Sunday, January 9, 2011

GIỚI THIỆU SÁCH "VIỆT NAM : NHÌN LẠI CHẾ ĐỘ" của Martin Gainsborough


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Ben Bland điểm sách Việt Nam: Nhìn lại chế độ (Vietnam: Rethinking The State ) của Martin Gainsborough, NXB Zed Books, 2010.


Bóc trần 'Đổi mới'
Lang thang ở trung tâm Hà Nội, nơi những biểu ngữ chạy khẩu hiệu của Đảng Cộng sản giăng ngang đường phố của những gian hàng nữ trang, những tiệm quần áo hàng hiệu và những nhà hàng sang trọng, thật dễ để bị lôi cuốn vào quan điểm đã được chấp nhận về Việt Nam đã làm cách nào để đạt được ngày hôm nay.

Quan điểm này, vốn được chia sẻ bởi Đảng Cộng sản cũng như nhiều học giả quốc tế, cho rằng từ năm 1986 khi chính quyền phát động một chương trình toàn khắp về việc cách tân kinh tế theo hướng thị trường - tiếng Việt gọi là đổi mới - nhằm tiếp sức cho nền kinh tế đã dậm chân tại chỗ vì những giới hạn của hợp tác xã nông nghiệp và kế hoạch tập trung. Việc triển khai và mở rộng thành công của kế hoạch này trong 24 năm kế tiếp đã chuyển biến tương lai Việt Nam khi chính quyền rút lui khỏi kinh tế và lĩnh vực tư nhân thăng hoa. Từ đó Việt Nam đã chuyển từ một nước cô lập, nghèo khó trở thành một quốc gia sôi động với thu nhập ở mức trung bình. Đó là lập luận thường thấy.

Tuy nhiên, một bổ xung mới vào dòng sách vốn rất giới hạn về Việt Nam đương đại đã tìm cách đập tan sự thừa nhận dễ dãi này. Trong cuốn sách phá vỡ thần tượng Việt Nam: Nhìn lại Chế độ của mình, Martin Gainsborough, một giảng viên chính trị tại Đại học Bristol ở Anh Quốc, đã lập luận rằng mọi cố gắng nhằm phân tích nền chính trị của Việt Nam qua lăng kính "đổi mới" đều sai lầm về cơ bản.

Gainsborough, một người vừa trở thành một tu sĩ Anglican, thừa nhận rằng trong hơn 20 năm qua Việt Nam "đã trải qua một chuyển biến từ một hệ thống kế hoạch tập trung trở thành một hệ thống chú trọng vào thị trường để phân phối hàng hoá và dịch vụ," và rằng sự chuyển biến này đã dẫn đến việc hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và nâng cao thu nhập bình quân. Nhưng ông nói rằng quá trình này, vốn được thúc đẩy bởi một loạt những thành phần, nên được hiểu một cách thẳng thừng là "thị trường hoá" hơn là đổi mới.

Gainsborough liệt kê bốn trở ngại lớn trong quan điểm đồng thuận về quá trình đổi mới ở Việt Nam.
Thứ nhất, nó nhấn mạnh quá nhiều vào thay đổi hơn là tiếp diễn.
Thứ hai, nó phóng đại tầm mức về việc chính sách là yếu tố quyết định thay đổi và vai trò của giới cầm đầu chính trị đang kiểm soát sự thay đổi này.
Thứ ba, nó hiểu sai về tính chất của nền chính trị ở Việt Nam, vốn trên thực tế là "một tập hợp tạp nham của những tác động và phản tác động từ giới lãnh đạo" và "rất không rõ ràng như thường được nghĩ."
Cuối cùng, nó khuyến khích một cố gắng sai lầm nhằm chia Đảng Cộng sản ra làm hai thành phần "đổi mới" và "bảo thủ".
Ông viết: "Tuy nhiên, những gì chúng ta khám phá ra là nền chính trị này không nhắm vào những tranh chấp giữa những vị thế chính sách đối chọi nhau - giới lãnh đạo Việt Nam rất hời hợt về chính sách - mà về tiền bạc, sự bảo trợ và sự liên kết bè phái chính trị lỏng lẻo liên quan đến cá nhân." Sự mê hoặc sai lạc đối với quá trình đổi mới này đã làm mờ mắt hầu hết các nhà quan sát quốc tế trước thực chất về sự thay đổi của nền kinh tế (và, trong giới hạn nhỏ hơn, của nền chính trị) trong hai thập niên qua.

Gainsborough đặc biệt có vấn đề với quan điểm rằng sự rút lui của nhà nước ra khỏi kinh tế và việc nuôi dưỡng một thành phần doanh nghiệp tư nhân là động cơ thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam. Rút tỉa từ nghiên cứu thực tế kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở những tỉnh xa hơn như Lào Cai và Tây Ninh, ông nhấn mạnh rằng chính quyền, trên thực tế đã tăng cường sự kiểm soát của mình trong kinh tế khi mức tăng trưởng nhảy vọt từ những năm 1990 trở về sau.

Các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty Việt Nam thường than phiền rằng luật lệ và cơ cấu pháp lý trong nhiều ngành công nghiệp vẫn không rõ ràng và đồng nhất. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, vì chính quyền Việt Nam sử dụng tính chất mơ hồ như là một "công cụ quản lý", Gainsborough nói. "Để thành công trong kinh doanh, các công ty vẫn phải dựa dẫm nhiều vào chính quyền để có được giấy phép, hợp đồng, quyền truy cập vốn, đất đai và, rất thường xuyên là sự bảo kê," ông viết.

Vì thế, trong khi có những than phiền ngày càng nhiều từ cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi giảm bớt giới hạn và tăng cường sự minh bạch trong luật lệ, "những lời kêu gọi này tương đối yếu ớt so với sự hào hứng mà nhiều công ty, vì cần thiết, phải chạy theo lòng bố thí của chính quyền."

Gainsborough ít khi bỏ qua một yếu tố nào trong luận chứng của mình, đa phần được viết rất súc tích, ngay cả khi ông tìm cách khẳng định một giả thuyết chung về chính quyền có thể làm cho những độc giả không chuyên về nghiên cứu phải vò đầu bứt tai.

Những quan sát mới mẻ nhưng thẳng thừng và đầy thách thức của ông về nền chính trị Việt Nam được đưa ra vào thời điểm quan trọng của đất nước. Trước kỳ đại hội năm năm của Đảng Cộng sản được tiến hành vào tháng Giêng, Việt Nam đang bị tả tơi bởi nền kinh tế vĩ mô bất ổn và mối quan ngại về khả năng của chính quyền trong việc giữ nguyên tỉ lệ tăng trưởng nhanh. Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích bày tỏ hi vọng rằng trong đại hội lần thứ 11 này, khi kế hoạch về giới lãnh đạo và kinh tế được đưa ra, sẽ giúp thúc đẩy đất nước vào hướng đi đúng - nhanh chóng thay đổi các công ty nhà nước nặng nề cũng như những thay đổi khác tạo ra một môi trường kinh doanh có lợi hơn.

Nhưng Gainsborough lập luận rằng không chỉ những tiên đoán về đại hội đảng chỉ dựa trên những thông tin tối thiểu, chúng còn thường dựa trên quan điểm sai lạc về nền chính trị Việt Nam, vốn thường không được định hình bởi các thảo luận chính trị. "Để bắt kịp với những khu vực khác trong châu Á, nền chính trị ở Việt Nam chú tâm hơn vào cá nhân và mối quen biết với những thế lực bảo kê cũng như sự bảo trợ về chính trị hơn là chính sách," ông viết.

Sự phê bình này cũng đã đi vào trọng tâm của tính chính danh của Đảng Cộng sản hiện thời, một đảng duy nhất ở Việt Nam vốn được suy dẫn từ việc tự nhận rằng đã đề xuất và tiến hành đổi mới, cùng với huyền thoại là người bảo vệ chủ quyền đất nước. "Khái niệm rằng đã có một kế hoạch rõ ràng về chính sách mà giới lãnh đạo đã đề ra trong năm 1986 và tìm cách để tiến hành nó là một điều sai lầm," Gainsborough viết. Sau đó ông bổ xung thêm: "Ngay cả những sự thật 'thiêng liêng' nhất sau 1975, cụ thể là sự liên hệ giữa Đại hội lần Sáu của Đảng năm 1986 với việc 'phát động' đổi mới, cũng đòi hỏi một cuộc điều tra mới liên quan đến sự diễn giải mang tính xét lại rằng đại hội đảng là người cổ xuý cho công cuộc này."

Nếu những nhận định trên khiến cho những vị lãnh đạo Việt Nam nào đọc chúng cảm thấy khó chịu, chúng cũng đem đến sự bất an cho những nhà đầu tư nước ngoài và các công ty Việt Nam, vốn đang nóng lòng muốn thấy được một ngân hàng trung ương độc lập hơn, hệ thống pháp lý và luật lệ rõ ràng hơn, và thêm nhiều thay đổi trong hệ thống giáo dục trì trệ. Những hi vọng về việc một chương trình đổi mới bỗng dưng xuất hiện sau khi những tranh chấp chính trị liên quan đến đại hội đảng lắng dịu có vẻ như là một ảo tưởng khi được nhìn qua lăng kính phân tích của Gainsborough.

Những thảo luận tiền đại hội tại quốc hội, trong ngành truyền thông Việt Nam và trong cộng đồng viện trợ quốc tế cũng như những nhà đầu tư đã chú trọng vào việc Vinashin, một công ty đóng tàu nhà nước đã gần như phá sản sau khi mở rộng vào nhiều lĩnh vực và gây ra những món nợ không chi trả nổi. Một số tổng giám đốc đã bị bắt giữ về tội danh sai phạm trong quản lý kinh tế sau khi chính quyền công bố những khó khăn của công ty này vào tháng Sáu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị phê phán vì trên thực tế các giám đốc Vinashin trực tiếp nằm dưới quyền văn phòng thủ tướng và chính ông đã đề xuất viễn kiến về việc phát triển những tập đoàn nhà nước theo chiều hướng của những chaebol của Nam Hàn. Những khó khăn tại Vinashin do đó đã tạo ra một tranh luận hiển nhiên rằng về những giá trị của việc phát triển do nhà nước chỉ đạo. Các độc giả đọc sách của Gainsborough cũng sẽ bắt buộc phải suy nghĩ kỹ về điều này. Ông lưu ý rằng việc phanh phui những trường hợp sai phạm quản lý kinh tế và tham nhũng trước đây không phải vì mong muốn tiêu diệt tham nhũng và sự thiếu hiệu quả mà chủ yếu là vì những đấu đá giữa những bộ phận khác nhau trong chính quyền. Ví dụ như ông cho rằng đa số những biểu hiện liên quan đến vụ tham nhũng cực lớn tại Tamexco, một tập đoàn nhà nước khác, trong thời kỳ giữa và cuối những năm 1990s cũng đã lan tràn rộng rãi. Nhiều vấn đề tại Tamexco - như phân phối tín dụng có liên quan đến chính trị, cho các công ty đang nợ nhiều vay mượn và thiếu kiểm toán - cũng là cội rễ của những khó khăn hiện nay ở Vinashin.

Tất cả những điều này đều hỗ trợ cho luận điểm của Gainsborough rằng sự tiếp diễn trong nền chính trị Việt Nam đã bị lơ là nhằm cổ suý cho quan điểm hấp dẫn hơn về sự thay đổi. Những tác phẩm về Việt Nam đương đại viết bằng tiếng Anh đã gặp khó khăn trong việc tìm cách vượt qua khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam trong hai khía cạnh chủ yếu. Thứ nhất, các tiểu thuyết gia, nhà báo và học giả Tây phương đã quá chú trọng vào việc viết về cuộc chiến Việt Nam, có lẽ bởi vì tính quan trọng vẫn còn tiếp diễn của cuộc chiến đối với những thảo luận chính trị hiện tại của Hoa Kỳ. Thứ hai, thế hệ thứ nhất của các học giả tìm cách vượt qua tiêu điểm nhỏ hẹp này bao gồm những người mà bản thân họ là sản phẩm của cuộc Chiến tranh Việt Nam (như David Marr và William Duiker) hoặc mang tâm lý của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Cuốn sách mới của Gainsborough không chỉ bổ xung một cách quan trọng vào những tác phẩm đã có về Việt Nam đươngđại mà còn kích động những mặc định có sẵn đang diễn tả về nó. Ông đã xây dựng một người rơm của quá trình đổi mới rồi san bằng nó một cách đầy thông minh, giúp thiết lập một cơ cấu đầy quan trọng để giúp hiểu được sự thay đổi và tiếp diễn đang thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đầy tốc độ tại Việt Nam.

Nếu nền chính trị của Việt Nam thật sự được vận động bởi cá nhân, sự bảo kê và tiền bạc hơn là bởi chính sách, đây thật sự là thời điểm chín muồi để kể lại câu chuyện đầy hưng phấn những chưa được viết ra về ai đã thắng và ai đã thua trong một phần tư thế kỷ khi những triển vọng kinh tế của đất nước đã được chuyển hoá đến độ không còn nhận ra được.
.
.
.

No comments: