Thursday, January 27, 2011

GIẤC MƠ TRUNG QUỐC (Der Spiegel)

Jan Puhl, Sandra Schulz, Wieland Wagner

Phan Ba dịch
27/01/2011

Vấn đề chỉ còn là thời gian, cho tới khi Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc số một. Sau cuộc rượt đuổi để bắt kịp về kinh tế, những người đang thống trị ở Bắc Kinh giờ đây đang bắt đầu biến đổi sức mạnh vừa mới có được sang chính trị. Ai phải sợ hãi trước một Vương quốc Trung tâm mới?

Tương lai của loài người đã bắt đầu trong Internet ở Trung Quốc: chân trời sáng rực, bầu trời cháy đỏ, mây tím đen tụ lại trên một cổng vào bằng đá, lửa cháy, trống vang – Trung Quốc đang chuẩn bị để đánh trả. Chiếc tàu vũ trụ lơ lửng trên một quang cảnh đồi núi thoai thoải, nhạc cất lên, tiếng hát của những đội đồng ca, và giọng nói trầm của một người đàn ông đang thề thốt những gì sắp đến cho thế giới.
Đó là năm 2060, Trung Quốc đứng đầu thế giới như “đất nước phát triển cao nhất”. Nhưng 14 người thanh niên, phẫn nộ và “nóng máu”, không thể nào quên được rằng những lực lượng thù địch đã phá hủy Cung điện mùa hè ở Bắc Kinh trước đấy 200 năm, một biểu tượng cho lần đầu hàng phương Tây của Trung Quốc và cho “thế kỷ ô nhục”, thế kỷ mà mãi đến cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông vào năm 1949 mới chấm dứt. Thế là những người phục thù đi ngược trở lại thời gian, về năm 1855, khi Nhà Thanh, đế chế Trung Quốc, “yếu ớt và bất lực”.
14 người phẫn nộ dạy cho người dân những kiến thức mới nhất của khoa học và chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược xa lạ với những vũ khí hiện đại nhất, xe tăng, máy bay trực thăng, hàng không mẫu hạm. Rồi giọng nói của người đàn ông nhẹ nhỏm tuyên bố: “Một bi kịch huyền diệu đã bắt đầu, người dân Trung Quốc đã tiêu diệt các thế lực phương Tây.” Và giấc mơ Trung Quốc đã được toại nguyện, ít nhất là trên máy tính: lịch sử được viết lại. Trung Quốc tránh được sự nhục nhã, nền văn minh hùng mạnh, tự hào và cổ xưa đấy.
“Giant Online” là tên của trò chơi mà nhiều người Trung Quốc đang tiêu khiển với nó trên mạng và cũng là trò chơi đang đùa với tình yêu tổ quốc của họ. Nhưng giấc mơ của một kẻ khổng lồ trên thế giới, người mạnh đến mức có thể xóa bỏ được sự nhục nhã trong quá khứ, không chỉ được Trung Quốc trải nghiệm ảo trong Internet.
Cường quốc châu Á, với dân số hơn gấp bốn lần của Hoa Kỳ, hơn hai lần rưỡi so với Liên minh châu Âu, đang chuẩn bị để thách thức và có thể là sẽ thay thế trong thực tại quyền lực bá chủ cũ, phương Tây và thế lực đi đầu của nó, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Sau 30 năm hiện đại hóa một cách cơ bản, đã đi được nửa đoạn đường, chỉ còn khoảng phân nửa của 1,3 tỉ người Trung Quốc sống ở nông thôn.
Ngay từ bây giờ, phương Tây đã phải nhận thấy rằng sự tưởng tượng của mình về một sự nhích lại gần nhau của các hệ thống chỉ là một ảo tưởng. Toàn cầu hóa, việc mà người hưởng lợi nhiều nhất từ đó chính là Trung Quốc, chỉ làm cho đất nước ngày càng mang nét phương Tây hơn ở vẻ ngoài – ở Thượng Hải cũng như ở New York, các nhà giám đốc thành công đều mặc bộ áo vét sẫm màu, đọc tờ “Financial Times” và để cho tài xế chở đi trong những chiếc Mercedes lớn.
Trung Quốc là một quyền lực châu lục với có lẽ là 5000 năm lịch sử, một quyền lực không hề nghĩ đến việc làm toại nguyện niềm hi vọng của phương Tây. Những người cộng sản đang thống trị của Bắc Kinh không cần đến bầu cử dân chủ để hợp pháp hóa họ, mà là khả năng bảo đảm một tăng trưởng kinh tế không ngừng. Và cho tới nay họ đã chứng tỏ được điều đó.
Giờ đây, đất nước này đang chuẩn bị cho bước nhảy quyết định lên hàng đầu: khi nào Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ, cho tới nay là số một, câu hỏi đó đã trở thành một trò chơi tập thể được ưa thích của các nhà kinh tế: ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tiên đoán năm 2027, ngân hàng quốc tế Standard Chartered đánh cược năm 2020, “Economist” của Anh còn cho là năm 2019. Thế là kỷ nguyên của hành tinh đỏ có thể sẽ bắt đầu ngay trong thập niên này?
Khi một trong những sứ thần đầu tiên của phương Tây, bá tước Anh George Macartney, muốn diện kiến hoàng đế Trung Hoa năm 1793, các phái đoàn đã thương thảo sáu tuần trước lần tiếp kiến về cách thức đúng đắn để đi đến gần người cai trị. Phía Trung Quốc khăng khăng đòi hỏi nghi lễ khấu đầu lại đầy đủ, con người phương Tây này cần phải quỳ ba lần trước thiên tử và trán của người này phải chạm đất chín lần. Sứ mệnh lần đấy đã thất bại.

Còn ngày nay?

Ngày nay, khách tham quan chen chúc nhau ở Bắc Kinh và ngay bây giờ đã trải nghiệm ở đấy quyền lực mới của Vương quốc Trung tâm cũ. Chính phủ Trung Quốc “phô trương sức mạnh”, Jon Huntsman, đại sứ của Washington ở Bắc Kinh, đã tường trình về nước hồi đầu năm ngoái, họ thực tập “hân hoan chiến thắng và kiêu ngạo”. Tại một hội nghị ASEAN trong mùa hè vừa rồi, khi một láng giềng của Trung Quốc phàn nàn về thế giới quan của chủ nghĩa Đại Hán của Bắc Kinh, bộ trưởng bộ Ngoại giao Dương Khiết Trì đã gắt gỏng phản đối các nhà ngoại giao: “Các anh hãy nhớ rằng sự thịnh vượng kinh tế của các anh phụ thuộc vào chúng tôi như thế nào.”
Không thể không nhìn thấy rằng ở đấy đã có một người khổng lồ bước lên sân khấu của cộng đồng quốc tế, một người giờ đây đang chuẩn bị biến sức mạnh kinh tế sang lợi thế chính trị. “Thời ngoại giao của nụ cười đã qua rồi”, chuyên gia Trung Quốc người Mỹ Richard Armitage nói, người trước đây là thứ trưởng bộ Ngoại giao. Không còn có thể xem nước Mỹ như siêu cường quốc cuối cùng còn lại được nữa, Henry Kissinger phán xét, bậc thầy của chính sách ngoại giao Mỹ.
Bây giờ thì cả phương Tây cũng có thể sẽ không còn cười được nữa, khi bất chợt nhận ra rằng tay chơi toàn cầu này đang giới hạn tự do hoạt động của chính mình đến chừng nào. Không thể quên được hình ảnh của sự bất lực, khi tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Copenhagen năm 2009, tổng thống Barack Obama bị dạy bảo bởi một thứ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một giọng nói điếc tai, huơ qua lại một ngón tay trước mặt ông ấy. Các cường quốc châu Âu Pháp và Liên hiệp Anh có cảm giác bị lừa bịp ở đấy tới mức các đại sứ của họ đã phản đối chính thức cách đối xử này sau khi hội nghị kết thúc.
Kể từ lúc đấy, những lần hổ thẹn như vậy đã lập lại. Tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Cancún, Trung Quốc lại một lần nữa đã ngăn chận thành công không cho đạt đến một hiệp định tiếp nối Nghị định thư Kyoto. Nhưng trong khi Trung Quốc có thể ngăn chận một đột phá trong cuộc đấu tranh chống sự ấm nóng lên của khí hậu trên bình diện quốc tế, thì ở quê nhà, các nhà nghiên cứu và kỹ sư Trung Quốc hiện đang cố làm mọi việc để có thể dẫn đầu về công nghệ cả trong sản xuất năng lượng tái sinh. Không trói buộc, chỉ cần thành công – đó là công thức của Trung Quốc trong công cuộc vươn lên hàng đầu.

Trang bìa của tạp chí Trung Quốc "Vista": Thế giới quan Đại Hán. Ảnh: Der Spiegel.

Bắc Kinh bảo vệ lợi ích toàn cầu của mình ngày càng to tiếng hơn: biển Đông, với tất cả những hòn đảo và mỏ dầu được phỏng đoán của nó, những cái mà các nước như Việt Nam và Philippines cũng đòi hỏi chủ quyền, được các ngài ở Bắc Kinh đòi về gần như chỉ riêng cho mình. Trung Quốc xây cảng từ Sri Lanka qua đến Myanma, từ Pakistan cho tới Hy Lạp, nước EU đang mắc nợ rất nhiều. Trung Quốc đã tập trận lần đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO.
Những lời đe dọa của Bắc Kinh không còn tắt đi mà không được nghe đến. Khi Trung Quốc cảnh cáo việc tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, có đến 15 quốc gia vắng mặt ở Oslo, trong số đó có Nga, Ả Rập Saudi và ngay cả Afghanistan, một thân chủ của Hoa Kỳ.
Vì thế, vào đầu năm 2011 nước Cộng hòa Nhân dân tự thể hiện mình một cách tự tin chưa từng có: ngày nay, đất nước này sản xuất ba phần tư của tất cả các đầu máy DVD và máy truyền hình, hai phần ba của tất cả các máy sao, giày, đồ chơi và máy vi sóng. Thêm vào đó là hơn nửa số điện thoại di động và hàng may mặc.
Chính phủ chi tròn 400 tỉ euro, một trong những gói kích cầu kinh tế lớn nhất trong lịch sử, cho đường xá, cầu, cảng hàng không mới. Trong năm mới, Hồ Cẩm Đào, 68 tuổi, người đứng đầu nhà nước và đảng, cũng sẽ lãnh đạo một nền kinh tế hẳn sẽ tăng trưởng tròn 9% –  một con số mà những người đứng đầu chính phủ trong phương Tây chỉ có thể mơ ước. Nhưng ngược lại, khi một siêu thành phố như Bắc Kinh đơn giản là chỉ tuyên bố giới hạn cấp giấy phép lưu hành xe hơi thì cổ phiếu của những hãng sản xuất ô tô ở Đức lại giảm mạnh.
Công xưởng thế giới đã thu gom được một dự trữ ngoại tệ lớn nhất, trên 2,6 nghìn tỉ dollar, nó là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Rất có thể là nó đã vượt qua mặt nước Nhật trong năm 2010 trở thành quốc gia công nghiệp lớn thứ nhì, và vừa mới đây đã qua mặt Hoa Kỳ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Bắc Kinh tự nhìn mình như là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, bắt đầu bùng bổ ở Hoa Kỳ năm 2008 và đã làm lung lay lâu dài uy thế của siêu cường quốc phương Tây cũng như các đồng minh châu Âu của nó. Trước đây 30 năm, dưới thời của nhà cải cách vĩ đại Đặng Tiểu Bình, Chủ nghĩa Tư bản đã cứu thoát Trung Quốc, bây giờ, trong cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã cứu thoát Chủ nghĩa Tư bản, đó là một lời nói mỉa mai châm biếm phổ biến ở phố Wall.
Ở cạnh bờ vực của sụp đổ tài chính, không một ai là có thể không quan tâm đến những hoạt động toàn cầu của Bắc Kinh. Chính phủ Washington cũng đã phải cứu các nhà cho vay thế chấp bất động sản Fannie Mae và Freddie Mac, bởi vì Trung Quốc nắm giữ một phần quan trọng của các ngân hàng lớn này. Từ đấy, Trung Quốc giàu có được xem như là người cứu giúp được mong đợi trong cơn hoạn nạn, người đã mua nhiều phần của ngân hàng đầu tư Blackstone hay mua một phần to của Barclays Bank với giá rẻ: “Người ta nói không úp mở với nhân viên ngân hàng của mình như thế nào?” – nữ bộ trưởng bộ Ngoại giao Hillary Clinton đã dùng những từ đấy để mô tả tình trạng khó xử của bà đối với siêu cường quốc đang vươn lên, theo như những tiết lộ mới đây nhất của Wikileaks.
Như những người triệu phú, Hồ và thủ tướng Ôn Gia Bảo của ông thực hiện chính sách gây ảnh hưởng ở khắp nơi trên Trái đất. Để kéo người Âu về phía mình, vị chủ tịch nước đã đến Pháp trước hội nghị thượng đỉnh G-20. Cùng với tổng thống Nicolas Sarkozy – trước đây hai năm, vì một cuộc gặp gỡ với Đại La Lạt Ma mà người Trung Quốc đã khai trừ ông ấy bằng cách tẩy chay du lịch – Hồ đã ký kết những thỏa thuận mua bán trên 20 tỉ dollar. Ông hứa hẹn tăng gấp đôi thương mại song phương với Bồ Đào Nha đang lún sâu trong nợ nần.
Ở Athena, thủ tướng Ôn hứa hẹn sẽ mua trái phiếu chính phủ của người Hy Lạp đang thiếu tiền, ngay khi họ lại đưa chúng ra thị trường tài chính. Ở Ý, người Trung Quốc này tiếp tục tuyên bố những việc làm tốt đẹp khác. Trong lúc đấy, nghe có vẻ như ông hết sức rộng lượng, như thể tân siêu cường quốc muốn tạo hạnh phúc cho châu Âu với một kế hoạch Marshall Trung Quốc – tương tự như ngày xưa Hoa Kỳ đã giúp châu lục bị tàn phá này thoát ra khỏi những đống đổ nát sau Đệ nhị thế chiến.
Nhưng Trung Quốc không phải là Trung Quốc, nếu như đất nước này không luôn luôn nghĩ đến những cuộc mua bán trao đổi cụ thể ngược lại. Các nhà cai trị từ Bắc Kinh lợi dụng đồng euro đang suy yếu để thúc dục Liên minh châu Âu nới lỏng những quy định về xuất khẩu công nghệ cao nhạy cảm sang Trung Quốc. Trong lần viếng thăm mới đây nhất ở Bruxelles, thủ tướng Ôn đã không xem xét đến những lời yêu cầu nâng giá Nhân dân tệ – mặc dù Bắc Kinh với tỷ giá hối đoái thấp này cũng đã làm cho hàng xuất khẩu sang châu Âu của mình rẻ đi.
Tạp chí Mỹ “Forbes” vừa rồi đã chọn Hồ là người có quyền lực nhiều nhất trên hành tinh này: người đứng đầu nhà nước và đảng đang cai trị trên 1,3 tỉ thần dân, một phần năm loài người.
Và khác với những nguyên thủ quốc gia phương Tây, “Forbes” ngạc nhiên, Hồ có thể đơn giản thay đổi dòng chảy của những dòng sông, xây thành phố, giam những người bất đồng chính kiến và kiểm duyệt Internet – không cần phải vật lộn với những kẻ quan liêu và tòa án.

BẮC KINH MUA MỘT CHÂU LỤC
Không nơi nào thể hiện rõ sự bành trướng của Trung Quốc hơn là tại châu Phi. Xuất khẩu sang châu Phi đã tăng lên gấp 12 lần trong 10 năm vừa qua, xuất khẩu của châu lục này sang nước Cộng hòa Nhân dân còn tăng mạnh hơn. Từ năm 2010, người Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của người Phi.
Bây giờ Hoa Kỳ tụt xuống hạng nhì, và điều đấy dường như khiến cho họ bực tức. Tại thành phố cảng Lagos của Nigeria, Johnnie Carson, thứ trưởng bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm về châu Phi, đã tìm được những từ ngữ rõ ràng cho đối thủ Trung Quốc. “Trung Quốc là một nước cạnh tranh hung hãn và gây hại mà không có bất kỳ một đạo đức nào”, ông ấy nói trong lúc trao đổi với giám đốc các công ty dầu mỏ.
Năm 2009, công ty Trung Quốc đã đầu tư 56,5 tỉ dollar tại châu Phi, hiện giờ đã có một triệu người Trung Quốc sinh sống trên châu lục. Không có họ và không có tiền từ nước Cộng hòa Nhân dân thì không bao giờ mà nền kinh tế châu Phi đã tăng trường được 5%.
Điều phải khiến cho người Mỹ bực tức nhất: người Trung Quốc đến đấy từ cùng một lý do như họ. Vì những ưu thế địa chiến lược như trong cuộc Chiến tranh lạnh thì ít. Mà là vì những tài nguyên mà châu lục này sở hữu trong những lượng khổng lồ. Nền kinh tế Trung Quốc thèm muốn dầu mỏ và khí đốt từ Nigeria, than và đồng từ Zambia, gỗ và coltan từ Congo – những vật liệu mà người Mỹ cũng muốn có.
Nhưng những người đàm phán của Trung Quốc mang theo một ưu thế quyết định cho các cuộc thương lượng: họ không tự ràng buộc mình với những câu hỏi về dân chủ hay nhân quyền. Ngày nay, 10% nhập khẩu dầu của Trung Quốc đến từ Sudan mà tổng thống Umar al-Baschir của nước này đang bị Tòa án Quốc tế ở Den Haag phát lệnh truy nã vì tội diệt chủng và những tội phạm chống lại loài người tại Dafur. Trước đây 5 năm, khi toàn thể phương Tây cắt đứt quan hệ với nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe, người Trung Quốc tuyên bố ông ấy là “người bạn số một” – và nhận được quyền tìm kiếm và giấy phép khai thác mỏ.

Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào tại Zambia. Ảnh: AFP.

Tham nhũng tràn lan, lãnh đạo chính phủ tồi tệ, đối lập bị kiểm soát, báo chí bị bịt miệng? Tất cả đều là những việc nội bộ mà nguyên tắc của Bắc Kinh là không quan tâm đến.
Bởi thế mà các nhà lãnh đạo châu Phi rất yêu thích người Trung Quốc. Mô hình kinh doanh luôn luôn giống nhau: Bắc Kinh xây đường sá, hiện đại hóa cảng, hàn đường ray hay dựng dinh tổng thống xa xỉ như ở Namibia hoặc Gabun. Đổi lại, họ được cung cấp dầu và khí đốt với giá ưu tiên từ Angola hay đồng và cobalt từ Congo.
Điều quan trọng nhất: Trung Quốc cho vay bạc tỉ mà không có những điều kiện phiền hà như lãnh đạo chính phủ tốt hay minh bạch. Điều kiện của Bắc Kinh rất đơn giản: hãy trả nợ đúng hạn, chúng tôi mặc kệ tất cả các việc khác.
Qua đó, độc quyền của Ngân hàng Thế giới đã bị phá vỡ ngay từ bây giờ. Trung Quốc với nền kinh tế phát đạt và giới lãnh đạo chuyên quyền đã vươn lên trở thành mô hình cho nhiều nước đang phát triển.
Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng hoạt động của nước Cộng hòa Nhân dân trên châu lục chỉ lại dẫn người châu Phi trở về sự lệ thuộc và vào trong cuộc khủng hoảng nợ kế tiếp, giống như trước đây 40 năm, sau khi các thế lực thực dân cũ của phương Tây vồ lấy nguyên liệu của châu lục này một thời gian dài.
Vì cũng như các thế lực thực dân ngày xưa, Trung Quốc không để cho châu Phi sản xuất bất cứ thứ gì. Châu Phi chỉ là một thị trường tiêu thụ cho Bắc Kinh, cả nửa châu lục ngày nay đang mang dép nhựa hay áo thun sản xuất từ Trung Quốc.
Ngay ngày nay, người dân châu Phi đã căm ghét người Trung Quốc. Họ bị xem như là những người chủ nô lệ, trả những đồng lương tồi tệ trong các khu mỏ của họ. Ở Niger, doanh nhân Trung Quốc đã để cho thợ mỏ khai thác uran mà không có quần áo bảo hộ. Ở Zambia, hai giám đốc Trung Quốc chỉ thoát được kiện tụng sau khi trả một số tiền bồi thường. Họ đã bắn vào những người thợ mỏ đang đình công. Việc những nhà đầu tư từ Viễn Đông vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gần như đã trở thành nguyên tắc.

CÁC ANH HÙNG PISA Ở THƯỢNG HẢI
Ngay trong nước, Trung Quốc cũng làm tất cả để bảo vệ cho vị thế tương lai của mình. Và lần đầu tiên, chính phủ nước này đã được OECD chứng nhận bằng giấy trắng mực đen, rằng họ cũng thành công trong việc đó: nước Cộng hòa Nhân dân có thể khoe khoang với giới trẻ thông minh nhất thế giới – trong kỳ thi Pisa mới đây, các thành viên từ Thượng Hải đã về nhất. Điều gì đã làm cho họ đặc biệt như thế?

Cảng container ở Thâm Quyến: "hân hoan chiến thắng và kiêu ngạo". Ảnh: ImageChina / Corbis

Tường bong vôi, lớp học lạnh đến mức người thầy giáo mặc một chiếc áo choàng lông chim. 40 đứa trẻ trong bộ quần áo thể thao màu xanh, với khăn quàng đỏ, ngồi thành hàng ở cạnh những cái bàn bé tí, nhìn trừng trừng lên màn chiếu. Lịch sử, Hoa Kỳ, tấm ảnh chụp một người Phi bị xích lại. Người thầy, nhãn hiệu Nike trên ngực, giải thích cho học trò, nhãn hiệu Nike dưới giày: “Thời đấy, Mỹ là một nước có chế độ nô lệ.”
Tiếng bấm cách, tiếp tục trong “trung học cơ sở” ở Thượng Hải, liên kết với Đại học Phục Đán. Công nghiệp hóa, ống khói nhà máy đang tỏa khói. “Các em nghĩ gì khi nhìn tấm ảnh này?” “Không thân thiện với môi trường.” Tiếng bấm cách, mưu sát Lincoln, người thày trích dẫn Marx trong bản dịch ra tiếng Trung: “Abraham Lincoln là người đã đạt đến mức độ vĩ đại. Mặc dù vậy, ông ấy vẫn bình dị.” Tiếng bấm cách, cuộc đời Lincoln từ nhà doanh nghiệp nhỏ mắc nợ cho đến là tổng thống. “Các em có nghĩ gì?” Một bé gái cột tóc đuôi gà đứng dậy và trả lời: “Ngay khi thất bại, người ta lúc nào cũng phải cố gắng để thành công. Người ta không được phép bỏ cuộc.”
Nghỉ giữa tiết. Loa phát nhạc cổ điển, học trò xếp hàng trên sân trường, chạy bộ theo hàng. Sau đó, sau khi chào, các em sẽ tập nói theo những câu nói trong bài tập, bằng tiếng Anh, đồng thanh. “Anh ấy chơi bóng rổ.” – “Cô ấy là đảng viên từ một năm nay.”
Cuộc đời của các em là sự cạnh tranh, nỗi lo sợ của các em: làm cha mẹ thất vọng. Treo trên tường là những phần thưởng của các em, giải đoạt được trong lễ hội thể thao, hát trong lúc tập quân sự, các em còn nhận được cả một bằng khen do có kỷ luật tốt trong lúc ăn trưa. Ở trong chiếc tủ kính là những giải thưởng của nhà trường, giải thưởng của Thế vận hội robot, về tiếng Anh trong khoa học của những trường trung học, từ thi đua đóng kịch.
Chỉ cuộc thi Pisa, cuộc thi mà cả thế giới đã tường thuật, là không được nhắc đến ở bất cứ nơi nào. Không giấy khen, không một bài tường thuật được cắt ra từ báo chí. Mỗi năm, học trò ở đây phải qua được 4 kỳ thi lớn cộng với 30 lần kiểm tra nhỏ. Những em học tốt nhất còn luyện tập thêm cho Thế vận hội dương cầm hay Toán, và tất cả đều chỉ nghĩ đến một điều: kỳ thi vào trung học phổ thông. Pisa, các em học sinh nói, đơn giản là không quan trọng cho lắm.

BƯỚC ĐƯỜNG CHIẾN THẮNG CỦA KHỔNG TỬ
Trung Quốc được kính nể như một người cạnh tranh, được coi trọng như đối thủ, được đánh giá cao như đối tác kinh doanh nhưng hiếm khi đất nước này được ưa thích. Vì thế mà Trung Quốc làm giảm nhẹ cuộc hành trình chinh phục thế giới của mình, cuộc hành trình nhằm để bảo đảm việc nắm giữ tài nguyên, bằng cách đánh bóng hình ảnh có chủ đích.
Một thành tích bậc thầy trong lĩnh vực quyền lực mềm là bước đường chiến thắng trên toàn cầu của học giả Khổng Tử ngày xưa mà học thuyết về trách nhiệm, siêng năng và trung thành của ông ấy sau một thời gian ngắn bị những người cộng sản lưu đày, hiện nay lại thuộc vào nền tảng của xã hội Trung Quốc. Năm 2004, Viện Khổng Tử đầu tiên được khai mạc ở Seoul. Chỉ 6 năm sau đã có hơn 300 Viện Khổng Tử tại trên 90 nước mà trong đó thế giới học đang ngôn ngữ của cường quốc thế giới tương lai – ngay ngày nay, tiếng Phổ thông đã là ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên nhất bỏ xa các ngôn ngữ khác – và bên cạnh đó là tầm nhìn thế giới của Trung Quốc.
Thanh niênThái trình diễn vở tuồng Trung Quốc “Mulan nhập ngũ”. Thanh niên Mexico tập các điệu múa dân tộc Trung Quốc. Thanh niên Zambabwe dịch những bài hát châu Phi sang tiếng Trung. Ở Madagaska, sinh viên vừa mới kỷ niệm chào mừng ngày sinh lần thứ 2561 của Khổng Tử. Tại Ruanda, họ chào mừng ngày Quốc khánh lần thứ 60 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Mặt khác, giới hàn lâm và báo chí ở Úc, Hoa Kỳ, Thụy Điển hay Đức lo ngại về tính độc lập trong nghiên cứu và tự do báo chí, khi bất thình lình các Viện Khổng tử mọc lên trong những trường đại học ở khắp nơi trên thế giới với sự tài trợ của Trung Quốc. Khi Trung Quốc bực tức về Giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, các Viện Khổng Tử ở Đức, cũng nhận tiền Trung Quốc, đã im lặng một cách đáng nghi ngại.

Trình diễn thời trang ở Thượng Hải, tranh Khổng Tử từ thế kỷ 17: "xã hội hài hòa". Ảnh: Polaris / Laif; Getty Images.

Hiện giờ, Trung Quốc đã nhận ra rằng tin tức của riêng mình, được sản xuất từ giới truyền thống của riêng mình, là một phương pháp có hiệu quả để gây ảnh hưởng đến quan điểm của thế giới. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV không chỉ phát bằng tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, mà còn bằng tiếng Ả Rập và tiếng Nga. Phiên bản tiếng Anh của “Global Times” đã có từ năm 2009. Nó được xuất bản dưới sự bảo trợ của tờ “Renmin Ribao”, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản trung Quốc.
Khi Lu Jingxian, 35 tuổi, mang lại tiếng nói cho Đảng Cộng sản, cô ấy nhìn vào những ngôi nhà chọc trời tại Manhattan. Cô đã mang các ngôi nhà chọc trời của New York, bị giam cầm trong một quả cầu tuyết, về Bắc Kinh, vào trong phòng biên tập của “Global Times”. Nó nhắc cô nhớ đến thành phố mà cô đã từng làm việc 3 năm ở đấy, thành phố mà cô yêu mến vì tính năng động của nó, vì sự đa dạng của nó. Cô nói trong tiếng Anh trau chuốt, New York là “một nơi của tự do”.
Thế giới có thể học được gì từ Trung Quốc? “Làm việc siêng năng và hài hòa.” Tại sao thế giới lại sợ Trung Quốc? “Vì thế giới không biết Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào trong tương lai. Vì Trung Quốc là nước cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ.”
Lu nói, cô tự hào vể Trung Quốc. Thế Vận Hội, nhà đón khách của Cảng hàng không Bắc Kinh, các ngôi nhà chọc trời nổi tiếng thế giới, tất cả đều rất ấn tượng. Ưu điểm của hệ thống Trung Quốc là gì? Lu trả lời: “Hiệu quả.”
Cô cũng đã có thể ở lại Mỹ, như chị của cô đang sống tại New Jersey. Nhưng cô đã trở thành một trong những người trở về quê hương, những người mà ở Trung Quốc người ta gọi họ là “Haigui”, “rùa biển”.
Năm 2009 là trên 100.000, những người Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài và bây giờ trở về lại quê hương đang tăng trưởng – cũng như những con rùa trở về nơi sinh ra của chúng.
Chủ của cô Lu, tờ “Global Times” tiếng Anh, đã bắt đầu cuộc tranh giành bá quyền diễn giải chính trị quốc tế. Đối với độc giả nước ngoài, Đảng tự thể hiện mình một cách ôn hòa và cũng cho tường thuật về những xì căng đan trong nước, như về việc lạm dụng những người công nhân chậm phát triển về trí tuệ hay về các phi công Trung Quốc gian lận số giờ bay của mình.
Vào ngày kỷ niệm lần thứ 20 cuộc thảm sát tại Thiên An Môn, việc ở họ chỉ được gọi là “sự kiện”, tờ “Global Times” còn đăng tải một bài báo. Trong đó viết rằng hầu như không một ai muốn được các tác giả phỏng vấn về “đề tài nhạy cảm” này. Cũng được nhắc đến là việc các trang mạng tương ứng đã bị chặn tại các chương trình truy tìm trữ liệu Trung Quốc. Ngoài ra, các tác giả nhấn mạnh rằng trung Quốc đã đi trên một con đường thành công như thế nào trong hai thập niên vừa qua.
Bài báo đó là cái mà Lu gọi là “cách tiếp cận khéo léo”. Cô ấy biết rằng giới truyền thông Trung Quốc sẽ im lặng vào ngày đấy. Và cô biết rằng truyền thông nước ngoài sẽ tường thuật. Lu nói: “Cũng cần phải có một tiếng nói Trung Quốc”.
Lu Jingxian đã học qua các seminar báo chí ở Đại học Illinois, rằng những người khác nhau có những cái nhìn thế giới khác nhau. Nhưng tại Giải Nobel Hòa bình, không có một ý kiến nào khác cho người nữ lãnh đạo ban biên tập ý kiến. Trung Quốc, cô nói, và lần đầu tiên cô to tiếng hơn, vừa mới góp phần tạo phúc lợi cho nền kinh tế thế giới trong cuộc khủng hoảng tài chính, và rồi cái giải thưởng ấy đến. “Việc đấy giống như bị làm nhục.”
Và giải đấy là cái giải gì? Ông Đại La Lạt Ma đã nhận nó – một người muốn ly khai. Và Gorbachev! Người mà Liên bang Xô viết đã sụp đổ dưới thời của ông, vì ông không chỉ muốn hiện đại hóa nền kinh tế mà còn muốn thay đổi cả hệ thống chính trị của đất nước. Ủy ban Nobel cũng muốn Trung Quốc cùng chung số phận à? Người ta muốn xúi giục người dân làm mất ổn định Trung Quốc à? “Đấy không chỉ là một giải thưởng”, Lu nói. “Đấy là một sự phủ nhận hệ thống chính trị Trung Quốc. Đấy là một sự phủ nhận thành tích của Trung Quốc.”

NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC PHẪN NỘ
Lần trao tặng giải thưởng được phương Tây reo mừng đã làm tổn thương lòng yêu nước của nhiều người Trung Quốc, và ngày nay lòng yêu nước là một tình cảm được nhà nước khuyến khích, cái mang lại sự nhận dạng, gắn bó đất nước khổng lồ lại với nhau và cũng bắc cầu qua cái vực sâu ngày càng rộng ra giữa Trung Quốc giàu và Trung Quốc nghèo. Tuy vậy, lòng yêu nước có thể nhanh chóng biến chất trở thành một chủ nghĩa dân tộc, cái xuất hiện to tiếng điếc tai, rằng nó sẽ dạy cho thế giới còn lại biết thế nào là sợ hãi. Một nhóm người chăm sóc nó nhiều đến mức họ đã tạo cho mình một tên riêng và cũng tự tìm thấy mình trong quyển từ điển Oxford mới dưới dạng một mục từ: “Fenqing” – “phẫn nộ thanh niên”.
Đó là những người Trung Quốc trẻ trong lứa tuổi hai mươi, ba mươi, thường là sinh viên, phần lớn to tiếng trong Internet, và thỉnh thoảng cũng trên đường phố. Đoàn kết nhau trong tinh thần căm giận Nhật, họ nguyền rủa “những thằng Nhật lùn” như khi bàn về việc quần  đảo Senkaku thuộc về ai. Trong lần xung đột mới nhất với Tokio vì một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị giam giữ, họ nổi giận đến mức đã tấn công một siêu thị Nhật ở Thành Đô.
Lúc nào họ cũng cảm thấy uy tín của Trung Quốc bị xâm hại. Họ chửi mắng, khi một nữ diễn viên Đài Loan bàn về nhà vệ sinh Trung Quốc trên truyền hình hay không biểu lộ đầy đủ lòng đau thương trong đề tài của cuộc thảm sát tại Nam Kinh.
Họ la mắng, khi ngôi sao bóng rổ Diêu Minh để cho con gái ra đời tại Hoa Kỳ. “Anh ấy là niềm hãnh diện của chúng ta. Khi con anh ấy có quốc tịch Mỹ, điều đấy làm tổn thương đến tâm hồn của nhân dân Trung Quốc.”
Những người tri thức Trung Quốc nào đó chăm lo đến một biến thể khác của Chủ nghĩa Dân tộc. Những người như Wang Xiaodong, một trong các tác giả của quyển “Trung Quốc bất hạnh” công kích Hoa Kỳ và trở thành sách bán chạy. Hay những người như Mo Luo, giảng viên 49 tuổi tại Học viện Nghệ thuật Trung Quốc, người mời vào quán trà để trả lời phỏng vấn.
Ông ấy đã viết một quyển sách có tựa đề “Trung Quốc đứng dậy” trong một tinh thần mà ngay cả tờ báo nhà nước “China Daily” cũng còn gọi là “Chủ nghĩa Dân tộc rất cực đoan”. Trung Quốc, Mo nói, vẫn còn quỳ gối. Giải pháp của ông ấy: quay trở lại với nền văn hóa Trung Quốc.
Và trong khi người phục vụ trong chiếc áo sườn xám truyền thống pha trà nhiều phút liền, Mo bắt đầu chọc vào không khí với ngón trỏ được chỉa thẳng lên.
“Những giá trị chung”, ông không thể chịu được những từ ngữ đấy. Các giá trị đó, Mo nói, đã bị phương Tây lợi dụng để thống trị thế giới. Mo cất cao giọng nói. “Trong quá khứ, phương Tây đã phá hủy nền dân chủ trong các nước khác – nhân danh dân chủ. Đã cướp đi tự do của các nước khác – nhân danh tự do. Đã xâm hại quyền con người của các nước phía đông – nhân danh quyền con người.”
Ngón trỏ của Mo luôn chọc thẳng ra, trong khi ông vẽ những con đường bắt đầu từ các cường quốc thực dân qua những cuộc Chiến tranh Thuốc phiện cho tới lần Hoa Kỳ xâm lược Iraq và lời yêu cầu của phương Tây, rằng những nước đang phát triển cần phải giảm phát thải khí CO2. Điều đó, Mo nói, cũng chỉ là “một công cụ chính trị để ngăn cản những nước đang phát triển tiếp tục phát triển”.
Mo đánh giá cao “giới thanh niên phẫn nộ yêu nước”. Ông đồng cảm, khi người Trung Quốc tẩy chay chuỗi siêu thị Carrefour lúc trước, để phản đối sự việc xảy ra ở Paris khi những người biểu tình xô đẩy người phụ nữ Trung Quốc rước đuốc Thế Vận Hội trên chiếc xe lăn. Ông tin rằng trong tương lai, Trung Quốc cần phải nghĩ đến quyền lợi riêng của mình nhiều hơn nữa.

KHÓA MIỆNG VẪN CÒN
Cũng vì những tiếng nói như vậy mà thế giới tự hỏi rằng còn những gì nữa sẽ nếu như ưu thế trội hơn của Trung Quốc còn rõ hơn nữa trong những năm tới đây. Trung Quốc sẽ thực hiện cùng những biện pháp cứng rắn đối với bên ngoài như đã làm ngay hiện nay ở trong nước để chống lại những người phê bình sự thống trị của Đảng Cộng sản?
Trong khoảnh khắc, khi Ủy ban Nobel ở Oslo công bố tên Lưu Hiểu Ba và đồng thời yêu cầu rằng cường quốc cũng phải bị chỉ trích, thông tấn xã nhà nước của cường quốc được nói đến trước nhất, có một điều khác để tường thuật: một cần cẩu, làm tại Trung Quốc, đang trên đường đi đến những thợ mỏ đang bị kẹt lại ở dưới hầm ở Chile. Vì đó là thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến thế giới: chúng tôi có khả năng, hùng mạnh – và tốt đẹp.
Nhưng hiện thực trong Trung Quốc khác với điều đấy. Khi tính bình thản của một siêu cường quốc cũng bộc lộ ở việc nó đối xử với những người phê bình nó như thế nào, thì Trung Quốc vẫn còn xa mới là một siêu cường quốc tự tin.
“Con chúng tôi bị gây hại một cách tàn ác. Chúng tôi không ngờ rằng con đường đi khiếu kiện quyền lợi của chúng tôi cũng đầy đau buồn, áp lực và rào cản, và gia đình chúng tôi còn bị thêm nhiều tai họa đau đớn nữa.”
Zhao Lianhai giải thích như thế, người có con lâm bệnh do bột sữa bị nhiễm độc. Vào ngày 10 tháng 11 năm 2010, ông bị kết án hai năm rưỡi tù. Ông ấy đã phá rối trật tự công cộng, người ta nói như thế. Điều thật ra ông ấy đã làm: ông muốn tố giác xì căng đan bột sữa, ông trao đổi với giới truyền thông, thành lập một trang web cho những bố mẹ cùng cảnh ngộ và kêu gọi hãy khởi kiện các doanh nghiệp.
Trong lời bào chữa của mình, hiện đang lưu truyền trong Internet, ông nói: “Tôi tin chắc rằng tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ tinh thần có trách nhiệm của một công dân. Tôi mong muốn những cố gắng của tôi sẽ góp phần làm cho xã hội tiến bộ.”
Luật sư của Zhao biết rằng ông ấy tốt hơn là không nên nói với giới báo chí. Một người muốn nói là luật sư Pu Zhiquiang, 46 tuổi, ngay cả khi công an báo cho ông biết rằng chỉ nên trả lời phỏng vấn qua điện thoại.
Pu, một người bạn của người nhận giải Nobel Lưu, là một trong những người có lòng can đảm của Trung Quốc, những người hi vọng rằng họ sẽ giúp đỡ được cho luật lệ có sức mạnh. Pu nói, trong tất cả các vụ kiện của ông cũng đều là về việc giáo dục công chúng, nhân viên nhà nước và người dân.
Thế là Pu bảo vệ cho một người hoạt động sau trận động đất, người thu thập bằng chứng về những cẩu thả trong lúc xây những trường học đã sụp đổ sau trận động đất ở Tứ Xuyên. Án cho thân chủ của ông: 5 năm tù.
Ông bảo vệ một doanh nhân Tây Tạng, người đại diện cho anh em của ông ấy. Họ tố cáo một trưởng cảnh sát tại địa phương đã săn thú được bảo vệ trong một khu vực bảo tồn thiên nhiên. Án cho thân chủ của ông: 15 năm tù.
Phán xét của Pu về hệ thống pháp luật của Trung Quốc: tòa án vẫn còn không được phép phán xử độc lập. Quan tòa thiếu cương quyết. Hiếm có lần họ chống lại những can thiệp vào nền tư pháp.
Sự không khoan nhượng mà nhà nước Trung Quốc bộc lộ trong lúc đối xử với những người phê bình mang ý tốt chính là cái làm cho thế giới phẫn nộ. Ví dụ Trung Quốc cho thấy rằng quyền lực mềm mà không có nhân quyền thì không thể hoạt động được. Sức tỏa sáng không thể cưỡng ép mà cũng thể mua được. Sức tỏa sáng chỉ có thể được thuyết phục.
Và ngay cả khi những khởi đầu của một xã hội dân sự đã thành hình ở Trung Quốc trong những năm vừa qua: Đảng Cộng sản nghi ngờ những người tự tổ chức và thông tin và đấu tranh cho quyền lợi của họ. Lòng nghi ngờ của họ to đến mức họ tin rằng phải giữ người Trung Quốc cách xa khỏi Facebook và YouTube. Vì cường quốc thế giới đang vươn lên đồng thời cũng là một nhà nước sợ chính những người dân của mình.

MỤC ĐÍCH KẾ TIẾP: VƯỢT TRỘI VỀ CÔNG NGHỆ
Bù vào đấy, Trung Quốc lại càng bộc lộ rõ hơn ưu thế của mình với nước ngoài. “Thao quang dưỡng hối” – “Đặt ánh sáng dưới bồ lúa và chờ đúng thời điểm”: Lời khuyên này, lời khuyên mà huyền thoại cải cách của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, còn đưa ra cho những người nối nghiệp ông vào cuối thế kỷ trước, không còn đúng cho Trung Quốc của ngày hôm nay nữa. Sau hơn ba thập niên rượt đuổi bắt kịp về công nghiệp, ngày càng có ít lý do hơn để nhường nhịn phương Tây về chiến thuật.
Trung Quốc vẫn còn chưa có quyền tuyệt đối, nhưng đủ mạnh để càng ngày nói không nhiều hơn. Châu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc và là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, đã đề nghị bỏ đồng dollar như tiền tệ chính trên toàn cầu và thay thế bằng những quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Thế giới.
Ngày nay, một người Trung Quốc nổi tiếng khác công khai cất tiếng nghi ngại mức tín nhiệm tín dụng của Hoa Kỳ. Bàn làm việc của ông ấy đồ sộ đến mức toàn bộ khách mời của một lễ cưới có thể dùng tiệc ở cạnh nó. Guan Jianzhong, 54 tuổi, đã dọn trống diện tích trước mặt ông. Giám đốc của Daqong, cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất của Trung Quốc, không cần đến một cái máy tính xách tay trong lúc thi hành nhiệm vụ của ông ấy, phá vỡ sự thống trị của các hãng cạnh tranh phương Tây Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch, vì sự thịnh vượng của toàn thể loài người, như Guan nhấn mạnh.
Lần thứ nhì trong vòng năm tháng, ông đã hạ mức tín nhiệm tín dụng của Hoa Kỳ từ nơi này của Bắc Kinh. Đúng vào thời điểm ngay trước hội nghị thượng đỉnh G-20 mới vừa qua, ông đã trừng phạt siêu cường quốc phương Tây với hạng A cộng – hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã công bố lần phán xét này đi khắp nơi trên thế giới. Qua đó, Guan muốn phê bình “những hư hỏng nghiêm trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ”. Hoa Kỳ làm mất giá đồng dollar “có ác ý”, vì vậy mà làm tổn hại đến quyền lợi của Trung Quốc, nước chủ nợ quan trọng nhất.
Ngược lại, Guan cho đất nước của mình mức đánh giá AA cộng. Đó là một lời tuyên chiến chống lại những hãng đánh giá phương Tây, cũng xác nhận mức tín nhiệm tín dụng cao nhất cho Hoa Kỳ ngay cả sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Hiện giờ, Trung Quốc cũng thách thức phương Tây cả về mặt công nghệ. Thời gian mà công xưởng thế giới chỉ cung cấp áo thun hay giày thể thao, máy thu băng hay máy tính rẻ tiền cho người tiêu dùng phương Tây đã qua rồi. Trung Quốc muốn vươn lên trở thành phòng thí nghiệm công nghệ cao của thế giới.
Ai muốn phỏng vấn Liu Guangming, 53 tuổi, thì đầu tiên là phải fax trả lại cho ông ấy một “tuyên bố giữ bí mật”, với chữ ký và con dấu. Qua đó, tờ tạp chí nước ngoài cam kết không đưa thông tin cho người thứ ba mà không có sự đồng ý của người được phỏng vấn.
Ở Trung Quốc, có nhiều điều được xem là bí mật quốc gia, những cái được các nhà lập kế hoạch công nghiệp mang nhiều tham vọng đáng giá là nhạy cảm chiến lược. Và Liu không phải là một nhà khoa học bình thường nào đó, ông và hơn 200 đồng nghiệp của ông phát triển Tianhe-1A, bộ não điện tử vừa mới được chọn là siêu máy tính nhanh nhất thế giới.
Siêu máy tính này thực hiện 2,57 petaflop – một petaflop tương ứng với một tỉ lần tính toán trong một giây. Vì vậy mà nó đã vượt qua đối thủ Mỹ XT5 của nó – chỉ làm được 1,75 petaflop.
Trong 13 hàng dài, trên 700 mét vuông, Tianhe chiếm phân nửa tầng trệt. Cái máy điện tử đồ sộ ấy kêu rì rì, Liu dùng tay vuốt trên lớp vỏ kim loại màu xám.
Và Liu tự nói gì về lần chiến thắng Hoa Kỳ mới nhất của ông ấy, ông ấy có ăn mừng với đồng nghiệp của ông ấy không? Liu không hiểu câu hỏi lắm? Ăn mừng? Tất nhiên là ông vui rồi, ông ấy nói. Chỉ trong vòng ba tháng, không nghỉ ngơi, làm ngày đêm, họ đã chế tạo xong siêu máy tính, đó là một thành công. “Nhưng công việc còn tiếp tục.”
Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới đây đã đến thăm và xem xét siêu máy tính. Ông ấy đã chúc mừng các nhà khoa học và khuyến khích họ: điều quan trọng bây giờ là phát triển những ứng dụng cho siêu máy tính, ông nhắc nhở họ. Vị lãnh đạo chính phủ nói đúng, Liu nói. Chỉ là một cạnh tranh với Hoa Kỳ về chiếc máy tính nhanh nhất không thôi – điều đấy không có nghĩa.
Tianhe cần phải tạo khả năng để người Trung Quốc thúc đẩy toàn bộ công nghiệp công nghệ cao của mình. Với sự giúp đỡ của nó, Trung Quốc muốn phát triển những vật liệu hiện đại, nghiên cứu năng lượng lựa chọn khác và công nghệ sinh học, hay tìm dầu.

Trồng lúa trong tỉnh Vân Nam, siêu máy tính Tianhe-1A: đã đi được một nửa con đường đến hiện đại. Ảnh: Der Spiegel.

Những tham vọng như thế cũng được phản ánh trong kế hoạch năm năm tới đây của Trung Quốc, nước Cộng hòa Nhân dân muốn đầu tư 1,5 nghìn tỉ dollar trong thời gian này vào trong những ngành công nghệ tương lai. “Dân tộc Trung Quốc cần những công nghệ mạnh, để nổi bật lên khỏi cánh rừng của những dân tộc trên thế giới”, thủ tướng Ôn đã viết trong cơ quan ngôn luận của Đảng, “Cầu Thị”, trong tháng Tư. Mặc cho tất cả những lời tuyên bố về kinh tế thị trường, những người lập kế hoạch ở Trung Quốc thích tin tưởng vào uy quyền của Đảng hơn. Như một người trông coi sân bãi, Đảng phân chia cơ hội trên thị trường tương lai của thế giới.
Nhà máy điện, tuốc bin gió, thiết bị mặt trời – các hãng nước ngoài phải sản xuất cho tới 70% bộ phận tại Trung Quốc. Bằng cách này, trên thực tế là họ bắt buộc phải đào tạo những nhà cạnh tranh rẻ tiền trong tương lai ở Trung Quốc.
Hậu quả: tại những dự án trên các thị trường thứ ba, thường họ không còn có sự lựa chọn nào khác hơn là liên kết với các tập đoàn rẻ tiền Trung Quốc.
Cả sếp của những tập đoàn Đức cũng nhận thấy sự dẫn đầu của họ trên thị trường thế giới hiện giờ cũng bị đe dọa bởi chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Sếp BASF Jürgen Hambrecht, cả một thời gian dài đã là người ủng hộ cho Trung Quốc, than phiền trong một cuộc gặp gỡ thủ tướnng Ôn về “bắt buộc phải tiết lộ bí quyết để đổi lại những quyết định cho đầu tư”. Ông thêm vào: “Điều đấy không hoàn toàn tương ứng với những ý tưởng cộng tác của chúng tôi.”
Nhờ sự hỗ trợ to lớn của nhà nước, chẳng bao lâu nữa Trung Quốc cũng có thể bỏ xa phương Tây tại những công nghệ xanh tương lai: những kẻ khổng lồ như Sinovel và Goldwind đang vươn lên trở thành các doanh nghiệp dẫn đầu về sức gió. Để có thể tận dụng hết công suất của những nhà máy khổng lồ của mình, họ hiện đang cố chen vào trong châu Âu và Hoa Kỳ.

QUYỀN LỰC CỦA GIỚI QUÂN ĐỘI
Về lâu dài cả người Mỹ cũng nhận thấy quyền bá chủ về công nghệ cao của họ sẽ bị đe dọa. Câu hỏi cũng được đặt ra cho họ là liệu họ có tiếp tục tự khẳng định mình được như một cường quốc quân sự nhờ vào công nghệ tiên tiến hơn hay không.
Vì Trung Quốc đang tăng cường vũ trang rất nhiều, chỉ riêng trong năm 2010, theo số liệu chính thức, quốc gia này đã chi tròn 78 tỉ dollar cho Quân đội Nhân dân Giải phóng. Nhiều hơn năm trước đó 7,5% – theo ước lượng của các chuyên gia quân sự nước ngoài chi phí thật sự cao hơn rất nhiều. Tuy vậy: ngay cả khi chi phí quân sự thật sự của Bắc Kinh là 150 tỉ dollar đi nữa, việc mà nhiều chuyên gia ước lượng, thì trong khi đó, Hoa Kỳ chi gấp bốn lần như thế cho quân đội của họ.

Duyệt binh ở Bắc Kinh: "Tiếng nói to lớn tại câu hỏi về hòa bình của thế giới". Ảnh: AFP.

Tuy các nhà tân bảo thủ như Paul Wolfowitz hay Richard Perle hiện đang cảnh báo một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi với Trung Quốc trong những giọng điệu quá kích động, nhưng về trang bị vũ khí thì cường quốc thế giới tương lai hiện vẫn còn chưa thể theo kịp.
Thế nhưng Trung Quốc đang chuyển hướng chiến lược. Dưới sự bảo mật nghiêm ngặt, cường quốc lục quân theo truyền thống hiện đang xây chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. “Chúng tôi chuyển từ bảo vệ bờ biển sang bảo vệ những vùng biển xa”, Zhang Huachen, hạm đội phó của hạm đội phía Đông Trung Quốc, tuyên bố năm 2010.
Không còn chỉ những vùng ngoại vi là cần phải được bảo vệ. Hơn thế, đất nước cần phải tăng cường vũ trang để chống lại “những mối đe dọa đến quyền lợi chính của quốc gia”, chuyên gia chiến lược Bắc Kinh Zahng Wenmu đã yêu cầu.
Cường quốc đang vươn lên này càng siêng năng mua nguyên liệu và lương thực khắp nơi trên thế giới và chở bằng tàu thủy trên những tuyến đường hàng hải quốc tế về quê nhà thì lại càng định nghĩa rộng rãi hơn “quyền lợi quốc gia” của mình.
Đài Loan vẫn còn được xem là một nguồn xung đột tiềm năng. Tuy nước Cộng hòa Dân chủ hiện đang nhích lại gần lục địa cộng sản hơn về kinh tế. Thế nhưng khi tổng thống Obama tuyên bố sẽ bán vũ khí mới cho Đài Loan vào đầu năm 2010, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh bất thường và tạm ngưng mọi tiếp xúc về quân sự với Washington.
Trung Quốc có thật sự vươn lên hàng cường quốc thế giới được hay không phụ thuộc vào việc có thể đạt đến một tái thống nhất với Đài Loan hay không, nhà chiến lược Bắc Kinh Zhang cảnh cáo. Nếu như Trung Quốc còn không có khả năng lấy lại “sở hữu của mình”, Zhang hỏi, thì làm sao mà có thể chơi “những trò chơi quốc tế” với các nước khác.
Quân đội Bắc Kinh hướng tròn 1100 tên lửa tầm ngắn vào hòn đảo mà họ xem như một tỉnh phản bội. Chiến lược quân sự Trung Quốc nhắm đến việc trong trường hợp cần thiết sẽ không cho Hoa Kỳ, lực lượng bảo vệ Đài Loan, vào phía Tây của Thái Bình Dương.
Theo một kế hoạch ba bước, hải quân đầu tiên phải phủ kín “chuỗi đảo đầu tiên” từ Nhật Bản qua Đài Loan đến Philippines và sau đó mở rộng tầm hoạt động của mình qua Guam, Indonesia, Úc, cho tới khi họ cuối cùng vươn lên trở thành một cường quốc hải quân vào năm 2050.
Để thực hiện mục đích này, Trung Quốc hiện đang phát triển một loại tên lửa chống chiến hạm, sau khi trở vào khí quyển Trái đất có thể được điều khiển từ xa một cách chính xác hướng đến các mục tiêu đối phương. Vũ khí này có mục đích biến các hạm đội hàng không mẫu hạm của Mỹ trở thành những tấm bia mục tiêu nổi trên mặt nước.
Nhưng Vương quốc Trung tâm tự nhìn mình trong vai trò nào? Nó muốn sử dụng ảnh hường của nó như thế nào khi thật sự thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cườnng quốc?
Ai đặt ra những câu hỏi như thế ở Bắc Kinh đều cảm nhận thấy trước hết là một điều: sự dứt khoát kiên định của người Trung Quốc, tránh né những câu trả lời rõ ràng. Người ta cố hết sức để tránh một cuộc tranh luận công khai về những hệ quả chính trị và quân sự từ lần vươn lên của Trung Quốc.
Trước đây khá lâu, trong những lần họp đặc biệt, Hồ Cẩm Đào với Bộ Chính trị của ông ấy đã để cho nhiều học giả trong nước diễn thuyết về thăng tiến và suy tàn của những cường quốc trước đây – Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Liên hiệp Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga và Hoa Kỳ – bắt đầu từ thế kỷ 15.
Các chuyên gia này đề nghị giới lãnh đạo cho phép chiếu một loạt phim về đề tài này trên đài truyền hình nhà nước CCTV vào năm 2006. Chương trình này đã tìm kiếm khách quan đến mức ngạc nhiên các nguyên nhân lịch sử cho thành công và thất bại của những cường quốc, chỉ là khán giả không hề có được một từ nào về những suy luận có thể cho lần vươn lên của chính quốc gia mình.
Thay vì vậy, nhà lãnh đạo nhà nước và Đảng Hồ vẫn tiếp tục truyền bá viễn tưởng của một “thế giới hài hòa”. Nó nghe có vẻ mơ hồ tương tự như ý tưởng của ông ấy về “xã hội hài hòa”, một câu khẩu hiệu mà ông ấy đã để cho vẽ trên mặt tiền ở khắp nơi trong nước và là câu mà ông ấy đã dẫn xuất ra từ đạo Khổng.
Một “thế giới hài hòa”, như Bắc Kinh nhìn, theo bộ trưởng bộ Ngoại giao Dương bao gồm một tập hợp của những khái niệm: “bình đẳng và dân chủ trong chính trị, cộng tác và cùng chung sử dụng trong kinh tế và tin tưởng lẫn nhau trong những vần đề về an ninh cũng như trao đổi và cùng tiến bước trong văn hóa”.
“Bình đẳng”, “dân chủ” – theo ý tưởng của Trung Quốc là những cái quy định quan hệ của tất cả các quốc gia với nhau, cũng có trong Hiến pháp Trung Quốc. Thế như thực tế thì khác: Nước Cộng hòa Nhân dân sẽ không bao giờ trở thành một nhà nước đa đảng có phân quyền và một nền tư pháp độc lập, Wu Bangguo giải thích, chủ tịch Quốc hội và theo cấp bậc là người thứ nhì trong nhà nước sau Hồ. Cho tới chừng nào Trung Quốc còn là quốc gia thành công nhất của Trái đất thì không có lý do gì để nghi ngờ lời nói của ông ấy được cả.
Bắc Kinh, đầu tháng 12 năm 2010. Máy ảnh chụp lách cách, không khí ngạt thở. Nhà báo từ khắp nơi trên thế giới chen lấn nhau quanh một cái bàn hình bầu dục trong “Xinwen Dasha”, “tòa nhà tin tức chọc trời” ở Bắc Kinh, họ đến đấy để cùng trải nghiệm lần trao giải thưởng lựa chọn khác của Nobel Trung Quốc.
Giải Khổng Tử được trao tặng lần đầu tiên, ban giám khảo, một nhóm trí thức trung thành với chính phủ, không có nhiều thời gian. Người nhận giải, chính trị gia Đài Loan Lien Chan, chính thức không biết gì về lần trao giải cho mình và cũng không xuất hiện. Thay vào đấy, một bé gái nhận giải, nhìn rụt rè vào những cái máy ảnh.
Vấn đề là phải nhanh chóng tìm thấy một câu trả lời Trung Quốc cho giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến mà giải Nobel Hòa bình sẽ được trao cho ông ấy vào ngày hôm sau tại Oslo.
Ban giám khảo cho phân phát một quyển sách mỏng có hình Khổng Tử trên trang bìa. “Na Uy”, quyển sách đấy nói về đất nước sẽ trao giải Nobel cho Lưu mặc cho những lời cảnh cáo từ Trung Quốc, “chỉ là một nước nhỏ”. Trung Quốc ngược lại có “trên một tỉ người”, và phải “có một tiếng nói to lớn tại câu hỏi về hòa bình của thế giới”.
“Ai có nhiều dân nhất, người đấy sẽ có được quyền lực.” Câu nói này bắt nguồn từ Mao Trạch Đông, vị lãnh tụ vĩ đại và là người kế thừa những hoàng đế vĩ đại trong Vương quốc Trung tâm. Xác ướp của ông ấy được Đảng đặt nằm công khai vĩnh viễn ở Bắc Kinh, ở đó, nơi cường quốc mới của thế giới đã từ lâu đang một mình phán xét – và trong tương lai cũng sẽ một mình phán xét – về việc tự do và hòa bình có nghĩa gì.
J. P. – S. Sch. – W. W.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments: