Tuesday, January 25, 2011

CÁC NƯỚC VẪN MỀM MỎNG VỚI NHỮNG CHÍNH PHỦ VI PHẠM NHÂN QUYỀN

Đăng bởi anhbasam on 26/01/2011



Báo cáo quốc tế:
Các nước vẫn mềm mỏng với những chính phủ vi phạm nhân quyền
EU và các nước cần gây áp lực để mang lại sự thay đổi
Ngày 24-1-2011

(Brussels) – Quá nhiều chính phủ đang chấp nhận việc các chính quyền độc tài hợp lý hóa và lảng tránh hành động đàn áp của họ, và thay vì gây áp lực buộc các chính quyền đó phải tôn trọng nhân quyền thì lại thực hiện một cách tiếp cận dịu dàng hơn, gọi là thông qua “đối thoại” riêng và “hợp tác”. Hôm nay (24-1), tổ chức Human Right Watch đã tuyên bố như vậy trong bản Báo cáo Quốc tế 2011 của họ. Thay vì đứng dậy mạnh mẽ chống lại những nhà lãnh đạo đàn áp nhân quyền, thì rất nhiều chính phủ, trong đó có cả chính phủ thành viên các nước EU, lại áp dụng những chính sách vốn không tạo ra áp lực dẫn đến thay đổi.

Dày 649 trang, bản báo cáo hàng năm này của Human Right Watch về nhân quyền toàn cầu là báo cáo thứ 21, tóm tắt sơ lược các vấn đề nhân quyền lớn nhất ở hơn 90 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, phản ánh một khối lượng công việc điều tra khổng lồ mà các nhân viên của Human Right Watch đã thực hiện trong năm 2010.

“Việc ủng hộ, theo nghi thức, hoạt động “đối thoại” và “hợp tác” với các chính phủ vi phạm nhân quyền thường xuyên là lời biện minh cho việc người ta chẳng làm gì cả để thay đổi tình hình nhân quyền” – Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành của Human Rights Watch, nói. “Các cuộc “đối thoại xây dựng” của EU là một số trong những ví dụ chính xác nhất về cái khuynh hướng có tính chất toàn cầu này”.

Human Right Watch cho rằng, đối thoại và hợp tác rất quan trọng để tìm ra các vấn đề đáng lo ngại về nhân quyền, và đạt được sự hợp tác là mục tiêu mấu chốt của việc cổ súy cho quyền con người. Nhưng một khi đã thiếu vắng ý chí chính trị tôn trọng nhân quyền, các sức ép sẽ làm thay đổi bảng phân tích chi phí – lợi ích theo hướng đẩy một chính phủ đi tới quyết định đàn áp.

Theo Human Right Watch, khi các chính phủ dễ hoặc buộc phải lạm dụng quyền lực, lạm dụng viện trợ quân sự có điều kiện hoặc lạm dụng viện trợ tài chính để có thể chấm dứt bạo lực, hoặc khi các chính phủ đòi truy tố và trừng phạt những người chịu trách nhiệm, thì điều đó làm tăng chi phí cho chính họ.

Cũng theo Human Right Watch, một loạt các quốc gia từ bắc chí nam trên trái đất đều thường xuyên vi phạm nhân quyền, nhưng đặc biệt EU dường như rất hăm hở vận dụng ý thức hệ “đối thoại và hợp tác”. Thậm chí ngay cả khi EU ban hành một tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về tình hình nhân quyền, thông thường họ cũng không có một chiến lược tổng thể đi kèm nhằm thúc đẩy sự thay đổi.

Độ tín nhiệm của EU với tư cách một lực lượng bảo vệ quyền con người trên khắp thế giới còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của họ trong việc chỉ ra các trường hợp nhân quyền bị vi phạm bởi chính các nước thành viên. Với kỷ lục về phân biệt đối xử và bạo lực ngày càng tăng nhằm vào người nhập cư, người Hồi giáo, digan, và những tộc người khác, thiếu sự chăm sóc và bảo vệ thích hợp, và các biện pháp chống khủng bố lạm dụng quyền hành, các nước thành viên cùng các định chế ở EU cần phải thể hiện cam kết chính trị lớn hơn để đảm bảo rằng tình hình nhân quyền ngay tại EU là tương xứng với các tuyên bố khoa trương của EU ở bên ngoài.

Trong các ví dụ gần đây về việc EU đã không gây áp lực thích hợp, có trường hợp EU đã tiếp cận một cách rất nhún nhường với Uzbekistan và Turkmenistan; phản ứng yếu ớt của phương Tây đối với một số nhà toàn trị châu Phi được che chở như Paul Kagame ở Rwanda và Meles Zenawi ở Ethiopia; và sự hèn nhát gần như trên toàn thế giới trong việc đối đầu với những cuộc đàn áp sâu rộng của Trung Quốc nhằm vào các quyền tự do căn bản. Hành động ủng hộ hiệu quả nhất đối với nhân quyền ở Trung Quốc năm 2010 lại xuất phát từ Ủy ban trao giải Nobel của Nauy khi họ trao giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc là Lưu Hiểu Ba, đang bị tù đày.
Human Right Watch cho rằng quốc tế chưa chấm dứt hẳn việc gây áp lực. Nhưng họ chỉ sử dụng nó chủ yếu nhằm vào các chính phủ mà hành vi cư xử đã quá tàn bạo đến mức làm lu mờ hết mọi lợi ích đang bị đe dọa khác, như Bắc Triều Tiên, Iran hay Zimbabwe.

Theo Human Right Watch, việc sử dụng đối thoại và hợp tác, thay vì gây áp lực, đã nổi lên cùng với sự trả đũa trong nội bộ LHQ, của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhằm vào rất nhiều nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền (Human Right Council). Thêm vào đó, các nền dân chủ đi đầu ở nửa nam bán cầu, như Nam Phi, Ấn Độ, và Brazil đều chỉ xúc tiến những cuộc tuần hành lặng lẽ, đó là một phản ứng ưa dùng của họ trước các cuộc đàn áp. Các ví dụ gần đây là Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với phản ứng thờ ơ trước tình hình vi phạm nhân quyền ở Myanmar, và thái độ tôn kính của LHQ đối với những kẻ tội phạm chiến tranh ở Sri Lanka, rồi chính sách mềm dẻo của Ấn Độ với Myanmar và Sri Lanka.

Bước sang năm thứ hai trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama có tập trung hơn vào vấn đề nhân quyền, nhưng các phát biểu hùng biện của ông không phải luôn luôn kéo theo hành động cụ thể. Ông cũng chưa khẳng định rằng các cơ quan khác nhau của chính phủ Mỹ đã truyền đạt một cách thống nhất những thông điệp mạnh mẽ về nhân quyền, mà hậu quả của việc này là Bộ Quốc phòng Mỹ và các đại sứ quán khác nhau của Mỹ – ở Ai Cập, Indonesia, Bahrain chẳng hạn – thường xuyên đưa ra các thông điệp bất đồng.

Human Right Watch cho rằng, đối thoại dưới bất kỳ hình thức nào, dù công khai hay nội bộ, đều sẽ có ảnh hưởng lớn hơn khi được gắn chặt với những tiêu chuẩn cụ thể. Tiêu chuẩn sẽ tạo ra định hướng rõ ràng cho đối thoại và buộc các bên tham gia phải chịu trách nhiệm thực hiện những kết quả cụ thể. Nếu không có tiêu chuẩn nào thì các chính phủ vi phạm nhân quyền sẽ điều khiển quá trình đối thoại, họ sẽ coi việc họ bắt đầu hoặc bắt đầu lại là dấu hiệu cho thấy “tình hình có tiến bộ”. Chẳng hạn, một báo cáo của EU vào năm 2008 về chiến lược của EU về Trung Á kết luận rằng công cuộc thực hiện được triển khai tốt, nhưng không đưa ra được cái gì để đo xem “tình hình có tiến bộ” tới mức nào, ngoài câu “có đối thoại chính trị tăng cường”.

“Đây đang là thời kỳ đặc biệt tồi tệ đối với các yếu tố của nhân quyền, khi người ta mất đi tiếng nói công khai”, Kenneth Roth nói. “Các chính phủ vi phạm nhân quyền cùng đồng minh của họ, trong nỗ lực ngăn chặn phong trào mạnh mẽ ủng hộ nhân quyền, hoàn toàn không cảm thấy mối bận tâm về việc nâng cao quyền con người”.
Lấy ví dụ như Sri Lanka. Họ gây áp lực lớn đòi LHQ phải xóa bỏ một đội ngũ cố vấn LHQ về trách nhiệm giải trình những tội ác chiến tranh của các bên trong cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Sri Lanka và lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil. Trung Quốc đẩy mạnh một nỗ lực lobby lớn để làm các chính phủ khác thoái chí, không muốn tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba. Và Trung Quốc làm điều tương tự khi ngăn chặn một ủy ban được LHQ ủy nhiệm tới điều tra về tội ác chiến tranh ở Myanmar, ủy ban này được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và vài nước thành viên EU.

Hội đồng Nhân quyền LHQ đã tỏ ra đặc biệt yếu hèn, với việc nhiều nước từ chối bỏ phiếu thông qua nghị quyết nhằm vào một quốc gia cụ thể nào đó. Trong một ví dụ điển hình, thay vì lên án Sri Lanka đã hành hạ dã man thường dân trong những tháng cuối của cuộc chiến với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil, Hội đồng này lại chúc mừng Sri Lanka.

Mặc dù quan hệ đối tác và các hiệp định hợp tác của EU với những quốc gia khác, theo thông lệ, đều đi kèm với điều kiện phải tôn trọng nhân quyền căn bản, nhưng liên minh đã ký một hiệp định thương mại đáng chú ý và theo đuổi quan hệ đối tác đầy đủ với chính quyền Turkmenistan, một chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền con người, mà không đặt điều kiện nào về cải thiện nhân quyền, cũng như không đòi hỏi Turmenistan phải tham gia những nỗ lực nghiêm túc hứa hẹn rằng họ sẽ cải thiện tình hình. Và EU mở các phiên đối thoại với Serbia bất chấp việc Serbia đã không bắt giữ và đưa ra xét xử Ratko Mladic, người Serb gốc Bosnia, nhà lãnh đạo quân sự thời chiến tranh và là kẻ tình nghi phạm tội ác chiến tranh, đã bị quốc tế truy tố. Mà đấy lại là tiêu chuẩn chính yếu để các bên có thể ngồi vào bàn thảo luận. EU cũng đã dỡ bỏ cấm vận nhằm vào Uzbekistan mặc dù các lực lượng an ninh ở đây đã thảm sát hàng trăm người tại thành phố Andijan vào năm 2005, và chính phủ nước này thì không có hành động nào đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn nào EU đặt ra để dỡ bở cấm vận.

Cũng với biểu hiện như thế, chính quyền Obama trong năm đầu tiên đã phớt lờ các điều kiện về nhân quyền khi tiến hành viện trợ quân sự cho Mexico theo sáng kiến Mérida, mặc dù Mexico không thực hiện truy tố tại tòa dân sự các quan chức quân đội vi phạm nhân quyền, như được yêu cầu. Chỉ tới khi bước sang năm thứ hai, chính quyền Obama mới rút lại một số khoản viện trợ.

“Đối thoại và hợp tác có chỗ đứng của nó, nhưng phải có gánh nặng đè lên các chính phủ vi phạm nhân quyền để buộc họ thể hiện ý nguyện chân thành là muốn cải thiện tình hình”, Roth nói. “Khi các chính phủ đó thiếu một ý chí chính trị đi đến thay đổi, những chính phủ có thiện chí sẽ cần phải gây áp lực để chấm dứt tình trạng đàn áp”.

Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

.
.
.

No comments: