Chiến Lược truy tìm kỹ năng tiên tiến của TQ
Nguyễn Minh
Đăng ngày 13/01/2011 lúc 13:40:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5401
Chiến lược thu thập tin tức và kỹ năng cao cấp
Ngày 07/01/2011, hãng sản xuất xe hơi Renault của Pháp cho biết đã đình chỉ công tác ba chuyên viên cao cấp. Liền tức thì báo chí và giới truyền thông Pháp cho biết ba chuyên viên cao cấp nói trên bị tình nghi bán cho Trung Quốc những họa đồ kỹ thuật sáng chế các loại xe sạch chạy bằng điện.
Để tránh mọi khủng hoảng về ngoại giao, Nha Trung ương Tình báo Nội chính (DCRI-Direction Centrale du Renseignement Intérieur) của Pháp đã tỏ ra dè dặt và cho biết vụ việc này chỉ liên quan đến một tổ hợp quốc tế nước ngoài chuyên thu thập tin tức, kỹ thuật sáng chế và chiến lược phát triển kinh tế của các nước khác, nhưng không nêu đích danh nước nào. Theo báo chí Pháp, tổ hợp này là một cơ sở quốc doanh có trụ ở chính tại Trung Quốc, được tổ chức rất là tinh vi gồm nhiều công ty vệ tinh có mã số đăng ký và trương mục riêng tại khắp nơi trên thế giới. Tin hành lang cho biết, nhiều khoản tiền lớn đã được tổ hợp này chuyển vào trương mục bí mật của ba chuyên viên cao cấp hãng Renault tại Thụy Sĩ và Lichtenstein.
Từ một vài năm trở đây các hãng sản xuất xe hơi lớn trên thế giới đều tập trung sản xuất các loại xe hơi sạch, không gây ô nhiễm và tiết kiệm nhiên liệu, đặc biệt là loại xe hơi chạy bằng điện. Hiện nay loại xe này chỉ được trưng bày trong các hội chợ triển lãm xe hơi quốc tế chứ chưa được bán ra trên thị trường. Ai là người tiên phong trong lãnh vực này sẽ dẫn đầu thế giới và chiếm lĩnh một thị phần quan trọng. Trong kinh doanh, bước đi tiền khởi luôn quyết định cho sự thịnh suy.
Trong lãnh vực sản xuất xe hơi chạy bằng điện, Renault (Pháp) và Nissan (Nhật) đã bỏ ra hơn 5 tỷ USD để nghiên cứu. Hơn 400 bằng sáng chế đã được đăng ký cầu chứng độc quyền. Theo dự trù, Renault sẽ tung ra thị trường hai kiểu xe (Fluence và Kangoo) vào giữa năm 2011 và hai kiểu khác (Twizy và Zoe) vào giữa năm 2012. Với các kiểu xe này, Renault và Nissan hy vọng sẽ chiếm giữ một thị phần quan trọng và dẫn đầu thế giới về loại xe sạch chạy bằng điện. Tham vọng này đã không thoát khỏi sự chú ý của giới kỹ nghệ gia quốc tế, đặc biệt là giới sản xuất các loại xe hơi sạch.
Cũng nên biết, bí mật của các loại xe hơi chạy điện không phải ở cơ phận máy mà là từ bình điện. Thực ra bình điện trong các loại xe không có gì mới, xe nào cũng có bình điện. Nó có tác dụng giúp nổ máy, chiếu sáng, điều hòa không khí, sưởi ấm, v.v. Gần đây một số hãng sản xuất xe hơi khác đã tung ra thị trường một vài kiểu xe hybrid kết hợp nhiên liệu với điện, hay nhiên liệu với khí đốt. Khác với các loại xe cổ điển, bình chứa năng lượng của các loại xe hơi chạy bằng điện là bình điện. Sự hơn thua giữa các xe điện là thời gian tự túc của các bình điện. Thời gian tự túc càng lâu, khả năng chinh phục thị trường càng lớn. Hiện nay thời gian tự túc trung bình của các bình điện là hai giờ, quá ngắn để có thể chạy liên tục trên một đoạn đường dài như các loại xe chạy bằng nhiên liệu. Renault và Nissan đang tìm ra giải pháp cho bài toán khó khăn này: các bằng sáng chế bình điện tự túc lâu dài.
Vì là một quốc gia công nghiệp sinh sau nở muộn, Trung Quốc đang cố gắng bắt kịp sự chậm trễ của mình bằng mọi cách, từ liên doanh để nhận chuyển giao kỹ thuật đến mua bằng sáng chế. Cái bất lợi là các quốc gia phát triển phương Tây chỉ bán hoặc chuyển giao cho các công ty Trung Quốc kỹ năng sản xuất những mặt hàng đã lỗi thời hoặc thiếu tính sáng tạo và không mang lại hiệu quả kinh tế cao, mặc dù được bán với giá thật rẻ, đôi khi dưới cả giá thành. Ý thức sự yếu kém này, từ năm 2000 trở lại đây ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc áp dụng một sách lược mới: tung người ra nước ngoài học tập và tung gián điệp đi khắp nơi thu thập tin tức.
Sách lược mới này đã mang lại một vài hiệu quả tích cực: nhờ của một đội ngũ chuyên viên có trình độ kỹ thuật cao, chấp nhận làm việc với đồng lương thấp, các công ty Trung Quốc đã gần như độc quyền về các trang thiết bị sản xuất điện năng sạch: quạt gió, pin mặt trời. Các công ty kỹ thuật cao của Trung Quốc bắt đầu nhận đơn đặt hàng sản xuất các loại máy vi điện tử cao cấp: GPS, SmartPhone, Labtop...
Nếu doanh nhân Trung Quốc nắm được kỹ thuật sản xuất các loại bình điện tự túc lâu dài, lượng xe hơi sản xuất tại Trung Quốc không những sẽ chiếm lĩnh các thị trường quốc tế vì giá rẻ mà còn giải quyết được nạn ô nhiễm không khí tại chính quốc. Năm 2009, thị trường nội địa Trung Quốc đã có thêm 16 triệu chiếc. Chỉ riêng Bắc Kinh và Thượng Hải thôi, với 20 triệu dân đã có đến 4 triệu xe chạy bằng xăng dầu. Lượng khí thải CO2 từ khói xe cộng với các ống khói từ các lò điện chạy bằng than đá gây ô nhiễm cả bầu trời. Xe chạy bằng điện là một lối thoát cho dân chúng trong các đô thị lớn, đồng thời cũng giảm được ngoại tệ để nhập nhiên liệu mà Trung Quốc không có.
Tung gián điệp thu thập những bí mật về đối thủ của mình không có gì mới, nó đã xuất hiện từ khi xã hội loài người biết qui tụ thành nhóm. Hiện nay không quốc gia nào, không công ty nào không quan tâm đến những phát minh do đối thủ hay đồng minh của mình vừa mới phát minh. Pháp là một trong những quốc gia tung người đi khắp nơi dò tìm những cái mới để mang về nước. Cái khác biệt giữa các quốc gia văn minh và các quốc gia kém văn minh là phương pháp thu thập.
Các quốc gia văn minh gởi sinh viên di du học tại các đại học lớn, tham gia nhiều chương trình khoa học cao cấp, sau về về lại nước giảng dạy lại cho các sinh viên hay làm việc trong những công ty bản xứ. Với những kiến thúc vừa hấp thụ, những chuyên viên này khuyến khích người bản xứ phát huy sáng kiến và sáng chế ra những cái mới để bổ túc vào kho tàng văn hóa chung nhân loại, như đã từng xảy ra trong các lãnh vực y khoa và khoa học, điển hình là các giải Nobel.
Các quốc gia kém văn minh thì ngược lại, họ cũng gởi người ra ngoài để thu thập những cái mới để mang về nước, nhưng toàn là sao chép để sau đó sản xuất ra những hàng hóa y hệt để cạnh tranh bất chính với giá rẻ hơn. Đó là trường hợp của Nhật Bản thập niên 1960, Đài Loan, Nam Hàn và Singapore thập niên 1970, Hồng Kong thập niên 1980 và Trung Quốc thập niên 1990.
Cái khác biệt lớn giữa Trung Quốc và các quốc gia sao chép trước đó là khối lượng sản xuất. Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore và kể cả Hồng Kông đã sao chép và xuất khẩu sang các quốc gia phương Tây phát triển với lượng hàng vừa phải để không giết chết sinh hoạt kinh tế của quốc gia nhập khẩu hàng hóa của mình. Không những thế họ còn đầu tư vào các quốc gia phát triển để sản xuất hàng hóa và tạo ra công ăn việc làm mới. Trung Quốc thì ngược lại, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc được tung ồ ạt vào các quốc gia nhập khẩu không những giết chết sinh hoạt sản xuất địa phương mà còn thống lãnh luôn các thị trường bản địa. Hành động này chỉ làm gia tăng sự bất mãn của người bản xứ không những đối với hàng hóa mà cả đến người Trung Quốc.
Chiến lược phát triển các nguồn năng lượng phi than đá
Cái bất hạnh của Trung Quốc là không có tài nguyên hóa thạch (dầu khí), tất cả đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn tài nguyên khá dồi dào vừa rẻ vừa làm nhiều người chết khi khai thác là than đá. Sự độc hại của than đá là lượng CO2 thải ra, có tác dụng hâm nóng bầu khí quyển đồng thời làm giảm tuổi thọ của loài người.
Cho đến năm 2010 than đá vẫn còn chiếm 70% nguồn năng lượng cơ bản của Trung Quốc. Tình trạng này không thể tiếp tục. Cả một vùng trời rộng lớn quanh các đô thị lớn bị bao bọc bởi một bầu không khí xám xịt do khói từ các lò nhiệt điện than đá phun ra. Sự ô nhiễm không những làm thiệt hại nông nghiệp mà còn gây nhiều chứng bệnh ung thư cho con người. Tìm nguồn năng lượng sạch là một bắt buộc.
Nhưng ở Trung Quốc cái gì cũng phải vượt bực mới xứng đáng với tầm vóc của một quốc gia trung tâm của thiện hạ. Chỉ trong hơn 10 năm, 11 lò phát điện nguyên tử đã đi vào hoạt động và 24 lò khác đang được xây dựng. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có tất cả 100 lò phát điện nguyên tử. Về lượng số lò phát diện này không cao, nhưng sự mất cân đối là chúng chỉ tập trung vào các tỉnh ven duyên Nam Hoa hay các đô thị có mật độ dân số cao, như Bắc Kinh, Tây An, Trùng Khánh, Vũ Hán...
Mặc du nắm vững kỹ thuật sản xuất bom nguyên tử, Trung Quốc đang còn chậm trễ trong việc xây dựng các lò phát điện nguyên tử. Cái nguy hiểm của các lò phát điện nguyên tử này là chúng đã được xây dựng một cách cấp bách để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất. Tại một số nơi, do thiếu khảo sát sâu rộng, nhiều lò được xây dựng cạnh những khu vực có nguy cơ địa chấn cao như tại Tứ Xuyên, tỉnh có nhiều nguy cơ động đất lớn. Đó là chưa kể trình độ kỹ thuật của các chuyên viên bảo quản hay vận hành các lò điện nguyên tử. Nhiều sự cố tuy chưa bằng biến cố Tchernobyl đã được ghi nhận. Dư luận chỉ biết đến khi được một cơ quan thông tấn ngoài quốc doanh công bố trong khi Bắc Kinh hoàn toàn im lặng. Điểm đặc thù của các chế độ độc tài là ở chỗ đó.
Chẳng hạn như ngày 14/06/2010, giới truyền thông Hồng Kông cho biết một sự cố trọng đại đã xảy ra tại nhà máy phát điện nguyên tử Đại Á, thuộc thành phố Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ngay khi tin này vừa được loan báo, dân chúng Hồng Kông đã rất hoảng sợ vì vị trí của nhà máy này chỉ cách Hồng Kông có vài chục cây số. Cơ quan quản trị lò phát điện nguyên tử Đại Á này là Tập đoàn Điện nguyên tử Quảng Đông thừa nhận các thanh nhiên liệu nguyên tử có vết nứt nhỏ nhưng cho biết sự cố nhiễm phóng xạ đã hoàn toàn bị cách ly không gây ảnh hưởng ra ngoài.
Một sự cố khác xảy ra tại gần Thượng Hải ngày 23/05/2010 (lúc Hội Chợ Thượng Hải vừa mới khai mạc) nhưng phải đợi đến ba tuần sau Bắc Kinh mới xác nhận. Điều này làm cho dư luận trong và ngoài Trung Quốc lo lắng về khả năng bảo đảm an toàn và sự trung thực trong cách thông tin của chính quyền Trung Quốc. Cùng với việc định giấu nhẹm tai nạn nhà máy phát điện nguyên tử này và những chỉ trích về công trình xây dựng cẩu thả các lò phát điện nguyên tử đang lần lần được tiết lộ ra bên ngoài.
Bên cạnh việc xây dựng ồ ạt các lo điện nguyên tử là khả năng sản xuất các loại pin năng lượng mặt trời. Năm 2009, Trung Quốc của 7 công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời có năng lực sản xuất 4 KW điện, hơn tổng sản lượng của công ty năng lượng mặt trời thế giới của Mỹ First Solar 1,113 KW và hơn cả tổng cộng sản lượng của các công ty Nhật (1,5 KW) chừng 2,7 lần.
Thứ tự sản xuất năng lượng pin mặt trời của các công ty Trung Quốc năm 2009 như sau: Trina Solar – 1,550 KW; CS – 1,420 KW; Samtech – 1 KW; JA Solar – 800 kW; Yingi Solar – 600 kW; Sun Energy – 320 kW. Điều quan trọng là sự tăng trưởng dị thường của 6 công ty này ở chỗ năm 2009 chỉ sản xuất được 1,6 KW, 2 năm sau đã tăng lên gấp 2,5 lần (4 KW). Gần như tổng sản lượng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc được xuất khẩu sang các quốc gia khác. Thị trường nội địa chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Yếu tố chính của sự tăng trưởng của 7 công ty sản xuất pin mặt trời là chỉ chuyên tâm vào việc sản xuất pin mặt trời mà thôi. Trong khi đó các công ty sản xuất pin mặt trời khác của thế giới như Sharp (Nhật) có tỉ trọng sản xuất đồ điện gia dụng cao hơn, công ty Kyocera (Nhật) có tỉ trọng máy chụp hình và video cao hơn, công ty First Solar (Mỹ) từ 2010 cũng đặt nặng tỉ trọng cung cấp phụ tùng cho Toyota và GM cao hơn tỷ trọng sản xuất pin mặt trời.
Tuy pin mặt trời silicon liên kết sản xuất tại Trung Quốc có phẩm chất kém hơn của Nhật, nhưng với giá rẻ giới tiêu thụ phương Tây có khuynh hướng muốn dùng thử hàng cho biết, nếu hỏng hóc cũng không sao. Năm 2008, qui mô sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc đứng đầu thế giới, năm 2009 chiếm 37% sản lượng thế giới.
Thị trường chính của pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc được xuất khẩu qua Đức. Theo hiệp hội kỹ nghệ pin mặt trời Châu Âu (EPIA): năm 2009 Đức chiếm 53% thị trường pin năng lượng mặt trời của thế giới với 3,8 KW. Trước đó, cho đến 2008 Tây Ban Nha dẫn đầu thế giới với 1,26 KW, sang năm sau chỉ còn 69 kW.
Thị trường sử dụng pin năng lượng mặt trời của thế giới từ 411 KW năm 2009 lên 900 KW năm 2010. Nhật Bản và Trung Quốc có nhu cầu quốc nội ngang nhau trong năm 2010 là 700 KW. Công ty Kyocera nhận đặt hàng 2,040 KW cho công ty Solar Power (Thái Lan) trong năm 2010-2015.
Bên cạnh khả năng sản xuất năng lượng nguyên tử và pin mặt trời, Trung Quốc đang hướng tham vọng truy tìm các nguồn năng lượng khác ở ngoài lãnh thổ. Cơ hội đã đến khi Iceland (Băng Đảo, gần Bắc Cực) gặp khủng hoảng tài chánh. Ngày 09/09/2010, Trung Quốc đã ứng tiền cho Iceland để trả nợ cho Anh Quốc và Hòa Lan, qua đó đã cùng Iceland ký kết những hiệp ước mậu ịch tự do (FTA) hợp tác khai thác Bắc Cực. Cụ thể là việc hợp tác điều tra giữa hai nước về khả năng lưu thông hàng hải xuyên qua Bắc Cực để rút ngắn tuyến đường vận tải hàng hóa từ Trung Quốc đến Đại Tây Dương. Nhưng các nhà chuyên môn đều hiểu Trung Quốc nhìn xa hơn về việc cùng Iceland chung sức khai thác tài nguyên phong phú về dầu mỏ và khí đốt của vùng Bắc Cực.
Bắc Kinh cho rằng Biển Bắc Cực không phải chỉ của các nước xung quanh mà còn là tài sản chung của loài người. Được sự hợp tác toàn diện của Iceland, Trung Quốc đã có chỗ đứng quan trọng trong vùng Bắc Cực.
Từ năm 2004 đến tháng 08/2010, Trung Quốc đã thực hiện bốn cuộc điều tra vùng Bắc Cực. Cường độ điều tra của Trung Quốc tại Nam Cực còn nhanh hơn : từ 1980 đến nay Trung Quốc đã thực hiện 30 cuộc điều tra. Hiện nay Trung Quốc đã lập xong ba căn cứ ở Nam Cực và đang tiến hành kế hoạch xây dựng thêm căn cứ thứ 4. Từ mùa xuân năm 2010, Trung Quốc cũng bắt đầu việc đóng Tàu Xuyên Phá Băng dài 200 mét với trọng tải 10.000 tấn. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn có tham vọng khai phá các nguồn năng lượng xa hơn nữa trong vũ trụ. Mấy năm gần đây, Bắc Kinh đã dành một ngân sách rất lớn vào việc phóng liên tiếp các tàu không gian và vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ. Ban lãnh đạo đảng cộng sản dự trù sẽ đưa phi thuyền có người điều khiển lên mặt trăng để lập căn cứ vào thập niên 2020. Mục đích chính là sớm tìm được tài nguyên và năng lượng từ mặt trăng.
Dư luận thế giới đang rất thắc mắc về những tham vọng quá lớn của ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc. Họ thực sự muốn truy tìm các nguồn tài nguyên không hay muốn làm bá chủ thế giới? Người Việt Nam có câu: tham thì thâm, xin cẩn thận!
Nguyễn Minh
(Tokyo)
Thông Luận số 254, tháng 01/2011
© Thông Luận 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment