Thursday, January 6, 2011

"LỬA TRẦN VĂN BÁ" VẪN TIẾP TỤC CHÁY (Nguyễn Thiếu Nhẫn)

NGUYỄN THIẾU NHẪN
 Posted on

 Trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, một trong những tờ báo mà Người Việt Quốc Gia Miền Nam hết sức căm ghét là tờ l’Express của Pháp. Trong cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản miền Bắc, tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia. Tờ báo này qua tay bỉnh bút thiên tả nặng ký Oliver Todd đã ra rả tung hô Hồ Chí Minh, đã bỏ công lặn lội vào các vùng do Cộng sản kiểm soát ở miền Nam và ca tụng, thần thánh hóa những cán binh Cộng Sản như những anh hùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tháng Tư năm 1975, sự thật đã làm Oliver Todd mở mắt. Tháng 6-1978, tuần báo l’Epress đã đăng một bài mang tựa đề “Le Goulag Indochinois” (tạm dịch Đông Dương: Quần đảo Ngục Tù). Đây là một bài viết chứng minh sự phản tỉnh hoàn toàn của Oliver Todd.
Trong bài viết, ký giả phản tỉnh Oliver Todd đã nhắc tới một lời phát biểu của văn hào Nga lưu vong Solzhenitsyn. Trong cơn hấp hối của miền Nam, đoán trước sự chiến thắng của Cộng sản và những gì họ sẽ làm trong tương lai ở Việt Nam, ngày 11 tháng Tư năm 1975, văn hào người Nga này đã gửi đến thế giới một thông điệp vắn tắt: “Toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành một trại tập trung.” Lời tiên đoán này đã trở thành sự thật.

Tiếp theo đó, Oliver Todd còn viết nhiều bài vạch trần những mặt trái của xã hội Cộng sản mà bấy lâu nay được che lấp bởi hào quang và huyền thoại. Một trong những tác phẩm của Todd là quyển “Cruel Avril 1975: La Chute de Saigon” (tạm dịch Tháng Tư Đen 1975: Sự sụp đổ của Sàigòn) để tưởng niệm và tôn vinh một người Việt Nam mà ông đã có dịp gặp gỡ: Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Paris Trần Văn Bá.

Có lẽ mọi người còn nhớ, Trần Văn Bá là con của cố Dân biểu Trần Văn Văn, du học tại Pháp từ trước 1975 và giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp lúc ấy là Nguyễn Duy Quang đang chuẩn bị bàn giao Đại sứ quán VNCH tại Paris cho đại diện Ngoại giao của Cộng sản và không thiêu hủy các hồ sơ mật. Chính Trần Văn Bá đã cùng các sinh viên trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam trèo lên tầng lầu chứa các hồ sơ và tiêu hủy các hồ sơ đó.
Ai đã từng theo dõi cuộc đấu tranh chống Cộng của người Việt tại Pháp trong giai đoạn 1975-1980 chắc hẳn không ai mà không biết Trần Văn Bá, một trong những người lãnh đạo chủ chốt.
Cùng với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh (đồng Chủ tịch Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam), Trần Văn Bá  trở thành một trong những bộ óc lãnh đạo của tổ chức kháng chiến này.

Ngày 6 tháng 6 năm 1980, sau 5 năm chuẩn bị và trăn trở suy nghĩ, chán ngán các trò tranh đấu chống Cộng bằng những cuộc thảo luận tại những phòng khách sang trọng ở các thành phố, thủ đô Pháp, Mỹ, Trần Văn Bá bay sang Thái Lan. Dưới bí danh C.4 trong tổ chức, anh đã góp phần tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện cho các chiến sĩ kháng chiến, chuẩn bị xâm nhập quốc nội.

Kỷ niệm hai năm ngày rời Paris, từ vùng hoạt động, anh gửi ra ngoài một lá thư, có đoạn viết:
“Tôi vẫn mạnh khoẻ. Thật là gay go và cực khổ. Nhưng tôi cảm thấy được sự liên đới mật thiết giữa tôi với quê hương nghèo khổ, bất hạnh và đói khát. Công cuộc giải phóng đất nước, chủ yếu sẽ là công trình của những người kháng chiến quốc nội, chứ không phải của các chính trị gia lưu vong. (do tác giả bài này in đậm).

Trong những ngày anh còn ở Thái Lan, ông Trần Văn Tòng, anh ruột của anh (sau này là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Trần Văn Bá, trụ sở ở Paris) đã đến thăm và đã được anh tâm sự: “Quả thật là em đang làm cái chuyện đội đá vá trời.”
Và rồi, từ giã C.1 (bí danh của ông Lê Quốc Túy) anh cùng C.2 (bí danh của ông Mai Văn Hạnh) và một số chiến hữu khác mang vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc xâm nhập quốc nội.
Sa cơ, anh và ông Mai Văn Hạnh cùng một số chiến hữu cùng xâm nhập và một số chiến hữu cơ sở quốc nội bị Cộng sản bắt.
Bạo quyền Hà Nội đã mở một phiên tòa hát bội, được quảng cao rùm beng ngày 19-12-1984 tại Nhà hát Thành phố Sàigòn để xử anh cùng 21 chiến hữu khác trong tổ chức.
Phiên tòa này, thực chất chỉ là một cuộc trình diễn hình thức và đọc lên các phán quyết đã được định trước: 5 án tử hình dành cho các ông Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, giáo sư Hồ Thái Bạch, Huỳnh Vĩnh Sanh và Lê Quốc Quân (em của ông Lê Quốc Túy).

Trước phiên tòa, Trần Văn Bá đã giữ trọn vẹn khí phách của một chiến sĩ Quốc Gia can trường. Mặc dù theo luật, các tử tội có thể xin ân xá, nhưng anh đã thẳng thừng từ chối.

Trong số những người từ bên ngoài xâm nhập Việt Nam để hoạt động, có hai người lãnh án tử hình là Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh. Ba người còn lại thuộc cơ sở quốc nội. Trong những người này, chỉ có ông Mai Văn Hạnh là thoát khỏi mũi súng của đội hành quyết. Là công dân Pháp, ông được chính phủ Pháp tích cực can thiệp và đã được thả về Pháp sau nhiều năm tù. Trần Văn Bá và các chiến hữu khác đã lần lượt đền nợ nước trong năm 1985.

Trong phiên tòa, một cán bộ cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đóng vai trò công tố viên, đã lồng lộn quy kết cho Trần Văn Bá và các chiến hữu của anh những tội danh nặng nề nhất. Đồng thời cũng lên án các “thế lực phản động quốc tế, bọn bành trướng Bắc Kinh, quân phiệt Thái Lan” đã tiếp tay hỗ trợ cho Mặt Trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam. Đặc biệt Hà Nội đã tố cáo đích danh Tình báo Lục quân Thái Lan do Tướng Yongchaiut, Tham mưu trưởng Lục quân Thái Lan vào lúc đó chỉ huy đã tận tình giúp đỡ tổ chức này. Youngchaiut sau này trở thành Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Thái Lan và đã qua thăm Việt Nam.

Anh Trần Văn Bá đã chết. Hai mươi ba năm đã trôi qua. Oliver Todd đã đặt câu hỏi:
“Cũng như những người kháng chiến vô danh khác, Trần Văn Bá là người của lý tưởng hay thực tế, can đảm hay mạo hiểm? Anh là một anh hùng gương mẫu hay là một kẻ tuẫn đạo vô ích? Cuộc đấu tranh mà anh Bá theo đuổi là một cái gì đó mơ hồ, tuyệt vọng hay một thách đố xứng đáng để chúng ta kính phục, thông cảm và ủng hộ?”

Đối với người Việt Nam chúng ta, có lẽ không cần thiết phải đặt ra một câu hỏi như vậy. Rõ ràng anh Trần Văn Bá là một người tranh đấu vừa lý tưởng vừa thực tế, can trường và dám mạo hiểm. Anh là một anh hùng gương mẫu và là một kẻ tuẫn đạo, và con đường anh đã theo đuổi, cuộc đấu tranh của anh là một thách đố hết sức xứng đáng để chúng ta kính phục và hết lòng biết ơn.

*

Mười lăm năm sau, vào ngày Quốc hận 30 tháng Tư năm 2000, tại Paris, một phụ nữ Việt Nam đã quyết định dùng thân xác của mình để đốt lên ngọn lửa Trần Văn Bá. Trong những lời trăn trối để lại của người phụ nữ này, có đoạn như sau:
“…Thế hệ cha anh của chúng ta đã dần dà yếu đuối, kiệt sức sau bao cảnh khốn cùng, đầy thương tích quá khứ. Vậy thì thế hệ chúng ta còn lại đây, không còn chờ đợi gì nữa, không thể trông cậy vào ai, nhất là không thể trông đợi vào quốc tế. Quốc tế vì quyền lợi của họ, họ đã mặc nhiên trên sự thống khổ của dân tộc ta, họ đã bị cái hỏa mù “Đổi mới”, cái lớp sơn che đậy sự mục rữa của một chế độ ung thối. Chúng ta phải có nhiệm vụ tẩy rửa cái lớp sơn đó ra, vạch trần nó trước công luận quốc tế… 25 năm qua, cũng ngày tháng tang thương này, biết bao xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ xuống,  trước cảnh  oan khuất, trước cảnh Việt Nam thân yêu bị bức tử bao nhiêu người đã liệt oanh tử tiết; dân tộc ta không thiếu anh hùng, không thiếu người dám nằm xuống cho quê hương, mà chúng ta chỉ thiếu lòng tin tưởng ở nhau 25 năm nay, cũng có biết bao nhiêu kẻ âm thầm hy sinh; nơi thủ đô Paris mà chúng ta đang đứng hôm nay, cũng có dấu chân của anh hùng Trần Văn Bá, có những anh em vừa thoát khỏi nhà tù Cộng sản. Hỡi anh chị em, chúng ta hãy đốt lên ngọn lửa Trần Văn Bá trong mỗi con người chúng ta…”

Người phụ nữ quyết định dùng thân xác của mình để đốt lên ngọn lửa, tự nguyện làm ngọn đuốc với lòng căm phẫn để lên án chế độ Cộng sản phi nhân, nhằm mục đích nối tiếp ngọn lửa Trần Văn Bá có tên Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.
Ước vọng dùng thân xác của chính mình để đốt lên ngọn lửa Trần Văn Bá của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã không thành. Nhưng không ai đem thành bại mà luận anh hùng! Không ai có thể chối cãi là ngọn lửa Trần Văn Bá sau 15 năm âm ỉ giờ lại bùng cháy mãnh liệt sau hành động phi thường của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.
Sau 15 năm âm ỉ, ngọn lửa Trần Văn Bá đã và đang bùng cháy mãnh liệt từ hải ngoại đến quốc nội.

*
-Ngày thứ Năm 31-8-2000, lúc 19 giờ 45, cũng chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã dùng xăng đốt lá cờ đỏ, sao vàng và tấn công sứ quán CSVN tại Luân Đôn, Anh Quốc.

-Ngày thứ Sáu 1-9-2000, lúc 11 giờ 15 phút, “lão tướng” Trần Hồng đã tới trước sứ quán Cộng sản tại Pháp để tuyên án khai tử chế độ Cộng sản Việt Nam bằng một hành động có tính cách tượng trưng, nhưng quyết liệt khi dùng súng bắn vào quốc huy của CSVN gắn trước mặt tiền sứ quán Hà Nội.
Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau, pháp đình Paris đã đem vụ “lão tướng” ra xét xử. Ký giả Dominique Simonot của tờ Libération ngày 4-9-2000 trong mục “Sổ tay Tòa án” đã viết như sau:
“… Một người đàn ông nhỏ bé đứng dậy, đó là ông Trần, sanh năm 1930 tại Việt Nam. Một người (quốc tịch) Pháp làm trong ngành hàng hải thương thuyền đã về hưu. Ông Trần đã bị bắt trước sứ quán Việt Nam. Sau khi đốt một lá cờ CSVN, và với khẩu súng bắn hỏa pháo, ông ta đã bắn vào cái quốc huy gắn trên mặt tiền sứ quán. “Ông là một thuyền nhân và ông luôn luôn bày tỏ thái độ oán ghét của ông đối với chính phủ (CS) Việt Nam.” Bà chánh án đọc lớn: “Cách đây 4 năm ông Trần đã lái một chiếc xe ủi đất xông vào sứ quán.” Tại ghế bị can, ông Trần đã trả lời trước tòa: “Tôi là một người Quốc Gia, tỵ nạn tại đây và tôi có một mối thù sâu đậm với cộng sản. Hàng triệu đồng bào tôi đã phải chạy trốn, và hàng ngàn người đã chết trên biển để vinh danh cho Tự do” ông nói lớn không ngừng. “Tòa đã hiểu, bà Chánh án ngắt lời, ông không tin là có những phương tiện khác ngoài việc phải phạm tội?” Ông Trần trả lời: “Mọi phương tiện đều tốt, việc này nhắc lại cuộc kháng chiến chống Đức Quốc Xã tại Pháp, những kháng chiến quân này đã không tuân theo luật của ông Pétain. Với tôi cũng vậy.” (Bản dịch của Từ Ngọc Lê).

-Ngày 15-9-2000, vào lúc 10 giờ 30 sáng, phái đoàn Ủy ban Phát huy Chính nghĩa Dân tộc với sự tham gia của lão tướng Trần Hồng đã có mặt tại Luân Đôn tham dự buổi xét xử chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tại tòa án hình sự West London Magistrates Court. Vì luật sư được cảnh sát Anh đề cử đã không can thiệp tốt cho chị Ngọc Hạnh, cốt đưa chị Ngọc Hạnh vào tội danh hình sự nên phiên tòa ngày 15-9 tòa chỉ giải quyết việc thay luật sư bào chữa cho chị Ngọc Hạnh. Tưởng cũng biết, trong buổi khảo cung trước khi đưa ra phiên xử ngày 15-9, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã tuyên bố:
“Tôi không tranh đấu cho cá nhân tôi, mà tôi tranh đấu cho cả dân tộc tôi.”

Theo bản tin được báo chí phổ biến thì “Cuối cùng tòa quyết định không cho bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh được tại ngoại hầu tra. Trong vòng từ 4 đến 6 tuần, hồ sơ điều tra của cảnh sát mới chuyển đến tòa và do đó mới biết ngày xử.” Cũng theo bản tin thì, “Khi bà Ngọc Hạnh đưa về nơi giam giữ, đã quay lại nói thật lớn: “Tòa xử ép tôi, tôi sẽ chết để anh em đứng lên!” Một cảnh não nùng, người đàn bà nhỏ bé bị những người cảnh sát to lớn lôi kéo.”
Từ nhà tù Anh Quốc, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cũng đã gửi huyết thư đến đồng bào hải ngoại tố cáo nhà cầm quyền Anh Quốc đang âm mưu bóp nghẹt tiếng nói đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của những người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng sản mà chị là nạn nhân.

-Năm 2001, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đến Hoa Kỳ, tìm cách vào khách sạn Mariott là nơi Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ Tướng VC (lúc đó) và phái đoàn họp báo, lên tiếng tố cáo chế độ Cộng sản không có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Chị bị chính quyền Hoa Kỳ bắt giữ và đưa ra tòa xử 5 năm tù giam về tội âm mưu khủng bố. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã từ chối lời đề nghị nhận tội để được giảm án với mục đích tố cáo tội ác của chế độ CSVN tại tòa án Hoa Kỳ.

Ngày 07 tháng 09 năm 2006, chị Ngọc Hạnh “đặt chân xuống phi trường Charles de Gaule, trở về với khung trời tự do sau khi mãn án 5 năm lao tù cộng thêm gần 6 tháng tù ở nhà tù Sở Di Trú Hoa Kỳ (United Sates Immigration Department)” (trích “Thế Lực Đen” tự truyện Nguyễn Thị Ngọc Hạnh” đã xuất bản khắp hải ngoại).

Dù yêu thương hay thù ghét, không ai có thể phủ nhận “anh thư” Nguyễn Thị Ngọc Hạnh là những người đã đem cả mạng sống của mình để đấu tranh cho tự do, dân chủ cho một nước Việt Nam tự do, không cộng sản.

Cũng như anh hùng Trần Văn Bá, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh xứng đáng là biểu tượng tiếp nối cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền!

Lửa Trần Văn Bá đã tiếp tục rực sáng ở trong nước với các cuộc tranh đấu bền bỉ của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, các Hội Thánh Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo và những nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ khác ở trong nước. 

*

Bài viết này xin được coi như một nén hương tưởng niệm kính gửi đến hương hồn liệt sĩ Trần Văn Bá - người mà cách đây 26 năm đã từ bỏ ánh đèn sân khấu Paris, cùng các đồng chí về nước tranh đấu để mưu tìm một cuộc sống tự do, dân chủ nhân quyền cho toàn dân Việt Nam.
Cái chết của anh sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường để chúng ta tiếp tục cuộc tranh đấu giành lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho 87 triệu người dân trong nước.

NGUYỄN THIẾU NHẪN
San José 01-05-2011

----------------------------------

Jan 3rd, 2011


Trân-trọng kính mời Đồng-bào và Qúy Đại-diện Tổ-chức và Hội-đoàn tham-dự

Lễ Tưởng-niệm Anh Hùng Tràn Văn Bá ngày 08 trháng Giêng năm 2011

- tại Paris, từ 11giờ, do Tổng-Hội Sinh-Viên Việt-Nam tại Paris tổ-chức, tại Chùa Khánh Anh, avenue Henri Barbusse, 14, F-92220 Bagneux

- tại Liège, từ 18giờ đến 19gìờ, do Cộng-Đồng Việt-Nam tại Liège tổ-chức, trước Bia Tưởng-niệm Trần Văn Bá, Parc de la Boverie, B-4020 Liège
Trân-trọng kính mời.
Lê Huu Dàowww.dao-liege.org  

.
.
.

No comments: