Monday, January 10, 2011

THẾ GIỚI BƯỚC QUA NĂM 2011 (Nguyên Giao)



Như mọi năm – bắt đầu là pháo bông trên hải cảng Sydney, qua quả cầu điện quang được cho rơi xuống từ trên cao ốc Times Square ở Nữu Ước – 2011 đã được nhân loại tưng bừng chào đón ở khắp nơi trên thế giới, quên đi những khó khăn kinh tế, nguy cơ khí giới nguyên tử, hay khí hậu thất thường …
Riêng tại Alexandria, Ai Cập, ngay khi thánh lễ nửa đêm đầu năm kết thúc với gần một ngàn tín đồ ra về ở nhà thờ Công giáo Coptic, thì một chiếc xe bom đậu ngoài cửa phát nổ, giết chết ít nhất 21 người.
2010 đã cho nhân loại những bài học gì, và 2011 có phải là năm người ta có thể đối phó với nhiều vấn đề một cách hữu hiệu hơn? Bài tổng kết đầu năm này có ba phần: Những tin tức được để ý đến nhiều nhất trong năm 2010, lịch trình những sinh hoạt đã được dự trù cho năm 2011, và sau hết, phỏng đoán về những chiều hướng thay đổi của thế giới trong năm mới.
Những tin tức được để ý nhất trong năm 2010
Mười sự kiện được để ý đến nhiều nhất trên thế giới trong năm 2010 được liệt kê như sau:

1. Kinh tế trì trệ & ngân sách thiếu hụt:
Đồng tiền chung cuả Liên Âu đang trải qua thử thách lớn nhất sau hơn một thập niên khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, cùng với 16 quốc gia sử dụng đồng Euro biểu quyết hôm mùng 2 tháng Năm, cho Hy Lạp vay 146 tỷ Mỹ kim để cứu nguy quốc gia thành viên này không bị vỡ nợ; Một tuần sau, các bộ trưởng tài chánh của các quốc gia trong Liên Âu thoả thuận tài trợ ngân khoản 955 tỷ Mỹ kim mong ổn định khẩn cấp, ngăn chặn khủng hoảng tài chánh này lan qua các nước đang nặng nợ nhất là Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha. Mới được bầu lên trong tháng Năm, đối phó với công nợ gia tăng, chính phủ cầm đầu bởi thủ tướng David Cameron của phe Bảo Thủ đã phải ban hành hôm 20 tháng Mười cắt giảm ngân sách 130 tỷ Mỹ kim trong 4 năm. Tại Pháp, tổng thống Nicholas Sarkozy thẳng tay ban hành kế hoạch cắt giảm hưu bổng bằng cách gia tăng tuổi hồi hưu từ 60 lên 62; Hàng loạt các cuộc xuống đường, đình công trong hai tháng Chín, và Mười trên khắp nước đã làm tắc nghẽn lưu thông công cộng, đóng cửa các kho nhiên liệu, và xung đột với cảnh sát.
Tại Hoa Kỳ, thị trường điạ ốc tiếp tục suy thoái, thất nghiệp vẫn ở mức 9.6%, và ngân sách liên bang thiếu hụt hơn 1 ngàn tỷ (1,000,000,000,000) Mỹ kim một năm. Trong tam cá nguyệt đầu của năm 2010, 11.5% gia chủ chậm trễ không trả nổi nợ nhà, khiến số nhà bị ngân hàng cho vay tịch thu gia tăng phá kỷ lục. Bị chỉ trích là đã cho vay bừa bãi, trong tháng Mười, các ngân hàng dẫn đầu phải đồng ý tạm thời ngưng tịch thu nhà. Ngân hàng Trung ương Mỹ không những cắt lãi suất tới số không, và giữ nguyên ở đó đã hai năm qua, mà còn in tiền, bơm bạc vào kinh tế hai lần, lần trước là hơn hai ngàn tỷ đô la, và lần thứ hai: kể từ đầu tháng Mười Một trong tám tháng, thêm 600 tỷ. Chỉ có mỗi một chỉ dấu khích lệ là chỉ số chứng khoán ở thị trường chứng khoán Wall Street hồi phục lên cao nhất trong 2 năm qua.

2. Hoa Kỳ ngưng hành quân ở Iraq; đôn quân ở A Phú Hãn:
Tổng thống Obama tuyên bố hôm 31 tháng Tám rằng quân tác chiến Mỹ đã chấm dứt chiến dịch hành quân ở Iraq. Hơn 4,400 quân nhân Mỹ đã hy sinh, và 32 ngàn khác bị thương trong chiến dịch Iraqi Freedom. Từ mùng 1 tháng Chín, Hoa Kỳ chỉ còn 50 ngàn lính ở Iraq để huấn luyện quân Iraq.
Tại A Phú Hãn, lực lượng Mỹ gia tăng gấp 3 từ khi tổng thống Obama nhậm chức, lên tớI 100 ngàn mùa hè năm 2010. Hơn 600 lính đồng minh đã chết tại chiến trường này trong 10 tháng đầu của năm 2010 – cao nhất kể từ khi chiến dịch bắt đầu. Hôm 23 tháng Sáu, tổng thống Obama bổ nhiệm tướng David Petraeus làm tư lệnh quân Hoa Kỳ, và đồng minh ở  chiến trường này, thay thế tướng Stanley McChrystal bị giải nhiệm vì những tuyên bố chỉ trích Bạch Ốc trên tạp chí Rolling Stone.
Tuy cả Iraq (hôm mùng 7 tháng Ba), và A Phú Hãn (18 tháng Chín) đều có bầu cử quốc hội, nhưng bạo động, và mua phiếu đã làm lem nhem chỉ dấu ổn định.

3. Ống hút dầu khí bể, gây ô nhiễm vịnh Mễ Tây Cơ:
Gần 5 năm sau khi trận bão Katrina làm sập hệ thống đê ngăn nước biển, New Orleans lại phải hứng chịu thảm họa kinh tế, và môi trường từ hôm 20 tháng Tư khi ống hút dầu khí từ đáy biển của đại công ty BP (British Petrol) phát nổ, gây hoả hoạn giết chết 11 thợ làm việc trên dàn khoan; Dầu thô với dung lượng tương đương 5 triệu thùng, tràn trong vịnh suốt trong gần 3 tháng, gây ô nhiễm độc hại cho sinh vật, thủy sản, và thảo mộc, và thành những khối/cục nhớp nháp như nhựa đường trên những bãi biển từ tiểu bang Florida qua Texas. Công ty BP thoả thuận dành ra 20 tỷ Mỹ kim bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

4. Thiên tai & khí hậu bất thường:
Quốc gia nghèo nhất ở Tây Bán cầu là Haiti đã bị một cuộc động đất 7.0 gần thủ Đô Port-au-Prince; Làm hơn 220 ngàn người chết, và hơn 300 ngàn người khác bị thương. Tàn phá lan rộng, tái thiết rất chậm khiến cho đến cuối tháng Mười, ít nhất 1 triệu 300 ngàn người vẫn còn ở trong các trại tạm trú, khi bệnh dịch phát & lan, làm chết nhiều trăm người. Liên Hiệp Quốc ước tính thiệt hại lên tới 7.8 tỷ Mỹ kim – cao hơn tổng sản lượng quốc gia Haiti cho năm 2009 cả 20%.
Từ cuối tháng Bẩy lan qua tháng Tám, mưa lũ gây lụt ở Hồi quốc khiến 8 triệu người vô gia cư, 1 phần 5 quốc gia bị ngập nước làm ngưng trệ sinh hoạt 12 triệu rưỡi dân; Cho đến trung tuần tháng Chín, hơn 1 ngàn 750 người bị chết, 1 triệu 800 ngàn căn nhà bị tiêu tan, và hư hại đường xá cũng như mất mát nông phẩm lan tràn. Nhiều hoạt động cứu trợ đã được quân đội Hồi quốc điều động, song song với hành động tương tự của phiến quân Hồi giáo cực đoan để ‘lấn đất & dành dân’.
Tháng cuối năm, hầu hết Âu châu, và miền Đông & Trung Bắc Hoa Kỳ bị bão tuyết hoành hành, khiến nhiều phi trường (200 ngàn hành khách không có máy bay ở phi trường Heathrow, Luân Đôn – đông khách thứ hai – sau Charles de Gaulle – ở Âu châu), xe lửa nằm ụ; Mưa gây lụt lội cả tuần ở miền Nam tiểu bang California khiến nhiều cư dân phải di tản.
Hơn 200,000 người bị ảnh hưởng do trận lụt năm nay, bắt đầu từ khi bão lốc mang nhiều cơn mưa tầm tã đến Queensland, Úc từ tháng Mười Hai, 2010. Ở thành phố duyên hải Rockhampton, hàng trăm ngôi nhà chìm dưới biển nước, hơn 100 người phải đến sống ở trung tâm tạm trú. Nước lụt dâng đến mức cao điểm, khi nước sông Fitzroy dâng cao cả 10 thước.

5. Nhân quyền ở Á châu bị chà đạp:
Ngày 19 tháng Mười, blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải mãn hạn tù 2 năm rưỡi vì tội biểu tình chống Trung Cộng chiếm đoạt hải đảo của Việt Nam tháng Mười Hai, 2007 tại trung tâm Sài Gòn. Cho đến nay, thân nhân & thân hữu không ai được biết ông đã bị nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục biệt giam ở đâu.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ, người từng kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã bị giam giữ hành chính (!) vì ở chung phòng với một phụ nữ trong một khách sạn tại Sài Gòn ngày mùng 5 tháng Mười Một. Cho đến nay không ai biết khi nào thì ông Vũ mới được đưa ra tòa xử.
Một người bất đồng chính kiến với Bắc Kinh, từng cầm đầu biểu tình ở Thiên An Môn, đang bị tù ở Trung Cộng, Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hoà bình – được đặt lên chiếc ghế trống  – trong ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng Mười Hai, năm 2010 tại Oslo.
Bà Aung San Suu Kyi – lãnh tụ đảng đối lập từng thắng cử (nhưng không được cầm quyền), và đã được giải Nobel Hòa bình – được lãnh tụ quân phiệt Miến Điện trả tự do ngày 13 tháng Mười Một, sau hơn 7 năm bị quản chế tại gia.
Vào chiều tối Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng Mười Hai, 2010, tại Houston, Texas, Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2010 đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam có trụ sở chính tại Nam California, trao cho hai nhân vật tranh đấu kiên cường dũng cảm, đó là ký giả Trương Minh Đức (trái), và nhà tranh đấu trẻ Đoàn Huy Chương, cả hai đang bị tù ở Việt Nam.

6. Nguy cơ khí giới nguyên tử:
Trong khi Iran công khai tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nguyên tử trước đôi mắt quan ngại của Do Thái; Bắc Hàn, sau khi bắn chìm chiến hạm Cheonan hồi tháng Ba và pháo kích đảo Diên Bình của Nam Hàn vào tháng Mười Một, thẳng thừng tuyên bố trong tháng cuối năm, võ khí nguyên tử sẽ bay qua không chỉ Nam Hàn nếu nước này tiếp tục 2 cuộc tập trận có sự yểm trợ của không và thủy quân, bắn đạn thật. Sau khi các cuộc tập trận hoàn tất, không những không pháo kích để trả đũa như đã hăm dọa, Bình Nhưỡng lại dịu giọng thảo luận về việc cho Nguyên tử lực cuộc IAEA gửi nhân viên vào thanh tra. Nhật Bản tất nhiên không thể chỉ yên tâm quan sát.

7. Biển Đông căng thẳng:
Trước những tuyên bố hung hãn, và hành vi gây hấn & bạo động của Trung Cộng về Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ chính thức tuyên bố ở hội nghị khu vực, vùng biển này vẫn là nơi Hoa Kỳ duy trì tự do giao thông để bảo vệ quyền lợi của mình.
Không những chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia khác trong vùng trước đe dọa của Bắc Kinh, phấn khởi chào đón lời cam kết chiến lược vùng của Hoa Kỳ.

8. Những nhân vật khác người:
Trong một buổi Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ ở Hollywood với 5 ngàn người tham dự, hệ thống truyền thông quốc tế CNN đã trao giải ‘Anh Hùng CNN năm 2010’ cho bà Anuradha Koirala, người Nepal, đã có công giải cứu liên tục từ năm 1993, 12 ngàn phụ nữ khỏi nạn buôn nô lệ tình dục. Gần 3 triệu khán thính giả CNN trên khắp thế giới đã bỏ phiếu trong suốt 8 tuần lễ, đưa đến chọn lựa này. Giải thưởng là 100 ngàn Mỹ kim, sau 25 ngàn đã được lãnh cho vòng chung kết 10 ứng viên dẫn đầu.
Mùng 7 tháng Mười Hai, Julian Assange, chủ nhân WikiLeaks, ra đầu thú cảnh sát Anh quốc. ‘Hệ thống tiết lộ bách khoa’ này mới ra đời từ cuối năm 2006 trên không gian ảo của điện toán – cyberspace – chứ không là một doanh nghiệp có tổ chức với hội đồng quản trị, chủ tịch, hay tổng giám đốc. WikiLeaks ra tay lần đầu vào ngày 25 tháng Bảy, qua sự phối hợp với ba tờ báo đều thuộc khuynh hướng thiên tả là New York Times của Mỹ, Guardian của Anh, và Der Spiegel của Đức. Lần thứ nhì là ngày 22 tháng Mười qua ba tờ báo kể trên, và hệ thống thông tin Al Jazeera. Lần thứ ba là ngày 28 tháng Mười Một, qua ba tờ báo đó, thêm tờ Le Monde của Pháp, và El Páis của Tây Ban Nha. Chủ đề lần đầu là các tài liệu về chiến sự tại A Phú Hãn; Lần hai là chiến sự Iraq qua các tờ trình quân sự của Mỹ trong thời gian từ đầu năm 2004 đến cuối năm 2009; và lần ba là các ‘điện tín’ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Từ mấy chục ngàn trong đợt đầu, khối lượng tài liệu ồ ạt ‘rò rỉ’ mà như tháo cống, lên tới hơn 390 ngàn trong đợt hai, và 250 ngàn trong đợt ba.
Mark Zuckerberg, người sáng lập và điều hành trang mạng điện toán Facebook, được tạp chí Time phong danh hiệu ‘Nhân vật của năm 2010’. Trong vòng chưa đầy 7 năm, tỷ phú 26 tuổi Zuckerberg đã nối 1/12 nhân loại – trên nửa tỷ người – vào một mạng lưới điện toán chung, và qua đó, tạo ra một thực thể xã hội lớn gấp đôi nước Mỹ. Tạp chí Time nhấn mạnh đến tác động rộng khắp của mạng xã hội Facebook đã hòa trộn vào tế bào xã hội Mỹ, và không chỉ cho dân Mỹ; Hiện nay gần một nửa dân Mỹ có trương mục Facebook, nhưng 70% người dùng Facebook sống bên ngoài Hoa Kỳ.

9. Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật cải tổ bảo hiểm y tế:
Hạ tuần tháng Ba, sau nhiều tháng tranh luận, và thương lượng chính trị, tổng thống Obama ban hành Patient Protection and Affordable Care Act, một cố gắng cải tổ hệ thống tàI trợ các dịch vụ y tế tham vọng nhất kể từ Medicare, và Medicaid năm 1965. Luật mới chủ ý ngăn chặn lạm dụng trong kỹ nghệ bảo hiểm y tế, và trong vòng/sau 10 năm, sẽ cung cấp bảo hiểm y tế cho 32 triệu dân Mỹ. Dự trù sẽ hoàn toàn được thực hiện trước năm 2014, hệ thống bảo hiểm sức khoẻ mới sẽ được tài trợ bằng thuế mới đánh trên giới có lợi tức cao. Giới đối nghịch tuyên bố sẽ tìm cách bãi bỏ, và chất vấn sự hợp hiến của đạo luật.

10. Thể thao quốc tế sôi nổi:
Hơn 2,600 thể tháo gia từ 82 quốc gia tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông lần thứ 21 từ 12 đến 28 tháng Hai tại Vancounver, British Columbia. Quốc gia tổ chức, Gia Nã Đại dẫn đầu với 14 huy chương vàng, trong khi Hoa Kỳ đoạt 9 vàng, 15 bạc, và 13 đồng. Ngày 11 tháng Bẩy tại Johannesburg, Nam Phi, Tây Ban Nha đá bại Netherlands, đoạt giải Bóng Đá Thế Giới FIFA; Cuộc tranh tài sôi nổi kéo dài một tháng, lần đầu tiên được tổ chức ở Phi châu.

Lịch trình những sự kiện quan trọng trên thế giới trong năm 2011

Tháng Giêng
Đến phiên Hung làm chủ tịch Liên Âu – nhiệm kỳ 6 tháng.
Estonia gia nhập các quốc gia dùng đồng Euro.
Các thành phố Turku ở Phần Lan, và Tallinn của Estonia được nêu danh “Thủ đô Văn hoá” của Âu châu.
Wikipedia, trang dữ kiện bách khoa trên Liên Mạng do người đọc cập nhật, kỷ niệm năm thứ 10.
Pháp làm chủ tịch khối các quốc gia G8, cùng lúc với sự mãn nhiệm của thủ lãnh Jean-Marie Le Pen của đảng thiên tả National Front.
Cũng như năm ngoáI, đại hội World Economic Forum sẽ được diễn ra ở nơi nghỉ mát nổi tiếng Davos, Thụy Sĩ.

Tháng Hai
Dân Á Châu đón chào năm Âm lịch con Mèo (Tân Mão) bắt đầu ngày mùng 3. Mèo tượng trưng cho tài giỏi, đầm tính, và tham vọng.
Tranh giải bóng đá Super Bowl lần thứ 45 tại Dallas, Texas.
Tương phản với World Economic Forum, World Social Forum sẽ được tổ chức tại Dakar, Senegal.
Hollywood trải thảm đỏ phát giải Oscars – lần thứ 83 – cho các phim, và diễn viên xuất xắc (đối nghịch với giải Golden Rasberries). Tại trung tâm thành phố Los Angeles, các ca nhạc sĩ nổi tiếng được trao giải Grammys.
Bầu cử Tổng thống tại Uganda.

Tháng Ba
Hội chợ thế giới ở Rio de Janeiro, vẫn dần đầu so với Venice, qua New Orleans.
Hội ngôn ngữ Moliere, với nửa tỷ hội viên, liên hoan mừng ngày quốc tế Pháp thoại.
Twitter kỷ Niệm sinh nhật 5 tuổi, cùng lúc với ngày Hội Thơ Thế Giới.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, chủ nhân văn phòng luật Thiên Ân ở Hà Nội, bị bỏ tù vì đã – với sự cộng tác của luật sư Lê Thị Công-Nhân – mở lớp giảng dậy về nhân quyền cho thanh niên & sinh viên ở  văn phòng của mình – mãn hạn tù cộng sản.

Tháng Tư
Nhiều sự kiện bất thường (để mua vui) xảy ra trên thế giới trong ngày Tháng Tư Điên Dại.
Mumbai tổ chức tranh giải Cricket thế giới – 4 năm một lần.
Giải thưởng cao quí Pulitzer cho các ký giả, nhà văn, kịck tác gia, và nhạc sĩ được công bố tại Nữu Ước.
Bầu cử tổng thống, và quốc hội ở Peru.
Các người khuyết tật tranh giải chạy đua ở Bắc Cực.

Tháng Năm
Công nhân – không kể Hoa Kỳ – cử hành lễ lao động.
Pháp tưởng niệm các nạn nhân của chế độ nô lệ.
Đại hội điện ảnh Cannes lần thứ 63 tại Côte d’Azur, Pháp.
Tranh giải quần vợt tại French Open.
Tranh giải xì phé thế giới tại Las Vegas, Hoa Kỳ.

Tháng Sáu
Nhiều quần áo sẽ bị xé nát trong Ngày Thiên Nhiên Thế Giới.Tranh giải đua xe hơi Le Mans tại Pháp.
Nữu Ước trao giải Tony cho kịch nghệ.
Hội Fête de la Musique sẽ trình diễn không nhận thù lao ngoài trời ở Pháp để kỷ niệm ngày mặt trời xa qũy đạo trái đất nhất (summer solstice), cùng lúc với ngày biểu diễn máy bay ở Paris.
Ý đón chào thế giới nghệ thuật ở Venice Biennale.

Tháng Bẩy
Hoa Kỳ kỷ niệm Lễ Độc Lập ngày mùng 4; Pháp, Lễ Cách Mạng ngày 14.
Đến phiên Ba Lan làm chủ tịch Liên Âu.
Hoàng tử Albert của vương quốc Monaco, con trai của Grace Kelly, làm lễ thành hôn.
Lễ hội San Fermin nổi tiếng 420 năm, với bò rượt chạy ở Pamplona.
Tổng tuyển cử ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trình diễn thời trang haute couture mùa thu & mùa đông ở Paris.

Tháng Tám
Tổng thống Obama, sinh cùng năm với Bức Tường Bá Linh, được 50 tuổi.
Hầu hết dân Âu châu nghỉ hè một tháng.
Guyana bầu lại National Assembly, và chủ tịch Seychelles.
Hội chợ trên đường phố Notting Hill ở Luân Đôn, Anh.

Tháng Chín
Tranh giải bóng Bầu Dục thế giới tại Tân Tây Lan.
Pháp bầu thay thế nửa thượng viện – nhiệm kỳ 6 năm. Ba Lan bầu hai viện quốc hội.
Các nhà ngoại giao thế giới họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước.

Tháng Mười
Mạc Tư Khoa tái khai trương kịch trường Bolshoi sau 6 năm tân trang.
Thụy Sĩ bầu cử liên bang; Bulgaria bầu cử tổng thống.
Tranh giải Puzzle, và Sudoku thế giới ở Hung.
Hội chợ Oktoberfest lần thứ 178 ở Munich.
Giải Nobel Hoà bình được công bố ở Oslo; Các giải Nobel khác ở Stockholm.
Mễ tổ chức 30 giải thể thao Pan American tại Guadalajara.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị Khai mạc hội nghị Các nguyên thủ Quốc gia của khối CommonwealthPerth, Úc.

Tháng Mười Một
Tổng tuyển cử tại Tân Tây Lan; Bầu tổng thống ở Nicaragua; và bầu lại tổng thống, và quốc hội tại Congo.
Pháp tổ chức thượng đỉnh G20 lần thứ 6.
Hội chợ Voi Surin ở Thái.
Dân Mỹ làm thịt 45 triệu gà tây trong ngày Lễ Tạ Ơn – thứ Năm 24.

Tháng Mười Hai
Tranh giải chèo thuyền Atlantic Rowing từ Canaries qua West Indies – kỷ lục là 33 ngày.
Sẽ có tranh luận gay gắt trong hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu thay đổi, có lẽ sẽ được tổ chức tại Durban, Nam Phi.
Tiểu quốc St Lucia bầu lại quốc hội – gồm 17 đại biểu.

Phỏng Đoán Tình Hình Thế Giới Trong Năm 2011

2011 sẽ là năm các nhà nghiên cứu về số lấy làm thích thú, với những ngày (, tháng & năm) viết thành 01:01:11, 01:11:11, 11:01:11, và 11:11:11. Tuy nhiên con số đáng nhớ nhất trong năm 2011 sẽ là con số Hai. Vì năm mới sẽ là năm có hai thế giới kinh tế khác nhau: Một bên là thế giới của những quốc gia giầu có trước đây, bây giờ phải chật vật, khốn khổ vì tình trạng thất nghiệp, với sự phục hồi kinh tế rất yếu; và một thế giới khác gồm những nước có nền kinh tế đang vươn lên, mức phát triển lại gấp ba, bốn lần các nước đã có công nghệ phát triển. Âu châu sẽ bị phân chia làm hai cực giữa một nhóm các nước ở vùng trung tâm thuộc nhóm dùng đồng Euro, bao quanh bởi khối các nước bên lề đang bị suy yếu, lung lay. Ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều quốc gia, cũng có sự phân biệt giữa hai khu vực: một bên phát triển mạnh nhờ dựa vào mức phát triển bộc phát của Trung Cộng, bên kia thì phát triển chậm hơn; Thí dụ điển hình là kinh tế Úc Đại Lợi, nơi có sự phát triển không đều của hai thành phần khác nhau.

Mở đầu năm mới, vào ngày 19 tháng Giêng, chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ tới Hoa Kỳ trong một chuyến thăm viếng chính thức đầu tiên của lãnh đạo Trung Cộng kể từ năm 2006. Hai tuần sau khi Quốc hội khóa 112 của Mỹ nhậm chức, tổng thống Obama sẽ nghênh đón một phái đoàn hùng hậu gồm rất nhiều doanh gia Hoa lục với các hợp đồng với doanh nghiệp Mỹ lên tới cả chục tỷ đô la. Nhưng bên cạnh kinh tế, nhiều hồ sơ khác, cả chính trị và an ninh, giữa hai cường quốc Thái Bình Dương sẽ được mặt đối mặt, thảo luận; Quan hệ giữa hai nước –  tình hình Đông Á cũng vậy – trong năm 2011, có thể được đặt trên căn bản từ dịp gặp mặt này. Trước khi họ Hồ tới Mỹ, tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ thăm Bắc Kinh trong bốn ngày, mùng 9 tới 12, để đàm phán với vị tương nhiệm là tướng Lương Quang Liệt rồi ghé Tokyo gặp tổng trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa. Không phải ngẫu nhiên mà nhật báo lớn nhất của Nhật là Asahi Shimbun loan tin ngày cuối năm 2010, rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch thôn tính các hải đảo ngoài Đông hải, mà Trung Cộng gọi là Trung Nam hải – xin hiểu là Hoàng Sa và Trường Sa – trước khi nhắm vào các đảo Senkaku của Nhật mà Trung Cộng gọi là Điếu Ngư đài. Trước đó một ngày, đô đốc tư lệnh Hạm đội Thái Bình dương của Hoa Kỳ cũng cảnh báo về sự lớn mạnh của Trung Cộng như một đại cường quân sự Thái Bình dương, với khả năng dùng phi đạn tấn công hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, hậu thuẫn ý đồ biến Biển Đông thành ao nhà của mình.

Nhìn vào mặt kinh tế, siêu cường Hoa Kỳ một năm sản xuất ra hơn 14 ngàn tỷ Mỹ kim, trong số này tiêu thụ chiếm đến 70%; Khi sản xuất đình đọng, người ta ưa nghĩ đến việc nâng sức tiêu thụ để kích thích sản xuất, với hậu quả là lại gia tăng sự vay mượn, và nâng cao bội chi ngân sách. Có lẽ đây là lúc nên nghĩ đến kích thích sản xuất hơn là tiêu thụ, nghĩa là giải tỏa những ứ đọng hành chính và giảm bớt gánh nặng thuế khóa để nâng số cung hơn là chỉ nghĩ đến số cầu. Ngược lại, ta nên công bằng nhìn vào một sự thể khách quan khác: Đó là trong tổng sản lượng Mỹ hơn 14 ngàn tỷ, tiêu thụ chiếm hơn 11 ngàn, và dân Mỹ kiếm ra trăm bạc thì tiêu mất 94 đồng, cho nên thị trường tiêu thụ Mỹ lớn nhất thế giới, là nguồn sống cho nhiều quốc gia xuất khẩu. Cả ba quốc gia có kinh tế giàu nhất sau Mỹ, là Trung Cộng, Nhật, và Đức, đều ráo riết đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi, và họ không hài lòng với việc Mỹ kim sụt giá. Trung Cộng và Nhật đều can thiệp vào thị trường ngoại hối để nâng mức cạnh tranh, và thực tế để dễ xuất cảng hàng vào Mỹ.

Về mặt kỹ thuật thì nước Mỹ đã thoát khỏi khủng hoảng và quay trở lại với con đường tăng trưởng, thế nhưng đó là một tỷ lệ tăng trưởng èo uột, và nhất là không đả thông bế tắc trên thị trường nhân dụng.
Kinh tế Hoa Kỳ hồi phục rất chậm. Tổng sản lượng nội địa (GDP) sụt hơn 4% vì 18 tháng suy trầm thì vẫn chỉ tăng được có từ 1 đến 2%. Cả năm nay thất nghiệp mấp mé 10% và hiện nay là 9,8% dân số lao động. Trong số hơn 15 triệu người thất nghiệp có 6 triệu bị mất việc trên sáu tháng, và đáng chú ý nhất: thành phần mất việc lại là người có chuyên môn và lợi tức hạng trung lưu, loại chuyên viên làm việc ở bàn giấy, có văn phòng, chứ không chỉ có công nhân áo xanh như trước đâỵ Phải năm năm nữa, may ra mức thất nghiệp mới xuống lại tỷ lệ 5% trước khi bị suy trầm. Song song, tài sản của nhiều người là ngôi nhà thì sụt giá vì nạn bể bóng gia cư từ năm 2006. Năm qua còn mất thêm hơn 4%. So với đỉnh cao năm 2006 thì mất một phần tư. Vì vậy, đa số đều thấy là mình nghèo đi. Về ngân sách thì chính quyền đã hai lần bơm tiền kích thích trị giá 185 tỷ thời tổng thống Bush và hơn 800 tỷ thời tổng thống  Obama mà chưa có kết quả. Cuối năm 2010, lại thêm 858 tỷ được quyết định bơm thêm trong hai năm tới. Chưa biết kết quả ra sao thì ngân sách năm qua đã bội chi 1,400 tỷ, gần 10% GDP và còn bội chi nữa, nên chính phủ phải đi vay dù đã mắc nợ tới 87% tổng sản phẩm nội địa. Vì thế, dân chúng, từ tỷ phú tổng quản trị đến nhà đầu tư cò con, từ các gia đình ‘lấy đuôi này đắp đầu kia (making ends meet)’ đến người đang kiếm việc, đều nhìn thấy rất nhiều rủi ro trước mắt. Người người đều tìm cách hạn chế chi tiêu để trả nợ và do dự rất lâu khi phải quyết định bung ra làm ăn vì những bất trắc trước mặt. Các doanh nghiệp đang ngồi trên một núi hiện kim trị giá nhiều ngàn tỷ đô la mà không dám đầu tư – và vì vậy, vẫn chưa tuyển lại ngườị Liều lĩnh lắm thì thuê người theo kiểu bán thời, vừa dễ sa thải vừa nhẹ gánh an sinh, phúc lợi hay bảo hiểm. Thành phần lạc quan tin tưởng rằng lợi tức năm tới sẽ khá hơn năm nay chỉ là thiểu số, chừng 25%.


Tuy thất nghiệp chưa sụt giảm, mức độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đã tăng trở lại được gần 4%, cao hơn nhịp độ trung bình của thế giới trong ba thập niên vừa qua (GDP toàn cầu tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 1980-2009). Các doanh nghiệp Mỹ đang có mấy ngàn tỷ bạc trong tay mà không dám bung ra làm ăn và tuyển dụng vì chưa yên tâm về chánh sách của nhà nước. Với Quốc hội mới, tình hình sẽ khá hơn và kinh tế có hy vọng tiếp tục  mức tăng trưởng chừng 4% vào năm 2011.

Nhìn trong trường kỳ thì quốc gia quá trẻ này (mới có 234 tuổi) có hai phản ứng trái ngược, mà lại dễ hiểu. Dân Mỹ vững tin vào định mệnh ưu việt của một quốc gia giàu mạnh nhất nên lạc quan cho rằng Hoa Kỳ có thể làm được mọi chuyện. Và người nào trên thế giới cũng chỉ mong thành người Mỹ, kiên nhẫn xếp hàng xin giấy nhập cảnh vào Mỹ. ‘Giấc mơ Hoa Kỳ’ cũng là mộng ước của nhân loại trên toàn cầu; Thế hệ di dân thứ hai là có thể thành triệu phú, hay phi hành gia thám hiểm không gian. Vì vậy, họ sẵn sàng chấp nhận cho quốc gia ra tay cứu khổn phò nguy ở mọi điểm nóng trên thế giới, có khi bị đả kích là Đế quốc mà không hiểu vì sao.

Nhưng cũng dân Mỹ đó, khi gặp chuyện bất ngờ thì hốt hoảng tự hỏi “Tại sao tôi lại bị nhỉ (Why me)?” Các dân tộc khác đều đã có thể bị ngoại xâm hay khủng bố – nhiều lần – và nếu có bị ngập lụt trong khủng hoảng kinh tế thì thắt lưng buộc bụng, rau cháo có nhau. Người Mỹ thì chưa trải qua những thế kỷ u ám đó. Vì vậy, sau cơn hốt hoảng thì chính người Mỹ lạc quan hôm qua lại trở thành người Mỹ bi quan hôm nay.

Sau cả trăm năm đề cao tự do mậu dịch là giải pháp kinh tế lý tưởng cho mọi quốc gia, cho kẻ mua lẫn người bán, đa số dân Mỹ ngày nay bỗng hoài nghi và thủ thế bằng phản ứng ‘bảo hộ mậu dịch’. Yêu nước Mỹ thì phải mua hàng của Mỹ, để tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ. Viên kỹ sư tại Ấn Độ đang trả lời thân chủ mua vé máy bay Mỹ là người đã cướp mất việc làm của một kỹ sư Mỹ! Các chính khách mau mắn nhảy vào khai thác tinh thần thụt lùi đó, ra cái điều quan ngại cho quyền lợi của người dân. Từ đó mới có ‘Quốc sách Xuất cảng’ (được tổng thống Hoa Kỳ thông báo hồi đầu năm 2010 trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang, và khởi động từ tháng Ba): Xuất cảng là nhiệm vụ chiến lược của chính phủ. Ngoài chức năng cố hữu của bộ Thương mại, Hội đồng Thương mại Quốc tế hay Ngân hàng Xuất nhập cảng
ExImBank, v.v. các phủ bộ như Hội đồng An ninh Quốc gia bên Tổng thống hay cả bộ Ngoại giao từ nay cũng phải góp phần đẩy mạnh xuất cảng. Bành trướng thị trường không là tính toán tự phát của các doanh nghiệp mà thuộc trách nhiệm của chính trường, của nhà nước. Chính sách kinh tế mới này của Hoa Kỳ thấy nào có khác gì các quốc gia nhỏ & nghèo, mới phát triển?

Hậu quả? Xưa nay, Hoa Kỳ dùng ngoại thương làm đòn bẩy để tranh thủ lòng người. Quốc gia nào có lập trường ngoại giao thân hữu với nước Mỹ sẽ dễ làm ăn buôn bán, nhất là bán cho một thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ đã giúp hai đối thủ cũ là Đức, và Nhật theo hướng đó, và cũng dùng ngoại thương làm đòn bẩy với cả các quốc gia Cộng sản. Đế quốc đầy từ tâm mua hàng của thiên hạ để mua phiếu các nước khi cần giải quyết thiên hạ sự. Bây giờ, Đế quốc ngập nợ và hốt hoảng này sẽ … tranh ăn với thiên hạ. Sẽ mua ít hơn, và bán nhiều hơn, để còn trả nợ và tìm việc cho dân thất nghiệp. Phản ứng bi quan khiến ngoại thương từ nay sẽ chi phối ngoại giao. Chuyện phân định bạn thù lại có thêm một tiêu chuẩn mới. Nghĩa là Hoa Kỳ là một quốc gia đang lâm chiến, lại hoang mang về chuyện bạc tiền và sẽ trải qua nhiều năm xoay trở trong một vòng luẩn quẩn!

Tóm lại, ta không nên qúa lạc quan về viễn ảnh 2011, năm Mão có khi còn dữ hơn năm Dần cho nước Mỹ, trong khi gánh nợ vẫn chưa nhẹ hơn vì đã vay mượn quá nhiều lúc lạc quan, sẽ còn vay mạnh hơn khi bi quan!

Kể từ năm 2008, cục diện thế giới cho thấy các động cơ chính của con tàu kinh tế thế giới không còn được đặt tại Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản mà đã được dời về khu vực các quốc gia đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Cộng và Brazil.

Với 2,660 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, Trung Cộng dư thừa phương tiện để cứu nguy nhiều tập đoàn của châu Âu và Mỹ lâm nạn. Chỉ riêng đối với ngành công nghiệp xe hơi, trong năm 2010, hai con chim đầu đàn của Âu Mỹ là Volvo, và Ford đều đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Cộng. Lại cũng Bắc Kinh đã tung tiền mua công trái của Nhật Bản: trong sáu tháng đầu năm, Trung Cộng mua 15 tỷ Euro công trái của Nhật. Trong lúc Hoa Kỳ và châu Âu đau đầu vì nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, thì bộ Thương mại Trung Cộng cho biết, nội trong tháng Mười Một, 2010, cán cân thương mại Trung Cộng thặng dư gần 23 tỷ đô la, và tỷ lệ tăng trưởng trên dưới 10%.

So với các quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Trung Cộng sáng sủa nhất: phát triễn đều 10% mỗi năm; qua mặt Nhật Bản lên hàng thứ nhì trên thế giới; trử lượng ngoại tệ 2600 tỷ Mỹ kim. Cứ theo đà này thì mỗi 7 năm là tăng gấp đôi, tức là sẽ hơn Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên ít ai để ý nền kinh tế này phát triển không đồng đều: tiền bạc dồn vào các đại gia và thành phố lớn, dẫn đến tình trạng lạm phát và bong bóng. Theo vài ước tính thì từ 1,100 cho đến 1,300 tỷ Mỹ kim  – tức là ½ số trử lượng ngoại tệ – nằm trong khu vực kinh tế đen ngoài vòng kiểm soát của nhà nước. Khoảng 45% số tiền ngân hàng cho vay (740 tỷ Mỹ kim) là nợ khó đòi. Các số tiền này rơi vào tay thiểu số tạo ra bóng đầu cơ, xây hàng chục vạn căn nhà ở các thành phố lớn để bỏ trống vì không có ai mua nổi. Đó là lý do Bắc Kinh cứ phải giữ tiền ở Hoa Kỳ.

Về phần quốc gia rộng lớn của châu Mỹ La Tinh là Brazil, thì nền kinh tế đang vươn lên này tạo thêm 2 triệu rưỡi việc làm trong 10 tháng đầu năm 2010, thành tích chưa từng thấy làm 19 nước còn lại trong khối G20 phải ganh tị. Song song với thành quả kinh tế, Brazil còn là một trong những quốc gia hiếm có trên thế giới có thể tự hào là đã đưa 20 triệu dân ra khỏi cảnh bần cùng trong vỏn vẹn chưa đầy một thập niên.

Tại châu Âu, sau khi tuột dốc vì để thất thoát hơn 5% GDP năm 2009, kinh tế Đức trong năm 2010 đã lấy lại thăng bằng: Tổng sản lượng nội địa tăng 3,4% nhờ vào ngành xuất khẩu rất năng động bất chấp tỷ giá đồng Euro bị coi là quá cao so với đô la và yen. Thế nhưng trong toàn khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu thì nước Đức của thủ tướng Merkel cùng với Ba Lan gần như là những ngoại lệ. Các nước Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý bị ảnh hưởng bởi ngân sách thiếu hụt và bong bóng tài chành & địa ốc của những năm trước nên rơi vào khủng hoảng. Chính sách thông thường là phá giá đồng bạc để nâng mức cạnh tranh và giảm tiêu thụ, nhưng lại không thể áp dụng vì đang dùng đơn vị tiền tệ Euro chung với các nền kinh tế mạnh Đức Pháp v.v. Kể từ khi đơn vị tiền tệ châu Âu này chào đời, 2010 cũng là lần đầu tiên mọi người đặt câu hỏi về tuổi thọ của đồng Euro. Điều làm giới đầu tư lo ngại là khu vực đồng euro lâm vào bế tắc chính trị và khi đó người ta lo ngại là hệ thống tiền tệ chung châu Âu bùng nổ. Hy Lạp mấp mé trên bờ phá sản hồi mùa xuân vừa qua, sang thu thì đến lượt Ailen/Iceland bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Khối Euro trong năm 2011 sẽ phải tiếp tục, sau kinh nghiệm Hy Lạp và Ailen, thận trọng trước hiện tượng dầu loang từ Athenes, và Dublin đến những mắt xích yếm kém nhất trong khối như là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ý.

Nhưng 16 nước thành viên khối Euro, và nhìn rộng ra hơn là 27 nước Liên Hiệp Châu Âu lại không có cùng một quan điểm: Mấu chốt của vấn đề là dùng chung đơn vị tiền tệ mà lại không có quy chế liên bang vì các quốc gia Âu châu đều độc lập. Dân chúng Hy Lạp – Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha bất mãn vì vào đồng Euro bị bó buộc mà khi bị nạn không ai giúp; còn Đức – Phần Lan phản đối vì dùng Euro lợi không thấy chỉ gánh thêm nợ của người ngoài.

Kết quả là có thể đồng Euro bị tan vở khi một hay hai nước rút ra. Đây sẽ là một thảm hoạ cho Âu Châu. Nhưng ngắn hạn thì không ai dám mua Euro nên cứ phải cho Hoa Kỳ vay nợ!

Tại cường quốc số một thế giới, kinh tế nội bộ khó khăn đã dẫn đến hậu quả chính trị tai hại đối với Nhà Trắng. Trên trường quốc tế, tổng thống Obama cũng tỏ ra bị lép vế so với lãnh đạo Trung Quốc, và đã phải đấu dịu trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh về hồ sơ tiền tệ.  Khi thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Cộng thăm Ấn Độ tuần qua với cả trăm doanh gia trong phái đoàn. Sau ba ngày đàm phán với một nước xưa nay là đối thủ, đôi bên ký kết nhiều hợp đồng trị giá mười mấy tỷ đô la. Sau đó, ông Ôn Gia Bảo thăm Pakistan và dự trù ký 35 tỷ đô la hợp đồng nữa. So với sự thất bại của ông Obama tại Seoul bên lề thượng đỉnh G-20 thì quả là Trung Cộng có vẻ vượt xa. Nhưng thật ra, thế mạnh của Bắc Kinh là thế ảo của nhà nước với 2,660 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ tung ra mua chuộc thiên hạ trong khi xã hội bên dưới thì vẫn nghèo nàn lạc hậu. Đối với bên ngoài, việc Bắc Kinh dùng đất hiếm làm áp lực khiến nhiều quốc gia trên thế giới không còn ai dám mua đồng Nguyên (hay Nhân Dân Tệ) làm trữ lượng. Các nước như Trung Đông chỉ còn có thể giữ đồng đô-la!

Thế giới sẽ đánh dấu năm 2011 là năm Trung Cộng hạ bệ Hoa Kỳ để trở thành quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, và đồng thời, Trung Cộng cũng phải chấp nhận thực tế là Ấn Độ sẽ là thay thế mình với mức độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới. Trong khi đó Hoa Kỳ đang bước sang một mô hình phát triển mới mà ở đó tăng trưởng không nhất thiết tạo thêm công việc làm. Mặt khác Hoa Kỳ cũng phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, và các trang thiết bị công nghiệp nếu không muốn để bị các nền công nghiệp còn ‘non trẻ’ và năng động như Brazil hay Trung Cộng qua mặt.

So với những bài học mà cả Âu-Mỹ-Hoa đã trải qua, kinh tế Việt Nam có những đặc điểm khác người như thế nào?
- Đầu tư nhà nước bị thất thoát vào tập đoàn. Trữ lượng ngoại tệ thấp, cán cân mậu dịch thâm thủng cao nhất là đối với Trung Cộng.
- Tiền bạc dồn vào các đại gia, và thành phố lớn, dẫn đến bong bong đầu cơ, và lạm phát.
- Bị cả hai cơ quan quốc tế Fitch lẫn Standard & Poor giảm điểm tín dụng nên sẽ phải vay tiền nặng lãi.
- Gặp lúc ngặt nghèo thì phải tìm trợ giúp từ nước ngoài khiến mất tự chủ: Xin Mỹ, hay Qũy Tiền Tệ Quốc Tế thì phải cải tổ xã hội; Mượn Trung Cộng lại phải nhân nhượng đủ điều, đưa đến bị lấn áp.
Nhưng có lẽ vì chỉ phục vụ quyền lợi đảng viên – thay vì quốc gia – Hà Nội đã trễ, và chẳng bao giờ muốn bước lên con tầu phát triển.

Qua điạ hạt chính trị thế giới, người ta cũng thấy con số Hai – như đã nói ở trên: là con số đáng nhớ nhất cho năm 2011 -  trong sự xung đột giữa hai thế lực đối kháng, có khi trong một nước. Nước Đức tuy có nền kinh tế phát triển khá tốt, nhưng bầu không khí chính trị cũng bắt đầu trở nên thiếu hòa thuận. Nước Mỹ sẽ gặp tình trạng kèn cựa căng thẳng giữa Toà Bạch Ốc (thuộc phe Dân Chủ, Cấp Tiến) và Quốc Hội (có đa số là Cộng Hoà, Bảo Thủ), để rồi sẽ đưa đến tình trạng dậm chân tại chỗ, không làm được việc gì tốt đẹp, hay kịp lúc. Một nước lớn ở Phi châu là Sudan, sẽ bị chia cắt làm hai theo chiều Nam (đa số theo Thiên Chúa giáo và các tôn giáo truyền thống với đa số dân gốc da đen), Bắc (đa số theo Hồi Giáo và gốc Á Rập – Nubians), để sẽ đi theo con đường riêng của mình.

Trong lãnh vực bang giao quốc tế, tinh thần chia rẽ, bực bội lẫn nhau cũng trở nên rõ nét trong tình hình thế giớị Bất kể những lời văn hoa bóng bẩy của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi sự hợp tác toàn cầu trong các kỳ Hội Nghị Thuợng Đỉnh G8, và G20 năm vừa qua, kết quả chỉ là con số không to lớn. Những tranh cãi của các nước trên thế giới về chính sách hối đoái, mậu dịch, và khí hậu thay đổi của trái đất đều lâm vào bế tắc. Họ tìm cách đổ lỗi lẫn nhau. Đến gần cuối năm, người ta bắt đầu trở nên bi quan vì những con số thống kê về trái đất. Chẳng hạn như dân số điạ cầu cuối năm 2011, sẽ lên đến 7 tỉ người. So vớI chỉ 1 tỷ năm 1800, người ta tự hỏi: Làm sao tìm đủ tài nguyên để lo cho số đông dân số như vậỵ
Nhưng trong những năm sắp tới, sẽ có những ví dụ cho thấy sức mạnh của tiến bộ kỹ thuật, và óc tưởng tượng của con người trong việc giải quyết những vấn đề thời đạị Ví dụ giúp các loại máy nổ chúng ta dùng thường ngày sẽ không còn lệ thuộc vào xăng dầu nữa, và cách ngăn chặn sự lan truyền của các loại bệnh tật, như phương pháp diệt trừ bệnh sốt rét, căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, sẽ được tìm ra vào năm 2011.  Không như chỉ ở tại nước Anh, một số quốc gia giầu có sẽ làm những cuộc cải cách tận căn bản. Ở những khu vực khác của thế giới, có những thành công đáng kể về kinh tế, mở rộng sang nước mới, không phải chỉ riêng những nước như Trung Cộng, Ấn Độ, và Ba Tâỵ Còn phải kể thêm những thị trường mới, một phần tại Phi châu, ở đó nước Ghana sẽ trở thành một ngôi sao đang lên trong lãnh vực phát triển kinh tế.

Nhiều ngân hàng, và công ty doanh nghiệp than trời về những luật lệ khắt khe trong thể thức kinh doanh, buôn bán, và nền tài chánh không hẳn sẽ ổn định, trái lại sẽ mang tính chất thiếu sinh động, buồn chán. Những công ty toàn cầu sẽ phải sớm thức tỉnh, nhận ra rằng từ nay không những họ chỉ có mặt hoạt động tại nhiều quốc gia, họ còn phải có khả năng đáp ứng bén nhậy, để điều chỉnh kịp thời với  sự thay đổi rất nhanh trong môi trường kinh doanh.

Còn vài điều đáng ghi nhớ khác nữa: Tổng thống Barack Obama sẽ được 50 tuổi – chào đời cùng lúc với Bức Tường Bá Linh; Mạng thông tin bách khoa Wikipedia kỷ niệm 10 năm thành lập; Twitter sinh nhật 5 năm. Hoa Kỳ sẽ tưởng niệm 10 năm ngày đau buồn 9/11 – ngày Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công ngay trên đất Mỹ.

Xét về mặt nhân quyền, người ta thấy rõ những vi phạm vẫn tiếp diễn ở các quốc gia Á châu. Cộng đồng
các quốc gia trên thế giới có theo dõi, và quan tâm, nhưng liệu những biện pháp thường được sử dụng như cấm vận kinh tế, hay lên án ngoại giao có đủ làm thay đổi, cải thiện hiện tình?

* * *

Trong những ngày mưa gió lúc năm (tây) hết & tết (ta sắp) đến, tưởng cũng nên ghi/kể lại một chuyện giật gân, một chuyện buồn, và một chuyện vui ở San Diego, Nam California vì chúng có phản ảnh tình cảnh sinh sống của con người trong thế giới ngày nay.
Một căn nhà có người mướn (George Djura Jakubec, 54 tuổi, hiện đang bị giam giữ để điều tra) chế tạo bom ở Escondido, 20 dặm phía bắc San Diego, đã bị cơ quan an ninh địa phương thiêu hủy đầu tháng cuối năm. Lý do: Ba tuần sau khi phát hiện 9 cân Anh chất nổ, 13 qủa lựu đạn làm lấy, và các vật dụng chế tạo bom trong nhà, cảnh sát không thể bảo đảm an toàn cho cư dân hàng xóm, và phải hỏa thiêu lên cả 1,500 độ F mới có thể triệt tiêu các chất nổ. Nhân viên hữu trách muốn biết nghi can có liên hệ gì với những nhóm khủng bố chuyên nghiệp như al-Qaeda hay không, vì trong số chất nổ có hexamethylene triperoxide diamine rất nhậy nổ, và pentaerythritol tetranitrate, cũng như erythritol tetranitrate, cả hai có hiệu năng tàn phá rất lớn, thường được giới khủng bố sử dụng.
Hai vợ (Janis Gervais, 70 tuổi) chồng (Michael Cour, 60 tuổi) vì đều bị mất việc (dạy học), và nhà bị ngân hàng tịch thu, gửi thư tuyệt mệnh cho thân nhân, rồi đốt nhà và tự tử ở Santee, quận San Diego đúng ngày đầu năm 2011. ‘Giấc mơ Hoa Kỳ’ đã bị kết thúc hơi bi đát.

Chuyện vui là về một cựu cư dân của Nam California: Năm 1964 – tức 46 năm trước -  ở Nam California, kỹ sư Dennis Ferguson bị hãng Douglas Aircraft cho nghỉ việc, và trong 4 tháng sau đó đã lãnh 1,100 Mỹ kim tiền trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang California. Trong thư kèm theo ngân phiếu 10 ngàn Mỹ kim gửi tặng chính phủ tiểu bang California hai ngày trước Lễ Tạ Ơn 2010 hạ tuần tháng Mười Một, ông Ferguson cho biết đã dùng số tiền trợ cấp thất nghiệp đó học thảo chương điện toán, và nhờ đó đã tìm được việc ở tiểu bang khác; Ngân khoản đính kèm là cách ông trả nợ, với lãi xuất tính cho tròn, để tỏ sự biết ơn của ông. Thủ quỹ Tiểu bang California, Bill Lockyer ghi nhận & cảm tạ hảo ý của ông Fergerson, trong khi tiểu bang đang phải đối phó với thiếu hụt ngân sách nhiều tỷ Mỹ kim.
Đón Chào Năm Mới!

© Nguyên Giao
© Đàn Chim Việt

Tham khảo:
1. “The World in 2011” – The Economist * London, December 2010.
2. “The World Almanac, and Book of Facts 2011” – World Almanac Education Group, Inc. * New York, December 2010.
3. Nguyễn Xuân Nghĩa: “Trọng Tâm Kinh Tế Thế Giới Đang Dời Khỏi Âu Mỹ?”  và các bài bình luận kinh bang tế thế khác – Việt Báo * Tiểu Sài Gòn, Hoa Kỳ, tháng Mười Hai, 2010.
4. Các tuần san Business Week * New York, New York, 2010.
.
.
.

No comments: