11:01:am 23/01/11
Tiếng súng và lựu đạn, tiếng pháo kích khắp nơi, tiếng trực thăng và phi cơ gầm rú trên bầu trời Việt Nam, từng đoàn người bồng bế nhau chạy trốn chiến tranh với những đôi mắt kinh hoàng sợ hãi. Đó là phân cảnh mở đầu cho một vở kịch hai màn gồm hai mươi phân cảnh, kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ, mang tên “Còn Nước Còn Tát – Still We Rise”.
Mỗi năm, trước tết ta vài tuần, Hội Sinh Viên Việt Nam (VSU) tại đại học Los Angeles đều tổ chức Đêm Văn Hóa Việt Nam. Và Đêm Văn Hoá Việt Nam lần thứ 31 đã diễn ra tại đại học University of California at Los Angeles (UCLA) vào 17/1 vừa qua. Do chương trình phong phú, tổ chức chu đáo và lối trình diễn chuyên nghiệp, năm nào Đêm Văn Hoá Việt Nam tại đây cũng được sinh viên từ các trường đại học quanh vùng Nam Cali và gia đình ủng hộ đông đảo. Hội trường Royce khoảng hai ngàn ghế đầy kín. Thay vì trình diễn từng tiết mục như thường lệ, năm nay, các tiết mục đó được lồng trong vở kịch lớn, nói về trường hợp những người cư trú không giấy tờ hợp lệ (undocumented) tại Mỹ, điển hình là gia đình cô Trần Ngọc Tâm.
Cha mẹ Tâm, ông Trần Ngọc Tuấn và bà Phạm Thị Lọc trốn thoát khỏi Việt Nam và trở thành những người tị nạn chính trị sau khi được tàu hải quân Đức vớt năm 1982. Tâm và em trai cô, Thiện, đều sinh ra tại Đức nhưng không đương nhiên là người Đức như trẻ em ở Mỹ lúc mới sanh.
Khi Tâm lên sáu, gia đình sang Mỹ để sống gần bà con tại đây. Cha mẹ cô đã xin chính phủ Mỹ cấp quy chế tị nạn vì sẽ bị bắt nếu trả họ về Việt Nam. Trước 75, ông Tuấn đã là một ký giả có quan điểm chống cộng và từng phải “học tập cải tạo”. Họ bị từ chối quy chế tị nạn và trở thành những người “không giấy tờ”.
Sau nhiều tranh đấu của Tâm, gia đình cô chỉ được tạm thời ở Mỹ, chưa bị trả về VN mà cũng không thể là thường trú nhân Hoa Kỳ. Giới chức sở di trú tìm cách trả họ về Đức, nhưng chính phủ Đức từ chối cấp visa.
Cha mẹ Tâm đã phải làm nhiều việc khác nhau, có khi hai việc một lúc, ngay cả buôn bán ở chợ trời (Swap Meet) để nuôi hai con ăn học, vì chi phí cho học sinh không phải cư dân Cali rất mắc mỏ. Rời khỏi đại học cộng đồng Santiago, cô ghi danh vào UCLA. Tại đây, cô gặp Dana Heatherton, một người có cá tính trái ngược với cô, thầm lặng hơn nhưng luôn luôn ủng hộ cô trong mọi tranh đấu để trở thành người sinh sống hợp pháp tại Mỹ. Năm 2007, Tâm tốt nghiệp với văn bằng cử nhân về Văn chương và Văn hoá Hoa Kỳ. Sau đó, cô được nhận vào Brown University theo chương trình hậu đại học năm 2009. Cô giúp thành lập the Brown Immigrations’ Rights Coalition. Với sự tranh đấu không mỏi mệt, năm 2007, Tâm đại diện cho tổ chức Development, Relief and Education for Alien Minors – DREAM Act, tường trình trước một tiểu ban trong Quốc hội Mỹ về vấn đề di dân. Cô còn là người đam mê nghệ thuật điện ảnh, từng sản xuất nhiều phim ngắn, trong đó có phim khá nổi, “Lost And Found”.
Phòng Kiểm tra Dân số cho biết có khoảng hai triệu rưỡi thiếu niên dưới 18 tuổi không giấy tờ hợp pháp sinh sống tại Mỹ (1% là người Việt), trong đó 40% sống tại Cali. Mỗi năm, 65 ngàn em tốt nghiệp trung học nhưng chỉ có một số rất nhỏ theo chương trình đại học, mặc dù khá nhiều em là học sinh hoặc vận động viên tài giỏi. Thay vì được tưởng thưởng bởi sự cố gắng học tập, họ lại bị bức tường luật pháp ngăn chặn gia nhập đại học, do đó họ không thể nhận được sự trợ giúp nào từ chính quyền tiểu hay liên bang, không thể trở thành cư dân Cali, và nhiều lúc phải đối diện với sự xúc xiểm của xã hội (bị mang tiếng là di dân lậu, là cướp việc làm của người dân Hoa Kỳ v.v.). Ngoài ra, họ còn phải đóng số tiền rất lớn đối với chi phí đại học. Nếu là cư dân Cali thuộc hệ thống đại học Cal State, chỉ đóng $2,864.00 cho một mùa học (một năm hai mùa học chính, xuân và thu); nếu không, học phí là $12,420.00. Cư dân Cali hệ thống UC chỉ phải đóng $6,141.00 thay vì $22,504.00 cho sinh viên ngoài Cali. Năm 2001, luật AB 540 được ban hành nhằm cung ứng phúc lợi xã hội cho cả sinh viên hợp pháp lẫn bất hợp pháp để theo đuổi chương trình giáo dục cao hơn trung học, bất kể tình trạng cư trú của họ thế nào.
Trời như còn ganh ghét những người trẻ tài hoa, vươn lên và học hỏi, ngày 15 tháng Năm năm 2010, cô cùng cô bạn Mễ Tây Cơ, Cinthya Felix - nhân vật rất năng nổ tranh đấu cho những người không giấy tờ hợp lệ, là thành viên sáng lập tổ chức Improving Dreams, Equality, Access and Success (IDEAS) – đã tử nạn trên chuyến đi chơi cuối tuần vì bị chiếc xe truck chạy ngược chiều đụng phải.
Thiện, em trai Tâm, trước đây ít khi góp sức với chị tranh đấu cho những người “sống chui” tại Mỹ, sau cái chết của Tâm, đã tham gia đấu tranh bằng cuộc chạy xe đạp đường trường từ đại học Berkley (Bắc Cali) tới UCLA (Nam Cali).
Tất cả những diễn tiến trong câu chuyện trên được trình diễn bằng những tiết mục văn nghệ với 20 phân cảnh lồng trong văn hoá Việt, bắt đầu với chiến tranh Việt Nam và kết thúc bằng chuyến đạp xe đường trường hơn 300 dặm của cậu em để tiếp nối công việc của chị đang còn dang dở. Đặc biệt, phân cảnh về đám tang của Tâm rất xúc động, lay động sự thương cảm của mọi người. Nhiều tiếng sụt sùi quanh tôi. Một giọng thì thầm, It’s so sad, chuyện buồn quá. Buổi văn nghệ không chỉ lấy đi nước mắt của các cô, cậu thanh niên tuổi đôi mươi ngồi kế bên cũng sụt sùi khiến tôi phải nghẹn ngào. Và câu chuyện không chỉ có nước mắt, nó mang đến rất nhiều nụ cười ý nhị và sảng khoái từ các diễn viên, ca viên, kịch viên chưa tốt nghiệp nhưng trình diễn khá chuyên nghiệp. Mười mấy năm trước thời còn sinh viên, chúng tôi cũng đã tham dự Vietnamese Culture Night tại đây, nhưng càng ngày, thế hệ sau càng giỏi hơn thế hệ trước.
Đây là một thành công đáng nể trọng của tuổi trẻ VN hải ngoại.
Cảm ơn các bạn trong Hội Sinh Viên Việt Nam tại UCLA.
Chúng tôi hãnh diện vì các bạn. Mến tặng các bạn một bó hồng tươi thắm của mùa xuân rực rỡ đang về với đất trời khắp nơi.
© Tạ Dzu
© Đàn Chim Việt
Jenny VCN 2011 I
Jenny VCN 2011 II
Vietnamese Culture Night 2011 at UCLA
VSU Modern - Vietnamese Culture Night (VCN) 2011 @ UCLA
.
.
.
No comments:
Post a Comment