Friday, January 14, 2011

ĐÂU LÀ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA CÁC ĐẢNG VIÊN LÃO THÀNH ? (RFA)

Việt Hùng, thông tín viên RFA
2011-01-13

Đâu là những ý kiến đóng góp, nhận định về đại hội đảng CSVN lần XI từ các vị đảng viên lão thành.
Đại hội lần thứ XI đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang diễn ra tại Hà Nội. Đâu là những ý kiến đóng góp, nhận định về đại hội từ các vị đảng viên lão thành từng nắm giữ những trọng trách trong guồng máy điều hành của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Việt Hùng của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do có bài ghi nhận.


Đổi mới ít

Đưa ra lời bình luận đánh giá chung về đại hội lần thứ XI của đảng Cộng sản Việt Nam,Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi nhiệm kỳ (1983 – 1995), từng là Uỷ viên thường vụ đảng uỷ khối cơ quan kinh tế Trung ương, từng là đại biểu đại hội đảng lần thứ VI & thứ VII, nay là Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam  đưa ra cái nhìn đánh giá chung về đại hội XI đảng Cộng sản Việt Nam.

TS Trần Nhơn: “Để đánh giá chung lúc này thì cũng khó, nhưng nói chung với sự trải nghiệm của tôi thì tôi thấy tinh thần đổi mới thì ít, nhưng tôi vẫn hy vọng các đại biểu, trí tuệ họ có đó, nhưng họ thể hiện ở mức nào thành ra tôi có một câu viết trong bài của tôi bảo là:
Con đường đi tới tương lai
Thời cơ có một không hai lúc này
Đại hội mười một (XI) giả cầy
Hay là đại hội dựng xây nước nhà..”

Việt Hùng: Trả lời câu hỏi, có ý kiến cho rằng đại hội XI vẫn tiếp tục đi vào con đường sai lầm, trong khi có ý kiến khác lại cho rằng đại hội XI là bước thụt lùi.
Ts Trần Nhơn: “Thì đúng rồi nhiều ý kiến lắm, nhiều người từng là Phó Thủ tướng cũng nói như vậy, bởi vì những điều đã đưa vào văn kiện đại hội IX, đại hội X thì đến đại hội XI lại bỏ ra. Đạt được rồi thì lại không phát triển lên. Chỗ các anh Trần Phương, Việt Phương, rồi các nhà khoa học và những nhà quản lý hàng đầu đã nói trong Hội nghị mới đây do anh Trần Phương chủ trì.”

Việt Hùng: Trên đây là với ý kiến của ông Trần Nhơn, người theo đảng tính đến nay đã gần 50 năm. Với một ý kiến khác là ông Lê Hồng Hà, từng là Chánh văn phòng Bộ Công an, người cũng mấy chục năm theo đảng để rồi bị khai trừ chỉ vì những ý kiến khác với đảng. Nhìn về đại hội XI, ông phát biểu:
Ông Lê Hồng Hà: “Tôi rất buồn và thất vọng về cách đặt vấn đề của đại hội XI nhất là tình hình thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề Hoàng Sa, đối với vấn đề Biển đông và an toàn lãnh thổ của Việt Nam. Đáng lẽ ra đây là một cơ hội để đại hội ra tuyên bố về thái độ đối với Trung Quốc, thái độ đối với quốc tế. Đáng lẽ ra phải làm việc đấy. Nguy cơ bị Trung Quốc lấn rất lớn đối với dân tộc. Tôi mong đại hội này có một tuyên bố rõ ràng về vấn đề này để giải quyết thái độ bạc nhược, khuất phục của cơ quan lãnh đạo vừa rồi, nhưng tiếc thay là họ lại lờ vấn đề này đi.” Tại phiên khai mạc, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tuyên bố“Đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, mở rộng dân chủ”trong khi trước ngày khai mạc, ông Đinh Thế Huynh, uỷ viên trung ương đảng dõng dạc tuyên bố “Việt nam không có nhu cầu  đa nguyên – đa đảng. Việt Nam không cần đa nguyên – đa đảng”.

Việt Hùng: Nhận định về vấn đề này, ông Lê Hồng Hà cho rằng lời tuyên bố đó chính là quan điểm của giới lãnh đạo hiện nay không chấp nhận đa nguyên – đa đảng, bởi vì chế độ đảng trị độc quyền hiện nay đang dễ dàng cai trị đất nước. Trong khi Tiến sĩ Trần Nhơn, tác giả của những góp ý gửi đại hội thì lại đưa ra cái nhìn khác:
Ts Trần Nhơn: “Tôi không nghĩ quan điểm của Bộ chính trị hiện nay lại như thế, từng người trong Bộ chính trị nghĩ khác…mà họ không dám nói. Còn ông Đinh Thế Huynh nói điều đó làm cho rất nhiều người chê cười. Người ta bảo, người ta hỏi ông Tô Huy Rứa chứ đâu có hỏi ông đâu mà ông xông vào?
Ở cái chỗ của ông Huynh đáng lẽ nói thì cũng phải biết điều một chút. Nói thì cũng vừa phải thôi. Ông ấy thay mặt cho ai mà không chấp nhận.  Thay mặt cho nhân dân à? Ông ấy thay mặt cho ai???
Đa đảng là làm cho đảng cộng sản Việt Nam mạnh lên, chứ tôi không quan niệm như một số người đòi đa đảng là để “diệt” đảng Cộng sản Việt Nam.”


“Diễn biến hòa bình”

Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự trong thời gian đại hội diễn ra. Trước đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cho Bộ Công an phải kiểm soát chặt để bảo đảm an ninh cho đại hội. Điều này có thể hiểu như thế nào trong khi “diễn tiến hoà bình” luôn được các nhà lãnh đạo cho là từ bên ngoài, trong khi những ý kiến chống đối, phản bác các văn kiện đại hội, thậm chí cả vấn đề nhân sự lại phát xuất đi chính từ nội tình đảng qua những ý kiến đóng góp từ các vị lão thành, từng nắm nhiều vị trí quan trọng trong đảng. Bằng kinh nghiệm thực tế, theo dõi và quan sát trong nhiều đại hội, ông Lê Hồng Hà nhận định:

Ông Lê Hồng Hà: “Trước đại hội bao giờ họ cũng chỉ thị cho công an phải bảo vệ tuyệt đối. Tất cả các đại hội trước bảo vệ là đề phòng phá hoại và phải đảm bảo trật tự an ninh…
Nhưng đại hội này đây người ta sợ “diễn biến hòa bình”, tức là người ta sợ trong vấn đề lý luận. Kỳ đại hội này, người ta tham gia phê phán cương lĩnh dự thảo một cách ghê gớm. Những ý kiến phê phán ghê gớm ấy tập trung vào những ông Nguyễn Trung, Bùi Đức Lại, Nguyễn Văn An và nhóm của ông Trần Phương chủ trì. So với những đại hội trước chưa từng có đại hội nào mà văn kiện lại bị phê phán một cách dữ dội như thế. Tham gia ý kiến thì họ coi là “diễn biến hòa bình” và là lực lượng thù nghịch. Nhưng tất cả những người hiện nay phản đối chủ nghĩa xã hội, phản đối chủ nghĩa Mác-Lênin lại chính là những cán bộ lão thành. Họ là một số cán bộ ngày xưa từng là thủ trưởng của những người bây giờ cho nên họ lúng túng trong vấn đề chống “diễn biến hòa bình”. Nói là chống “diễn biến hòa bình” thì phải nói rõ ràng, chứ hiện nay những người  như nhóm 22 người của ông Trần Phương hay ông Nguyễn Văn An (nguyên Chủ tịch Quốc hội) mà nói là “diễn biến hòa bình” thì khó để mà giải thích cho xã hội.”

Việt Hùng: Cũng là những ý kiến. Từ đóng góp đến phản bác của các vị lão thành hay từ một số nhân hào chí sĩ góp ý cho đảng. Nhưng mỉa mai thay, những ý kiến đó luôn “được” coi là có ý đồ chính trị đứng đằng sau, thậm chí còn gặp khó dễ với chính quyền.
Trước khi đại hội diễn ra, một số thư kiến nghị ký tập thể của các ông Đỗ Mười – Lê Khả Phiêu – Phan Văn Khải và một nhân vật cao cấp khác gửi tới các uỷ viên trung ương đảng nói về vấn đề nhân sự hay những nội dung khác yêu cầu ông Nông Đức Mạnh phải xử lý trường hợp ông Nguyễn Văn An trước những góp ý xây dựng đảng.
Phải chăng việc ký tên tập thể này có thể gọi là những ý kiến mang động cơ chính trị hay “diễn tiến hòa bình” như những gì mà dư luận đã từng thấy hay không, Tiến sĩ Trần Nhơn nhận định:
Ts Trần Nhơn: “Tôi không bình luận chuyện đó mà tôi chỉ bình luận cái ý của anh Nguyễn Văn An thôi. Tôi thấy anh Nguyễn Văn An là con người rất trung thực và thẳng thắn. Những điều nói ra, anh An cân nhắc lắm đấy. Suy nghĩ có chiều sâu lắm…và tôi cho đó là một cách đánh giá rất tốt.
Tôi mừng, mừng vì sao? Mừng vì trong số cựu uỷ viên Bộ chính trị có ý kiến khác nhau. Có tranh luận với nhau thì mới ra chân lý. Trước đây có một quy định sai của Bộ chính trị cách đây mấy khóa. Do là Ban kiểm tra trung ương đề xuất ra. Để mấy lần đại hội rồi mà vẫn không đưa vào điều lệ. Cứ đưa ra là không được ký tên tập thể. Tại sao không được ký tên tập thể? Cho nên, không những ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu, ông Phan Văn Khải hay 7 vị ký tên. Trước đây đã có 38 vị tướng, tá và các vị lão thành đã tố cáo (Nguyễn Chí Vịnh trước việc Bộ quốc phòng kỷ luật tước quân hàm sĩ quan trung tá Vũ Minh Trí, Đảng ủy Tổng cục II khai trừ Đảng tịch Vũ Minh Trí về tội tố cáo Tổng cục II và cá nhân Nguyễn Chí Vịnh). Và những người ký tên đã coi quy định cấm ký tên tập thể là không hợp lý. Người ta muốn lần này có gì thì cứ đưa vào điều lệ, chứ đừng quy định và bảo ký tên tập thể là không được. Tại sao chúng tôi ký đơn tập thể để cùng nhau thể hiện ý kiến thì tại sao lại bảo là sai? Cái đó là sợ à? Tại sao lại sợ nếu đó là chân lý?”

Việt Hùng: Ý chúng tôi muốn đặt ra ở đây, ngay chính những vị ký tên tập thể từng thông qua việc đó để ngăn chặn việc ký tên tập thể, nhưng bây giờ những vị này lại cùng ký tên tập thể để gởi góp ý cho đại hội, phải chăng là các ông ấy đang dẫm lên những cái mà các ông đã thông qua?
Tiến sĩ Trần Nhơn: “Đấy chính là các ông ấy đã dám vượt qua chính mình. Đấy chính là các ông ấy đã nhìn thẳng vào sự thật. Đấy chính là các ông ấy đã cầu thị để nhận thức cái nào là đúng thì cái đó tôi lại mừng.Cũng như mấy chục vị tướng họ biết nhưng họ vẫn ký gởi lên, khi ông Trương Tấn Sang hỏi ông Nguyễn Trọng Vĩnh tại sao bác lại ký tập thể thì ông Vĩnh trả lời, ông Võ Nguyên Giáp, công thần của chế độ gởi thơ mà các anh không quan tâm, tôi mà ký cá nhân thì ai quan tâm nên tôi phải ký tập thể.”

Việt Hùng: “Đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, mở rộng dân chủ” với 12 chữ vàng mà ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói nhiều trong phiên khai mạc đại hội, phải chăng là tấm biển chỉ đường trí tuệ mà đảng đang đi tới? Tiến sĩ Trần Nhơn thẳng thắn trình bày.
Ts Trần Nhơn: “Tôi xin phép để mà nói với anh, tôi nghe cái đó chán lắm rồi. Tôi nghĩ câu đó vô nghĩa. Nếu không có những giải pháp cụ thể.
Các ông cứ nói là What to do? Nhưng đâu phải là How to do? Ai chả biết là làm cái gì? Nhưng mà How to do? Làm thế nào? Hô khẩu hiệu thì ai chả hô được. Anh có giải pháp gì? Giải pháp thì không có. Cho nên tôi đã có câu là:
Vẫn còn đảng trị kim cô
Đổi mới cải cách chỉ là trò mị dân…
Cứ còn đảng trị kim cô này, ăn trên ngồi chốc, đè đầu cưỡi cổ nhân dân đi ngược lại với “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Mà theo “tư tưởng Hồ Chí Minh” thì đảng phải là đầy tớ của nhân dân.”

Việt Hùng: Ông có cho rằng ông quá gay gắt…trong khi ông đang là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam?
Tiến sĩ Trần Nhơn: “Tôi không có gì gay gắt hết, nhiều đảng viên hiện đang rất bức xúc lắm, tôi có thể nói với anh là như thế. Tôi chẳng qua chỉ là phát ngôn thay cho nhiều đảng viên đảng cộng sản. Tôi chỉ cố gắng thể hiệný kiến của những người đảng viên “tử tế” mà thôi. Tôi không bôi nhọ đảng, tôi không nói xấu đảng mà tôi chỉ vạch ra cái tồn tại yếu kém của những người đảng viên mà nhân danh đảng, nhân danh thế này thế nọ…”

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: