Saturday, January 22, 2011

CÂU CHUYỆN ĐÀN CHÓ SÓI (Đỗ Mai Lộc)

Đỗ Mai Lộc
Đăng ngày 21/01/2011 lúc 13:11:48 EST

Kỳ 1: Đại hội Đàn Chó Sói
Trước khi đi vào câu chuyện, bạn đọc chú ý từ viết tắt để tránh nhầm lẫn:
• CS – Chó Sói;
• ĐCS – Đàn Chó Sói;
• BCT – Bầy Chó To trong Đàn Chó Sói;
• CNCS – Chủ Nghĩa Chó Sói;
• ĐC – Đồng Chó;
• CT – Chó Tổ;
• HCT – Hồ Chó Tổ

Chuyện kể rằng:

– Trong khu rừng nọ, các loài thú cùng nhau sinh sống tuân theo quy luật của tự nhiên từ hàng ngàn năm qua. Thỉnh thoảng có những xung đột từ bên trong để lựa chọn đàn thú cầm đầu khu rừng hoặc các loài thú trong rừng đoàn kết với nhau để chống lại thú rừng từ phương Bắc xâm phạm.

Lần này cũng vậy, khu rừng bị loài thú phương Tây đến xâm phạm và cai trị, vì bản năng sinh tồn tất cả muôn thú cùng nhau đứng lên bảo vệ khu rừng của mình, cuối cùng cũng thành công tuy rằng mất mát, hy sinh cũng rất nhiều. Để bảo vệ thành quả đạt được và duy trì trật tự sau nhiều năm nô lệ, các loài thú cùng nhau bầu đại diện để cai quản khu rừng. Lần này, tham gia cai quản khu rừng thời gian đầu có những Chó Sói (CS), lúc đầu các loài thú khác không đồng ý CS cai quản, vì sợ bản năng sống bầy đàn tàn bạo, độc ác, nham hiểm. Để trấn an dư luận, lấy lòng các thú khác trong rừng, những CS đầu đàn đã tuyên bố chúng tham gia cùng các loại thú khác cai quản khu rừng với trách nhiệm của một loài thú yêu rừng, đồng thời cũng thông báo tự giải tán bầy đàn và từ bỏ bản năng ĐCS. Muôn thú trong rừng cùng nhau bàn bạc và thống nhất trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và bảo vệ sự độc lập, tự do cho khu rừng. Đã xây dựng nên “Nguyên tắc Sống chung” cho khu rừng, trong đó có những điều khoản như: Không có sự độc tài lãnh đạo của Đàn Chó Sói (hay bất cứ loại thú nào). Muôn thú được bình đẳng và hưởng đầy đủ quyền tự do mà tạo hóa ban tặng…

Cứ tưởng mùa xuân thanh bình sẽ trở lại cho khu rừng nhiệt đới giàu có với “rừng vàng, suối bạc, đất phì nhiêu”. Nhưng bất hạnh thay cho muôn loại, từ khi tham gia cai trị khu rừng, bản năng hung ác trổi dậy, lũ CS đã dùng nhiều thủ đoạn hèn hạ để dần dần tiêu diệt các loài thú khác, lúc công khai, lúc bí mật, lúc cả ĐCS cùng xâu xé từng con thú lớn, lúc hủy diệt từng nhóm thú nhỏ. Đến khi những con thú lớn cùng cai trị khu rừng bị tiêu diệt không còn đối trọng, Chó Sói lúc này mới công khai bộc lộ bản chất dã thú của chúng ra để cai trị khu rừng:

– Phủ nhận công lao của muôn loài đấu tranh giành độc lập cho khu rừng. Ngang nhiên hủy bỏ “Nguyên tắc Sống chung” mà muôn thú đã cam kết từ trước và tự xây dựng một phương thức cai trị khác theo kiểu CS;

– Bản chất CS trước đây đã bị buộc phải tự giải tán, bây giờ công khai và tuyên bố chỉ có ĐCS cai trị khu rừng. ĐCS dùng quyền lực tự nâng quyền hành hơn cả những loài thú khác để cai quản khu rừng;

– Bảo vệ uy quyền ĐCS đưa ra biểu tượng là “hàm răng - nắm đấm” bắt chéo với nhau để răn đe, sẵn sàng đập vỡ đầu, cắn đứt cổ kẻ nào không chấp nhận chính sách cai trị của chúng;
– Mục đích của CS là áp đặt toàn bộ muôn thú trong rừng phải theo Chủ Nghĩa Chó Sói (CNCS) do ĐCS cai trị. Chúng xưng hô với nhau là Đồng Chó (ĐC), để cùng nhau cai trị muôn loài, chia chác lợi ích tước đoạt được;

– Cũng như từng dòng tộc, người khai sinh ra gọi là “Thủy tổ”, ĐCS cũng dựng nên một Chó Tổ (CT) để thờ phụng. CT này vốn là một CS, đã đi khắp nơi tích tụ bản chất CS của nhiều vùng miền khác nhau, mức độ tàn ác, âm mưu nham hiểm, biến hóa còn hơn cả loài Hồ ly tinh. Tự đề cao cho mình tài trí hơn kẻ khác, nên CS này tự đặt cho mình cái tên Hồ Cao Mưu. Đàn Chó Sói suy tôn Hồ Cao Mưu là Chó Tổ và thường gọi một cách trang trọng là Hồ Chó Tổ (HCT). Cũng có CS đã gọi là Hồ Chó Mẹ (Má), để thể hiện công lao kẻ đã sinh ra ĐCS phương Nam;

– Đến khi bản chất, bản năng cai trị của CS bị muôn loài oán hận, không còn tin tưởng nữa, ĐCS tô vẽ, thần thánh hóa một HCT với hình ảnh vô cùng đạo đức, tài năng xuất chúng, để mị dân, tuyên truyền, tiếp tục răn đe, lừa bịp, buộc muôn thú phải học tập và bắt chước tấm gương đạo đức HCT nhằm dễ dàng thuần phục;

– Trong ĐCS những con to khỏe, hung hãn, thâm độc nhất lập thành một Bầy Chó To (BCT) mỗi CS trong BCT này kiểm soát một lĩnh vực cụ thể như: Tổ chức, tuyên truyền, đàn áp, bóc lột…

Để củng cố quyền lực, ĐCS đã xây dựng hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, kiểm soát tất cả mọi vị trí trong cộng đồng xã hội. Thần dân, muôn thú trong rừng phải làm việc nhiều hơn để nuôi bộ máy của ĐCS. Năm Cọp trôi qua năm Trâu sắp đến, một mùa Xuân nữa lại về, nhưng muôn thú lầm than, kiếm ăn khó khăn hơn. Đàn Chó Sói tổ chức Đại hội từ dưới lên trên để lập ra Bầy Chó To mới (BCT cũ vốn quá già nua). Muôn thú trong rừng không sót một ai, phải làm việc nhiều hơn nữa để cống nộp cho ĐCS tổ chức hàng chục ngàn đại hội linh đình, quy mô, hoành tráng.

Đêm nằm trời lạnh, bụng đói không ngủ được, Mẹ (Đất Nước) kể cho Con (Dân) nghe “Câu chuyện Đàn Chó Sói”, trong khi ngày ngày phải lo toan nhọc nhằn kiếm sống và cùng với muôn loài gượng gạo ca bài ca “Chào mừng Đại hội Đàn Chó Sói thành công tốt đẹp”.

Đỗ Mai Lộc
© Thông Luận 2011.
.
.
.

No comments: