Tuesday, January 4, 2011

LẠI "PHÊ" VỚI "BÌNH" (Đào Trung Đạo)


Đào Trung Đạo blog
Tháng Một 4, 2011

Vào dịp cuối năm, sau lễ Giáng sinh, trên một số tờ báo “lề phải” ở TP HCM có đăng những bài tường thuật về cuộc hội thảo với chủ đề Phê bình văn học, nghệ thuật trên phương tiện truyền thông diễn ra ngày 28-12 do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP tổ chức. Đối với những người từng theo dõi tin tức về mảng phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí ở những nước Âu-Mỹ thì quả thực đây là một tin “lạ”.

Lạ vì việc một cơ quan nhà nước đứng ra “tổ chức” hội thảo về phê bình văn học nghệ thuật. Có thể nói trên hầu hết các nước phát triển trên thế giới, có tự do dân chủ,  với một nền sinh hoạt văn học nghệ thuật sinh động,  không hề - và không thể - có một hiện tượng phải nói là “quái đản” như vậy! Vì sinh hoạt văn học nghệ thuật ttrong đó có lý luận phê bình là phạm vi hoạt động của cá nhân, nhà cầm quyền không được phép hành xử kiểu “vi phạm quyền tự do” bằng cách cưỡng chế sinh hoạt phê bình văn học nghệ thuật. Nhưng vì “nước ta nó vậy” nói theo kiểu “cây đa cây đề” Hoàng Ngọc Hiến, nên chúng ta cứ thử bình tâm theo dõi buổi hội thảo nói trên căn cứ vào những thông tin trên các tờ báo trong nước. Chúng ta sẽ cố gắng không “chán chết” để khỏi phải “chết chán” nói theo kiểu hiền đệ Tưởng Năng Tiến của Thung Lũng Hoa Vàng San Jose.

Trước hết hãy điểm mặt những người tham dự cuộc hội thảo có phát biểu ý kiến trong số trên 100 tham dự viên. Theo bài tường thuật trên tờ SGGP thì “Cuộc hội thảo nhận được  sự chú ý của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo.” Liền sau dấu chấm câu là “Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch  UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã đến dự hội thảo.”

Trước hết xét về mặt viết tin, nhà báo Tường Vi tác giả của bài tường trình đã “mập mờ đánh lận con đen” khi loan tin “Cuộc hội thảo nhận được  sự chú ý của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu…” mà không nêu rõ danh tính các học giả, nhà nghiên cứu nào. Điều này quan trọng vì phê bình văn học nghệ thuật là chuyên ngành của các vị này. Không nêu tên họ ra được chứng tỏ cuộc hội thảo không “hoành tráng”, “chất lượng”. Cũng có thể trong nước có không ít các học giả, các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật còn lương tri và phẩm chất trí thức nhưng họ cho rằng cuộc hội thảo này không phải là chỗ để họ đến. Còn việc nêu danh tánh những “quan chức nhà nước” đến tham dự thì việc này nói lên ít nhất hai điều: Thứ nhất, là sự hiện diện của quyền lực. Dĩ nhiên quyền lực củng cố sức nặng (chứ không phài sự quan trọng về mặt chuyên môn) của cuộc hội thảo. Điều này cũng có nghĩa là những người tham dự hội thảo đến để nghe “chỉ thị”, và rất có thể khấp khởi mừng thầm trong bụng chờ nghe “tin vui” về con số ngân sách (có thể) hỗ trợ sinh hoạt phê bình. Thứ hai, điều này có hại hơn có lợi đối với người đọc tinh ý: Những quan chức được nêu danh “có lẽ/hình như” không có chút kiến thức hay kinh nghiệm gì về phê bình văn học nghệ thuật là chủ đề của cuộc hội thảo. Vậy có mặt để làm gì? Điều thứ hai này xác định điều thứ nhất. Và thê thảm hơn nữa là “nuớc ta nó như vậy”, những người tham dự hội thảo chuyên môn về phê bình văn học nghệ thuật đã mặc nhiên chấp nhận đeo vòng kim cô “chỉ đạo định hướng” của những người không có kiến thức về chuyên ngành. Lại cũng có hai điều nữa không thể không nói ra về việc này. Thứ nhất, việc mặc nhiên chấp nhận của những người tham dự phần vì cơm áo gạo tiền, nhưng mặt khác vì họ là những đảng viên cộng sản nên phải tuân theo cơ chế lãnh đạo. Nhưng vấn đề ở đây là lãnh đạo có xứng tầm hay không. Và nếu những cán bộ cộng sản cấp dưới – nếu họ xứng đáng là những người cộng sản chân chính – bao lâu còn nhắm mắt chấp nhận sự điều khiển của những kẻ “ngồi chiếu trên” chỉ vì phải chấp nhận quyền lực nhắm mắt bỏ qua sự thiếu phẩm chất của những người lãnh đạo thì đó là một thái độ cần phải suy nghĩ lại. Hành động mặc nhiên chấp nhận này đưa tới những hậu quả vô cùng tai hại cho xã hội, cho đất nước.

   Nay thử xét đến sự sắp xếp thứ tự ưu tiên những người lên phát biểu và những lời phát biểu của họ. Thứ tự này là “chân lý bất di bất dịch” của những cuộc họp hành có liên hệ tới mặt tư tưởng (sông có thể cạnh núi có thể mòn, nhưng ngàn đời bài bản  không thay đổi) đó là: một đại diện cấp cao của Ban Tuyên huấn Trung ương – trong trường hợp này là Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình phải là người đầu tiên lên diễn đàn. Những ai trước đây đã thường theo dõi những phát biểu này thì có thể “nhắm mắt khỏi cần phải nghe/đọc” cũng biết được nội dung những lời phát biểu này! Nhưng nếu mở mắt ra nhìn vào bài tường thuật trên tờ báo thì cái đập vào mắt trước hết là “chức vị bằng cấp” đứng trước tên vị lãnh đạo lên phát biểu: PGS – TS! Đây là một cách chưng bảnh thật lố bịch, không những không thuyết phục đối với người đọc quan tâm tới phê bình văn học nghệ thuật vì họ đã quá biết khả năng trình độ của những vị trong Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình là chất “hồng” đánh át chất “chuyên”, còn nói là để thuyết phục đông đảo quần chúng thì thật uổng công vì quần chúng từ lâu đã không còn quan tâm tới phê bình văn học nghệ thuật!  Kiểu phát biểu trong những cuộc hội thảo từ lâu đã được rập khuôn: nhận xét khái quát, đánh giá tình hình các mặt ưu/ khuyết, và  ra chỉ thị. Bài bản theo lý luận phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa lại được lập lại như vẹt là:  “phản ánh và khẳng định các nhân tố mới…..góp phần bảo vệ đường lối văn học nghệ thuật chính thống của Đảng và Nhà nước!” Không biết trong đám những người dự hội thảo có ai đó quay mặt lẩm bẩm “Thôi đi cha nội!” Vì cái gọi là lý luận phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa giờ đây đã là một xác chết được chôn cất từ lâu rồi.

   Nổi cộm trong sinh hoạt phê bình văn học nghệ thuật hiện nay ở trong nước là thực trạng “bát nháo” về phê bình trên các phương tiện thông tin báo chí: khen chê tùy tiện theo cảm tính phe phái. Mổ xẻ tình trạng này những người lên phát biểu tỏ ra rất hời hợt khi qui về hai điểm: đội ngũ làm công tác phê bình báo chí “thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức cơ bản về văn học nghệ thuật (hoặc) ngại va chạm, dẫn đến né tránh các hiện tượng sai trái.” Thử hỏi chính vị đang phát biểu liệu có “kiến thức cơ bản về văn học nghệ thuật” hay không? Trong cơ chế thị trường thời mở cửa đổi mới, báo chí không có tự do, những người làm phê bình chân chính không chấp nhận đường lối của Đảng và Nhà nước nên không tham gia phê bình báo chí, thì tình trạng bát nháo này là điều không tránh được. Giải pháp ư? Ngay trước mắt: dẹp bỏ ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương, trong đó có Hội đồng Lý luận phê bình! Có lẽ “vô duyên thượng hạng” trong số những lời phát biểu là  lời phát biểu của GS-TS Mai Quốc Liên rằng “cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, hỗ trợ lẫn nhau giữa văn hóa truyền thông và văn hóa tinh hoa để đáp ứng nhu cầu của thời đại.” Văn hóa tinh hoa là văn hóa gì hả ông giáo sư –tiến sĩ? Bộ văn hóa truyền thông là “rác rưởi” sao? Nhưng tuy “giáo sư” có khéo che đậy đến đâu người đời cũng hiểu được thâm ý  muốn “tranh ăn chia phần” của giáo sư: báo chí giờ đây làm ăn khấm khá thì phải biết điều chia phần với “bọn hàn lâm tinh hoa (!) chúng tớ!” Một ý kiến khác được nêu lên: các nhà báo non trẻ được giao quyền quá lớn trong việc phê bình (Ngô Ngọc Ngũ Long). Người ta tự hỏi: đến chính Tổng biên tập của tờ báo chưa chắc đã thực sự có quyền đúng nghĩa, vậy một tay biên tập phê bình văn học nghệ thuật quèn làm sao có quá nhiều quyền? Chẳng phải vì “không có chó, bắt mèo ăn…sao?  Hay NNNL có ý nói quyền đó là việc những tay phê bình báo chí tự cho mình cái quyền“sát phạt lẫn nhau” ? Vì đối tượng bị sát phạt chỉ là những cá nhân không có quyền hành, còn đối với những kẻ có quyền hành thì không dám “mó d…ngựa”!  Xét cho cùng đấy cũng là chuyện bình thường trong cái ổ bát nháo sinh hoạt văn hóa hiện nay! Trong số những người lên phát biểu có lẽ Tổng biên tập báo SGGP Trần Thế Truyền là dám “lên gân chút xíu” vì hơi xốt ruột với lãnh đạo khi đưa ra nhận xét: Hội đồng Lý luận phê bình phản ứng còn khá chậm với tình hình diễn biến văn học nghệ thuật hiện nay…lý luận phê bình trên báo chí (do) thiếu sự định hướng của Nhà nước. Huỵch toẹt ra thì câu nói này có nghĩa: chê trách/phán  thì ai mà chẳng phán được. Có “ngon” thì cứ nói thẳng phải làm thế nào đi.

  Sang phần “giải pháp” không thấy “các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch  UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài” hay PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương lên tiếng mà chỉ thấy những đề nghị giải  pháp theo đúng bài bản của giới làm báo như: xây dựng một lực lượng đông đảo lý luận phê bình văn học ngệ thuật cung ứng cho các phương tiện truyền thông báo chí, “đổi mới phương pháp lý lý luận phê bình phù hợp với sự biến đổi, xuất hiện mới các thể loại báo chí truyền thông tiên tiến” (cũng lại Tổng biên tâp SGGP Trần Thế Truyền!)  Cha nội này nhiều chuyện quá, ưa phát biểu linh tinh, đòi đổi mới phưong pháp lý luận phê bình “chỉ để” phù hợp với sự biến đổi..”. Thứ nhất, về phương pháp thì đã có phương pháp hiện thực xã hội rồi, làm gì có chuyện đổi mới. Thứ nhì, khi đòi hỏi một phương pháp lý luận phê bình cho các thể loại báo chí truyền thông tiên tiến thì quả thực cha nội này không có chút kiến thức nào về lý luận phê bình văn học nghệ thuật cả. Càng tỏ ra “mù tịt” hơn là “ông GS” Trần Trọng Đăng Đàn khi đề nghị “xây dựng một cơ sở lý luận về tư tưởng, mô hình hoạt động của lý luận phê bình trên truyền thông, dựa vào đó tạo nên lý luận cơ bản định hướng cho lý luận phê bình, tránh tình trạng mập mờ như hiện nay.” Cơ sở tư tưởng nào? Mô hình nào? Cơ sở tư tưởng Mac-Lenin thì đã “xụm” từ hồi nào rồi, mô hình “trên bảo dưới nghe” thì không bao giờ có thể thay đổi. Coi bộ ông  “giáo sư” này nói năng cứ như đang mơ ngủ!

   Lại nói về việc xây dựng đào tạo đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Trước hết là đào tạo ở đâu, ở các đại học chuyên ngành hay mở các lớp do Ban Lý luận phê bình phụ trách? Trong tình hình hiện nay có lẽ các lớp này nếu được mở ra sẽ không có người theo học. Vì vào học các giảng viên lại lải nhải về lý luận phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa, đường lối chính sách về văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước thì coi bộ không hấp dẫn chút nào. Thôi “bỏ đi Tám!” Thế nên giải pháp xây dựng đội ngũ lý luận phê bình xem ra chỉ là nói cho có chuyện để mà nói lấy được. Từ trong căn bản, từ truyền thống, phê bình là ở thế đối lập với quyền lực, phê bình là tự do. Từ hơn nửa thế kỷ nay, ở miền Bắc từ sau 1954, và ở miền Nam từ sau 1975, phải thành thực nhìn nhận  không làm gì có phê bình văn học nghệ thuật. Nhắc lại chuyện cũ, những người can dự vào việc thẳng thắn phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu đều bị trù dập hãm hại: quyền lực đứng trên, bịt mắt phê bình.

   Khép cuộc hội thảo lại là lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, bà này sau khi khách sáo “đánh giá cao vai trò quảng bá các tác phẩm VHNT, duy trì hoạt động lý luận phê bình của các cơ quan báo chì hiện nay” liền lưu ý báo chí phải “nghiêm khắc nhìn nhận thực trạng đơn lẻ, thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động lý luận phê bình”,  để rồi sau đó phủi tay “vai trò tích cực vẫn là của các cơ quan báo chí, các hội chuyên ngành” và “chỉ cần” có sự quan tâm của các cơ quan chức năng! Phải công nhận bà này “quyết tâm mập mờ” khi nói đến “sự quan tâm”. Quan tâm ở đây có nghĩa “thắt chặt thêm sự kiểm soát” hay “sẽ chi thêm tiền”? Nhưng chữ “chỉ” ở đây buộc người nghe phải hiểu là “thắt chặt kiểm soát” chứ tiền thì đừng có mong. Chắc hai ông “giáo sư tiến sĩ” Mai Quốc Liên và Trần Trọng Đăng Đàn cũng như mấy vị Tổng biên tập khi nghe bà Quyết Tâm nói vậy sẽ rất buồn.

   “Phê” ơi là “phê”! “Bình” ơi là “bình”! Tình trạng này có “phê” với “bình” năm này qua năm khác thì cũng không đi đến đâu. Bế tắc hoàn toàn bế tắc, lạc hậu hoàn toàn lạc hậu. Thật đúng là “chán chết”, nhưng làm sao tìm cách để đừng “chết chán”! Câu hỏi bông đùa này là một câu hỏi rất đáng suy nghĩ.
 (Đào Trung Đạo)
.
.
.

No comments: