Thursday, January 6, 2011

CHẲNG LẼ TRỜI SẼ MỖI NGÀY MỘT TỐI ? (Bùi Quang Vơm)

Bùi Quang Vơm
Fri, 01/07/2011 - 02:24

Danh sách mà tờ báo Nhật, Asahi Shimbun, tiết lộ hồi giữa tháng 12/ 2010 thực chất là một tiết lộ cố tình từ Bộ chính trị, một mặt để thăm dò và đo lường dư luận, nhưng một mặt cũng nhằm dập tắt tranh chấp, ngầm ý việc ăn chia sắp đặt “đã được giải quyết”.

Tuy nhiên, diễn biến bên trong vẫn chưa kết thúc, vẫn có thể còn thay đổi, nhưng hình như được thua đã rõ.

Tin cho biết rằng Nguyễn Bá Thanh không “đủ phiếu” vào Bộ chính trị, nên không có ai thay Phạm Quang Nghị làm bí thư Hà Nội, để ông này lên nắm vị trí chủ tịch Quốc hội. “Đủ” hay không “đủ” tất nhiên không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nhưng cũng có tin nói rằng chính Phạm Quang Nghị từ chối không nhận. Vì Chủ tịch Quốc hội vốn chẳng có “cửa” gì, mà “quyền rơm vạ đá”. Muốn chứng tỏ uy quyền thì phải “chống lại Chính phủ”, nhưng chống lại Chính phủ thì Quốc hội chắc chắn bị “bỏ đói”, ống truyền huyết thanh sẽ lập tức bị cắt. Trên thực tế, ngay cả lương thưởng của Quốc hội cũng là do Chính phủ trả. Bí thư Hà nội, dù gần lửa, nhưng vẫn là “vua”. Ông lại là người vừa tái đắc cử với số phiếu vượt xa người kế cận. Cho nên, mặc dù có chỉ đạo “cân bằng Nam-Bắc”, ông vẫn “khiêm tốn” từ chối. Ông thừa biết, trong thời buổi “kinh tế thống trị, lý tưởng mất giá”, Quốc Hội, thậm chí Tổng Bí thư, nếu không “cao tay” và không có“độc chiêu”, thì cũng chỉ là “cơ cấu”.

Nông Đức Mạnh mang tiếng “Tổng” hai nhiệm kỳ, mà không định được số phận của “giả hoàng tử” Nông Quốc Tuấn. Thực quyền nằm trong tay Thủ tướng. Mạnh vì gao!

Người ta nghĩ ngay tới Hồ Đức Việt, trưởng ban Tổ chức Trung Ương, người có học hàm cao nhất và học hành tử tế nhất trong Bộ chính trị, lại là hậu duệ của vị tiền bối Hồ Tùng Mậu, người có vẻ xứng đáng kế vị chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Phú Trọng. Nhưng không. Hồ Đức Việt bị loại một cách thảm hại. Không có một chỗ trống nào cho ông ta cả. Và một nhân vật lúc đầu được coi là tiềm năng, nay phải chấp nhận về hưu “non”.
Chẳng hiểu bài học cay đắng bất ngờ này của ông ta là gì. Có người nói vụ “bổ túc Anh ngữ” tại Nhật vừa rồi , ông đã “hành xác thiếu kiềm chế” bằng ngân quỹ của đề án 165. Có người nói, ông đã thiếu khôn ngoan khi lạnh nhạt với phương án Nguyễn Chí Vịnh và Nông Quốc Tuấn. Có người lại cho rằng ông về là đúng, vì thứ nhất, ông không có hậu thuẫn “sân sau” từ hệ thống “đảng viên Giám đốc”, thứ hai, Vịnh, tức là Tổng cục Hai, đã thuộc về Nguyễn Tấn Dũng từ sau “thắng lợi ngoại giao” ASEAN. Làm tổ chức mà không có “công cụ” thì chỉ là “bàn cho vui”. Thay ông là Ngô Văn Dụ, Chánh văn phòng TW đương kim.

Ít ai ngờ rằng con người được đưa vào vị trí thứ ba này lại là Nguyễn Sinh Hùng, phó thủ tướng thường trực. Ông này là tác giả của hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước, nguyên bộ trưởng tài chính, khi Nguyễn Tấn Dũng còn là phó thủ tướng phụ trách Tài chính, tức là thủ trưởng trực tiếp. Ông lên phó thủ tướng khi những bê bối trong việc quản lý vốn ODA những năm 2005-2008 còn chưa được giải quyết. Ở vị trí phó thủ tướng, ông lại vẫn tiếp tục được Thủ tướng giao đặc trách các vấn đề tài chính. Người ta biết rất rõ rằng các vụ bê bối tham nhũng trong các tập đoàn, trong các dự án lớn của quốc gia chủ yếu có nguyên nhân từ quản lý vốn , cả ngân sách lẫn ODA. Luật “lại quả 2% giá trị giải ngân” là một thứ luật không thành văn nhưng là thứ “luật sắt” trong ngành Tài chính và Kế hoạch đầu tư do ông và Võ Hồng Phúc thiết lập. Chính vì vậy mà ông “phải đảm đương” trách nhiệm tái cơ cấu và tái phục hồi Vinashin, vì không ai biết rõ bệnh của nó bằng ông và khu vực kinh tế nhà nước là lãnh địa bất khả xâm phạm của Chính phủ. Người ta nói, trong chính phủ, ông là người hiểu và tâm phục Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cũng có người nói rằng, Nguyễn Sinh Hùng và Võ Hồng Phúc là “kiêu binh” trong đội ngũ chính phủ. Thủ tướng chỉ “ớn” hai “thằng cha này”.

Nhìn toàn cảnh cuộc chiến, có thể thấy rằng phe Chính phủ, tức là phe Nguyễn Tấn Dũng đã thắng. Nhiều người còn giật mình ngạc nhiên trước sự trùng khớp với những dự đoán trước đó.

Khi trả lời Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Tấn Dũng, dù “thâm trầm” cũng đã không kiềm chế được: “…còn khôn ngoan hay không thì tôi không biết nói thế nào”!!!. Ngay sau đó, người ta đã linh cảm sự kết liễu vai trò Đại biểu của Nguyễn Minh Thuyết, và sự ra đi của Nguyễn Phú Trọng (dù là đi lên). Phải đưa ngay người của Chính phủ vào Quốc hội.

Việc tiết lộ của báo Asahi Shimbun về việc Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ ghế Thủ tướng đã khai tử mọi cuộc tấn công bằng hỏa lực Vinashin và dập tắt sự hoang mang đã có lúc mấp mé nguy cơ “trở cờ” của “giới chủ doanh nghiệp đỏ”. Lực lượng “sân sau” này ngay lập tức “ra đòn”. Và không ai ngờ rằng đây mới thực là “lực lượng”. Chẳng trách, ở Mỹ người ta nói, chính giới tài phiệt gốc Do thái mới là Tổng thống.

Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang chỉ là một giải pháp tạm thời hay “quá độ”. Hai năm nữa, ngài Nguyễn “Lú” sẽ về hưu, và một cơ chế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, theo chủ trương “nhất thể hóa” sẽ đưa ngài Trương lên chức “cố vấn”. Nguyễn Tấn Dũng sẽ cai trị ngai vàng. Đế quốc của ông ta đã lờ mờ hiện hình.

Nguyễn Chí Vịnh, người được thiết kế Bộ trưởng Quốc phòng, bắt đầu bằng vai trò “đại diện Đối ngoại của Quân đội” từ sau khi Nguyễn Tấn Dũng ký phong Trung tướng, bất chấp ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ vào Trung Ương đợt này. Và con đường dẫn đến Bộ trưởng đã được thu dọn từ cái chết đột ngột của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, tổng tham mưu trưởng, người trước đó giữ vị trí đại diện đối ngoại Bộ quốc phòng.

Hai năm nữa, Phùng Quang Thanh sẽ thay Trương làm Chủ tịch, nếu chưa có “nhất thể” hóa. Và Nguyễn Chí Vịnh sẽ nắm quyền lực tuyệt đối của Quân đội nhân dân. Một năm nữa sẽ có chuyện bầu bổ sung Vịnh vào Bộ chính trị.

Trong khi chuẩn bị cho Nguyễn Chí Vịnh, vị trí thứ hai trong Bộ Chính trị, từ nay sẽ lại trả về cho Lê Hồng Anh, bộ trưởng Công an. Tất nhiên, vị trí thứ nhất từ nay là Nguyễn Tấn Dũng, dù không phải Tổng bí thư. Từ giờ trở đi, lý tưởng không còn giữ vai trò tột đỉnh nữa rồi. Quyền lực thuộc về người phân phát bổng lộc. Tức là phân phát cổ phần trong các công ty cả quốc doanh lẫn “giả”tư doanh.

Cùng với Nguyễn Sinh Hùng nắm Quốc hội, Nguyễn Chí Vịnh nắm Quốc phòng, Lê Hồng Anh nắm Công an, Lê Thanh Hải nắm Sài Gòn, Trần văn Truyền nắm Ban Kiểm tra Trung Ương, thì dù có nhất thể hóa hay không, thực chất, thiên hạ đã thu về một mối, gọn trong lòng tay của Nguyễn Tấn Dũng. Hai năm nữa, Hoàng Trung Hải với sự non yêu về trình độ và non nớt về kinh nghiệm, sẽ chỉ là thủ tướng thiên lôi.

Còn chuyện “vênh nhau”giữa Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng, chắc chắn sẽ được dàn xếp tức khắc. Chưa biết chừng Lê Đức Thúy, tác giả của vụ “tiền polymere” sẽ quay lại.

Nguyễn Chí Vịnh, “carporeigime” của giới kinh doanh Quân đội. Nguyễn Sinh Hùng, “carporeigime” của khối Kinh tế quốc doanh. Trên cùng là “ Bố già” Nguyễn Tấn Dũng, trực tiếp nắm toàn bộ hệ thống Ngân hàng cổ phần và Tập đoàn tư nhân.

Có vẻ như tất cả đã được tính toán cặn kẽ tới từng chi tiết từ ít nhất hai năm , sau suốt cả mười năm âm thầm nghiền ngẫm chờ thời. Quyền lực tuyệt đối sẽ đem lại sự thỏa mãn, nhưng cũng biến con người thành bạo chúa. Lịch sử xuất thân chắp vá sẽ trở thành nỗi hận.

Đám trí thức hợm hĩnh với học thức sẽ phải bị loại bỏ. Tất cả những kẻ nào dám “nghị luận” việc triều đình sẽ phải trị tội “khi quân”. Xưa nay, vị vua ít chữ nào cũng vậy. Tần Thủy Hoàng từng đốt sách và chôn sống nhà nho.

Quốc hội không phải chỗ để cho dân phê phán, chất vấn và yêu sách Chính phủ. Báo chí không phải chỗ để ai muốn nói gì thì nói. Không có đảng phái đối lập, không có báo chí tư nhân, không có đa nguyên chính trị. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Nhưng có thể cũng không có cả Chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, đám “Giám đốc Đỏ” đã có quá nhiều tài sản tư. Không thể quốc hữu hóa tư hữu được nữa. Giai đoạn “quá độ” là giai đoạn cần thiết để chuyển hẳn tài sản xã hội thành tài sản riêng của quan chức Chính phủ.

Công điện hỏa tốc số 2402/CĐ-TTg thủ tướng ký chiều thứ Năm 30/12 gửi tới các Bộ Công an, các tỉnh thành và tới các bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin Truyền thông, Công thương và Giáo dục đào tạo yêu cầu phải: “phát hiện, đấu tranh làm vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và phản động chống phá Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI“.

Các thế lực “thù địch” ở đây, ngoài “dân chủ” ra còn ngầm chỉ cả trong nội bộ Bộ chính trị, nội bộ Trung ương đảng, bất cứ ai, cũng phải bị nghiền nát.

Cùng với tờ báo “không đầu” Vnexpress, tờ Vietnamnet sau khi tập thể lãnh đạo “nghiêm túc kiểm điểm”, đã bầu chọn Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật năm 2010. Các bài đăng trên tờ báo này từ bấy giờ trở nên mờ mờ, nhạt nhạt, những phóng sự dở dang về “đất rừng biên giới” không ai bảo mà biến mất. Như vậy có thể thấy Vietnamnet đã bị “giải giáp” và tước đoạt vũ khí.

Một chiến dịch bịt miệng dân chủ thô bạo và tốn kém chưa từng thấy đang được tiến hành. Không một báo mạng nào, không một blog có tên nào không bị “trảm”. Bauxite.vn cũng bị dẹp gọn lại rồi.

Nếu nhớ lại, Nguyễn Tấn Dũng chính là kẻ giải tán Viện IDS, thì biết được rằng, sắp tới đây, mọi thứ gọi là trí tuệ sẽ không còn đất tồn tại.

Những tia sáng chập chững những ngày qua tưởng bình minh đang đến. Ai ngờ được rằng, trời đang mỗi ngày một tối.

Chẳng lẽ lại như vậy?!
.
.
.

No comments: