Nguồn: Richard McGregor, Foreign Policy Số tháng 1/2, 2011
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Thu, 01/06/2011 - 13:47
"Cộng Sản Trung Quốc Chỉ Trên Danh Nghĩa Mà Thôi."
Sai. Nếu Vladimir Lenin được đầu thai vào thế kỷ 21 tại Bắc Kinh và có thể ngoảnh mặt ra khỏi những toà nhà chọc trời hào nhoáng và sức tiêu thụ lộ liễu, ông sẽ nhận ra ngay Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trị vì là một phiên bản của hệ thống mà ông đã thiết kế gần một thế kỷ trước cho những người chiến thắng cuộc Cách mạng Bolshevik. Ta chỉ cần nhìn vào cơ cấu của đảng để thấy tính cộng sản - Leninist - trong hệ thống chính trị của Trung Quốc vẫn còn giữ nguyên.
Đúng là Trung Quốc đã đào thải cốt lõi của hệ thống kinh tế cộng sản từ lâu, thay thế chế độ kế hoạch tập trung cứng nhắc bằng những doanh nghiệp nhà nước có đầu óc kinh doanh đồng hành với lĩnh vực tư nhân hoạt bát. Nhưng với tất cả những giải phóng kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vẫn cẩn trọng kiểm soát đỉnh cao quyền lực chính trị qua sự nắm chặt của đảng về ba phương diện: nhân sự, tuyên truyền, và Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Quân đội Giải phóng Nhân dân là đội quân của Đảng, không phải của đất nước. Không như ở phương Tây, nơi những điều tranh cãi thường nổ ra về tiềm năng chính trị hoá của quân đội, nhưng ở Trung Quốc đảng thường xuyên cảnh giác với hiện tượng đối nghịch, đó là việc phi chính trị hoá quân đội. Mối lo sợ của họ thì rất rõ ràng: sự mất kiểm soát của đảng đối với giới tướng lĩnh và binh lính. Năm 1989, một vị tướng cao cấp đã từ chối đưa quân vào Bắc Kinh để dẹp sạch giới sinh viên ra khỏi quảng trường Thiên An Môn, một sự kiện đến nay vẫn khắc sâu trong trí nhớ chung của giới cầm quyền. Nói cho cùng, việc quân đội đàn áp những người biểu tình đã giúp chính quyền giữ nguyên quyền lực năm 1989, và các nhà lãnh đạo từ đó đã ra sức giữ giới tướng lĩnh về phía mình trong trường hợp phải cần đến họ để dập tắt những cuộc phải đối trong tương lai.
Giống như ở Liên Xô, đảng kiểm soát giới truyền thông qua Bộ Tuyên truyền, chuyên đưa ra những chỉ thị hàng ngày cho ngành truyền thông, cả trên văn bản chính thức , email hoặc tin nhắn, lẫn không chính thức qua đường điện thoại. Các chỉ thị thường liệt kê chi tiết về loại tin tức nào mà đảng cho là nhạy cảm -- ví dụ như việc tặng giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba -- cần nên xử lý ra sao hoặc liệu có nên đăng tải hay không.
Có lẽ điều quan trọng nhất là đảng ra lệnh cho tất cả các nhân viên cao cấp được chỉ định trong các bộ chính phủ, các công ty, trường đại học và truyền thông qua một cơ quan mờ ám và ít được biết đến là Bộ Tổ chức. Qua bộ này, đảng kiểm soát hầu như mọi chức vụ quan trọng trong mọi lĩnh vực trong nước. Rõ ràng, người Trung Quốc đã nhớ chỉ thị của Lenin rằng các cán bộ khung quyết định mọi thứ.
Thật vậy, nếu ta theo dõi Đảng Cộng sản dựa trên bảng đối chiếu của Robert Service, nhà sử học kỳ cựu về Liên Xô, sự tương đồng thật rõ ràng. Giống như chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ hoàng kim ở bất cứ nơi đâu, đảng Cộng sản Trung Quốc đã xóa bỏ và loại trừ các đối thủ chính trị, triệt tiêu quyền tự quyết của toà án và truyền thông, cấm đoán tôn giáo và xã hội dân sự, bôi nhọ những hình thức quốc gia khác, tập trung quyền lực chính trị, thiết lập mạng lưới an ninh rộng khắp và đưa những người chống đối đi cưỡng bức lao động. Bởi thế mà tại sao hệ thống của Trung Quốc còn thường được gọi là chủ nghĩa "thị trường - Leninist."
"Đảng Kiểm Soát Mọi Khía Cạnh Đời Sống Ở Trung Quốc."
Không còn nữa. Rõ ràng là Trung Quốc từng là một quốc gia độc tài dưới thời Mao Trạch Đông trị vì từ 1949 cho đến khi ông qua đời vào năm 1976. Trong thời kỳ tồi tệ ấy, những công nhân bình thường không chỉ phải xin phép cấp trên để được lập gia đình mà còn phải xin phép để được sống chung với người phối ngẫu. Ngay cả thời điểm chính xác để bắt đầu có con cũng phải dựa trên sự chấp thuận từ cấp trên.
Kể từ thời ấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận ra rằng sự can thiệp quá mức vào đời sống riêng tư của người dân là một cản trở cho việc xây dựng một nền chính trị hiện đại. Dưới quá trình đổi mới do Đặng Tiểu Bình phát động vào cuối những năm 1970s, đảng đã dần tách mình ra khỏi đời sống riêng tư của mọi người ngoại trừ những kẻ bất đồng ngoan cố nhất. Việc từ bỏ hệ thống quản lý từ khi sinh ra đến khi chết đi về công ăn việc làm, y tế và những dịch vụ xã hội khác trong những năm 1980s và 1990s cũng đã xoá bỏ một hệ thống quản lý phức tạp tập trung vào các tổ dân phố, vốn dùng để theo dõi thường dân bên cạnh những chức năng khác.
Đảng đã gặt hái được nhiều lợi tức từ sự thay đổi này, ngay cả phần đông giới trẻ thời nay đã không biết nhiều về đảng đang làm gì và cho rằng nó không quan trọng trong đời sống của họ. Điều này hoàn toàn hợp với giới lãnh đạo đảng. Dù sao, những người dân thường không được khuyến khích quan tâm đến những hoạt động nội bộ của đảng. Các cơ quan đầy quyền lực như Bộ Tổ chức và Bộ Tuyên truyền không có bảng hiệu bên ngoài văn phòng của mình. Họ không công khai số điện thoại. Hình ảnh mờ nhạt của họ là một tính toán chiến lược đầy thông minh, giữ những hoạt động hàng ngày của họ nằm ngoài sự quan sát của quần chúng để cho đảng nhận lãnh hoàn toàn công lao giúp cho nền kinh tế của đất nước tăng trưởng nhanh chóng. Đây là cách thức hoạt động chế độ thoả thuận quyền lợi ở Trung Quốc: đảng cho phép công dân có nhiều tự do để nâng cao đời sống của mình, miễn là họ tránh xa chính trị.
"Mạng Internet Sẽ Lật Đổ Đảng"
Không. Một thập niên trước, Bill Clinton từng có một phát biểu nổi tiếng rằng những nỗ lực của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm kiểm soát mạng Internet là tuyệt vọng, giống như "đóng đinh mẩu sương sa lên tường". Hoá ra vị cựu tổng thống đã nhận định đúng, những không như cách ông nghĩ. Hoàn toàn không giống như một bộ phận truyền tải những giá trị dân chủ của phương Tây, mạng Internet ở Trung Quốc phần lớn đã làm điều ngược lại. Bức "Vạn Lý Tường Lửa" rất có hiệu quả trong việc ngăn cản hoặc ít nhất là lọc bớt những tư tưởng Tây phương. Tuy nhiên, đằng sau bức tường lửa, những công dân mạng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lại được tự do hơn.
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn che đậy trên mình mảnh vải dân tộc chủ nghĩa để giữ vững sự hậu thuẫn rộng rãi và phát triển câu chuyện đầy sức mạnh về việc Trung Quốc từng bị phương Tây làm nhục trong lịch sử. Thậm chí những đề xuất đầu tư ngoại quốc bình thường đôi khi cũng bị so sánh như là "Tám Đội quân Đồng minh" đã xâm lược và chiếm đóng Bắc Kinh vào năm 1900. Như khi những quan điểm này nổi lên trên mạng, chính quyền thường khéo léo quản lý để đưa chúng vào mục đích riêng của mình, như Bắc Kinh từng dùng cơn giận bài Nhật trên mạng để gây áp lực với Tokyo sau khi viên thuyền trưởng chiếc tàu đánh các bị bắt giữ trên vùng biển Nhật. Những chiến thuật hà hiếp có thể không giúp cho hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài nhưng chúng đã giúp củng cố sự ủng hộ đảng bên trong nước, vốn được giới truyền thông nhà nước miêu tả như là dám đối đầu với quyền lực ngoại quốc.
Qua Bộ Tuyên truyền, đảng sử dụng nhiều chiến thuật sáng tạo để bảo đảm tiếng nói của mình thống lĩnh mạng Internet. Không những từng địa phương đều có một lực lượng cảnh sát được đào tạo đặc biệt để theo dõi mạng để kềm chế những phong trào phản kháng từ quần chúng, bộ này còn quản lý một hệ thống trong đó trả một món tiền nhỏ cho các công dân mạng nào đăng tải những ý kiến ủng hộ chính quyền trên các trang thông tin hoặc các nhóm thảo luận. Hơn nữa, hệ thống trang chủ quốc gia đang thống lĩnh biết rằng các kiểu mẫu kinh doanh đầy lợi nhuận của họ dựa trên việc loại bỏ những nội dung chống đối khỏi trang của mình. Nếu họ liên tục xem thường luật lệ, đơn giản là họ có thể bị đóng cửa.
"Những Quốc Gia Khác Muốn Đi Theo Kiểu Mẫu Trung Quốc."
Chúc may mắn. Đương nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển đang ganh tị với sự đi lên của Trung Quốc. Chẳng một nước nghèo nào lại không muốn một tỉ lệ tăng trưởng hằng năm ở mức 10% trong cả ba thập niên. Và kẻ độc tài nào lại chẳng muốn tỉ lệ tăng trưởng 10% và một sự bảo đảm rằng ông hoặc bà ta tiếp tục nắm giữ quyền lực trong một thời gian dài. Rõ ràng là Trung Quốc có một bài học quan trọng để dạy cho những quốc gia khác về việc quản lý phát triển, từ việc chấn chỉnh công cuộc đổi mới bằng cách thử nghiệm chúng trên những khu vực khác nhau của đất nước để quản lý việc đô thị hoá để các thành phố lớn không bị tràn ngập bởi những khu nghèo khổ xập xệ.
Hơn nữa, Trung Quốc đã làm điều này trong khi cố tình bỏ qua lời khuyên của phương Tây, sử dụng cơ chế thị trường mà không bị cám dỗ bởi mọi hấp dẫn của nó. Trong nhiều năm, các ngân hàng nước ngoài lặn lội đến Bắc Kinh để rao giảng việc giải phóng tài chính, kêu gọi các quan chức Trung Quốc thả nổi nội tệ của mình và mở cửa tài khoản vốn của mình. Chẳng ai trách các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc nhận thấy dấu hiệu về quyền lợi riêng từ lời khuyên này và đã từ chối nó. Sự thành công của Trung Quốc đã giúp nâng cao quan niệm mới hợp thời của "Sự Đồng thuận Bắc Kinh" trong đó tránh khỏi những đòi hỏi về thị trường tự do và dân chủ vốn từng là tiêu chuẩn của trật tự "Đồng thuận Washington ." Trong vị thế của mình, Đồng thuận Bắc Kinh có mục đích tạo ra nền kinh tế thực dụng và nền chính trị độc tài được thiết kế theo nhu cầu.
Nhưng khi nhìn kỹ hơn vào khuôn mẫu Trung Quốc thì rõ ràng là nó không dễ để bắt chước. Đa số những quốc gia đang phát triển không có chiều sâu và phong tục quan liêu như của Trung Quốc, chúng cũng không có khả năng vận động nguồn lực và quản lý nhân sự theo phương cách mà đảng Cộng sản Trung Quốc có thể làm được. Liệu Cộng hoà Dân chủ Congo có thể thiết lập và quản lý một Bộ Tổ chức? Chủ thuyết độc tài của Trung Quốc có hiệu quả vì nó có nguồn lực của đảng hậu thuẫn.
"Đảng Không Thể Cầm Quyền Mãi Mãi."
Vâng, nó có thể. Ít nhất là trong một tương lai có thể thấy được. Không như Đài Loan và Nam Hàn, giới trung lưu Trung Quốc vẫn chưa nổi lên với những đòi hỏi rõ ràng cho một nền dân chủ kiểu Tây phương. Có những lý do hiển nhiên. Cả ba nước láng giềng gần Trung Quốc, kể cả Nhật, đã trở thành những quốc gia dân chủ trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng cả ba đều được Hoa Kỳ bảo trợ, và Washington đã đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy thay đổi dân chủ hoặc hợp hiến hoá dân chủ. Ví dụ như việc Nam Hàn quyết định thông báo bầu cử trước Thế vận hội Olympic Seoul 1988 là do áp lực trực tiếp từ Hoa Kỳ. Nhật Bản và Nam Hàn cũng là những xã hội nhỏ hơn và đồng nhất hơn, không có tầm vói lục địa như Trung Quốc với những vô số những va chạm về quốc gia và các nhóm dân tộc. Cũng không cần phải nhắc đến việc các quốc gia này không từng trải qua cuộc cách mạng cộng sản mà mục đích sáng lập là để trục xuất những đế quốc ngoại bang ra khỏi đất nước.
Giới trung lưu thành thị Trung Quốc có thể mong muốn được tự do chính trị hơn, nhưng vẫn không dám đồng loạt đứng lên chống lại chính quyền vì họ có quá nhiều cái để mất. Trong ba thập niên qua, đảng đã triển khai hàng loạt những đổi mới kinh tế, ngay cả trong khi đàn áp những người chống đối. Quyền tự do tiêu thụ -- trong những hình thức như xe cộ, nhà cửa, hoặc những siêu thị đầy ắp -- thì hấp dẫn hơn nhiều hơn những khái niệm mơ hồ về dân chủ, đặc biệt là khi những cá nhân đòi hỏi cải cách chính trị có thể bị mất đi đời sống và thậm chí tự do của mình. Cái giá của việc chống lại đảng thì quá cao. Vì thế những điểm nóng của chống đối trong những năm gần đây đa số đều xảy ra ở miền quê, nơi những người dân nghèo khổ nhất, có ít đầu tư vào sự kì diệu kinh tế của đất nước đang cư ngụ. "Lao động toàn thế giới hãy đoàn kết lại! Bạn không có gì để mất ngoài căn nhà của mình" không thể được dùng như một khẩu hiệu cách mạng được.
Tất cả các điều nay là lý do tại sao một số nhà phân tích nhận định rằng sự chia rẽ trong nội bộ đảng sẽ là động cơ chắc chắn hơn trong việc thay đổi chính trị. Cũng như những tổ chức chính trị lớn khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc bị chia rẽ trong nhiều thành phần, từ những lãnh chúa địa phương (được minh hoạ trên toàn quốc bởi "Bè đảng Thượng Hải" dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân) cho đến mạng lưới nội bộ trong đảng (như những cán bộ cao cấp có liên hệ đến Đoàn Thanh niên Cộng sản qua người thừa kế Giang là Hồ Cẩm Đào). Có những tranh chấp rõ rệt về chính sách trên mọi phương diện từ tốc độ đúng mức của việc giải phóng chính trị cho đến mức độ về vai trò của lĩnh vực tư nhân trong nền kinh tế.
Nhưng việc nhấn mạnh những dị biệt này sẽ làm méo mó thực tế rộng lớn hơn. Từ năm 1989, khi đảng bị chia rẽ ở thành phần lãnh đạo tối cao và gần như bị tan vỡ, điều luật tối hậu là không được cho thấy sự chia rẽ công khai trong Bộ Chính trị. Ngày nay, sự hợp tác trong thành phần tối cao đã trở thành thói quen cũng như việc làm suy yếu các thành phần cạnh tranh. Tập Cận Bình, người thừa kế tương lai, đang chuẩn bị để nắm quyền lực vào đại hội đảng sắp đến vào năm 2012. Giả định rằng người chắc chắn đóng vai phó của ông là Lý Khắc Cường, sẽ đi theo thời hạn thông thường 5 năm, giới lãnh đạo tối cao của Trung Quốc dường như đã được sắp đặt cho đến năm 2022. Đối với người Trung Quốc, Hoa Kỳ ngày càng giống như một nền cộng hoà chuối.
Ý tưởng rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia dân chủ luôn ở trong quan điểm của phương Tây, được nảy sinh ra từ chủ thuyết của chúng ta về việc các hệ thống chính trị tiến hoá ra sao. Tuy nhiên cho đến nay mọi bằng chứng cho thấy rằng những chủ thuyết này là sai. Đảng chắc chắn trong lời nói của mình: Họ không muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia có nền dân chủ Tây phương -- và dường như họ đang có mọi công cụ cần thiết để bảo đảm rằng nó sẽ không trở thành như thế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment