Friday, January 21, 2011

GHI NHANH về ĐẠI HỘI THỨ 11 của ĐCS (Trần Bình Nam)


Đại hội thứ 11 của đảng cộng sản Việt Nam họp tại Hà Nội từ ngày 12/1/2011 đã bế mạc hôm 19/1 sau khi ông cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao hoa chúc mừng ông tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau đây là những nét ghi nhanh về kết quả của đại hội. Những nhận xét sâu sát hơn và có tính nghiên cứu xin chờ sự phân tích của các chuyên viên về Bang giao quốc tế như giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Hoa Kỳ, các nhà Chính trị học như tiến sĩ Âu Dương Thệ ở Đức và các Chuyên viên về các vấn đề Việt Nam như ông Carl Thayer  ở Úc châu.

Quanh đại hội câu hỏi quan trọng là nhân sự: Ai sẽ là Tổng bí thư, ai vào và ai ra khỏi Bộ chính trị? Nhưng với đại hội 11, vấn đề then chốt là chính sách ngoại giao. Chính sách ngoại giao cho 5 năm tới sẽ quyết định tương lai của đất nước và sẽ thay đổi màu sắc của cuộc tranh chấp trong vùng Tây Thái Bình Dương giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung quốc. Đại hội 11 không để hé lộ một màu sắc gì đặc biệt – thân Mỹ hay thân Tàu – cho thấy đường 1ối ngoại giao của Việt Nam trong thời gian bản lề của cuộc tranh chấp Hoa Kỳ – Trung quốc trước mắt sẽ là đường lối ngoại giao  “không thiên về bên nào” như đã chớm xác định qua cuộc thăm viếng của bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 7/2010.  Bộ máy lãnh đạo tại Hà Nội có đủ khôn ngoan để không quay lưng lại với Trung quốc và ngả vào đôi cánh tay rộng mở của Hoa Kỳ. 

Đại hội 11 đã mặc nhiên xác nhận chính sách ngoại giao đối với Trung quốc và Hoa Kỳ là chính sách “ ba  không” tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố tại Bắc Kinh trong cuộc họp báo ngày 27/8/2010 với tư cách thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
(1) Không tham gia các liên minh quân sự, hoặc là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào;
(2) Không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam;
(3) Không dựa vào nước này để chống nước kia.

Nét đặc biệt của Đại hội 11 là lần đầu tiên các đại biểu tham dự có chút tự do (một chút thôi!) dùng lá phiếu của mình để chọn Ủy viên Trung ương đảng và các Ủy viên Trung ương đảng có quyền chọn các Ủy viên Bộ Chính Trị. Quyền này còn giới hạn vì một số nhân sự vào Bộ chính trị mới đều được giới thiệu và các đại biểu đã được khuyến cáo bầu chọn. Tuy nhiên sự khuyến cáo không có tính bắt buộc, nghìa là nếu bỏ phiếu nghịch với khuyến cáo các đại biểu có thể bị kỷ luật như tại các đại hội trước. Và sự chọn lựa Tổng bí thư do phiếu bầu của các tân Ủy viên Trung Ương chọn một trong ba người được đề cử là các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng.

Đặc điểm của một đại hội của các đảng cộng sản trên thế giới là ngoài dự phóng nhân sự các văn kiện hoạch định Chính sách, Cương lĩnh , gọi là Văn Kiện Đại Hội đều được bộ máy lãnh đạo cũ hoạch định và soạn thảo. Các đại biểu tham dự chỉ việc biểu quyết chấp thuận, nhất là bản Cương lĩnh của Đảng ít khi được thay đổi, nếu có chỉ là thay đổi ngôn từ và chấm, phẩy vô hại.  Lần này một điểm then chốt của Cương lĩnh liên quan đến chủ nghiã xã hội là “tư liệu sản xuất thuộc về  ai” đã được các đại biểu thảo luận rốt ráo (theo lời của chính tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng). Và cuối cùng đề nghị đưa ra trong dự thảo Cương lĩnh rằng:

Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” (có nghĩa: máy móc dùng để sản xuất và đất đai thuộc về Nhà nước).
Được sửa lại thành: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (có nghĩa một cách lờ mờ rằng: 3 khâu trong “quan hệ sản xuất” (1) không nhất thiết đều nằm trong tay Nhà Nước, và có thể thay đổi tùy theo sự tiến bộ về ý thức và nhu cầu).

Sự sửa đổi này quan trọng. Nó có thể mở đường cho quyền tư hữu đất đai. Theo Marx máy móc và đất đai dùng để sản xuất (không kể sức người) là công hữu mới tránh được tư bản bóc lộc và người cộng sản biết từ lâu thuyết “công hữu tư liệu sản xuất” là nguyên nhân của sự trì trệ kinh tế trong các nước cộng sản, nhưng họ không thể thay đổi một cách nhanh chóng hoặc khi thực tế buộc phải thay đổi họ chỉ thay đổi nửa chừng và không công nhận trên lý thuyết. Chính sự dùng dằng này đã đẻ ra cụm từ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Sự sửa đổi ngôn từ ở đây mở cửa cho phát triển kinh tế thị trường mà không cần cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vướng víu . Và với hơn 65% đại biểu bỏ phiếu chấp nhận sự thay đổi chứng tỏ đảng cộng sản Việt Nam đang dọn đường để thoát ra khỏi sự ràng buộc của chủ nghĩa.

Từ bỏ một nguyên tắc kinh tế chỉ đạo – dù là một nguyên tắc sai lầm tệ hại – tín đồ Mác-xít không thể không có sự dùng dằng. Phản ánh sự dùng dằng này tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng tôi nghiêm túc chấp hành” quyết định của đảng, “nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng gì đến chính sách nhất quán của Việt Nam là phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.”

Một thay đổi khác trong Điều lệ đảng là thay đổi quan hệ giữa Đảng và các lực lượng vũ trang gồm quân đội và công an.
Từ nguyên tắc minh định trong Điều lệ đảng: “Đảng lãnh đạo quân đội và công an” được viết lại thành “Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Sự sửa đổi này cho chúng ta có cảm tưởng rằng Đảng giao các lực lượng vũ trang cho Nhà Nước quản lý như đòi hỏi của các nhà đấu tranh dân chủ.
Nhưng không. Đảng cho tay này lấy lại tay kia và lấy nhiều hơn cho.
Điều lệ Đảng sửa đổi lại minh danh Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương và các bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp. Với sửa đổi này Đảng nắm chặc các lực lượng vũ trang trong tay cho đến tận các đơn vị quân sự nhỏ nhất. Để làm gì? Nếu không phải là để nhanh chóng đàn áp các cuộc nổi dậy của quần chúng, và phòng ngừa một cuộc đảo chánh cung đình.

Về nhân sự các quan sát viên thế giới không ngạc nhiên thấy Nông Quốc Tuấn con cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Nguyễn Chí Vịnh con của tướng Nguyễn Chí Thanh (đã qua đời) được vào Trung ương Đảng. Vịnh có thể xứng đáng vào nhưng Tuấn thì chưa. Tín hiệu của Đảng: Con cái của đảng viên cao cấp có công với Đảng sẽ được đền bù nâng đỡ.

Về nhân sự Bộ chính trị, trước đại hội tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã viết một báo cáo mật gởi bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Wikileaks tiết lộ) dự đoán rằng 9 đương kim Ủy viên Bộ chính trị sẽ ở lại và một trong 4 ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa sẽ là Tổng bí thư. Dũng sẽ tranh với Sang, Trọng sẽ tranh với Rứa. Theo tòa đại sứ Hoa Kỳ ba ông Dũng, Sang, Trọng chưa sẵn sàng chấp nhận cải tổ chính trị, nhưng đều là những người có óc thực tiễn, biết gíá trị của kinh tế thị trường và sự cần thiết xích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Bản báo cáo nhận định nếu Tô Huy Rứa được bầu làm Tổng bí thư thì đó là một dấu hiệu đảng cộng sản Việt Nam chọn con đường tả khuynh quá khích. Điều này đã không xẩy ra.

Điểm đáng ghi nhận khác là vai trò nổi bất của quân nhân. Trong 175 Ủy viên chính thức Trung ương có 25 ủy viên cấp tướng (14.3%), và trong 14 Ủy viên Bộ chính trị có 3 tướng trong đó có 2 tướng công an  (21.4%). Các tỉ số cao này cho thấy vai trò quan trọng của quân nhân trong bộ máy lãnh đạo. Quân nhân vốn có truyền thống chống xâm lăng và có thể đã là sức đẩy trong việc chuyển đổi chính sách ngoại giao và quốc phòng hiện nay.

Một điểm nhỏ – nhưng không phải không quan trọng – là danh sách tân  ủy viên Bộ chính trị được công bố theo thứ tự  a,b,c chứ không theo thứ bậc quan trọng của từng cá nhân như thông lệ.

Đó là nhưng nét chấm phá về đại hội thứ 11 của đảng cộng sản Việt Nam.
Dù Đại hội 11 của đảng cộng sản Việt Nam không hứa hẹn một thay đổi gì quan trọng. Nhưng ít nhất nó không cho chúng ta một cảm giác bi quan sâu sắc như các đại hội 7, 8, 9, 10 sau thời “đổi mới”.

Jan. 20, 2011
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
——————————————————–
(1) Quan hệ sản xuất: danh từ do Marx đẻ ra gồm 3 mối quan hệ lẫn nhau: ai sở hữu tư liệu sản xuất; ai tổ chức và quản lý tổ chức; ai có nhiệm vụ phân phối sản phẩm sản xuất ra. Theo chủ nghĩa cộng sản các câu trả lời đều là: Nhà nước.
.
.
.

No comments: