Friday, January 7, 2011

CHUYỆN CÁI DANH THỜI NAY (Kami)

KAMI
Jan 6, '11 9:31 PM

Hình như người Việt mình bây giờ càng háo danh, công việc hàng ngày của mình thường xuyên tiếp xúc với khách, vì thế việc nhận card visit của khách ngày nào cũng có. Cũng là chuyện bình thường, thời buổi bây giờ khi có khách việc xã giao không thể thiếu là trao đổi tấm danh thiếp. Mình để ý là khoảng 5 năm trở lại đây trên các tấm danh thiếp của khách hàng là người Việt nam thường họ có in thêm học vị học hàm của họ, nào là GS-Tiến sĩ X, P.GS-Tiến sĩ Y.. cho đến Cao học, Cử nhân v.v…. Lắm bác chắc là người các tỉnh còn ghi thêm cả chức vụ đảng, công đoàn trong đó chắc để cho oai, nghĩ mới thấy hài.

Vì thế mình cũng không mấy thiện cảm với các vị trong danh thiếp ghi danh học hàm, học vị cao, vì nghe nói bây giờ cái gì cũng mua được bằng tiền. Học vị học hàm nghe nói cũng mua bán trao đổi như mua rau và lại còn có dịch vụ trọn gói từ A-Z. Mấy cậu lính của mình  còn bảo “Anh cứ để ý, giáo sư tiến sĩ bây giờ có 2 loại. Lão nào béo, răng vàng do hút thuốc lào là loại hàng dởm, còn ông nào gầy trong có vẻ có học thì là hàng thật”. Những thông tin kiểu ấy mình nghe nhiều, nhưng chưa biết rõ trường hợp nào nên cũng chưa tin lắm.

Sáng chủ nhật vừa rồi, là hội lớp Đại học cũ của tôi nhân dịp 25 năm tốt nghiệp ra trường ở khách sạn M. trên đường H. Hà nội, khách sạn này khá nổi tiếng vì nó nằm ngay trên nền nhà tù lớn giữa trung tâm. Được biết ban tổ chức hội lớp chọn địa chỉ này bởi năm nay có một anh bạn tên là H., là P.Giáo sư – Tiến sĩ đang công tác ở một Bộ lớn ở Hà nội, tự nhận trách nhiệm bao toàn bộ cho buổi tiệc tùng này, nghĩa là ăn nhậu tùy thích có người khác bao, xin mời các chú cứ phá. Kỷ niệm 25 năm ngày ra trường chỉ là cái cớ để tụ tập, chứ năm nào chúng tôi chả gặp nhau đôi lần trong các bữa sinh nhật hay cưới hỏi mấy anh chậm có vợ, có tiền bây giờ chúng nó hay vẽ ra hội hè lễ lạt, vì theo họ nói là có tiền thì phải “tiêu cho bớt, để sợ mối xông”. Thấy chưa, ai bảo dân Việt nam mình nghèo?

Lớp đại học của tôi năm đầu có 29 nhân mạng, sau 5 năm học còn lại 23 thằng tốt nghiệp, còn thì đúp, bỏ dở hay chết do tai nạn và đặc biệt là có một người đúp từ lớp trên xuống, đó là thằng H.. Trong số tốt nghiệp thì những thằng học hành tử tế, gia đình có chút ít quan hệ thì hầu hết đều làm công tác ở các cơ quan nghiên cứu hay cán bộ các Vụ Bộ nọ Bộ kia, có thằng làm đại diện cho công ty nước ngoài, vì ngành chúng tôi học, là ngành mới được nhà nước mới mở lại, vì thế nên khi ấy cử nhân tốt nghiệp ngành này đắt như tôm tươi, nói chung mọi người trong lớp bây giờ đều khá, đa phần là có thêm cái bằng cao học duy có thằng H. chịu trận hôm nay thì đúng là người “có số hơn có bố làm to”, H. là Phó Giáo sư – Tiến sĩ đang là lãnh đạo một cơ quan cấp Vụ ở Bộ T.

Thằng H. hơn chúng tôi hai tuổi vì nó học lớp trên chúng tôi 2 khóa nhưng lại khác ngành học đúp xuống học cùng mà theo nó là do lý do sức khỏe (!?). Thằng H. này thì đúng toàn tài, hát hay, đàn giỏi đá bóng cũng khá, lại thêm cái đẹp giai, nghĩa là về văn thể mỹ thì nó là toàn diện khổ mỗi tội học thì đại dốt.
Thằng H. thân với tôi vì nhà tôi và nhà nó tuy khác phường cũng gần nhau nên đi học thường hay đạp xe đi cùng cho vui. Chuyện học dốt của thằng H. này thì nói không ai tin, nó chỉ biết học thuộc lòng như vẹt hợp với các môn kiểm tra hay thi viết, còn chuyện thi vấn đáp thì thoát được là do tài dùng “phao” quay cóp, có người gà bài hoặc đi nịnh hót thầy trước ngày thi. Chuyện học thì khỏi phải nói, còn nhớ hồi năm thứ 3 hay thứ 4 mỗi khi có môn kiểm tra thì kiểu gì nó cũng phải ngồi cạnh tôi để xin chép bài, vì nó bảo không ngồi cạnh thằng rộng lòng sẵn sàng cả đọc cho nó chép cho nhanh như tôi thì chỉ có trượt vỏ chuối. Biết thóp nó nên đã có lần, trong một môn kiểm tra khi thầy giáo đang quay lưng viết đề bài thi, tôi trêu nó bằng cách cầm giấy bút đứng lên giả vờ chuyển sang bàn khác ngồi, thế là nó giãy nảy như phải bỏng kêu ầm ĩ như chỗ không người “Ôi mày giết tao à!” làm cả lớp phải buồn cười.

Thằng H. tuy học dốt, đa tài,  cái tính cũng rộng rãi vì mẹ nó có quầy bán hàng khô ở chợ Đồng xuân, bởi vậy hồi ấy tiền nó so với chúng tôi thì luôn luôn nhiều như quân Nguyên. Riêng với tôi  mang tiếng ít tuổi hơn thằng H. nhưng nó hay nhờ tôi cho chép bài nên luôn là xếp của nó và nó hay gọi thôi là thủ trưởng mỗi khi nhờ vả gì. Nố cũng biết gia đình tôi khi ấy thời bao cấp là gia đình cán bộ nghèo, nên mỗi khi qua ăn ngủ để học thi cùng thì nó hay xin mẹ nó khi thì cân đường, khi thì cân lạc, cân vừng… cho mẹ tôi, cũng có khi nó cho tôi cái quần, cái áo sơ mi khá mới, không biết có phải vì thế không mà cả nhà tôi ai cũng quý nó. Và cuối cùng là khi làm luận án và bảo vệ tốt nghiệp ra trường nó cũng thoát ở dạng vớt. Ngày ấy còn tử tế, chưa có kiểu thuê thi hay thuê làm luận án như bây giờ nên cái luận án tốt nghiệp khi ấy vẫn còn phản ảnh đúng năng lực của mỗi người, do vậy khi đi xin việc làm thì thằng H. khó hơn chúng tôi, vì không có lý lịch đẹp mà chỉ có tiền cũng hơi bị khó bởi xã hội khi ấy chưa quen thói đút lót hối lộ như bây giờ. Còn nhớ bọn tôi đã đi làm lĩnh lương gần hai năm nghĩa là sắp hết thời gian tập sự thì thằng H. nó mới chạy được việc ở một cơ quan trái ngành nghề học, còn nhớ hồi ấy tôi vẫn cứ động viên nó cứ yên tâm cố gắng học hỏi rồi công việc sẽ quen.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, bẵng đi khoảng ba năm sau, tôi gặp lại H. trên đường Hoàng Diệu vào lúc xẩm tối khi tôi đi chơi thể thao ở CLB QĐ ra, khi ấy thấy tôi nó phanh xe đạp lại chào hỏi và  khoe rằng đang đi học phụ đạo để chuẩn bị thi phó Tiến sĩ ngành mà tôi với nó cùng học. Tưởng nó nói đùa, nên tôi trêu vui bảo nó rằng “Nếu mày mà phó Tiến sĩ thì tao phải là bố Tiến sĩ ấy nhỉ?”, nghe tôi nói vậy nó chỉ cười nhe hai cái răng khểnh, khi ấy mới để ý dạo này thằng H. đeo cả kính trắng. Rồi cũng bẵng đi khoảng 1 năm nghe tin thằng H. thi tuyển trúng đi nghiên cứu sinh phó Tiến sĩ ở Đông Đức. Đáng nể hơn khi lại còn biết rằng vòng thi cuối cùng chỉ còn hai người để chọn một xuất, thì đối thủ của nó lại là anh B., từng tốt nghiệp Đại học Lomonosov ở Liên xô 6 năm về đang làm việc tại Vụ Khoa học – Kỹ thuật của Bộ và môn nó cho anh B. kia nốc ao lại là môn tiếng Nga, nghĩa là tiếng Nga của thằng H. hơn người học và sống ở Nga 6 năm một nửa (1/2) điểm (!?). Biết chuyện này ai khâm phục  thằng H. và ai cũng khen nó là người có chí, nhất là mọi người trong gia đình tôi.

Khoảng bốn năm sau, tôi gặp lại thằng H. bạn cũ từ nước Đức thống nhất trở về, trong cái không may của nước Đông Đức cũ thì nó lại gặp may. Chẳng là theo nó kể lại thì khi nước Đức thống nhất, khi ấy bên đó cũng lộn xộn nên mấy ông bà giáo người Đức cũng giúp cho nó hoàn thành khóa học, mặc dù khi ấy nó chưa hoàn thành hết nhưng nó vẫn được bảo vệ và được cấp bằng phó Tiến sĩ của Cộng hòa Dân chủ Đức. Ngày ấy cách đây hai chục năm thì phó Tiến sĩ ở tuổi trên dưới 30 như thằng H. còn ít và hiếm lắm, với cái bằng phó Tiến sĩ học ở Đức về khi ấy nước Đức đã thống nhất thành CHLB Đức thì nó lại càng oai và được trọng dụng. Sau khi về nước mấy tháng nó được tiếp nhận là chuyên viên ở Vụ K – Bộ T. phụ trách mảng đầu tư nước ngoài.

Nhưng đáng khâm phục nhất là sự ham học của anh H., thấy nó tiếp tục theo đuổi nghiệp học hành, mấy năm trước nghe nói nó đỗ Tiến sĩ Kinh tế trường Đại học KTQD  và gần đây mới được nhà nước phong Phó Giáo sư  bây giờ nắm chức vụ khá lắm ở Bộ, nơi mà mỗi chữ ký của nó cũng có giá một vài ngàn đô. Trong con mắt mọi người ở cơ quan hay xã hội thì thằng H. là một tấm gương điển hình về sự cầu tiến và thăng tiến. Tôi cũng tự hào về tấm gương hiếu học, lấy cần cù bù thông minh của H. cho đến trước bữa tiệc hội lớp Đại học cũ hôm nay.

Hội lớp bữa ấy rất vui và ăn uống cũng linh đình và thịnh soạn, có cả súp vây cá mập, rượu XO v.v… toàn thứ hảo hạng do H. đặt trước, hôm ấy ngoài trời lạnh lắm nên ai cũng uống hơi nhiều, tôi cũng thế vì có cảm giác hơi say. Phó GS-TS H. hôm ấy cũng rất bốc vì hình như nó rất vui, tôi để ý thấy nó chạm cố hết người này tới người khác, nó uống nhiều và nói cũng rất nhiều. Tới lúc tan tiệc nó kéo tôi ra chỗ riêng bảo tôi về xe cùng với nó vì lâu quá không gặp lại, tôi gật đầu nhận lời và theo nó về nhà riêng. H. bây giờ gần 50, béo tốt phương phi nhưng vẫn chưa có vợ, bây giờ đang sống một mình ở một biệt thự sang trọng ở Quận Thanh xuân cùng với bà chị họ ở quê lên, đảm trách công việc Oshin. Khi về tới nhà, H. mời tôi vào phòng khách và bảo chị Oshin pha nước mời tôi uống, đâu đấy cả hai thằng nói chuyện. Sau một hồi hỏi thăm những người trong gia đình và việc làm ăn của tôi, khi nhắc tới chuyện học hành và thăng tiến của H., tôi tỏ ý khâm phục sự hiếu học và phấn đấu của H. Khi ấy H. vẫn lại nhe răng cười, nụ cười hiền như xưa.

Nó bảo tôi “Tiến sĩ – Giáo sư đ’o gì tôi, ông quá biết sức học của tôi, tất cả là nhờ tài bà già tao hết. Ngày xưa thi tiếng Nga vấn đáp, đẻ thắng lão B. ở Vụ Khoa học – Kỹ thuật để đi Đức là do mất 15 vé cho ba ông giám khảo. Vấn đáp vấn điếc cái đ’o gì, khi ấy nói gì thì nói, chỉ nháy mắt thì cũng phải 5/5 điểm. Xưa còn thế được nữa là bây giờ, muốn bằng gì, học hàm học vị gì có dịch vụ trọn gói hết, đến vào đảng bây cũng thế cũng thế, miễn là ông có tiền. Ngày xưa tôi vì con nhà buôn bán nên mãi 6-7 năm mới lo được cái vụ vào đảng, giờ thì vô tư cứ mươi mười lăm “phiếu” là các anh gật như ngan, tù về còn vào đảng được cơ mà. Chắc hứng chí H. còn nói thêm ” Tôi đang chạy cái hàm Giáo sư cho trọn bộ, chỉ có cái học hàm Bố Giáo sư là đến giờ tôi chưa có, nhà nước có tiêu chuẩn này thì trước sau tôi cũng phải có”.

Nói xong thằng H. lại nhe răng cười rất tươi, nó đứng lên mở tủ lấy chai rượu XO 40 năm tem xanh ra rót hai ly cho hai đứa, khi ấy tôi cố nghĩ là nó say nói linh tinh vì không muốn tin điều nó nói đó là sự thật. Ly rượu nó mới đưa cho tôi uống khi ấy đắng chát trong miệng. Chuyện học hành giả dối, mua danh bán cấp như thế mà ông Phó Giáo sư – Tiến sĩ đang đảm trách những chức vụ quan trọng của nhà nước bạn tôi sao ông kể vô tư thế, coi như chuyện mua bán mớ rau con cá bình thường. Tôi bảo H. “Ông nói với tôi thì được, nhưng đừng dại khi nói với ai kẻo họ biết thế ông không xấu hổ à?”. H. bảo tôi “Ông lạc hậu bỏ mẹ, bây giờ cái gì chẳng giả dối, nó là tính tất yếu của thời đại khi mà lãnh đạo toàn ông học “giả”, thì mình không hòa vào trào lưu ấy thì chỉ có dại”

Tôi lặng người khi thấy câu nói ấy từ mồm thằng bạn cũ của tôi, một người có danh vị, chức vụ không nhỏ trong xã hội mà suy nghĩ rất bệnh hoạn nói ra. Tôi cảm thấy thấy thương và thông cảm với H. vì biết anh ta cũng chỉ là nạn nhân của cái xã hội này, tôi cố nén cho khỏi bật ra câu “Không biết nhục” vì sợ bạn mình phiền lòng ngày đầu năm mới.

H. ơi, khi nào ông có được đọc bài viết này của tôi thì đừng chửi tôi đã mang chuyện của ông ra nói cho mọi người biết cái thực trạng xã hội bây giờ! Có lẽ tôi viết ra chuyện này cũng vì bữa đó tôi say thôi, mong ông tha thứ khi tôi nói sự thật.

Xuân đỉnh, ngày đầu năm, 03/01/2010
.
.

No comments: