Tuesday, January 11, 2011

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XHCN LIỆU CÓ CÒN THÍCH HỢP ? (RFA)

Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-01-10

Ngay từ khi nền kinh tế bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường, trong cương lĩnh của Đảng đã khẳng định Việt Nam thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Lực cản sự phát triển

Liệu Đại hội Đảng sắp tới sẽ có những điều chỉnh đối với vấn đề “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhằm tháo gỡ những lực cản đối với sự phát triển của nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay hay không.
Đài Á Châu Tự Do có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế trong nước và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Khoa Chính trị & Quan hệ Quốc tế (Politics & International Relations), Đại học George Mason, Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ về vấn đề này.

Trong tất cả các văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nêu rõ, Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận định về nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng Khoa Chính trị & Quan hệ Quốc tế Đại học George Mason, Hoa Kỳ cho biết:
 “Việt Nam nói định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết “định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì? Tức là nền kinh tế quốc doanh, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa ở các nước khác, như Thụy Điển chẳng hạn thì người ta lại chú trọng đến công bằng xã hội, thế nhưng kinh tế nhà nước không đóng vai trò chủ đạo. Ở Việt Nam thì nền kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.”

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích vấn đề này như sau:
“Ở đây đặt ra hai vấn đề: thứ nhất, kinh tế nhà nước tự bản chất là luôn luôn không có quan hệ cạnh tranh, bởi vì nó được nhà nước hỗ trợ, nếu thua thiệt thì nhà nước sẽ hỗ trợ cho nó, nên không bị cạnh tranh. Và nó làm chết những doanh nghiệp tư nhân, mà doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp có tính cách cạnh tranh và nó tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn. Khi Việt Nam thi hành biện pháp đó thì chúng ta thầy nền kinh tế nhà nước không có hiệu quả. Cộng với một nền kinh tế  tư nhân rất bé. Trong khi đó tư nhân phần lớn là người ngoại quốc. Thành ra nền kinh tế tư nhân của Việt Nam bị bóp chẹt đi.
Hệ quả thứ hai trong vấn đề kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, nhà nước dùng những tập đoàn, công ty, tổng công ty theo kiểu Chaebol của Nam Hàn hay Keiretsu của Nhật. Nhưng có cái khác biệt là ở Nhật hay ở Nam Hàn thì Chaebol và Keiretsu do tư nhân làm chủ chứ không phải do nhà nước sở hữu. Cho nên nó được nhà nước giúp đỡ nhưng vẫn có tính cách cạnh tranh trên thế giới. Còn Việt Nam cũng muốn làm theo kiểu đó, nhưng lại không có tính cách cạnh tranh. Vả chăng bởi vì Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm để chỉ huy các tập đoàn lớn, cho nên tạo ra những khó khăn như vụ Vinashin vừa qua. Thành ra việc áp dụng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tạo ra những khó khăn đó. Ý thức hệ đó như là một cái áo chật, người ta lớn lên mà cái áo lại chật nên làm cho trở nên khó chịu.”  

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định về nền kinh tế thị trường có định hướng trong xu thế hội nhập với thế giới của Việt Nam hiện nay. Ông nói: 
 “Việt Nam đã khẳng định sẽ tiếp tục hội nhập thế giới và cam kết thực hiện các cam kết với tổ chức thương mại thế giới. Việt Nam đang mong đợi sẽ được các đối tác thừa nhận là có nền kinh tế thị trường. Và để thực hiện yêu cầu đó hiện nay Việt Nam có những nổ lực để thuyết phục các đối tác để họ có thể chấp nhận được. Vì vậy về định hướng xã hội chủ nghĩa, theo cá nhân, tôi nghĩ rằng nền kinh tế thị trường phải là một nền kinh tế chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng và chấp nhận sự phát triển nền kinh tế đa thành phần, và chế độ đa sở hữu. Trong đó chấp nhận kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Trên cơ sở đó có thể phát huy chế độ phúc lợi xã hội, bảo đảm chăm sóc người nghèo, và phát triển chế độ bảo hiểm y tế, và bảo đảm một nền giao dục phổ thông cho tất cả mọi công dân. Tôi nghĩ một định nghĩa như vậy thì hợp lý hơn.”    

Chuyên gia kinh tế của Việt Nam nhận định:
“Nếu như Các Mác quan niệm chủ nghĩa xã hội là điều kiện cho sự tự do của tât cả mọi người. Đó là một chế độ mà mọi người hoàn toàn được giải phóng khỏi áp bức, bất công, và có quyền phát triển một cách vô hạn định các tài năng và các khả năng. Đó là một ý tưởng rất cao đẹp, chỉ có điều có lúc Mác đã dùng quan niệm chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, và sau đó thì ông đã có sửa lại rồi. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, trong thời đại mà hội nhập kinh tế quốc tế, mà Việt nam đã cam kết, và đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nên tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải chấp nhận những thực tế đó của thế giới, và phát triển một nền kinh tế để bảo đảm sự tự do của tất cả mọi người Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của người Việt.”     

Kinh tế nhà nước là chủ đạo

Trong cương lĩnh Đảng vẫn luôn khẳng định thực hiện chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, và kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân. Nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế lại không đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích:
“Đó là yêu cầu của cương lĩnh còn trong chiến lược kinh tế thì không nói đến chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu và trong chiến lược kinh tế cũng không nói đến vấn đề kinh tế nhà nước là chủ đạo. Vì thế giữa hai văn bản trình ra Đại hội là khác nhau. Vừa qua giới trí thức có nhiều ý kiến phê phán các nội dung không còn phù hợp của cương lĩnh.”

Ông Lê Đăng Doanh nói tiếp:
 “Cá nhân tôi nhận thấy việc thực hiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất hiện nay là không còn phù hợp. Bởi vì bản thân ông Mác cũng đã nói thực hiện chế độ sở hữu xã hội về các tư liệu sản xuất chủ yếu, trong đó hình thức chủ yếu là công ty cổ phần. Về sau này ông Mác không dùng khái niệm công hữu nữa. Vả lại bây giờ các tư liệu sản xuất chủ yếu là tư bản, là các công nghệ, các bí quyết công nghệ, các phát minh, các phần mềm. Nếu bây giờ Việt Nam thực hiện chế độ công hữu về phần mềm, về tư bản, về các bí quyết công nghệ thì có lẽ điều đó không phù hợp với cam kết của Việt Nam hội nhập thế giới.”     

Cùng quan điểm với một số chuyên gia kinh tế trong nước, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra nhận xét như sau:
“Chúng ta thấy gần đây trong bài viết mới được đăng báo của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì ông định nghĩa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có hơi khác. Ông Dũng nói, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhưng ông giải thích kinh tế nhà nước không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà còn là các nguồn lực khác do nhà nước sở hữu, gồm ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên, dự trữ quốc gia. Dĩ nhiên vai trò nhà nước điều tiết nền kinh tế thì ở nước nào cũng có. Nhưng nếu điều tiết kinh tế mà làm các doanh nghiệp nhà nước bé đi, thì chiều hướng đó sẽ khá.
Thật ra nên tạo một thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tức là đừng giúp cho công ty nhà nước nhiều. Công ty nhà nước chỉ nhắm vào những việc gì mà tư nhân không làm được mà thôi. Còn thì nên khuyến khích tư nhân. Để nền kinh tế tư nhân ở Việt Nam có thể cạnh tranh với ngoại quốc được. Như ông Dũng đã nói, nhà nước cứ đóng vai trò điều tiết thôi, chứ không phải làm phình những công ty quốc doanh, bớt công ty quốc doanh đi, và phải làm cho những ông ty tư nhân phát triển lên.”           

Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nếu muốn “cởi trói” cho nền kinh tế được phát triển Việt Nam nên thực hiện những điều mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập trong bài viết của ông mới đầu năm nay, về nội dung chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, và nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011.
Một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước có cùng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng Việt Nam đã nhìn ra được sự bất hợp lý giữa một bên là cơ chế kinh tế thị trường với một bên là định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên có mạnh dạn gạt bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường hay không thì đó còn là vấn đề thuộc ý thức hệ tư tưởng. Ông chia sẻ:  
“Cái đó mình không biết được tại vì nhiều khi người ta nói ra nhưng người ta không làm là thường. Chẳng hạn như ông ấy nói cần thiết phải tiến hành đồng thời đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Thế nhưng đổi mới chính trị thì cũng chưa thấy làm gì được nhiều. Có thể nhận thức là một chuyện nhưng làm lại là một chuyện khác. Tôi nghĩ là các chuyên viên các nhà trí thức họ nhìn thấy được vấn đề. Còn Đảng có nhìn thấy vấn đề hay không thì minh không thể biết được, chỉ thấy là họ bắt đầu có một số nhận thức tương đối mới, nhất là bài viết của ông Dũng mới gần đây.”          

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, nhà trí thức Việt Nam này đặt nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới. Ông Lê Đăng Doanh nói:  
“Tôi cũng rất tha thiết mong kỳ này Đại hội sẽ thảo luận một cách dân chủ và có những quyết định phù hợp với thời đại hiện nay.”

Mong ước của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng là điều mà mọi người dân trong nước đang trông chờ vào Đại hội Đảng kỳ này sẽ có những sự đổi mới.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: