Thursday, January 27, 2011

CÁI BÁNH DÂN CHỦ (Trần Huy Thuận)

Trần Huy Thuận
27/01/2011

Gần đây, hai từ DÂN CHỦ được khá nhiều vị lãnh đạo nước ta nhắc đến.

Đầu tiên có lẽ phải kể đến quan điểm khá cụ thể của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi ông đặt vấn đề về việc sửa đổi Hiến pháp: “Toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyếthay không?(trong bài trả lời phỏng vấn Tuanvietnamnet.vn ngày 24/6/2010:http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phap).
Tiếp đến, là phát biểu có tính chất hứa hẹn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang trong suốt 65 năm qua, không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (http://dantri.com.vn/c21/s20-448987/chu-tich-quoc-hoi-tham-dai-tuong-vo-nguyen-giap.htm). Và ngay sau khi đắc cử cương vị mới, ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh: “Đây là dân chủ thực chất chứ không phải là “trình diễn với nhau cho có dân chủ”” 1.

Vậy, thực chất DÂN CHỦ là gì và làm thế nào để DÂN được thực thi một cách có hiệu quả QUYỀN LÀM CHỦ của mình theo đúng nghĩa mà Hồ Chủ tịch đã nói cách nay già nửa thế kỷ: Mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân? (Mà chính cụ Hồ lúc cầm quyền cũng nào có thực hiện đâu!).

DÂN CHỦ là CỤ THỂ, là THỰC TẾ, là HÀNH ĐỘNG chứ tuyệt đối không phải là lời nói suông – là cái bánh vẽ! Nhưng CÁI BÁNH DÂN CHỦ cũng không phải là cái bánh dễ làm, càng không phải là cái bánh dễ ăn!

Muốn có DÂN CHỦ trước hết DÂN phải có TỰ DO. Tự do ở tất cả mọi mặt đời sống xã hội, như đi lại, cư trú, học hành, chăm sóc y tế; như thành lập hội đoàn, ngôn luận (Hồ Chí Minh nói: “Dân chủ là làm sao cho Dân mở miệng”, nhưng dưới thời Hồ Chí Minh lại có Nhân Văn-Giai Phẩm, có vụ án chống đảng), hội họp, biểu tình, tín ngưỡng,… Khuôn khổ duy nhất của tự do chỉ là QUYỀN LỢI DÂN TỘC, LỢI ÍCH VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA. Chỉ những gì vi phạm quyền lợi dân tộc, quyền lợi quốc gia mới gọi là LỢI DỤNG TỰ DO để chống lại nhân đân, chống lại Tổ quốc.

DÂN CHỦ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng dù trực hay gián thì cũng chỉ là hình thức. Và hình thức đó tùy thuộc bản chất cũng như mức độ quan trọng của từng vấn đề cụ thể. Không thể khẳng định HÌNH THỨC này dân chủ hơn HÌNH THỨC kia và ngược lại. Ví dụ: Trong bầu cử, thường dùng phương pháp “phổ thông đầu phiêu” – cử tri trực tiếp đi bầu. Lại có trường hợp cử tri bầu ra “đại cử tri”, đại cử tri thay mặt cử tri đi bầu các cơ quan quyền lực… Vấn đề cốt lõi là dân có thực sự được dùng lá phiếu của mình theo đúng nghĩa của nó không?

Dân muốn thật sự TỰ DO, thật sự DÂN CHỦ trước hết phải nâng cao DÂN TRÍ. Dân trí thấp, dân thiếu hiểu biết là trở ngại lớn nhất, trực tiếp nhất và nguy hại nhất đối với việc thực thi tự do và dân chủ (từ những năm đầu thế kỷ trước, dân ta đã được dạy rằng: “Khai dân trí, hậu dân sinh”)2. Nói “Mọi quyền lợi đều thuộc về Nhân dân” không đồng nghĩa với việc Dân trực tiếp làm tất cả. Làm mà thiếu hiểu biết, thậm chí không hiểu gì cả, thì còn tồi tệ và nguy hiểm hơn không làm! Lê-nin nói: “Ngu dốt công nhiệt tình cách mạng thành phá hoại”. Hồ Chí Minh cũng coi sự ngu dốt là một loại giặc, ngay những tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, người đã nêu cao khẩu hiệu “DIỆT GIẶC DỐT”. Nghĩa là việc NÂNG CAO DÂN TRÍ phải luôn đặt lên hàng đầu.

Chỉ xét một việc cụ thể như xây dựng LUẬT: Một đạo luật nào đó trước khi ban hành đã được bao nhiêu cái đầu học giả, tiến sĩ có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực nghiên cứu soạn thảo, rồi lại được Quốc hội thảo luận, góp ý sửa đổi từng lời văn, từng dấu chấm câu, ấy vậy mà khi luật đi vào cuộc sống, vẫn có những SƠ HỞ, vẫn bị lợi dụng… Cuộc sống muôn màu, không một ai có khả năng bao trùm tất cả, hiểu biết tất cả. Việc Dân lựa chọn hình thức dân chủ gián tiếp (tự lựa chọn người đại diện cho mình, thay mặt mình, được mình uỷ quyền NÓI lên tiếng nói, nguyện vong, tâm tư… của mình, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình) là hợp lý và nhất là trong môi trường dân trí chưa cao thì việc lựa chọn như thế lại càng quan thiết.

Như vậy, Dân thực hiện quyền dân chủ thông qua QUỐC HỘI – “NHỮNG NGƯỜI ĐẠI DIỆN” của mình – là bình thường, thậm chí cần thiết, trừ phi người đại diện đó có hành vi phản bội; trừ phi Quốc hội đối lập với Nhân dân! Vậy vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ: Dân có thực sự được tự do lựa chọn người đại diện của mình hay không, người đại diện đó có thực sự hành động vì Dân hay không, Quốc hội được hành động ĐỘC LẬP hay bị phụ thuộc?!

Dân còn thực sự LÀM CHỦ, khi CHÍNH QUYỀN là CÔNG CỤ của Dân. Nói rộng ra, tất cả các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đều THỰC SỰ của Dân, do Dân, vì Dân. Nghĩa là các cơ quan này chỉ được làm những gì có lợi cho Dân, cho Nước, tuyệt đối không vì lợi ích nào khác. Một khi Dân không đồng tình thì các cơ quan đó cần bình tĩnh xem xét lại toàn bộ chính sách cũng như việc làm của mình chứ không phải cả tiếng chụp cho Dân cái mũ “lợi dụng dân chủ”. “Chụp mũ” là một hành vi CỬA QUYỀN, LỢI DUNG CHỨC QUYỀN, LỘNG QUYỀN chống lại quyền và lợi ích chính đáng của Dân.

Chính quyền muốn thực sự là công cụ của Dân, phải công khai chương trình hành động trước Dân, để Dân – và người đại diện của Dân – có thể kiểm tra giám sát hoạt động của mình. Cán bộ chính quyền ở cấp cao đến mấy, cũng vẫn chỉ là người LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG CỦA DÂN, PHỤC VỤ DÂN. Tám chục năm Dân theo Đảng làm Cách mạng, không ngoài mục đích xoá bỏ chế độ ăn trên ngồi trốc, bóc lột, hà hiếp, đè nén, áp bức, nhũng nhiễu Dân. Không có lý gì lại cứ để tồn tại mãi tình trạng “hành dân là chính”.

Tóm lại, nếu hình tượng DÂN CHỦ là CÁI BÁNH của chung mọi người, thì phải hiểu rằng, cái “bánh” đó không phải là cái bánh dễ làm, càng không phải là cái bánh dễ ăn! Việc thực thi nó phải ở cả hai phía, Dân và Chính quyền của Dân. Phải bằng HÀNH ĐỘNG chứ không phải bằng LỜI NÓI SUÔNG! Dân chủ trên giấy tờ là DÂN CHỦ HÌNH THỨC. Dân chủ mà không có TỰ DO là DÂN CHỦ GIẢ HIỆU! Chỉ hô hào DÂN CHỦ mà không chú trọng việc NÂNG CAO DÂN TRÍ, là MỊ DÂN!

T. H. T.
________

2. Theo Phan Châu Trinh (18721926).
.
.
.

No comments: