Tác giả: ZBIGNIEW BRZEZINSKI
Bài đã được xuất bản.: 07/01/2011 06:00 GMT+7
Ba mươi năm sau khi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước bắt đầu, Mĩ và Trung Quốc không nên chùn bước cho một thảo luận thẳng thắn về các khác biệt giữa hai bên – mà ngược lại, hai nước nên tiến hành điều đó với việc thừa nhận rằng mỗi bên đều cần đến nhau.
Chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington trong tháng này sẽ là cuộc gặp gỡ Mĩ - Trung thuộc hàng quan trọng nhất kể từ chuyến viếng thăm lịch sử của Đặng Tiểu Bình hơn 30 năm về trước. Do đó, nó hẳn sẽ có ý nghĩa vượt ra ngoài các trao đổi xã giao thông thường của sự tôn trọng lẫn nhau. Nó hẳn cũng hướng tới một sự xác định rõ ràng cho mối quan hệ giữa hai nước cùng có trách nhiệm thực thi các triển vọng toàn cầu trong sự hợp tác mang tính xây dựng giữa đôi bên.
Tôi còn nhớ rất rõ chuyến viếng thăm của Đặng Tiểu Bình, khi đó tôi là cố vấn an ninh quốc gia. Nó đã diễn ra trong một kỉ nguyên của chủ nghĩa bành trướng Liên Xô, và đem lại kết quả là các nỗ lực Mĩ - Trung nhằm chống lại điều đó. Nó cũng đánh dấu điểm khởi đầu của sự chuyển đổi kinh tế kéo dài suốt ba thập kỉ của Trung Quốc - một sự chuyển đổi được tạo điều kiện bởi những ràng buộc ngoại giao mới của nó với Hoa Kì.
Chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào diễn ra trong một bầu không khí khác. Có những mối bất ổn định đang tăng lên khi xét tới mối quan hệ song phương giữa hai nước cũng như các quan ngại ở châu Á trước các tham vọng địa chính trị ở tầm mức rộng lớn hơn của Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, đã có một sự tăng lên không ngừng các tranh cãi ở Mĩ và Trung Quốc, mỗi bên đều đổ lỗi cho bên kia về việc theo đuổi các chính sách kinh tế đi ngược lại với các quy tắc quốc tế đã được chấp nhận. Mỗi bên đều miêu tả bên kia như là kẻ ích kỉ. Những khác biệt kéo dài giữa các quan điểm của Mĩ và Trung Quốc về nhân quyền được làm trầm trọng thêm với giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2010 trao cho một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Hơn nữa, mỗi bên một cách không cố ý đã làm tăng thêm các mối hoài nghi đối với bên kia. Các quyết định của Washington trong việc giúp Ấn Độ về vấn đề năng lượng hạt nhân đã kích thích nỗi bất an của Trung Quốc, thúc đẩy việc Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho tham vọng của Pakistan mở rộng các tiềm năng năng lượng hạt nhân của mình. Việc Trung Quốc tỏ ra thiếu quan tâm đối với các giao tranh vũ lực của Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc đã làm tăng lên sự e sợ đối với chính sách của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên. Và ngay khi chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kì trong những năm gần đây đã gây nên phản kháng một cách không cần thiết đối với bạn bè đồng minh của Mĩ thì Trung Quốc hẳn cũng nên chú ý rằng một số quan điểm gần đây của Trung Quốc đã gây nên lo ngại tới các nước láng giềng của nó.
Hệ quả tồi tệ nhất cho sự ổn định lâu dài của châu Á cũng như cho mối quan hệ Mĩ - Trung hẳn sẽ là một khuynh hướng có tác động nguy hiểm ngày càng leo thang gây thiệt hại cho cả hai bên. Tồi tệ hơn nữa, những cám dỗ theo đuổi một tiến trình như vậy sẽ có chiều hướng tăng lên khi cả hai nước phải đối mặt với các khó khăn nội bộ.
Các áp lực là có thật. Chẳng hạn, nhu cầu của Mĩ trong việc cải tổ toàn diện các vấn đề trong nước trên nhiều bình diện là cái giá của việc phải gánh chịu sức nặng của việc tiến hành của chiến tranh lạnh kéo dài 40 năm, và một phần nào đó là cái giá của việc trong suốt 20 năm qua đã xao lãng sự tăng lên trông thấy của sự lỗi thời trong các vấn đề nội địa của nó. Cơ sở hạ tầng yếu kém của Mĩ chỉ là một triệu chứng của việc đất nước trượt dài trở ngược lại về thời điểm của thế kỉ 20.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đấu tranh để quản lí một nền kinh tế quá nóng bên trong một hệ thống chính trị cứng rắn. Một số tuyên bố của các nhà bình luận Trung Quốc đã tấn công vỗ mặt vào thái độ hân hoan chiến thắng quá sớm khi xét đến sự chuyển đổi nội tại lẫn vai trò toàn cầu của nó. (Những nhà lãnh đạo Trung Quốc đó, những người vẫn nghiêm túc tuân theo các giá trị cổ điển của chủ nghĩa Marx hẳn đã cẩn trọng đọc lại lời kêu gọi mang tiêu đề "Cơn say với thắng lợi" của Stalin năm 1930 đối với các cán bộ nòng cốt của đảng, thông điệp cảnh báo chống lại "một tinh thần phù phiếm và giả tạo.")
Ba mươi năm sau khi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước bắt đầu, Mĩ và Trung Quốc không nên chùn bước cho một thảo luận thẳng thắn về các khác biệt giữa hai bên - mà ngược lại, hai nước nên tiến hành điều đó với việc thừa nhận rằng mỗi bên đều cần đến nhau. Một sự thất bại trong việc củng cố và mở rộng hợp tác giữa hai nước sẽ huỷ hoại không chỉ cả hai quốc gia mà còn đối với toàn thế giới nói chung. Hẳn chẳng có bên nào tự lừa dối mình rằng nó có thể tránh được tổn thất gây ra bởi một sự đối kháng lẫn nhau ngày càng tăng cường; cả hai bên nên hiểu rằng một cuộc khủng hoảng ở một nước này có thể gây nên tổn thương cho nước kia.
Đối với cuộc viếng thăm có ý nghĩa còn lớn hơn cả tính biểu tượng này, Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nên có một nỗ lực nghiêm túc để xây dựng nên dưới hình thức một tuyên bố chung về tiềm năng lịch sử của sự hợp tác có tính xây dựng giữa hai nước Mĩ - Trung. Hai nước nên vạch ra các nguyên tắc dẫn dắt sự hợp tác đó. Hai nước cũng nên tuyên bố cam kết của mình về quan điểm rằng mối quan hệ đối tác Mĩ - Trung hẳn phải có một sứ mệnh rộng lớn hơn lợi ích riêng trong phạm vi quốc gia. Quan hệ đối tác đó hẳn phải được dẫn dắt bởi các yêu cầu về mặt đạo đức của sự phụ thuộc lẫn nhau trên tầm mức toàn cầu chưa từng có tiền lệ này trong thế kỉ 21.
Tuyên bố đó cũng nên thúc đẩy một tiến trình xác định các mục tiêu xã hội, kinh tế và chính trị chung. Nó nên thành thực thừa nhận tính hiện thực của một số bất đồng cũng như biểu lộ một quyết tâm chung trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hẹp phạm vi của các bất đồng đó. Nó cũng nên lưu ý tới các mối đe doạ tiềm tàng đối với an ninh trong các khu vực gây nên quan ngại cho cả hai bên, và cả hai phải cùng cam kết tăng cường các tham vấn và hợp tác với nhau khi đối phó với các khó khăn thách thức.
Trên thực tế, một bản tuyên bố chung như vậy nên đưa ra khuôn khổ hành động không chỉ để tránh cái mà trong một số hoàn cảnh nào đó có thể trở nên một sự ganh đua đầy thù nghịch mà còn cho việc mở rộng một sự hợp tác hiện thực giữa Mĩ và Trung Quốc. Điều này sẽ xây dựng một mối quan hệ sống động giữa hai cường quốc với những khác biệt sâu sắc về lịch sử, bản sắc và văn hoá - song cả hai đã từng có được một vai trò quan trọng ở mức toàn cầu trong lịch sử.
Zbigniew Brzezinski là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Carter, người có vai trò rất lớn trong việc lái chính sách ngoại giao của Hoa Kì đi gần hơn với Trung Quốc để chống lại Liên Xô; chính sách đó đã có tác động to lớn tới cục diện thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ở các thập niên cuối thế kỉ 20.
Lê Nguyên dịch từ The New York Times
.
.
.
No comments:
Post a Comment