Tuesday, January 11, 2011

KINH TẾ VIỆT NAM GẶP KHÓ KHĂN : ỔN ĐỊNH và CHAO ĐẢO (The Economist)


Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Ba, 11/01/2011

Các nhà lãnh đạo đã bỏ lỡ cơ hội giải quyết các vấn đề ngày một lớn của nền kinh tế.

Chuyện thường xuyên xảy ra tại thủ đô của Việt Nam là mất điện. Thang máy khách sạn kẹt giữa chừng, và thậm chí cả máy pha cà phê ở những quán cà phê phong cách Paris tại Hà Nội cũng ngừng lại. Nhiều người nghĩ rằng quốc gia đang phát triển nhanh chóng này đã để những triệu chứng nói trên lại phía sau. Tuy nhiên, nền kinh tế ở đây đang căng lên, và thường thất bại, để đuổi kịp những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng do các ông chủ trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đặt ra. Lạm phát đang tăng lên; ngân sách thì thâm hụt; đồng nội tệ rớt giá; và mọi người đang lao đầu chuyển các khoản tiết kiệm sang vàng hoặc đô-la.

Đất nước đang cần những hành động quyết liệt, nhưng khó có khả năng chúng sẽ được đưa ra từ đại hội lần thứ 11 mang tính trình diễn của Đảng Cộng Sản vào giữa tháng này. Bên cạnh một nền kinh tế trệch hướng, còn nhiều vấn đề khác [mà đất nước phải đối mặt] như tham nhũng, tranh chấp đất đai, môi trường bị đe dọa, và hơn bao giờ hết, sự thiếu minh bạch về chính trị. Ít người trông đợi vào những thay đổi chính sách, thậm chí thay đổi về nhân sự; đại hội sẽ chỉ là một trò chơi chính trị của những người đứng đầu. Những hi vọng trước đây rằng một vài đảng viên cao cấp có đầu óc đổi mới sẽ thay thế thế hệ già hơn, nghiêm trang hơn, bây giờ đã trở thành nỗi thất vọng.

Ngay cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có thể sẽ ở lại trong văn phòng, sau những đồn đoán rằng ông ta sẽ lãnh đủ vì sai lầm lớn nhất, đó là sự sụp đổ của Vinashin, một tập đoàn đóng tầu quốc doanh khổng lồ. Năm ngoái, đế chế vươn dài này đã nổ tung với khoản nợ 4,5 tỷ USD. Trong tháng Mười Hai Vinashin đã mất khả năng chi trả khoản vay các chủ nợ quốc tế, và nó buộc phải ngả mũ đi xin chính phủ để thanh toán tiền lương cho cán bộ công nhân viên.

Đối với những người chỉ trích chính sách của Việt Nam, thì sự sụp đổ của Vinashin là một minh chứng sinh động về những nguy hiểm khi dựa vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để cung cấp động lực cho tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo tài liệu đại hội đã được thoả thuận, các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò "dẫn đầu" của nền kinh tế, như chúng đã đóng trước đây. Một chuyên gia về Việt Nam, David Koh của Viện Đông Nam Á học tại Singapore, nói rằng, ngoài đại hội Đảng, chính phủ đã thực hiện một số hành động. Chính phủ gần đây đã ban hành các chỉ thị thiết lập hạn chế mới về cách doanh nghiệp nhà nước được phép hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực họ có thể mở rộng tới đâu ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cực kỳ quan liêu. Sẽ phải mất thời gian dài để các doanh nghiệp nhà nước tuân thủ những chỉ thị nói trên, nếu họ thực sự muốn làm. Trong khi đó, ai có thể nói rằng doanh nghiệp này bắt đầu với lĩnh vực kinh doanh nọ là đúng đắn?

Sự bảo thủ như vậy sẽ làm các nhà đầu tư băn khoăn. Những vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước giải thích tại sao triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam lại suy yếu đi. Nếu chính phủ không túm gáy các doanh nghiệp nhà nước, nó có thể làm những việc khác. Doanh nghiệp nhà nước cần phải được trả tự do, nhưng điều đó có nghĩa là Đảng Cộng Sản sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát chính trị đối với nền kinh tế. Điều này cấm ai được bàn đến. Và như thế, những tập đoàn kém hiệu quả và tham nhũng này tiếp tục phồng lên và phung phí một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài và lợi nhuận nhập khẩu đi vào quốc gia này. Trong khi đó, chính phủ đang rút cạn ngân sách của mình. Thâm hụt ngân sách tăng lên 7,4% GDP năm ngoái, vượt quá mục tiêu 6,2%.

Đất nước này bây giờ cũng đang vướng thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt thương mại lớn, vì nó phụ thuộc quá lớn vào việc xuất khẩu các mặt hàng giá trị thặng dư thấp như gạo và hải sản đã qua chế biến. Thâm hụt này, cộng với lạm phát, đã tăng 11,8% năm ngoái, đang gây áp lực lên đồng nội tệ. Trong 14 tháng gần đây, đã ba lần chính phủ buộc phải phá giá tiền đồng, dẫn đến việc người Việt Nam vội vàng thu mua đô la và vàng khi mất niềm tin vào tiền đồng. Chính phủ đã hứa sẽ cải thiện tất cả những con số ảm đạm nói trên. Tuy nhiên, theo đuổi tốc độ tăng trưởng 7% một năm mà không thực hiện những thay đổi nền tảng cấu trúc tương ứng sẽ chỉ tạo ra những con số ảm đạm lớn hơn.
.
.
.

No comments: