Tuesday, January 11, 2011

ĐÀ LẠT, BẾN CŨ CÂY ĐA (Hồ Phú Bông)

Hồ Phú Bông

Hôm nào nghỉ làm, H có thói quen ra trước sân nhà xem mấy cụm hoa vào sáng sớm. Tôi hỏi: “Sao bữa được nghỉ lại không thẳng giấc để bù những hôm phải nhăn nhó, tung mền bò ra khỏi giường mắt nhắm mắt mở, vì phải đi làm sớm?” “Cũng không hiểu sao bữa nghỉ thì không ‘nướng’ được, mắt cứ ráo hoảnh, còn bữa đi thì dậy không nổi!” H nâng mấy đóa hoa hồng còn mọng sương đêm, ghé mũi ngửi. “Nhớ Đà Lạt không anh?” “Vâng!” Tôi nhìn sâu trong mắt H, vỗ về. Cũng tự vỗ về!

Đà Lạt, xứ của sương mù và hoa. Tháng nầy mai anh đào quanh hồ Xuân Hương đang khoe sắc. Đà Lạt đó! Nắng sớm. Sương chiều. Và, đêm huyền thoại. “Em vẫn nhớ trong mù sương mỗi sáng, khi nghe tiếng xe honda của anh kêu rè rè trước sân, em mở cửa bước ra là nhận được một đóa hồng nhung từ túi jacket nhà binh. Nhà không trồng hoa hồng, anh trộm ở đâu ra mà ngày nào cũng ‘khuân’ đến, em quên hỏi.” “Đã tán gái thì phải chịu khó. Đã trộm thì đâu có khoe! Của nhà Vân. Vân có một vườn hoa hồng, mỗi ngày anh được phép vào hái và tha hồ chọn.” “Vân nào?” “Trần Khánh Vân, một giọng hát lành như đất nhưng lãng đãng, thiết tha. Khi đi sinh họat ở các tiền đồn vào mấy dịp Tết, Vân thường hát bài ‘Xuân nầy con không về’ của Trịnh Lâm Ngân, đã làm nao lòng nhiều lính trẻ. Em gặp Vân rồi, còn nhớ không?” H không trả lời mà nhìn bâng quơ. Cái nhìn trống không nhưng hun hút một thời. Lênh đênh hơn cả ba mươi năm tản lạc. “Em nhớ mang máng dáng người nhưng giọng hát thì khó quên.” “Cuộc chiến đã vô nghĩa mà nghe Vân hát thì cảm xúc mình lại dễ dàng nổi trôi vào cái phi lý nồi da sáo thịt! Nó dân Biệt động quân, bị thương nặng nên chuyển về hậu cứ. Vân hát như chính những vết thương lên tiếng. Vết thương từ da thịt. Vết thương từ tâm hồn. Tiếng hát của nó là tiếng lòng của đồng đội. Của thế hệ. Binh lính miền Bắc bị đánh lừa, dân miền Nam thì hứng chịu.. và hứng chịu cho đến bây giờ!” H lảng sang chuyện khác vì không muốn bắt đầu một ngày bằng hồi tưởng.

“Hoa hồng Đà Lạt thơm quá phải không em?” “Thì ở đây cũng vậy, anh ngửi xem!”. Bây giờ H mới giải thích lý do dậy sớm vì hương Đà Lạt đang ở quanh đây. Tôi lãng đãng mùi hương kỷ niệm. Đà Lạt trong chúng tôi, chúng tôi trong Đà Lạt, với cái lạnh, với hương hoa hồng.

Quê hương đang vào mùa Tết nhưng Đà Lạt hết rồi thuở hoa quỳ dại vàng rực lối đi. Người ta đang có kế hoạch phá bỏ cả khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt cũ với thiết kế khoe mẽ, thay vì chọn thêm địa điểm để phát triển. Diện mạo Đà Lạt bây giờ cứ như người đàn bà quá lứa. Cau có, lại diêm dúa phấn son, nên càng cố khoe mẽ càng kịch cỡm vì trống lơ trống lốc trong tâm hồn. Đà Lạt thơ mộng cũ, đã chết. Đà Lạt mộng mơ cũ, đã tàn. Đà Lạt với những bước thong dong trên các lối mòn đầy cỏ dại cũ, đã hết. Đà Lạt thiên nhiên hoang sơ cũ, bây giờ là nhếch nhác màu sắc và loạn xây cất! Đà Lạt không khí trong lành cũ, bây giờ là hiệp sĩ Ninja, khăn bịt kín mặt mũi. Đà Lạt lãng mạn cũ, bây giờ là chụp giựt. Đà Lạt quăng chiếc xe bên vệ đường lặn lội đi tìm lan trong rừng thông cả ngày dài cũng không sợ mất, bây giờ giao xe cho người giữ cũng không yên tâm! Đôi mắt và tin yêu của người cao nguyên, chơn chất giữa con người với con người, không còn nữa. Nghi kỵ và lừa lọc đầy dẫy, ai đem đến và từ đâu?

Cô em Đà Lạt tả về thành phố đang sống thật lạ lẫm, đến kỳ cục. “Gặp người Đà Lạt bây giờ là chỉ nghe kể về Đà Lạt ngày xưa.”

Chúng tôi bỏ đi, mất Đà Lạt đã đành. Nhưng người ở lại, cũng mất Đà Lạt.
“Em không bao giờ còn thả bộ quanh bờ hồ nữa.” “Bận cơm áo gạo tiền nên chỉ chăm chú tìm cái gì có thể, để cho vào bụng?” “Không đến nỗi như vậy. Nhưng đi quanh bờ hồ để nhìn đồi Cù bị giam tù trong vòng rào kẽm gai, mấy ai còn thích thú? Khuôn viên Giáo Hoàng học viện thì người ta cho cày ủi lung tung.. nói để làm công viên(!) trong lúc đồi Cù to đùng, sừng sững đối diện phía bên kia đường, thì bán đứng cho nước ngoài! Mất đồi Cù người Đà Lạt có cảm tưởng như đứa con của mình bị bắt cóc đem bán.” “Chà, có phải cô giáo dạy văn đang phân tích?” Cười, “văn với vẽ gì nữa, đố ai tìm được dòng quảng cáo nào về Đà Lạt có chữ Đồi Cù đi kèm với hồ Xuân Hương như trước kia! Không có trái tim và tầm nhìn nên người có trách nhiệm đã khiến Đà Lạt bị phá sản về chiều sâu.” “Người Đà Lạt mang trái tim Đà Lạt mới biết đau, chứ người ‘từ trời rơi xuống’ hay ‘từ cõi âm về’ đâu có mang trái tim Đà Lạt?” “Không có tim, đã đành, thì tối thiểu phải có tầm nhìn để biết đồi Cù là trái tim của Đà Lạt. Đà Lạt không có tim nên không còn nhịp thở, Đà Lạt đang chết dần chết mòn như mọi người đang thấy!” “Hehehe.. Đà Lạt không có trái tim..! Không còn nhịp thở?” “Không có trái tim vì chỉ biết có tiền. Quan chức nhét tiền tràn cả vali, bỏ quên cả trên máy bay, trong taxi, bất kể tiền đó từ đâu ra! Nói gì đến nhân văn. Nói gì đến tâm hồn. Nói gì đến bổn phận. Nói gì đến đạo lý. Chế độ biến người dân thành nô lệ, chỉ biết vâng phục. Còn phản kháng sẽ bị trừng phạt.” Tôi kháy: “Ai bảo xúm nhau ca cẩm ‘Đà Lạt là thơ, là mơ.. giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần… nhớ hoa đào nở trên má ai..’ [1] để mời gọi khách viếng thăm nên mới ra nông nỗi!” “Khách còn đỡ! Gặp Sở Khanh của cụ Nguyễn Du mới khổ!”

Đọc tin trên báo hôm 23-12- 2010, các quan đầu tỉnh Lâm Đồng hứa sẽ đóng thuế 700 tỉ đồng/năm nên dự án bô xit Tân Rai không thể ngưng![2] Còn môi trường sinh thái bị hủy diệt, đe dọa sông ngòi và các tỉnh miền xuôi lại làm ngơ! Tiền. Chỉ vì tiền, chỉ vì địa vị bản thân, chỉ vì vây cánh cho nên họ sẵn sàng làm theo lệnh bảo kê. Bất chấp. Bất kể phản biện của giới trí thức và hậu quả cho các thế hệ mai sau! “Chủ trương lớn của Đảng”!

“Cái Sương rủ về thăm Đà Lạt, thăm Bùi Thị Xuân, thăm viện đại học.. em tính sao?” “Thèm lắm. Nhớ lắm. ‘Cây đa bến cũ’ là dấu mốc mấy ai không muốn quay về? Nhưng ‘cây đa bến cũ’ có còn không? Nếu bây giờ đối diện với Đà Lạt, chắc chắn sẽ mất Đà Lạt vĩnh viễn. Còn ở lại đây thì sắt se nỗi nhớ, nhớ đến ray rứt, nhưng cái nhớ giúp không bao giờ mất Đà Lạt!”

‘Cây đa bến cũ’, đã bị người ta tàn phá thì còn đâu điểm tựa để quay về?
Cây đa tập tục, cây đa văn hóa đã bị ‘đào tận gốc, trốc tận rễ’ bằng thứ đạo đức mới, ‘ăn xổi, ở thì’! Còn bến cũ, như đồi Cù đang bị giam giữ trong vòng rào kẽm gai, chỉ trơ lại hồ Xuân Hương! Cuộc hôn nhân thiên nhiên tưởng miên viễn, đã bị lòng tham vô đáy cắt chia. Tính man rợ đó từ chủ nghĩa. Từ ảo tưởng. Tiếc thay, thế giới đã từ bỏ ảo tưởng, còn Việt Nam lại vẫn cứ bám lấy mà lại nhân danh 'vì hạnh phúc nhân dân'! Họ nói, dù biết rõ chính họ đang nói dối.

Nói dối với tha nhân còn có cớ biện minh, sao lại công khai nói dối với chính mình? s
___________________________________________________________

[1] Nhạc phẩm Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên
[2] Làm dự án bô xít, Lâm Đồng sẽ đóng thuế 700 tỉ đồng/năm:
http://bee.net.vn/channel/3724/201012/Lam-bauxite-Lam-dong-tin-se-dong-t...
.
.
.

No comments: