Tuesday, January 4, 2011

CÓ MỘT DÒNG THƠ BỊ LÃNG QUÊN (Văn học Miền Nam Trước 1975) - Trần Văn Nam

28.12.2010

(Tạm Gọi Thuộc Nền Văn Học Sài Gòn 1951-1954)

Lui về thời gian 1952-1954, lúc Việt Nam chưa bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, lúc đất nước mang danh độc lập mà thực sự ở dưới quyền của Pháp, lúc cuộc kháng chiến chống Pháp do Mặt Trận Việt Minh lãnh đạo đi vào giai đoạn chính quy và trận địa chiến. Kẻ ở thành nghe phong phanh tin tức về các cuộc càn quét của quân đội Pháp tại Trung Du, nhảy dù ở Phú Thọ, bố ráp ở Đồng Tháp Mười, đổ bộ vào thành phố buồn hiu Thanh Hóa... Phần lớn lãnh thổ với các thành phố còn nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Pháp và chính quyền quốc gia Việt Nam chỉ có trên danh nghĩa.

Trong bối cảnh đó, riêng về văn học nghệ thuật, không có một diễn đàn nào lớn. Từ Hà Nội ngàn năm văn vật, ta chỉ nghe phong phanh có tờ Hồ Gươm, Giang Sơn, nhưng ít thấy phát hành tới Sài Gòn. Tại Sài Gòn thì có tờ tuần báo Đời Mới của ông Trần Văn Ân, tờ báo nặng về thời sự, nhưng cũng là nơi quy tụ nhiều nhà văn thơ lúc đó như Nguyễn Đức Quỳnh, Hà Việt Phương, Hồ Hán Sơn, Tạ Ký, Thanh Thuyền, Đỗ Hữu, Duy Năng, Mai Băng Phương, Hồ Nam, Duy Sinh, Minh Đăng Khánh, Huy Trâm, Kiêm Đạt, Tô Kiều Ngân, Thế Viên, Phong Sơn, Châu Liêm, Huyền Viêm, Hà Bỉnh Trung, Kiên Giang Hà Huy Hà… Đến nay vẫn thấy còn lác đác vài người trên báo chí hải ngoại, có những người đã mất như Quang Dũng, Tạ Ký, có những người bặt tích như Thanh Thuyền; Đỗ Hữu, Dao Ca (nay đã biết hai bút hiệu này của cùng một người); Mai Băng Phương. Với trí nhớ một học sinh lớp Đệ Lục Đệ Ngũ yêu văn thơ lúc đó, người viết bài này vẫn còn ấn tượng những câu thơ nặng tình quê hương Trung Phước Quảng Nam của Tạ Ký; hoặc xứ Huế của Thanh Thuyền; và những câu thơ tình lưu luyến tà áo tím trong ngày hội hoa đăng bên Hồ Gươm của Mai Băng Phương gởi từ Hà Nội:

… Tím tím tà bay tím tím lên thân
Ôi tím ơi sao màu tím phân vân
Như mực ngỏ năm nao nằm đợi ý...

Và những câu thơ lên án xã hội ăn chơi ở thành thị của Tạ Ký, những lời hơi quá đáng nhưng vào lúc chiến tranh kêu gọi lòng yêu nước thì cũng có ý nghĩa:

… Gái thế hệ úp mặt sầu lên gối
Vò nát tay dăm bảy lá thư xanh...
… Hoan hô thể xác vừa sung sức
Xuân đến trần gian kiếm thị trường...

Ngoài ra có những bài thơ vọng về rừng núi (gần như là vọng chiến khu) của các thanh niên thành thị (có thể đôi người mới chỉ thiếu niên). Cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó có sự hấp dẫn lãng mạn đối với người thành thị qua các bài hát yêu nước, yêu quê hương của Phạm Duy, Đỗ Nhuận, Văn Cao; qua thơ văn từ chiến khu của Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao... Ta cũng thấy có vài bài thơ của Quang Dũng đăng trên tờ Đời Mới, có lẽ vì Bộ Thông Tin kiểm duyệt chưa biết Quang Dũng là ai. Thơ vọng về rừng núi còn kéo dài đến năm 1956 hay 1957, trên tờ tuần báo Nhân Loại với nhà thơ Nguyên Hữu, trên tờ Đời Mới thì có nhà thơ Đỗ Hữu. Đến nay ta không biết Đỗ Hữu là ai, (mới đây đã biết ông là Nguyễn Xuân Thâm), nhưng qua thơ của ông, ta có thể nói đó là những bài thơ vọng về rừng núi có tính cách lãng mạn mà thôi. Nếu thực sự vào chiến khu Việt Bắc hay chiến khu Tây Trường Sơn thì văn chương lúc ấy chắc ở trong khí thế hào hùng, ít nhất thì cũng bi tráng, không giống như bài thơ “Chiều Việt Bắc” và “Sầu Ai-Lao” khá buồn bã thê lương.

Thơ của tác giả Đỗ Hữu, Song Hồ, Huy Trâm, Diên Nghị, Tô Kiều Ngân, còn được lưu lại trong bộ “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại”, gồm 2 tập, của Trần Tuấn Kiệt, xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Vài thư viện ở Hoa Kỳ có bộ sách này. Trong đó không có thơ của Tạ Ký, Thanh Thuyền (1), Dao Ca, Duy Năng, Mai Băng Phương. Có người hiện đang viết báo tại Westminster Nam California (nhật báo Người Việt) như nhà thơ Huy Phương. Trên tờ Đời Mới thuở trước, nhớ có bài thơ “Cát Lạnh” của ông đăng nguyên một trang, đến nay không có ai sưu tầm hay nhớ lại, kể cả tác giả Huy Phương. Có người hiện nay (năm 2010) đang ở Hà Nội, như nhà thơ Vân Long mà người viết bài này không nhớ tác giả là ông hay Dương Vy Long, sáng tác một bài thơ bảy chữ trên tờ Đời Mới, viết về một người đi ngựa lỡ bước trên đường rừng. Đến nay vẫn còn vang vọng trong tâm tiếng tí tách củi lửa reo trong quán và tiếng sột soạt của con ngựa đứng nghỉ ngoài trời….Và có người cũng trên báo Đời Mới ấy, nhà thơ Châu Liêm (2), hiện nay (năm 2010) cư ngụ ở tiểu bang Texas, tác giả tập thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” do Tạp chí Văn Học Nam California xuất bản năm 1998, trên sách với tên thật của ông là Nguyễn Xuân Thiệp.

Nguyên nhân sự lãng quên dòng thơ trên, có thể tóm tắt theo thiển ý như sau: Về nội dung, không có đề tài nào mới mẻ chưa từng nói đến. Về văn thể, không có một khai phá nào làm một khúc rẽ văn học. Về trường phái, không có một nhóm nào thành hình ngoài những đóng góp lặng lẽ. Về phản ảnh thời thế, có những bài vọng rừng núi, vọng chiến khu, thấy như thiếu chất hào hùng bi tráng, chỉ là những bài lãng mạn trong thành thị do ảnh hưởng thơ của Quang Dũng (Khi đăng bài báo này vào tháng 3 năm 1997, người viết bài chưa biết tác giả Nguyễn Xuân Thâm tức nhà thơ Đỗ Hữu từng là Giáo sư Đại Học Bách Khoa Hà Nội trước năm 1975). Sau năm 1954 với cuộc di cư lớn vào miền Nam, một dòng văn học mới hình thành quanh tờ Sáng Tạo, nhiều cuộc tranh luận trên báo chí, nhất là về thơ tự do, dòng thơ 1951 - 1954 gần như hoàn toàn bị lãng quên. Văn nghệ Miền Nam phát khởi mạnh sau năm 1954 với nhiều nhà văn nhà thơ nhà báo nổi trội sau cuộc di cư vào Nam của gần một triệu người Miền Bắc. Vì vậy, xin tạm gọi giai đoạn trước đó ít lâu là nền “Văn Học Sài Gòn 1951-1954”. Hai tờ báo có một số giá trị văn chương thời đó, tuần báo Đời Mới và tuần báo Nhân loại. Trong bộ sách “Văn Học Miền Nam” của Võ Phiến, hình như ông ít đề cập đến, gần như không có dòng nào về các nhà thơ kể trên (ngoại trừ thi sĩ Tạ Ký); có lẽ vì lúc ấy ông đang ở “chiến khu 4” kháng chiến chống Pháp, vùng Bình Định- Tuy Hòa. Văn học Sài Gòn 1951-1954, cũng nên kể những nhà xuất bản sách văn chương, cơ sở quy mô như Chân Trời Mới, Phạm Văn Tươi, Yểm Yểm Thư Trang, Sống Mới, Nam Cường, Tân Việt./.

(Trích trong Tạp chí Khởi Hành, Nam California, số 5 tháng 3 năm 1997. Có vài bổ túc. Bản gửi từ tác giả).

(1) “BÀI THƠ MÙA THU” của Thanh Thuyền (đăng trên tuần báo Đời Mới thuở trước):

Áo trắng ai phơi ngoài dậu biếc
Nắng chiều đổ xuống chuyến đò ngang
Xa xôi núi tím màu chia biệt
Ngõ hẹp ngày đi ngập lá vàng.

Thu chở heo may vàng cỏ dại
Hoàng hôn ngăn bóng nẻo kinh kỳ
Đêm xưa mực cạn sầu vương mãi
Hương phấn trong lòng một chuyến đi.

Đời vẫn chưa say tình núi bể
Mái chèo năm tháng ngại ra khơi
Một bài thơ máu trên trang lệ
Viết mãi chưa xong giữa cuộc đời.

Có khói huyền lên mờ lá trúc
Chiều nay sao nhớ dáng thu xưa
Lá rơi lát đỏ dòng sông đục
Hoa gạo lên mùa thắm cố đô.

Chim lạc về đâu từng cánh trắng
Chở trời tin tưởng giữa thu sang
Bài thơ sẽ viết trên trang nắng
Dệt một mùa thu bớt võ vàng.

Tháng 7 năm 1954
(Bài thơ này được sưu tầm ghi lại trong sách “Những Hàng Châu Ngọc Trong Thi Ca Hiện Đại” của Huy Trâm, xuất bản tại Sài Gòn năm 1969).

(2) Bài thơ “THÁP NẮNG” của Châu Liêm (cũng trên báo Đời Mới thuở trước):

Dừng chân nơi biên cương
Ngút trời nắng lửa
Đá dựng thành trì ngăn đại dương
Lối về bụi đổ
Núi tiếp mây trời xây tháp nắng dặm trường!
Dừng đây sau bóng núi
Dăm kẻ không nhà mơ cố hương
Gạch đá ngậm ngùi phơi đổ nát
Ngói đỏ giờ ai xây
Như môi cười say tiếng hát
Nơi đây: Suối độc – Rừng sâu
Nắng trưa ngời khóe mắt
Có người tay đã nâng cao
Tình đằm sương gió
Ánh thép nở hoa bừng lửa đỏ
Tiếng đục dậy lên đường
Tháp nắng rưng rưng ngùi trông bốn phương
Ôi! Tháp nắng muôn trùng
Chiều xưa qua đây câu ca trên môi còn rung
Chiều nay qua đây lòng say yêu thương
Tháp nắng lưng trời!
Ôi! Lửa sáng đại dương.
(Sưu tầm trong sách “Những Hàng Châu Ngọc Trong Thi Ca Hiện Đại”)
.
.
.

No comments: