minh rằng, chủ nghĩa này là một “Đại Họa” cho nhân loại, nhưng họ cứ kiên định theo con đường này, thật sự tôi không hiểu họ muốn cái gì?
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn luật sư Lê Trần Luật đã dành thời giờ cho đài chúng tôi.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment