Thursday, January 20, 2011

NGÀY 19 THÁNG 1 TRONG SỬ SÁCH (Lê Vĩnh)


Lê Vĩnh
Cập nhật ngày: 20/01/2011

Ngày 19 tháng giêng năm nay hẳn là một ngày đáng ghi nhớ đối với một số người. Đó là ngày chấm dứt đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XI. Một số người ghi nhớ ngày này có thể vì họ vừa bị đá văng khỏi chiếc ghế quyền lực, phải ngậm ngùi ra đi. Ngược lại, một số khác ghi nhớ, và có lẽ họ sẽ mở tiệc liên hoan suốt năm, vì vừa được đảng “cơ cấu” vào bộ phận quyền lực cao nhất nước, thoả mộng “quyền và tiền” đã từng ao ước suốt cả cuộc đời.
Bên cạnh đó và quan trọng hơn, ngày này khai sinh một thành phần nhân sự lãnh đạo đất nước mới với toàn những khuôn mặt cũ, mà nổi bật trong họ là sự ngoan ngoãn đối với Bắc Kinh và hà khắc đối với nhân dân. Chính đặc tính này đã khiến người dân Việt Nam thấy hơn bao giờ hết, hiểm họa mất dần đất nước vào tay Bắc Kinh càng hiển hiện và cận kề hơn.

Từ nhận thức đó, đối với người Việt Nam thì một ngày 19 tháng giêng khác mới là ngày đáng ghi nhớ. Đó là ngày giỗ trận Hoàng Sa, kỷ niệm trận hải chiến hào hùng của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hoà 37 năm trước trong quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của cha ông để lại. Dù rằng sau trận chiến không cân xứng đó, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Cộng chiếm giữ.

Nhân tưởng niệm ngày Giỗ Trận Hoàng Sa, 19/1/1974, hãy cùng ôn lại về trận chiến lịch sử đó.

Lược thuật những diễn tiến chính của trận Hoàng sa

Ngày 16 /1/1974 Tuần Dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 phát hiện một toán quân Trung Cộng treo cờ Trung Cộng trên đảo Cam Tuyền (còn gọi là đảo Robert). Toán quân này được hai chiến hạm trung Cộng mang số 389 và 396 cùng 2 trục lôi hạm mang dố 402 và 407 yểm trợ.

Ngày hôm sau, 17/1/1974, 30 chiến sĩ hải kích Việt Nam Cộng Hoà đổ bộ đảo Cam Tuyền, gỡ bỏ cờ và phá huỷ những dấu tích nguỵ tạo của Trung Cộng trên đảo. Cùng ngày này, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4 đến tăng cường cho HQ 16. Phía Trung Cộng cũng có thêm hai hộ tống hạm mang số 271 và 274 đến tăng cường.

Ngày 18/1/1974, Hộ Tống Hạm Trần Bình Trọng HQ5 nhập vùng, sau đó là Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10. HQ 10 chỉ còn một máy khiển dụng nên vận chuyển rất khó khăn và chậm chạp.

Sáng ngày 19/1/1974, hải kích VNCH trên HQ5 đổ bộ lên đảo Quang Hoà (Ducan), ngay lập tức bị lực lượng Trung Cộng đông hơn nhiều lần trong các công sự phòng thủ kiên cố trên đảo nghênh cản dữ dội, làm cho 3 người bị tử thương và hai người khác bị thương. Vì bất lợi, các chiến sĩ VNCH phải rút lui.
Đến 10 giờ 24 phút HQ16 và HQ10 khai hoả vào tàu Trung Cộng. HQ4 và HQ5 cũng khai hoả liền sau đó. Với tương quan lực lượng phiá VNCH 4 chiến hạm (trong đó HQ10 chỉ khiển dụng cầm chừng), đối diện với ít nhất là 8 tàu Trung Cộng (có tài liệu cho rằng lực lượng tham chiến của Trung Cộng lên đến 12 chiến hạm). Trận chiến chỉ kéo dài khoảng 40 phút.

Kết quả là cả hai bên đều bị thiệt hại nặng. Theo sự chứng kiến tại chỗ thì về phía Trung Cộng, Hộ Tống Hạm mang số 271 bốc khói mù mịt rồi bị chìm, một chiếc khác mang số 396 bị trúng đạn nặng phải ủi bãi để không bị chìm. Hai tàu mang số 274 và 389 cũng bị bắn tê liệt. Khi thấy tàu địch bị trúng đạn ngay trong đợt khai hoả đầu tiên, các chiến sĩ Việt Nam đã không hẹn mà cùng hát vang bản « Việt Nam! Việt Nam! » giữa âm thanh chát chúa của lửa đạn. Dù rằng Trung Cộng không công bố thiệt hại của họ, nhưng các nguồn tin độc lập của tây phương sau đó xác định những sự kiện vừa nêu là chính xác. Có lẽ vì vậy mà dù các chiến hạm VNCH đều bị thương tích nặng nề, phải tút lui, nhưng phía Trung Cộng cũng không đủ sức để truy kích.

Về phía Việt Nam, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 bị trúng đạn nặng ngay sau khi khai chiến, khiến máy duy nhất còn lại bị bất khiển dụng luôn. Không vận chuyển được, HQ10 là một đích nhắm dễ dàng cho hoả lực của địch. Thuỷ thủ đoàn được lệnh phải bỏ tàu. Hạm trưởng là Hải Quân Thiếu tá Nguỵ Văn Thà ở lại chết theo tàu. Hạm phó, Hải Quân Đại Uý Nguyễn Thành Trí bị thương nặng và tử thương sau đó. Trong lúc hỗn chiến, HQ16 bị một quả đạn 127 ly của chiến hạm ta bắn lầm vào hầm máy. Tuy quả đạn không nổ, nhưng chiến hạm bị nước vào làm nghiêng 15 độ, phải rút lui về phía tây. Hai chến hạm còn lại, HQ4 và HQ5 cũng bị trúng đạn địch nặng nề. Cùng lúc đó thì các chiến hạm VNCH phát hiện hai chiến hạm săn tàu ngầm (loại Hải Nam) mang số 281 và 282 của Trung Cộng đến tăng viện (tin này sau đó được Trung Cộng xác nhận) cũng như có dấu hiệu các phi tiễn đĩnh Kroma của Trung Cộng xuất hiện, vì vậy các chiến hạm VNCH đều buộc phải triệt thoái. Những cuộc điều tra sau này cho thấy, chiến hạm VNCH ít bị trúng đạn nhất cũng bị trên 800 vết đạn. Các chiến hạm khác đều bị trên 1200 vết đạn.

Về nhân sự, phía VNCH có 58 chiến sĩ hy sinh. Phía Trung Cộng xác nhận họ có 16 người bị tử thương, nhưng người ta tin rằng con số thương vong của Trung Cộng cao hơn nhiều. Một số tài liệu cho biết, toàn bộ bộ chỉ huy mặt trận của Trung Cộng gồm một số đề đốc (cấp tướng hải quân) và nhiều sĩ quan cấp tá bị tử thương.

Ngày hôm sau, 20/1/1974, Trung Cộng cho máy bay từ căn cứ Hải nam đến oanh tạc 3 đảo của quần đảo Hoàng Sa, sau đó cho quân đổ bộ chiếm đảo. Bắt giữ trung đội địa phương quân Việt Nam phòng thủ trên đảo.

Theo dõi trận chiến ở Trung Tâm Hành Quân Hải Quân qua những liên lạc vô tuyến của các chiến hạm ngoài mặt trận người ta nhận thấy một điểm rất bất lợi cho các chiến hạm VNCH là: các khẩu hải pháo lớn 72 ly, 127 ly (3 inch, 5 inch) đều bị hư hỏng hoặc bất khiển dụng rất sớm, có lẽ do ảnh hưởng của việc cắt giảm viện trợ nặng nề nên các cơ phận bảo trì bị thiếu thốn hoặc hư hỏng không được thay thế thích hợp. Vì vậy chỉ còn các hải pháo 40 ly và 20 ly bắn liên thanh khiển dụng một cách giới hạn. Các hải pháo trên tàu lại chỉ xoay chuyển được trong một góc độ nào đó (để không bắn vào đài chỉ huy) nên có nhiều lúc nguyên cả một phần của chiến hạm phơi mình hứng đạn địch mà không còn vũ khí khiển dụng ở phía đó đánh trả.

Bên cạnh đó, những tin tức về lực lượng địch do Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ thông báo cũng tạo ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Trước khi xẩy ra trận chiến 3 ngày, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ gửi cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH một công điện cho biết, có một hạm đội Trung Cộng gồm 41 chiến hạm, trong đó có hai tàu ngầm, đang tiến về Hoàng Sa. Ngoài ra, trong khi đang diễn ra trận chiến, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ cũng thông báo cho Hải Quân Việt Nam biết ra đa không thám của họ phát hiện các phản lực cơ chiến đấu MIG của Trung Cộng cất cánh từ Hải Nam đang bay ra Hoàng Sa. Phía Việt Nam yêu cầu Đệ Thất Hạm Đội Mỹ giúp đỡ, nhưng yêu cầu này không được đáp ứng. Dường như cả hai công điện vừa kể của hạm đội 7 đều không được thông báo cho lực lượng hành quân ngoài vùng biển Hoàng Sa biết.

Toàn thể quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm giữ sau trận Hoàng Sa năm 1974. Để tạo lập căn cứ pháp lý cho việc giành lại chủ quyền sau này, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà sau đó đã quyết liệt tranh đấu và tố cáo hành động xâm lược của Trung Cộng trên nhiều diễn đàn quốc tế, trong khi đó thì nhà nước CSVN đã hoàn toàn im lặng về việc này. Thái độ như vậy của nhà nước Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn không có gì là khó hiểu nếu người ta biết rằng, trong công hàm đề ngày 14/9/1958, do nguyên thủ tướng Cộng Sản Việt Nam là ông Phạm Văn Đồng ký gửi thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng, để trả lời bản công bố của Trung Cộng với nội dung khẳng định Hoàng Sa Trường Sa là của nước này được đưa ra trước đó 10 ngày. Với tư cách là đại diện của nhà nước CSVN, ông Phạm văn Đồng đã hoàn toàn tán thành những khẳng định của Trung Cộng về chủ quyền của nước này trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Không những thế, cơ quan ngôn luận đảng bộ Cộng Sản VN ở thành phố Sài Gòn là tờ Sài Gòn Giải Phóng, trong một số ra vào tháng 5/1976, khi bình luận về bản công hàm ngày 14/9/1958 vừa nêu đã viết như sau: "Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là đồng chí mà còn là người THẦY tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy, chủ quyền Hoàng Sa hay Trường Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi. Khi nào muốn lấy lại thì Trung Quốc sẵn sàng giao trả..."

Một số người bênh vực nhà nước CSVN và ông Phạm văn Đồng, do không biết trọn vẹn vấn đề, cũng như không biết công bố ngày 4/9/1958 của Trung Cộng, nên vẫn thường bào chữa rằng, công hàm ngày 14/8 của ông Phạm văn Đồng chỉ công nhận lời tuyên bố hải phận 12 hải lý của Trung Cộng nên không có gì là sai trái....

Trong một tài liệu biên soạn khá công phu nhan đề «Chủ quyền trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa – Trường Sa», do ông Lưu văn Lợi, nguyên là trưởng ban biên giới của nhà nước CSVN từ năm 1978 đến năm 1989 sửa chữa, và được nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia ở Hà Nội phát hành năm 1998, và được trích dẫn một số đoạn liên quan ở phía dưới bài viết này cho thấy, tuy ông Lưu Văn Lợi là một quan chức ngang hàng cấp bộ trưởng trong chính phủ CSVN, nhưng khi hiệu đính tài liệu, ông cũng không chối cãi bằng chứng rành rành về tội bán nước của CSVN qua bức công hàm Phạm văn Đồng.

                                                        *****

Ngày 19 tháng giêng năm nay, đảng CSVN vừa chấm dứt đại hội kỳ thứ XI của họ với một thành phần lãnh đạo thần phục Trung Quốc dẫn đầu là Nguyễn Phú Trọng. Với thành phần lãnh đạo này, chắc chắn họ sẽ tiếp tục để nguyên trạng vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, tức là vẫn thừa nhận 2 quần đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, tập thể những đảng viên yêu nước, đặc biệt những người đã nhìn đồng đội của mình hy sinh bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, hẳn sẽ không thể ngồi yên nhìn giới lãnh đạo đảng khiếp nhược, mặc nhiên thừa nhận sự dâng nhượng lãnh thổ lãnh hải cho ngoại bang.

Đã có nhiều người trong lòng đảng CSVN lên tiếng, và bày tỏ sự cảm phục của họ đối với những hy sinh của các chiến sĩ Hải Quân VNCH trong sứ mạng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Người ta hy vọng rằng, rồi đây tập thể đảng viên yêu nước trong đảng CSVN sẽ cùng lên tiếng vì đất nước, cùng đòi hỏi lãnh đạo Đảng phải chính thức vô hiệu hóa công hàm Phạm văn Đồng.

Đối với nhân dân Việt Nam, ngày 19 tháng giêng năm 1974 là một ngày khắc sâu trong tâm khảm mọi người. Đó là ngày mà truyền thống kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của tổ tiên Việt Nam một lần nữa đã được các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà thể hiện trong trận hải chiến chống quân xâm lược Trung Cộng. Chắc chắn dân tộc Việt nam sẽ mãi mãi tôn vinh sự hy sinh của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến này; cũng như lịch sử Việt Nam sẽ ghi khắc tên tuổi mọi con dân Việt đã bỏ mình bảo vệ đất nước chống ngoại xâm.

Lê Vĩnh
Ngày 19/1/2011

***

Phần trích dẫn tài liệu “Chủ quyền trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa – Trường Sa » (nguồn http://basam.info/ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n-hs-ts/  )

CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO
HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
(SÁCH THAM KHẢO)
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Hà Nội – 1998

Người dịch: Nguyễn Hồng Thao
Hiệu đính: Lưu Văn Lợi
Lê Minh Nghĩa

(Tham gia đánh máy-đưa lên mạng: các thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông: Hoa Phạm, Thảo Uyên, Thanh Tú, Nguyễn Duy Hiếu, Việt Phương, Pikachu, Khôi Nguyễn, Ngọc Thu, Thùy Minh Nguyễn, Lê Hồng Thuận, Lê Trung Bảo, Trần Hoài Vũ, Phan Tuấn Quốc)

Ngày 4-9-1958, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra một bản tuyên bố xác định bề rộng của lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lý.
Bản tuyên bố nói rõ điều khoản này được áp dụng cho các quần đảo.
Bản tin này được công bố ngày 6-9-1958 trên báo Nhân Dân, cơ quan của Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam. Nó không bị tranh cãi.

Ngày 14-9 cùng năm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong một công hàm gửi Thủ tướng Trung Quốc đã khẳng định: “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thưởng bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó”.

- Ngày 9-5-1965, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa khi phản ứng lại quy định của Chính phủ Mỹ về “Khu vực tác chiến”của lực lượng vũ trang Mỹ tại Việt Nam, có thể đã tuyên bố: “Tổng thống Mỹ Giônxơn đã ấn định toàn bộ nước Việt Nam và các vùng kế cận rộng khoảng 100 dặm từ bờ biển Việt Nam trở ra và một bộ phận của vùng biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở quần đảo Tây Sa là khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ”(nguồn tin của Trung Quốc).

- Ngày 13-9-1969, Báo Nhân Dân của Việt Nam có lẽ đã đăng tin sau: “Ngày 10-5, một máy bay quân sự Mỹ đã xâm phạm vùng trời Trung Quốc, trên đảo Vĩnh Hưng và đảo Đông thuộc quần đảo Tây Sa tỉnh Quảng Đông Trung Quốc” (nguồn tin của Trung Quốc).

- Ngày 11-7-1971, Tổng thống Philippin cho biết quân đội Trung hoa dân quốc đã chiếm đóng và củng cố đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) nhưng ông lại không bày tỏ bất cứ yêu sách nào của Philippin về quần đảo này mặc dù quân lính Philippin đã chiếm đóng trên một số đảo nhỏ. Một thông cáo ngày 13-7 cho thấy đang tiếp diễn các cuộc đối thoại giữa Đài Loan và Philippin về vấn đề quần đảo này. Cũng trong ngày đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sài Gòn, Ông Trần Văn Lắm, có mặt ở Manila, nhắc lại yêu sách của Việt Nam và các danh nghĩa làm cơ sở cho yêu sách đó.

Ngày 16-7 cùng năm, Tân Hoa Xã lên án Philippin chiếm đóng một số đảo của quần đảo Trường Sa và khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo này.

- 1973, Trong khi Hội nghị quốc tế Paris đang diễn ra vào tháng 3-1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền Nam Việt Nam, trong ngày 6-9, đã sửa đổi việc sáp nhập hành chính Trường Sa (từ đây thành một bộ phận của tỉnh Phước Tuy) (Nghị định ngày 6-9-1973 sáp nhập các đảo trên quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy – ND)

- Ngày 11-1-1974, Bắc Kinh tuyên bố đó là một việc lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc và khẳng định lại các yêu sách của Trung Quốc về hai quần đảo.

Ngày 15-1, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho quân đội đổ bộ lên các đảo phía Tây Hoàng Sa cụm Nguyệt Thiềm (Crescent) mà từ trước vẫn do Việt Nam chiếm đóng, và trong những ngày tiếp theo họ hỗ trợ hành động trên bằng một cuộc triển khai hải quân mạnh mẽ.

Ngày 18-1, Đại sứ Đài Loan tại Sài Gòn bằng công hàm ngoại giao đã khẳng định lại yêu sách của Trung Hoa Dân quốc.

Ngày 19-1 và 20-1, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bắn phá các đảo và cho quân đổ bộ lên sau các trận đánh ác liệt chống lại lực lượng Việt Nam.

Quan sát viên của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an xem xét vấn đề này.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam công bố lập trường của mình cho rằng trước sự phức tạp của vấn đề, cần phải xem xét nó trên cơ sở những nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và quan hệ láng giềng tốt và giải quyết tranh chấp bằng con đường thương lượng.

Lầu Năm Góc, được chính quyền Nam Việt Nam yêu cầu can thiệp, quyết định đứng ngoài cuộc xung đột.

Qua thông điệp ngoại giao được gửi đến tất cả các nước ký các Hiệp định Paris ngày 2-3-1973, chính quyền Nam Việt Nam nhắc lại sự đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được công nhận. Chính quyền Nam Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an họp một phiên đặc biệt.

Ngày 2-7, đoàn đại biểu của Nam Việt Nam ra tuyên bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển nhằm khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo.
Chính quyền Sài Gòn quyết định tăng cường phòng thủ các đảo ở quần đảo Trường Sa, điều đó đã làm cho phía Philippin phản đối.

Ngày 5, 6-5-1975 – Hải quân nhân dân Việt Nam giành lại quyền kiểm soát các đảo ở quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn.

...........

b) Các biểu thị ý đồ của Việt Nam
Trong những năm chiến tranh này, nước Việt Nam bị chia cắt đã phát biểu những lời dường như mâu thuẫn nhau.
Chính phủ Nam Việt Nam không bao giờ từ bỏ một ý định rõ ràng và hoàn toàn khẳng định duy trì các quyền chủ quyền của họ đối với hai quần đảo.
Có nhiều nghị định về quản lý các đảo và việc sáp nhập chúng vào tổ chức lãnh thổ Việt Nam. Một nghị định về quần đảo Hoàng Sa được ký ngày 13-7-1961 (thành lập đơn vị hành chính Định Hải), một nghị định khác ngày 21-10-1969 gộp xã đó với xã Hoa Long.
Các đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy ngày 22-10-1956. Nghị định của Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ Nam Việt Nam ký ngày 6-9-1973 lại sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Song song với việc này, chính quyền Sài Gòn nhiều lần phản đối các hành động của Trung Quốc, Nhật báo Viễn Đông ngày 4-6-1956 nói đến một phản kháng của Tổng trưởng Ngoại giao Việt Nam chống lại một lời tuyên bố ngày 29-5 cùng năm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên quan đến các đảo.
Ngày 20-4-1971, một lời phản kháng khác được nêu ra đối với Malaysia và nhân dịp đó Bộ Ngoại giao Nam Việt Nam khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.
Cuối cùng, tháng Giêng năm 1974, sau khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, Chính phủ Nam Việt Nam đã đưa lời phản đối lên Liên hợp quốc, công bố sách trắng về cá quần đảo và lên án mạnh mẽ chống lại các hành động bất hợp pháp của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Và chính quyền Sài Gòn đã sử dụng diễn đàn tại khoá họp thứ hai của Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật biển tại Caracas tháng 6-1974 để khẳng định lại các quyền của mình đối với hai quần đảo.
Người ta có thể dừng lại ở đây để nói rằng các yếu tố đó đủ để chứng tỏ việc duy trì một ý định về chủ quyền của Việt Nam. Việc phân chia lãnh thổ ở vĩ tuyến 17 đã đặt hai quần đảo vào lãnh thổ Nam Việt Nam. Như vậy, chính quyền Sài Gòn và chỉ chính quyền này được phát biểu về vấn đề các đảo và họ đã làm việc đó. Họ đã làm việc đó với tư cách là người thừa kế các quyền của nước Việt Nam trong giai đoạn tiền thuộc địa.
Nhưng, vì người Trung Quốc sử dụng thái độ của các Chính phủ Việt Nam khác làm luận cứ nên thái độ đó phải được xem xét cẩn thận.
Trong năm 1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã tỏ rõ lập trường công nhận sự tồn tại tranh chấp, và nhắc lại rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc” và kêu gọi đối thoại [208]. Như vậy, hai chính phủ khẳng định mình là đại diện cho Nam Việt Nam (được trao quyền về mặt quản lý lãnh thổ hai quần đảo) đã có chung một thái độ trên điểm này. Báo chí phương Tây trình bày các sự việc một cách khác nhau vì một bài trên báo Le Monde (Thế giới) các ngày 27 và ngày 28-0-1974 viết “ở Paris, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị La Cell St-Cloud đã bác bỏ đề nghị của Sài Gòn ra một nghị quyết chung lên án việc Trung Quốc dung vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, vì theo ông loại tranh chấp này phải được giải quyết bằng thương lượng”.
Thật ra sự bất đồng là ở phương pháp hơn là nội dung, Chính phủ Cách mạng lâm thời ở vị thế khó lên án Trung Quốc, vì lúc đó là đồng minh chính trị của họ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Còn lại là trường hợp Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Trung Quốc lập luận rằng đã có sự từ bỏ từ phía Việt Nam Dân chủ cộng hoà và họ đưa ra ba sự kiện [209].
Ngày 15-6-1956, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ cộng hoà trong buổi tiếp đại diện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam, có thể đã khẳng định “Theo các tư liệu mà bên Việt Nam có, các đảo Tây Sa và các đảo Nam Sa, căn cứ vào lịch sử, là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”. Câu chuyện có được xác nhận không? Đó chỉ là lời nói miệng hay đã có một biên bản?
Các câu hỏi này không có trả lời, thì không thể thấy trong tuyên bố này một tuyên bố lập trường có giá trị pháp lý.
Trung Quốc cũng dựa vào một tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ngày 9-5-1965 liên quan tới khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ.
Bắc Việt Nam có lẽ đã tố cáo rằng khu vực này liên quan đến “một phần hải phận Trung Quốc tiếp giáp với các đảo Tây Sa của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa[210].
Cuối cùng, Trung Quốc nói đến một tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ngày 14-9-1958. Trước đó, ngày 4-9-1958, Trung Quốc đã công bố việc mở rộng lãnh hải của mình ra 12 hải lý. Trong bản công bố đã nói rõ rằng việc này liên quan đến Trung Quốc lục địa và tất cả các đảo thuộc về Trung Quốc, trong số đó có nêu cụ thể các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng nói như sau: “Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành lời tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định đó, và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.
Tình thế còn nghiêm trọng thêm do các bài in trên báo Nhân dân năm 1969 và 1970 nói tới vùng trời của Trung Quốc “phía trên các đảo Tây Sa”.
Có hai dữ kiện cần tính đến để đánh giá các sự kiện đó: nội dung chính xác của thái độ của Bắc Việt Nam và vị trí của Bắc Việt Nam trong các bên có liên quan.
Tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ có một nghĩa hẹp, đúng vậy, là công nhận bề rộng lãnh hải của Trung Quốc. Do vậy, thật không đúng khi lập luận rằng Việt Nam có lẽ đã “khẳng định lại sự công nhận của họ đối với yêu sách của Trung Quốc” đối với các quần đảo [211]. Tuy nhiên sự im lặng của ông trước lời khẳng định chủ quyền Trung Quốc đối với các đảo có thể bị giải thích như một sự đồng ý, và điều đó lại được củng cố thêm do lời tuyên bố liên quan tới các khu vực chiến đấu và các bài đăng trên báo Nhân dân.

Bản scan :

Tuyên Bố của Chính Phủ Congoj Hòa Nhân Dân Trung Hoa
Công bố ngày 4/9/1958 của trung Quốc

Công Hàm của Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Công Hòa
Do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958

Báo Nhân Dân ngày 24/9/1958 đang tải công hàm Phạm Văn Đồng
.
.
.

No comments: