Ts. Nguyễn Đình Thắng
Sunday, January 23 @ 09:14:38 EST
“Mỗi lần anh qua đây, chúng ta đều phát hiện một vụ buôn người mới để can thiệp. Lần này thì không,” Ls. Eric Cheah nói đùa với tôi trong một buổi ăn sáng thân mật.
Quả vậy, từ ngày thành lập Liên Minh CAMSA vào tháng 2, 2008, mỗi lần sang Mã Lai tôi đều tình cờ giáp mặt với một vụ buôn người mà toán CAMSA tại chỗ phát hiện. Lần đầu tiên là vụ Esquel liên quan đến 2,300 lao động bị bóc lột; sau đó là vụ Winbond gồm 4 chị em phụ nữ làm gia nô; rồi vụ Sony với khoảng 30 chị em bị công ty môi giới Mã Lai giam hãm và bóc lột; rồi gần đây nhất là vụ Spektra Alucast với trên dưới 30 nam công nhân bị quịt lương và ngược đãi.
Anh Eric là người Mã Lai nhưng nói rất rành tiếng Việt. Anh là người đã báo động cho tôi biết về trường hợp Esquel và đã giúp nhiều cho CAMSA trong thời gian đầu mở hoạt động ở Mã Lai.
Ls. Daniel Lo và nạn nhân vừa được giải cứu, ngày 19/1/11 (ảnh CAMSA).
Ngồi cùng bàn ăn sáng là Ls. Daniel Lo, cũng người Mã Lai và cũng nói tiếng Việt. Anh tham gia CAMSA cách đây một năm, qua vụ Spektra Alucast. Anh chính là người đã giúp chuyển vụ này từ tống giam công nhân với tội danh cư trú bất hợp pháp thành vụ truy tố chủ nhân vì tội buôn người.
Tôi cũng nói đùa lại với anh Eric, “kỳ này chúng ta được nghỉ xả hơi”. Cả ba chúng tôi cười một cách tinh nghịch.
Sau 5 ngày làm việc và họp hành ở Penang và rồi Kuala Lumpur, sáng thứ Tư 19 tháng 1 tôi sắp xếp hành lý để chuẩn bị ra phi trường đi Đài Loan, nơi CAMSA cũng đã mở văn phòng hoạt động từ cách đây 10 tháng.
Khi chuẩn bị tắt máy laptop, tôi thấy hiện lên email ghi “khẩn”. Mở ra thì thấy lời báo động về một phụ nữ mới bị đưa từ Việt Nam sang Mã Lai, hiện đang bị giam giữ tại Kuala Lumpur. Email ấy đến từ một thân nhân ở Hoa Kỳ của nạn nhân và có ghi số điện thoại của nạn nhân.
Tôi liên lạc ngay với cô ta để tìm hiểu nơi chốn đang ở và rồi liên lạc ngay với anh Daniel để hội ý. Theo những thông tin rời rạc từ nạn nhân chúng tôi cũng truy ra được địa điểm-đó là một khu chung cư cao tầng rất gần trung tâm thành phố.
Xem đồng hồ thấy còn hơn một tiếng trước khi tôi phải ra phi trường, chúng tôi làm một quyết định táo bạo: giải cứu cấp tốc cho nạn nhân.
Tôi vội vàng sắp xếp hành lý trong khi anh Daniel dò phương hướng. Năm phút sau, chúng tôi lên đường. Anh Daniel lái xe còn tôi chuẩn bị máy chụp hình và máy thu hình. Trên đường đi, tôi gọi cho nạn nhân. Cô ấy cho biết là đang ở nhà một mình vì các cô gái khác đều đã ra ngoài đi chợ.
Khoảng 15 phút sau chúng tôi đã đến nơi và hẹn nạn nhân xuống gặp ở bãi đậu xe. Lúc ấy là 10 giờ sáng.
Nhận diện ra nhau xong, chúng tôi chở nạn nhân ra một chỗ ngoài phố để làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng, có thu hình.
Theo lời của nạn nhân, đường dây buôn người ăn rơ từ Việt Nam sang đến Mã Lai. Họ tuyển các phụ nữ Việt sang Mã Lai cho các dịch vụ du lịch hay giải trí như hầu bàn trong nhà hàng hay quán karaoke.
“Họ nói với em là có nhiều công việc khác nhau và mình có quyền chọn lựa công việc mình thích”, cô ta nói.
Cô còn cho biết là môi giới nhất định không cho công nhân tự trả tiền vé máy bay và phí dịch vụ mà bắt họ phải chịu nợ. Môi giới sẽ khấu trừ vào thu nhập hàng tháng. Tôi hiểu ngay rằng đây là mánh khoé để ép công nhân mắc nợ và phải làm theo sự sai khiến.
Ngay khi đến Mã Lai, có người ra phi trường đón và tịch thu toàn bộ giấy tờ cá nhân, điện thoại… rồi đưa nạn nhân về khu chung cư. Nơi đây đã có 5 cô gái khác đến từ vài tháng cho đến cả năm. Mỗi chiều họ đều phải đi khách tại một cửa tiệm “health spa” trá hình. Tất cả đều là người Việt. Trong số đó có thể có một số là nạn nhân và một số là gái mãi dâm tình nguyện; có cô là thân nhân của một nhân vật chính trong đường dây buôn người.
“Ngay ngày đầu tiên em bị bắt phải đi khách,” nạn nhân kể với chúng tôi.
Cô nhanh trí viện lý do khó ở trong người để trì hoãn, nhưng không được lâu. Sau bốn ngày trì hoãn, người “quản lý” cho biết dù bệnh, dù mệt vẫn phải đi khách.
Sau khi lấy xong các dữ kiện căn bản, anh Daniel và tôi đưa cô về lại khu chung cư để lấy hành lý và vượt thoát. Cô trở về phòng; chúng tôi đi theo sau ở đằng xa để bảo đảm an toàn cho nạn nhân.
Chỉ trong vòng vài phút, nạn nhân thu xếp xong hai bịch hành lý nhỏ. Trong lúc ấy chúng tôi chụp hình, thu hình những dữ kiện cần thiết để có thể cung cấp cho cảnh sát sau này. Có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là manh mối của cả một đường dây lường gạt phụ nữ Việt với những hứa hẹn lao động hợp pháp để rồi đưa đẩy họ vào con đường mãi dâm.
Chúng tôi trở lại xe. Anh Daniel chở tôi ra trạm xe lửa để lấy chuyến tốc hành đến phi trường quốc tế Kuala Lumpur. Tôi có vài lời căn dặn nạn nhân trước khi chia tay. Lúc ấy là 11 giờ sáng.
May mắn là nạn nhân biết một ít tiếng Anh còn anh Daniel thì nói được tiếng Việt kha khá nên tôi không lo lắm.
“Khi nào không biểu lộ được bằng ngôn ngữ thì làm dấu”, tôi nói đùa với hai người.
Tôi đến phi trường chỉ trễ hơn dự định nửa tiếng đồng hồ và vẫn còn khá sớm so với giờ bay.
Trước khi tôi lên máy bay, lúc 2 giờ trưa, anh Daniel gởi text qua điện thoại cho biết là đã tìm ra khu tạm trú an toàn cho nạn nhân. Khu tạm trú này do một tổ chức bạn điều hành.
Cuộc giải cứu thật đúng lúc. Chiều hôm ấy, theo lệnh của ông “quản lý”, cô phải đi khách.
Tôi chợt nghĩ đến câu nói đùa cách đây mấy hôm của anh Eric.
“Lần này cũng chẳng ra ngoài thông lệ.”
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 40 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia. Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về: BPSOS/CAMSA PO Box 8065 Falls Church, VA 22041 - USA
.
.
.
No comments:
Post a Comment