Nguyễn Hữu Quý
18/01/2011
Theo dõi báo chí đang trong những ngày diễn ra ĐH XI, có nhiều điều để ta ngẫm nghĩ mà cười ra nước mắt.
Sau bao nhiêu năm xây dựng CNXH, với bao nhiêu thất bại cay đắng và những bài học đã được rút ra, thì đến hôm nay, mặc dù Đại hội chỉ là một khoảng thời gian ngắn (8 ngày), nhưng vẫn còn “Tranh luận sôi nổi về ‘công hữu tư liệu sản xuât’” [1].
Phải chăng những bài học về “Hợp tác hóa nông nghiệp” một thời ở miền Bắc, tiến hành “Cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh” sau ngày thống nhất, không có lẽ gần 200 ngàn đơn khiếu kiện về đất đai [2] trong năm 2010 trên phạm vi cả nước… không đủ để những người cộng sản Việt Nam rút ra bài học về “Sở hữu và các hình thức sở hữu” để áp dụng theo quy luật khách quan… hay sao?
Không có lẽ các hình thức sở hữu của các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… và phần còn lại của thế giới là sai lầm hay sao? Nếu họ sai lầm thì các nước này có trở thành những cường quốc được không…?
Trong bài viết trên đây, đăng trên báo phapluattp.vn, ngày 15/01/2011, tôi rất ngạc nhiên với phát biểu của vị Đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, được mô tả trong đoạn viết như sau:
Công hữu là đặc trưng của CNXH
Đại biểu Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, dùng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định Cương lĩnh 2011 phải giữ nguyên ý của Cương lĩnh 1991. Như thế, đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Dự thảo Cương lĩnh 2011 gửi tới đại hội theo hướng này.
Ông Nghĩa nói: “Công hữu tư liệu sản xuất là đặc trưng của CNXH. Có người lo ngại không thu hút được đầu tư nhưng thực tế từ Cương lĩnh 1991 đến nay đã hơn 20 năm, bằng chính sách pháp luật hợp lý, chúng ta vẫn thu hút được đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Có ai bỏ đi đâu!”.
Còn thể hiện lại như văn kiện Đại hội X, thay “công hữu…” bằng “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp” (như quan điểm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc) thì theo ông Nghĩa là “rất trừu tượng”, là “như không nói gì”.
Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng cũng lưu ý: “Công hữu là vấn đề lớn, cần tiếp tục nghiên cứu. Công hữu thế nào để gắn kết được lợi ích người lao động với lợi ích chung, tạo động lực cho họ thì về lý luận và thực tiễn còn cần nghiên cứu. Còn công hữu để cha chung không ai khóc thì thất bại!”.
Ông hy vọng có thể tìm ra những hình thức mới của công hữu, nằm ngoài hai loại sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, hiệu quả hơn, XHCN hơn.
Với ông Lê Hữu Nghĩa, có phải sợ người đời chê cười hay không mà ông đã phải “rào đón” bằng “… Cương lĩnh 2011 phải giữ nguyên ý của Cương lĩnh 1991”, mà theo người viết bài này hiểu ra là, vì Đảng đã giới hạn trong phạm vi như thế, cho nên ông phải nói như thế?
Vậy là, sau 65 năm, kể từ ngày thành lập NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA, từ năm 1945 đến nay, với ngọn cờ “Độc lập dân tộc và CNXH”, thời gian bằng một đời người, mà ĐCSVN không rút ra được bài học hay sao? Để đến hôm nay, một vị đứng đầu Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, còn phải nói lên rằng, “Công hữu là vấn đề lớn, cần tiếp tục nghiên cứu…”; rồi… “hy vọng có thể tìm ra”… (?!).
Như vậy là, người Việt Nam đang nô lệ với chính sự nhận thức giáo điều của mình thật rồi!
Vì cố bám vào cái đuôi “CNXH”, không dũng cảm để thoát ra được, cho nên ta đang tự nô lệ, mụ mẫm với chính tư duy của mình.
Liên quan đến vấn đề này, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi một ý trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà ông TBT Nông Đức Mạnh đã đọc và đăng trên các báo, bài có tựa đề “Tham vọng quyền lực làm hại thanh danh của Đảng” [3]; sau một loạt các trích dẫn về tư tưởng, đạo đức và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh…, là nội dung: “Người đứng đầu Đảng cũng cho rằng công cuộc xây dựng CNXH là công cuộc vĩ đại chưa có tiền lệ, vừa mở đường vừa tiến lên, có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ”.
Phải chăng, vì nó là “vĩ đại chưa có tiền lệ”, cho nên ĐCSVN nhất quyết đi một con đường riêng, khác với gần như tất cả các nước trên thế giới để “vừa mở đường vừa tiến lên”? Để hy vọng, nếu nó thành công thì Đảng CSVN sẽ trở nên… vĩ đại?
Theo nhật trình, ĐH XI có 8 ngày tổ chức Đại hội, trong đó có 5 ngày để bổ sung, hoàn thiện cương lĩnh, đường lối… thế mà hôm nay, Đảng CSVN còn đang loay hoay về vấn đề sở hữu!
Nếu được nói một lời với Đại hội, với Đảng CSVN, thì tôi xin được nói là:
XIN HÃY NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT!
16.01.2011
N.H.Q
Tài liệu tham khảo:
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
No comments:
Post a Comment