Wednesday, January 12, 2011

NGHỀ BÁO (Nguyễn Việt Hà)


Đang và bát cơm nguội chan nước sôi cùng món cà muối mẹ gửi từ quê ra, miệng lẩm nhẩm đọc bài thơ Hoàng Giang mới gửi tặng thì tiếng chuông điện thoại kêu rinh reng. Tuyết Linh vội đặt bát cơm xuống bàn, chạy lại nhấc ống nghe:
- A lô! Ai đấy ạ?
Tiếng sếp Danh nặng trịch trong máy:
- Cô Linh phải không? Cô đến ngay phòng làm việc của tôi có việc cần.
- Thưa sếp để mấy bữa nữa em đi công tác về được không ạ? Em đang chuẩn bị để đi thị sát làng Văn hóa miền châu thổ sông Hồng ạ.
- Này – sếp Danh như chồm lên trong điện thoại – cô có biết ai đang nói chuyện với cô không? Nghiêm Chính Danh, là sếp của cô, là Tổng biên tập của báo Thức Thời cô hiểu rõ chưa?
- Thưa sếp em hiểu ạ. – Tuyết Linh cố ghìm giọng, nhã nhặn nói – nhưng việc em đi thị sát là do sếp phân công chứ em đâu tự ý đi đâu mà sếp lại mắng em?
- Thôi thôi thôi. Tiếng sếp Danh gầm lên trong máy – cô tốp ngay cái vụ thị sát thị sốt của cô đi. Chuyện đó tôi đã giao cho người khác phụ trách rồi. Cô có phải là con trâu trắng hay không mà đi đến đâu là chết trâu chết bò đến đấy thế? Nghe tôi nhắc lại: Dẹp hết mọi chuyện. Tới phòng làm việc của tôi ngay. Rõ chưa?
- Vâng ạ! Tuyết Linh lí nhí đáp rồi tiu nghỉu lẳng máy điện thoại lên bàn. Cô tính gạn hỏi sếp Danh xem có chuyện gì đột xuất mà sếp lại đình chỉ chuyến công tác của cô, nhưng chưa kịp hỏi thì sếp Danh đã lộp cộp cúp máy. Thoáng chau mày, Tuyết Linh lẩm bẩm:
- Chuyện gì mà mới sáng đã bẳn như mắm tôm thế không biết?
Nói xong cô cũng quáng quàng thay đồ, trang điểm qua loa rồi nhảy lên chiếc xe đạp tòng tọc, vội vàng phóng đến trụ sở báo.
Cửa phòng sếp Danh mở hé. Sếp Danh đang ngồi thu lu trên chiếc ghế bành bằng da nâu bóng lộn mà sếp mới nhờ người tậu từ Hongkong về. Chiếc ghế to quá khổ khiến cho hai chân sếp Danh như đang treo lơ lửng trên sàn nhà. Nghe tiếng gõ cửa, sếp Danh bèn ngồi bật thẳng dậy, khẽ trễ gọng kính mát, soi mói nhìn ra cửa, nói cộc lốc:
- Vào đi!
Tuyết Linh chào sếp rồi xét nét ngồi theo hướng sếp Danh chỉ. Chưa ấm chỗ cô đã nóng ruột vào chuyện:
- Thưa sếp! Có chuyện gì mà sếp triệu em ngang xương thế ạ?
- Này – sếp Danh gỡ phắt kính râm, mặt phừng phừng nhìn Tuyết Linh, nói một thôi một hồi – cô nhà báo xưng hùng xưng bá kia, tôi nói để cô nhà báo rõ nhé: Cái  lối ăn nói sách mé không có tôn ti, trình tự của cô, cô phải coi chừng đấy. Cô đừng tưởng cô tốt nghiệp đại học báo chí loại ưu, rồi cô được chuyển thẳng về huyện làm việc, không cần thông qua thời gian thử thách, rồi cô viết được vài ba bài báo mang tính hiện thực tố cáo tiêu cực, rồi được công chúng rầm rầm khen ngợi, rồi ủng hộ, rồi bây giờ cô không coi ai ở cái tòa soạn này ra gì cả. Cô đừng quên ở cái tòa soạn này còn có tôi. Tôi là người đầu tiên và cũng là người duy nhất gắn bó và cùng cái tòa soạn này đi lên từ lòng nhiệt thành cách mạng. Tuy tôi không trải qua một nghiệp vụ đào tạo chính qui nào về báo chí nhưng tôi có môi trường rèn dũa của đảng. Đảng đã đào tạo, rèn dũa tôi trở thành một cánh tay đắc lực, một nơi dựa vững chắc trong mọi bước tiến của xã hội xã hội chủ nghĩa mà đảng và nhân dân ta đang dày công mong mỏi và gây dựng… Và tôi đã, đang và sẽ phải tiếp tục gánh vác cái sứ mệnh cao cả và trọng đại mà đảng và toàn dân cái huyện này giao phó.
Đang tức anh ách nhưng chợt nghe sếp Danh “dạo” lại khúc “cổ điển” mà ngay buổi đầu về tòa soạn Tuyết Linh đã phải kiên nhẫn đứng lắng nghe cả gần một giờ, bất giác, cô lơ đễnh nhìn ra ngoài khung cửa, miệng tủm tỉm cười, mắt dõi theo đôi chim sâu đang chụm mỏ như đang thì thầm những điều thầm kín…
- Hoàng Tuyết Linh – Sếp Danh đập mạnh tay lên bàn rồi gắt lên khiến Tuyết Linh giật bắn người. Sếp Danh thoáng nghiến răng chèo chẹo nói – tôi cho gọi cô lên đây để bàn việc chứ không phải để cô ngồi đó để mơ màng, ngắm cảnh đâu nhé. Cô có biết thái độ vừa rồi của cô là thiếu sự tôn trọng cấp trên không? Hừ. Tiên học lễ, hậu học văn! Cái triết lý giản đơn này tôi không tin một nhà giáo ưu tú của huyện như bố cô lại không dạy.
Tuyết Linh bỗng thấy nóng râm ran mặt mày. Cô khẽ xoay người nhìn trực diện vào sếp Danh, nói.
- Thưa sếp, ông cụ nhà em không liên quan gì tới cuộc nói chuyện ngày hôm nay cả. Mong sếp đừng công tư lẫn lộn. Sếp cho triệu gấp em lên đây, và em đã phải dẹp bỏ cả chuyến công tác mà em chuẩn bị mất bao nhiêu ngày, vội vàng lên để trình diện sếp, nhưng sếp lại không nói cho em biết lý do em được triệu hồi. Như vậy hình như không được công bằng và dân chủ cho lắm.
- Á à! – Sếp Danh khẽ đẩy bàn đứng thốc dậy, nói như quát. – Cô còn dám nói cả chuyện công bằng với tôi nữa à? Tôi nhắc nhở để cô ý thức rõ một điều: Ngày nào tôi còn là người lãnh đạo tối cao của cái tờ Thức Thời này thì ngày đó cô đừng bao giờ nhắc lại hai từ công bằng và dân chủ trước mặt tôi, mà cô phải nhất thủ nghe theo mệnh lệnh của tôi. Công bằng và dân chủ của tôi là sự phục tùng mệnh lệnh cấp trên vô điều kiện. Các cô các cậu bây giờ là chúa lý sự suông, lý sự hão. Tối ngày chỉ thích đem chuyện nước người để đối chiếu, so sánh nọ kia. Nhưng người là người, ta là ta, không có chuyện “tân cổ giao duyên“, địch ta lẫn lộn được. Mà cô bây giờ thì giỏi rồi. Cô đã là nhà báo nổi danh của huyện. Sau lưng cô đã có hàng trăm, hàng ngàn độc giả chống lưng, trước mắt cô bây giờ chỉ nhìn thấy hào quang sáng chói,  cô đâu coi ai ở cái trụ sở báo này ra gì nữa?
- Thưa sếp! Sếp nhầm rồi ạ. Tuyết Linh nhìn sếp Danh, ngọt nhạt nói. – Em xin được đính chính lời của sếp. Tất cả những điều sếp vừa nói nghe rất nặng nề và nặng mùi qui chụp. Những việc em làm đều có công sức của cả Ban, của cả tập thể, trong đó có sự chỉ đạo của sếp. Chính bản thân sếp cũng đã từng cảm thấy tự hào về những việc làm đó, và thậm chí sếp còn rất phấn khởi khi được huyện ủy cử đi báo cáo điển hình.
- A…à! Sếp Danh khựng người giữa phòng như bị trúng phong, tay run bắn, chỉ thẳng về phía Tuyết Linh. – Cô học thói moi móc và công kích lãnh đạo từ bao giờ thế? Thế nào là nặng nề? Mà ai qui chụp cô?
- Thưa sếp những điều sếp nói từ nãy tới giờ chính là bằng chứng.
- Cô – Sếp Danh đỏ bừng mặt, tay vẫn chỉ thẳng vào mặt Tuyết Linh, răng nghiến chèo chẹo vào nhau – Cô thích nói chuyện bằng chứng với tôi phải không? – Sếp Danh đùng đùng lao về chỗ ngồi rồi rút nhanh tờ báo trong ngăn kéo, ném toẹt lên mặt bàn. – Cô chống mắt lên, đọc cái của nợ này đi, rồi cô cho tôi biết, đó thuộc loại bằng chứng gì?
Tuyết Linh cũng bực mình không kém, cô nhỏm thốc người dậy, nhấc tờ báo còn mới, đưa mắt lướt nhanh một lượt rồi khẽ thở phào. Thì ra đó là một bài báo của một tác giả ẩn danh viết về một bài phóng sự của cô đã được tờ Dư Luận đăng tải cách đây khá lâu. Bài viết cô phê phán về cung cách làm ăn, quản lý thiếu khoa học, bê bối, vô tổ chức, tiếm quyền, bè cánh… dẫn đến sự tha hóa đội ngũ quần chúng và của ban lãnh đạo một số cơ quan xí nghiệp, nhân dịp cô đi thực tiễn trở về. Đáng tiếc tác giả nặc danh trên chỉ trích đăng những lời cô phê phán và có những lời bình thiếu thiện chí, không đúng sự thật, khiến cho những thành ý của cô bị bóp méo. Từ đó đã gây ra sự hiểu lầm, phấn khích cho những đối tượng bị cô phê phán cũng như những độc giả không chịu tìm hiểu thực tế.
Thấy Tuyết Linh dừng đọc, sếp Danh nhếch mép cười mỉa, nói:
- Thưa nhà báo Hoàng Tuyết Linh, những gì trước mắt cô có thể coi là bằng chứng về thói ngông cuồng, tự cao tự đại của cô được chứ?
Tuyết Linh đẩy tờ báo trở lại phía sếp Danh, nói:
- Thưa sếp! Em không nghĩ ở cương vị chủ bút một tờ báo có tiếng của huyện và cũng là người lãnh đạo cao nhất của tờ báo Thức Thời, sếp lại có cách nhìn nhận về phóng viên của mình một cách phiến diện như vậy. Những gì em làm đều xuất phát từ lương tâm, chức trách nghề nghiệp, từ sự thôi thúc của thời cuộc, chứ không vì bất cứ một động cơ hay vụ lợi cá nhân nào. Và đặc biệt càng không phải có một thế lực mờ ám, hay hắc ám nào chống lưng hay xúi giục em làm chuyện đó cả. Điều em thấy lạ và nực cười cho bài báo chỉ trích em là hình như tác giả ẩn danh kia chỉ cố nhằm biện minh cho những sai trái cả về tư duy lẫn đường lối lãnh đạo của những người chủ chốt trong những xí nghiệp mà em đến thực tế và phê phán. Em có cảm tưởng khôi hài rằng: Trong xã hội ta, không ít người có ý nghĩ rằng: Tất cả những gì thuộc về hai chữ lãnh đạo đều được coi là sạch sẽ, là ưu việt, đều cao siêu và đều trở nên thần thánh, bất diệt cả. Những gì mà tác giả ẩn danh mang cái tên “Công Lý” kia nêu lên trong bài báo là hoàn toàn đi ngược lại những sự thật mà em đã nêu trong bài viết. Công Lý – một cái tên nghe rất sang trọng, nó gợi cho độc giả một hình tượng nhân cách một con người dám nghĩ, dám làm và dám chịu tránh nhiệm trước toà án lương tâm của chính mình và xã hội. Nhưng đáng tiếc, thực tế bài báo của Công Lý đã tự phản biện lại chính mình. Sếp có biết đám dân đen họ gọi những người như vậy là gì không?
- Là gì? Sếp Danh hỏi bẳn.
- Thưa sếp! Họ gọi đó là những người thích Công nhưng sợ Lý. Những Lý Thông sinh ra giữa thời bao cấp, giờ đội lốt Bao công thời hiện đại. Những Bao công như vậy sẽ chỉ biến xã hội này trở nên sâu mọt và ngày một thêm mục ruỗng. Nhưng thưa sếp, đây là chuyện riêng của em, phải, trái, trắng đen thế nào, bản thân em ý thức được và em sẵn sàng đối chất và gánh nhận trách nhiệm của mình.
Nghe Tuyết Linh nói một hồi, sếp Danh mặt tái lạnh. Vẫn hàm răng nghiến chẹo vào nhau, sếp Danh với tờ báo rồi đập mạnh lên mặt bàn, quát.
- Hoàng Tuyết Linh. Cô có biết cô đã đi quá xa rồi không? Coi thường lãnh đạo đã là điều không thể tha thứ, nhưng cô không những coi thường mà còn công kích và miệt thị cả lãnh đạo. Cô muốn tạo phản phải không? Đây này – sếp Danh dừng lời, cúi xuống kéo ngăn kéo, rút ra một tập bản thảo, ném toẹt về phía Tuyết Linh, nói.  – Cô đọc đi, rồi cô sẽ thấy mình đang làm gì? Tôi bảo cô đi lấy tin tức rồi viết một bài ca ngợi về hình tượng cao đẹp của người mẹ Việt Nam thời hậu chiến tranh. Một hành vi hết sức tế nhị, cao đẹp và nhân bản, nó có giá trị như một tấm thiệp chúc mừng thượng thọ mẹ của đồng chí chủ tịch Huyện, nhưng cô không làm, trái lại cô đi moi tin, chụp ảnh, rồi viết một bài như một cuộc tổng thanh tra những người đến dự, những quà cáp, biếu xén mà chủ tịch huyện đã nhận được trong ngày thượng thọ của bà cụ. Còn đây nữa. Sếp Danh lại kéo một tệp bản thảo khác, ném toẹt về phía Tuyết Linh. – Tôi bảo cô thay mặt tòa soạn đến chia buồn với gia đình đồng chí phó bí thư Huyện ủy về việc ông cụ thân sinh đồng chí ấy qua đời, rồi viết một bài phóng sự về tấm lòng hiếu thảo của các vị khai quốc công thần thì cô cũng lại đến đó để săm soi, ghi chép chồng chất cả một bản danh sách đầy dãy những quan khách đã đến thăm viếng đám tang ông cụ. Người Việt ta có câu: Nghĩa tử là nghĩa tận! Những hành động đầy nghĩa cử như thế nhưng dưới ngòi bút của cô đã trở thành những hành vi bợ đỡ, tâng hót, xu nịnh. Còn đây nữa. – Sếp Danh lại kéo tiếp một bản thảo khác, rằn mạnh về phía Tuyết Linh – Con chó của bí thư mặt trận tổ quốc Huyện nó có thù oán gì với cô không? Vậy mà tại sao cô cũng phải bỏ công bỏ sức ra để theo dõi, điều tra, rồi viết bài về vụ “sinh nhật cậu chó” của chủ tịch Mặt trận tổ quốc? Còn bài này nữa: Việc con trai đồng chí trưởng công an Huyện, vì vô tình bị kẻ xấu gạ gẫm, xúi bẩy chích hút heroin, rồi đua xe máy và đã vô tình đâm chết người. Việc này bên Huyện ủy và công an đã có chỉ thị rõ ràng, tại sao cô còn tự ý đi tìm hiểu rạch ròi, rồi viết bài để gửi cho báo khác? Cô giỏi nghiệp vụ điều tra như thế sao không thi vào ngành cảnh sát, hay ngành khoa học hình sự mà làm việc đi? Tại sao lại chọn nghề báo để rồi vừa chân ướt chân ráo về tòa soạn đã làm náo loạn hết cả cái huyện này lên? Nhưng cũng may mạng lưới thân tín của tôi làm việc trong những tờ báo cô gửi đăng bài đã kịp thời phản ảnh và thông báo cho tôi biết, và tôi đã có những ứng sách kịp thời. Bằng không những loạt bài này được đăng tải, cô thử hình dung tôi còn mặt mũi nào để đứng ở cái trụ sở báo này và đối diện với các anh trên Huyện nữa. Và gương mặt của một Huyện nhiều năm mang cờ xuất sắc về một „cơ chế đổi mới điển hình“ đang được tỉnh và thành phố quan tâm đã bị cô sổ toẹt trong giây phút. Sếp Danh nhìn Tuyết Linh chằm chặp một hồi, thấy cô im lặng, bèn nhếch mép cười vẻ đắc ý. – Nào, ngần ấy bằng chứng cô nhà báo đã thấy đủ để lập biên bản cắt chức và kỷ luật cô chưa, hay là tôi phải nhờ bên công an huyện giúp đỡ?
Tuyết Linh  nhìn trực diện vào sếp Danh, có lẽ ánh mắt của cô như bốc lửa khiến sếp Danh cảm thấy nhột nhạt, xen lẫn đôi chút hoảng sợ nên vội nhìn lảng đi nơi khác. Tuyết Linh nhìn sếp Danh, nói rành rọt từng chữ.
- Thứ nhất em xin nói rõ để sếp biết: Em không phải hạng người mua danh, hám lợi, cũng không phải hạng ham sống, sợ chết, không dám lãnh nhận trách nhiệm về mình. Thứ hai những điều mà sếp gọi là bằng chứng và cho đó là bằng chứng, vừa rồi, để quy kết, buộc em phải gánh nhận trách nhiệm, thực tế mới chỉ là cách nhìn phiến diện của một cá nhân chứ không phải là cái nhìn của đại chúng, của xã hội – những người luôn khát khao vươn tới sự trong sáng, công bằng và sự thật. Em đồ rằng những bài viết của em sếp chưa hề đọc qua, hoặc quá lắm cũng chỉ mới nghe người khác truyền đạt lại. Là người làm việc lâu năm trong ngành truyền thông, sếp thừa hiểu những tin tức được truyền đạt qua tai không thể lấy đó làm cơ sở pháp lý để kết luận sự việc. Em còn nhớ sếp luôn căn dặn tụi em: Nghề báo phải trung thực. Tin tức phải nhanh, nhạy, chính xác và quan trọng hơn cả nó phải có sức đánh động được nhân tâm và cảnh tỉnh được công luận?
Sếp Danh gườm gườm nhìn Tuyết Linh, nói.
- Hừ.  Giọng nói của cô dạo này cũng trở nên gang thép ra trò rồi đấy. Đúng, tôi luôn căn dặn các cô cậu điều đó, nhưng có một điều các cô cậu quên mất rằng: Trong lý còn có tình. Mà cái tình người thì không có tiền bạc nào có thể sánh bằng, đặc biệt trong xã hội ưu việt của chúng ta lại càng không thể dùng tiền để mua được. Những bài của cô quả tình tôi chưa đọc, mà tôi cũng chẳng mất công đọc nó làm gì, bởi tôi thừa biết cô sẽ viết gì trong đó. Nhưng có điều tôi muốn hỏi cô: Ngoài cái lý mà cô khúc chiết nêu ra trong những bài viết của mình, chẳng lẽ trong cô không còn mảy may một chút rung động đáng được gọi là tình người sao?
- Thưa sếp – Tuyết Linh nhổm lên định kết thúc câu chuyện nhưng nghĩ sao cô đã ghìm cơn giận để ngồi xuống, nhìn thẳng vào sếp Danh, nói tiếp. – Sếp đã quá đề cao cái chữ “tình” mất rồi. Rất có thể trong một giai đoạn lịch sử quá vãng nào đó của nước ta, chữ “tình” đã được đặt vào đúng chỗ và nó đã mang đúng ý nghĩa của nó, nhưng chữ “tình” mà sếp đang nói, hiện nay, người đời hình như đã cho nó vào sọt rác, hoặc có chăng cũng phải kèm thêm một chữ “tiền” may ra chữ “tình” mới có hiệu dụng, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế này thì tình-tiền là một cặp bài trùng, không thể thiếu nhau và luôn bổ khuyết cho nhau trong mọi sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội của nước mình.
Sếp Danh lại dang tay, đập mạnh lên mặt bàn, gầm lên.
- Cô lại lăng nhăng lải nhải những ngôn từ phản động từ đâu thế? Tại sao phải chuyển đổi cơ chế? Cô đừng có hồ đồ. Cơ chế hiện hành mà cô đang tận hưởng là cơ chế ưu việt và dân chủ gấp triệu lần các cơ chế dân chủ khác trên thế giới. Một cơ chế mà ngay cả những nước đàn anh của chúng ta trước đây cũng không làm được và tới nay vẫn còn ngơ ngác, thậm chí còn muốn sang Việt Nam để học hỏi. Vậy thì tại sao phải chuyển đổi? Cô phải thận trọng trong cách sử dụng ngôn từ của mình, bằng không cái miệng nó sẽ làm họa cái thân cô đấy.
Nhìn sếp Danh nổi giận lôi đình, Tuyết Linh thoáng nhoẻn cười, giọng tưng tửng như giữa cô và sếp đang trò chuyện tâm giao.
- Thưa sếp! Những từ ngữ mà sếp đang thuyết giảng, có chăng nó chỉ còn giá trị trên những bản báo cáo hay nghị quyết đi truyền bá tại những vùng sâu, vùng xa. Bởi thực tế, ngay cả những người vừa mới viết ra, giấy trắng, mực đen còn tươi rói đấy, nhưng nếu được hỏi, người viết cũng không dám nhận nó là tư duy, là sản phẩm của chính mình. Cái cơ chế không những sếp, mà không ít người đang dùng đủ mọi mĩ từ cao hảo nhất để tô vẽ, đang cố gắng gồng mình lên để bảo vệ nó, thực tế, tại Việt Nam, nó đã đột tử từ lâu rồi. Còn chăng chỉ là một xảo thuật từ ngữ mang tính chắp vá và môi mép mà thôi. Sếp có biết đám dân thấp cổ, bé họng nơi cơ sở họ gọi đó là gì không?
Sếp Danh hiếng mắt, nhìn Tuyết Linh, cảnh giác nói.
- Họ bảo sao? Mà tôi cảnh cáo cô cái thói lân la, gần gũi quần chúng để moi móc tin, bêu rếu nội bộ đảng đấy nhé.
Tuyết Linh đáp.
- Họ bảo đó là sự hiếp dâm từ ngữ. Em cũng muốn nhắc nhở sếp một điều: Viết báo mà không tiếp xúc với quần chúng, không thực tế cơ sở, những dòng chữ viết lên dẫu văn vẻ mười mươi chăng nữa, rốt cuộc cũng chỉ là những từ sáo rỗng.  Không, thưa sếp đó là lối làm việc của những chính khách sơ lông. Cũng vì những chính khách này mà đất nước này, dân tộc này nơi đâu cũng nhan nhản những anh hùng giả, nhân cách giả, đạo đức giả, tư tưởng giả…
- Cô im miệng ngay cho tôi. Sếp Danh nhăn đanh mặt, quát. Cô học cái thói gắp lửa đổ tay người từ bao giờ thế hả? Cô căn cứ vào đâu mà dám bảo dân tộc, đất nước tươi đẹp của chúng ta chỉ rặt toàn những sự giả dối?
Tuyết Linh nhìn sếp Danh, cười mỉa, đáp.
- Thưa sếp! Sự giả dối ấy nó đang hiện tồn ngay trước mặt chúng ta, ngay trong những ý nghĩ, lời nói, tư duy, và ngay cả trong những sinh hoạt, nó đã, đang và vẫn tiếp tục lan truyền không ngơi nghỉ trong mọi ngõ ngách trên đất nước của chúng ta. Chỉ có điều, chúng ta đã cố lẩn tránh, nói chính xác hơn: Chúng ta đã cố tình mũ ni, che mắt, rồi giả ngây, giả điếc để không thừa nhận những thứ đồ giả ấy. Tệ bại hơn không ít người trong số chúng ta còn gật gù, tán đồng và thưởng ngoạn những thứ rác rưởi ấy như những sơn hào, hải vị. Em có ý nghĩ khôi hài rằng: Không ít người trong chúng ta giống như một bầy giòi, nhặng đang chen nhau nhung nhúc để trục lợi trên một cơ thể thối rữa. Vấn nạn hơn cái hương vị thối rữa kia nó đã biến con số không ít trong chúng ta kia – những con người bằng xương, bằng thịt nhưng không còn khả năng để nhận biết mình là ai, ngoài ý nghĩ: chui, rúc để đầu cơ, trục lợi. Sếp hỏi em lý do nào phải chuyển đổi cơ chế? Vậy sếp hãy thử hình dung xem: Từ một cơ chế mọi người dân ăn-ngủ-đi-đứng-nằm-ngồi, rồi yêu đương, luyến ái… cũng làm việc theo hiệu lệnh tiếng kẻng, giờ mạnh ai người nấy làm; Từ những cánh đồng thẳng cánh cò bay, giờ cò bay cũng phải xin visa vì ruộng được chia ra làm 5-7 thậm chí vài chục mảnh; Từ hệ thống những hợp tác xã, rồi Liên hiệp các xí nghiệp èo uột, với những đồng lương ba cọc ba đồng… giờ biến thành các hãng, hiệu, cửa hàng tư nhân tự cạnh tranh, tự cung, tự cấp; Từ cung cánh lấy tinh thần tập thể làm trọng, để rồi hễ có đôi chút thành tích thì ai cũng nhào lên, xí phần đó về mình, ngược lại thì mỗi người một nẻo, rồi bất quá là đổ đồng cái lỗi ấy cho tập thể, giờ đã đồng loạt cổ phần hóa các doanh nghiệp và biến nó thành các doanh nghiệp tư nhân, trong đó vai trò chủ đạo đều do các doanh nhân tự quyền lãnh đạo, kiểm soát và được đề cao hết mức; Từ một cơ chế các đảng viên không được phép làm giàu, giờ được khuyến khích làm giàu, thậm chí có nơi còn ra nghị quyết: đảng viên không biết làm giàu là có tội với dân với nước; Từ một cơ chế mọi sinh hoạt ăn, uống, mặc, củi, lửa, mắm, muối… của người dân đều trông vào mấy cuống tem phiếu mà nhà nước ban cho, nhiều khi người dân phải dài cổ để trông ngóng hàng tháng, nay người dân mạnh ai người đó ăn, uống, thích gì người đó mặc… tất cả những điều đó chẳng lẽ không phải là sự chuyển đổi cơ chế?
- Cô còn nông cạn lắm – sếp Danh hằm hằm mặt, nói – Tại sao phải chuyển đổi cơ chế? Bộ cơ chế này cô không thích sao mà phải đổi nó? Không, cơ chế chúng ta chỉ có một và duy nhất chỉ cần có một là đủ. Đó là cơ chế đảng lãnh đạo, nhà nước làm chủ và nhân dân quản lý. Cô thử xem xem trên thế giới có nước nào mà người dân được nắm quyền quản lý không? Dĩ nhiên làm gì có. Mà người dân ở các nước Tư bản chỉ là những nô bộc làm thuê, hay những công cụ để cho những ông chủ Tư bản sai khiến và trục lợi. Những gì cô đang nói nó chính là sự dung hòa, hay nói khác đi đó là sự chuyển đổi một cách uyển chuyển và vô cùng sáng suốt theo đúng lập trường giai cấp, và nó nhằm đáp ứng lại nhu cầu tình hình thực tế quốc tế chứ không phải để phục vụ cho nhu cầu „diễn tiến hòa bình“ mà các thế lực thù địch ngoại quốc thường rêu rao và mong muốn. Mà này – Sếp Danh giơ ngón trỏ, khẽ khua khua trước mặt – tôi cảnh cáo cô nhé, đừng chuyện nọ rọ chuyện kia. Cô giỏi lý sự lắm đấy. Phải coi chừng. Cô đừng tưởng cứ cãi lý mà xong với tôi đâu. Lý của tôi phải đặt trên cái tình, thiếu cái tình thì dẫu cô có lý mười mươi tôi cũng coi là hạng giẻ rách.
- Thưa sếp – Tuyết Linh cảm thấy mặt mũi mình nóng râm ran, nhưng cô vẫn cố kìm chế để lời nói được từ tốn – Có lẽ hôm nay em xin phép được nói thẳng quan điểm và suy nghĩ của mình.
Sếp Danh trễ gọng kính, dòm Tuyết Linh với ánh mắt vừa hoài nghi vừa như thách thức.
- Tôi không nghe nhầm đấy chứ? Thế hóa ra tôi là người độc đoán đoán, chuyên quyền à? Cô đừng quên con người của tôi rất dân chủ, và tôi cũng là người luôn thích lắng nghe những ý kiến trái chiều, đặc biệt từ lớp trẻ của các cô cậu.
- Vâng, thưa sếp – Vậy thì em xin nói thẳng – Cái thứ tình mà sếp đề cập hình như nó có sự lập lờ, không minh bạch và nếu có chăng thì nó cũng đã trở thành vật vô cùng quý hiếm.
- Quý hiếm chứ sao không? Sếp Danh nhoẻn miệng cười tươi rói, đáp.
- Vâng, thưa sếp! Nhưng em e rằng sự quý hiếm ấy nó đang có nguy cơ bị tiệt chủng trong xã hội mà sếp gọi là ưu việt. Giờ em xin trở lại hình tượng bà mẹ Việt Nam thời hậu chiến tranh mà sếp giao cho em viết.
- Phải đấy! Sếp Danh ngồi ngay ngắn trước bàn, khẽ gà gật như muốn lắng nghe những điều Tuyết Linh sắp nói ra.
Tuyết Linh nói.
- Thú thực với sếp, trước khi đi thực tế em hình dung trong đầu, bà mẹ mà em được gặp sẽ là một bà cụ có gương mặt phước hậu. Nước da đồi mồi nhưng hồng hào, khỏe mạnh. Mái tóc dày, bạc phau như cước. Đôi hàm răng cũng đen tuyền như hạt nhãn. Miệng bà cụ bỏm bẻm nhai trầu, rồi xung quanh bà cụ là các con, cháu, chắt đứa quỳ, đứa đứng, chen chúc nhau mong tới lượt mình được chúc mừng thượng thọ mẹ, bà và cụ. Nhưng thực tế em nhìn thấy lại là một khung cảnh hoàn toàn quái đản, nghĩa là em không biết diễn tả tâm trạng của mình lúc ấy nên khóc hay nên cười nữa. Thưa sếp! Ở địa vị sếp, sếp sẽ viết gì khi nhìn thấy một bà mẹ 80 tuổi đầu, răng lợi cái còn, cái mất, tóc tai bạc trắng, còn lơ thơ vài cọng trên đầu, người ngợm gầy guộc, khô khẳng, xương và da nhăn nheo, xỉn  mốc. Đôi bàn tay có những ngón khô quắt đang quều quào thò ra từ khe cũi, miệng thều thào xin ăn, xin nước uống. Bà mẹ ấy đang phải sống trong một túp lều, mà không – Tuyết Linh khẽ đưa tay day day nơi sống mũi – nói cho đúng bà đã bị nhốt, bị hành hạ trong một cái cũi được ráp lại với nhau từ những tấm gỗ đã ẩm mốc, mối mọt, nơi cuối xó vườn hoang, và hàng ngày bà cụ chỉ còn biết quỳ mọp trong cái cũi đó thều thào thở, để chờ đám cháu mang cơm nước ra cho bà, rồi có đứa chẳng biết vì chúng không đủ can đảm để đến gần bà cụ, hay chúng cảm thấy tởm lợm  trước thân hình ma chẳng ra ma, người chẳng ra người của bà cụ, nên chúng đã lẳng đại bát cơm, canh trước cửa cũi như những thứ đồ bố thí, rồi để mặc cho bà cụ phải thò tay khều, bới những cọng rau, những hạt cơm rơi vãi trên nền đất rồi nhét vội vào mồm như sợ ai cướp mất…
- Này, – Sếp Danh nhổm dậy như muốn cắt ngang lời của Tuyết Linh – cô moi đâu ra những tin tức lếu láo đó thế? Làm gì có chuyện đó xảy ra trong nhà chủ tịch Huyện được?
Tuyết Linh nhìn sếp Danh, khẽ lắc đầu. – Thưa sếp! Sếp vô tình không biết hay biết mà sếp lảng tránh?
- Cô tính quy kết tôi đấy phỏng? Tôi biết thì sao mà tôi không biết thì sao? Cô giỏi thì thử đi tố cáo tôi đi, xem thiên hạ tin cô hay tin vị tổng biên tập tờ Thức Thời đức cao vọng trọng này hơn? Tôi nói thật nhé: Đó là chuyện nội bộ của gia đình đồng chí chủ tịch, mà đã là chuyện nội bộ thì chúng ta cần phải tế nhị để giải quyết nội bộ. Không phải chuyện gì cũng rung toáng chuông lên cho thiên hạ biết là hay cả đâu cô nhé. Ở cương vị đồng chí ấy tôi nghĩ đồng chí chủ tịch sẽ biết giải quyết, không cần cô phải nhúng mũi vào cho thêm to chuyện. Các cô cậu bây giờ thích trò cầm đèn chạy trước ô tô. Tôi khuyến cáo trước, phải coi chừng đấy, kẻo có ngày bánh xe lịch sử nó kẹt chết toi lúc nào không biết đâu, chứ đừng ở đó mà nói chuyện phải quấy với chính nghĩa phi nghĩa. Thôi được, giờ thì cô chuyển đề tài cho tôi nhờ, nghe những chuyện cô vừa kể nẫu hết cả ruột.
Nghe giọng khỏa lấp của sếp Danh, Tuyết Linh càng thấy sôi máu, giọng cô vẫn tỏ ra khá cương quyết.
- Thưa sếp, hình như sếp chưa cho em câu trả lời?
- Ơ hay. Cô định ra lệnh cho tôi nữa chắc? Câu trả lời của tôi là sờ-tốp đít-sờ-cút-sờ ít (stop discuss it). Cô ơn-đơ-sờ-ten? (understand)
Lần đầu tiên nghe sếp Danh quát lên bằng tiếng Anh, lại trong lúc cáu giận nên Tuyết Linh không nhịn được cười, cô che miệng, thú vị nói.
- Vâng, thưa sếp, em đã ơn-đơ-sờ-ten rồi ạ. Vậy thì em xin chuyển sang đề tài đám tang ông cụ của phó bí thư Huyện ủy vậy.
Sếp Danh cũng thoáng mỉm cười nhưng nghe Tuyết Linh nói đến vụ kế tiếp, bèn nhổm dậy, nói như quát.
- Thôi thôi, cô dẹp luôn những chuyện ấy cho tôi nhờ. Một bản cáo trạng của cô đã đủ cho tôi nhức óc, giờ còn ngồi đây để nghe cô đọc tiếp mấy bản nữa, tôi không bị thần kinh thì cũng vỡ bung đầu ra mà chết. Mà tôi cảnh cáo cô lần cuối nhé: Quan xa không bằng nha bản. Cô ăn hạt gạo hạt lúa của huyện này, cô cũng uống nước và hít thở không khí của cái huyện này vậy thì chí ít cô cũng nên hiểu cái huyện này đã cho cô một điểm tựa để cô sinh sống và làm việc. Vậy tại sao cô không nghĩ tới việc mình phải làm gì đó như một hành vi đền ơn đáp nghĩa nơi đã cưu mang mình nhỉ? Những việc cô đang làm hình như nó không thấu tình đạt lý cho lắm?
- Thưa sếp! Bốn chữ “đền ơn đáp nghĩa” sếp đặt nhầm chỗ mất rồi. Em hy vọng sếp sẽ không định hiểu rằng: “đền ơn đáp nghĩa” là những đứa con sẽ phải nhắm mắt cho qua, hay bằng lòng với sự sắp đặt, an bài của các bậc cha mẹ, và thậm chí phải nhắm mắt, xuôi tay hay phải làm ngơ trước những sai trái của cha mẹ và coi đó như một chân lý duy nhất đúng? Không, thưa sếp! Bốn chữ “đền ơn đáp nghĩa” kiểu ấy có lẽ nó chỉ phù hợp với một giai đoạn, một thời đại đã qua – thời đại mà những đứa con chỉ được coi như những sản phẩm vô tri, vô giác mà bố mẹ chúng nhiều khi đã vô ý thức tạo ra và áp đặt lên chúng đủ mọi mâu thuẫn và buộc chúng ở đâu phải yên vị đó. Còn thời đại của chúng em nó đã khác xa rồi. “đền ơn đáp nghĩa” là phải biết chỉ ra những sai trái, những ấu trĩ, hủ lậu, thô thiển… – điều mà những bậc cha mẹ cho rằng chỉ có tao mới được phép duy trì và phạm phải. Không, thưa sếp! Một gia đình mà những ông bố, bà mẹ luôn tự thưởng cho mình cái quyền được phán xét, cái quyền được phạm sai lầm ấy và coi đó là tối thượng, bất biến đó, em nghĩ chẳng chóng thì chày cái gia đình ấy cũng trở nên thối nát, mục ruỗng và băng hoại. Những lô phóng sự mà sếp đang có trong tay,  khi gửi đến các báo, em đã có sự chuẩn bị về tinh thần và đã lường trước được những hậu quả tồi tệ sẽ xảy ra cho cá nhân em, nhưng em đã hy vọng, bởi em biết nếu những tờ bản thảo này lọt được vào tay một minh quân, biết đâu nó có thể giúp trở thành một sách lược trong việc nhìn nhận, duy trì, hay làm trong sạch kỷ cương phép nước, nhưng ngược lại…
- Hoàng Tuyết Linh. – sếp Danh đập mạnh tay lên bàn, quát lớn – Tôi đã nhịn cô đủ rồi. Tôi gọi cô lên đây là để nhắc nhở, cảnh tỉnh cô đừng tiếp tục lầm đường lạc lối, chứ không phải để nghe cô dạy đời và mai mỉa. Cô có tin rằng tôi sẽ gọi bảo vệ gô cổ cô, giải lên huyện không?
Tuyết Linh cũng đỏ bừng mặt, cô đứng bật dậy, nói lớn.
- Em không trộm cắp, không đĩ điếm, không tham ô, mắc ngoặc, không hủ hóa hay phạm pháp, không làm gì trái với luân thường đạo lý, hà cớ gì bảo vệ có quyền gô cổ em chứ?
Sếp Danh cũng bật đứng dậy, sừng sộ.
- Được, vậy thì cô nhà báo Hoàng Tuyết Linh dỏng tai lên nghe nhé. Tôi, nhân danh Tổng biên tập báo Thức Thời, kiêm Bí thư chi bộ tòa soạn…
- Thưa sếp! Tuyết Linh thò tay vào túi xách, rút phắt tấm thẻ nhà báo, đặt lên bàn – Sếp không cần đọc án quyết làm gì. Đây là thẻ nhà báo, xin trả lại cho sếp.
- Cô… Sếp Danh thoáng sững người, rồi ngồi phịch xuống ghế, nhưng nghĩ sao lại vội vàng bật dậy, đi nhanh ra phía cửa. Ngó quanh quất một hồi, sếp Danh kéo nhanh cánh cửa, trở lại bàn, giọng ôn hòa.
- Cô ngồi xuống đi.
Tuyết Linh vẫn đứng nguyên giữa phòng, nói.
- Thưa sếp! Em là người vốn tôn trọng lời nói và hành động của mình. Những gì em làm được ở tòa soạn em đã làm. Những gì cần nói hôm nay em đã nói.
Sếp Danh đưa tay sục lên mái tóc rù lên sau gáy, gãi sồn sột, giọng rầu rĩ.
- Cô ngồi xuống, nghe tôi giải thích đã. Điều tôi luôn nhắc nhở cô ngay khi cô mới về, thời buổi bây giờ là kinh tế thị trường, là thời mạnh ai người đó sống. Ai cũng có niêu cơm riêng của mình. Trong niêu cơm ấy chứa những gì là chuyện riêng của mỗi người, miễn đừng ai đả động hay đạp đổ niêu cơm của họ. Không phải ngẫu nhiên có cái tên Thức Thời như nhiều cô cậu nghĩ. Cái tên của tờ báo tôi muốn nó là lời nhắc nhở cho tất cả các phóng viên của tờ báo, trong đó không loại trừ cả tôi. Tờ báo Thức Thời và cái tòa soạn này có được gương mặt và vị trí đứng vững vàng như ngày hôm nay cũng là nhờ sự uyển chuyển của các ngòi bút trong các Ban, sự thức thời của những phóng viên trong báo mà có được. Bằng không, nếu ai cũng như cô, lấy đầu ra để chọi với đá thì đến cả cái ghế khập khiễng cũng không có mà ngồi đâu cô nhà báo ạ. Những việc cô làm không phải tôi không biết. Tôi biết, cứ cho đó là động cơ trong sáng, nhưng cô nên hiểu sự trong sáng của một cá nhân thôi, trong xã hội này nó nhỏ nhoi lắm, nó giống như một ngọn nến chợt bùng lên giữa đêm khua nhưng rồi lại bị chính cái bóng đêm kia chụp cho tắt ngấm. Tôi nói toẹt ra nhé: Sự trong sáng của cô vẫn có thể bị cô lập bởi cả một tập thể thiếu trong sáng. Không, cô nhà báo ạ. Tôi sẽ không chọn sự trong sáng mà cô đang có. Cô không phải hỏi tại sao, bởi tôi sẽ có ngay câu trả lời. Đơn giản: Tôi không muốn những bữa cơm của vợ con tôi phải tiếp tục độn rau, độn khoai sắn, và tôi cũng không muốn một ngày nào đó khi tôi đang đi trên đường bỗng dưng bị xe máy tông cho gãy chân, què cẳng hay bị ô tô nghiền cho nát bấy mà không biết nguyên nhân. Phải. Tính cách mạnh bạo của cô khởi đầu tôi rất có cảm tình. Nghề báo cần phải có những đức tính ấy. Cũng chính vì cá tính mạnh bạo, cách nhìn nhận nhạy bén, lối phân tích sắc sảo của cô nên tôi đã bố trí cô vào ban Chính trị-Xã hội. Nhưng những gì cô đã và đang làm xét ra nó mất nhiều hơn được và nó có nguy cơ phá vỡ toàn bộ guồng máy tâm huyết, đang hoạt động vốn rất trôi chảy của cả tòa soạn mà tôi gây dựng bao năm. Cô là người nhìn thấy đầm lầy, rồi sao chứ? Nếu tỉnh táo một chút, cô hãy tránh xa nó đi, nhưng không, cô lại muốn chứng minh cho mọi người thấy: Đó là đầm lầy! Chưa đủ. Cô lại muốn nhảy bổ xuống đó, rồi hét toáng lên, để cảnh tỉnh mọi người ư? Cô thử nghĩ đi. Hành vi như vậy có nên không? Có thức thời không? Không. Cô nhà báo ạ! Tôi không chọn con đường mà cô đang đi, bởi nó gập ghềnh lắm, âm u lắm và mạo hiểm lắm. Tôi sẽ chọn một con đường phong quang, đầy đủ ánh sáng và tiền hô, hậu ủng để đi. Đấy là cái đích không chỉ riêng tôi, mà cả cái xã hội này ai cũng mong muốn để chụp giật bằng được đấy cô nhà báo ạ. Biết lựa thời vũ mới là tuấn kiệt. Điều này cô phải biết chứ? Mà quả tình tôi vẫn chưa thể lý giải nổi: Tại sao cô không tìm, hay tạo cho mình một vị trí nào đó trong làng báo của Huyện này? Điều mà rất nhiều cô cậu khác đã và đang làm, mà cô lại cứ thích đi chọc ngoáy vào chuyện làm ăn của người ta để làm gì? Ở cái huyện này bao nhiêu chuyện người tốt, việc tốt hình như cô không hề để ý tới, nhưng hễ chỗ nào có chuyện mang tính „tế nhị“, ngay lập tức cô đã có mặt. Sếp Danh bỗng cao giọng, đưa tay gỡ kính, xô ghế, đứng bật dậy, lách người ra ngoài rồi vừa đi đi lại lại trong phòng vừa  không ngừng chém chém tay vào không khí, miệng không ngớt tuôn ra những lời nóng nẩy:
- Cô nên nhớ cho tôi một điều: hôm nay cô tìm cách tốc áo người ta lên thì ngay lập tức ngày mai, ngày mốt người ta cũng sẽ tìm đủ mọi cách tốc ngược thân thể của cô lên. Nhưng khổ nỗi người ta đâu có biết cô là ai, cho nên trăm sự lại đổ lên đầu tôi, lên cái thằng chủ bút của tờ báo này, cô hiểu không? – Nhưng tôi thì chưa muốn chết. Cái ghế này này – Sếp Danh đưa tay đập bình bịch lên tay vịn chiếc ghế bành đang ngồi – Nó là tâm huyết cả đời tôi. Vả lại tôi mới tậu nó được vài năm nay, tôi không muốn và nhất quyết không vì những chuyện không đâu mà tôi phải mất nó, cô hiểu chứ?
Sếp Danh đưa tay gỡ cặp kính mát, ném cạch xuống mặt bàn nhưng nghĩ sao lại rút khăn mùi xoa chà đi chà lại lên hai mắt kính như muốn bóp nát những sự thật phũ phàng.
Đứng nghe sếp mắng nhiếc một cách vô cớ Tuyết Linh mặt nóng phừng phừng, tay chân cô run lên từng chặp. Cô muốn cãi vã với sếp Danh một trận cho ra nhẽ, rồi đường ai nấy đi, nhưng nghĩ sao Tuyết Linh kìm lại được. Cô hạ giọng nhưng vẫn không giấu được sự uất ức trong lòng:
- OK! Cuối cùng thì sếp đã cho em câu trả lời về cuộc triệu tập ngày hôm nay. Nếu sếp thấy những việc làm của em là tổn hại đến danh dự và mặt mũi của sếp thì kể từ giờ phút này em đã không thuộc người của Thức Thời nữa.
Nói xong, Tuyết Linh đưa tay với túi xách, tính đứng dậy ra về thì sếp Danh vội vàng đeo kính vào mắt rồi chồm dậy, miệng méo xẹo, giọng rên rỉ:
- Cô đứng lại đi! Cô đi rồi ngày mai tôi làm sao ăn nói với mọi người!
Nói xong, sếp Danh ngồi phịch lên ghế vẻ bất lực. Giọng sếp Danh bỗng trở nên tươi mát  hơn mọi ngày:
- Trời đất mấy bữa nay oi bức thế không biết! Sếp Danh quay sang Tuyết Linh, cười cười, nói:
- Phép năm của cô vẫn còn nhiều nhỉ? Cô xem tranh thủ đi nghỉ mát lấy vài tuần. Để tôi điện thoại cho thằng Tiện bên thủ quĩ, nó sẽ ứng trước cho cô một tháng lương. Thôi! – Sếp Danh vụt đứng dậy, nhoài người về phía Tuyết Linh, thò tay bắt, miệng cười méo xẹo:
- Chúc cô nghỉ phép vui vẻ!
Tuyết Linh trong lòng vẫn còn ấm ức, nhưng nhìn gương mặt sếp Danh cô thấy cũng tồi tội. Nghĩ vậy nên cô cũng miễn cưỡng chìa tay ra bắt tay sếp. Cô bỗng rùng mình khi thấy bàn tay sếp thẳng đờ, lạnh ngắt trong tay mình.
Chiếc xe tòng tọc của Tuyết Linh lại bon bon trên đường con đường làng thẳng tắp. Sóng gió đồng nội đua nhau dào dạt nô giỡn quanh cô. Đây đó hương lúa đang thời con gái tỏa ra thơm nức. Bất giác Tuyết Linh nhớ đến bài thơ của Hoàng Giang gửi mà cô đang đọc dở hồi sáng, cô lẩm nhẩm ngân nga:
Anh đợi em tự buổi tan trường
Đợi mãi, đợi hoài, đợi một mai em tỏ
Tình thắm anh trao bao mùa hoa phượng đỏ
Sao đến bây giờ em chưa tỏ tình anh?
Mặt Tuyết Linh bỗng dưng đỏ bừng khi nghĩ đến ngày mai cô đột ngột xuất hiện trước mặt anh…
© Việt Hà
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: